• Tác giả, Mỹ Hằng
  • Vai trò, BBC News Tiếng Việt
  • Bali, Indonesia
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Indonesia Jokowi tại G20 ở Bali hôm 16/11/2022

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Indonesia Jokowi tại G20 ở Bali hôm 16/11/2022

Một trong những ấn tượng mà Bali để lại cho chúng tôi trong thời gian tham dự Thượng đỉnh G20 là màu xanh của cọ, của biển, và mùi rác.

Khách sạn chúng tôi ở tại Nusa Dua – khu du lịch nổi tiếng chỉ cách Trung tâm Hội nghị Quốc tế nơi diễn ra thượng đỉnh G20 khoảng 30 phút đi bộ, nhìn ra Vịnh Crystal nên thơ và khu bảo tồn rừng ngập mặn yên tĩnh. Sẽ thật tuyệt nếu đứng ngắm hoàng hôn mỗi chiều từ ban công khách sạn.

Nhưng sự thi vị này nhanh chóng bị thực tế đè bẹp: Một bãi tập kết rác kề sát Vịnh Crystal nơi xe chở rác ra vào tấp nập đưa mùi rác tươi và mùi rác đang bị đốt cháy tới tận cửa phòng.

Không chỉ Nusa Dua, bãi biển Batu Bolong biểu tượng của Bali từ lâu đã phải đối mặt với phàn nàn từ khách du lịch rằng họ ngửi thấy mùi hôi thối.

Một Bali thiên đườngNguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một Bali thiên đường

Thống đốc Koster đã thông báo vào tháng 4/2022 rằng ông sẽ đóng cửa tất cả các bãi rác của Bali trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022, cũng là năm Bali chính thức thực hiện lệnh cấm nhựa sử dụng một lần.

Khoảng 900 - 2000 tấn rác từ Bali được đổ tại bãi rác Suwung ở Kuta mỗi ngày, rộng 30 hecta, cao 15 mét, khiến bãi rác này nhanh chóng đầy.

Trước G20, chính quyền Bali đã phải chật vật dọn sạch hòn đảo nhằm gây ấn tượng với chính khách quốc tế.

Nhưng dường như vẫn còn vài bãi rác sót lại, như bãi rác gần khách sạn của chúng tôi.

Điện than

Không những thế, Bali, hòn đảo của những vị thần, còn là nơi có nhà máy điện than gây tranh cãi.

Đó là nhà máy điện Celukan Bawang, nằm trong mạng lưới các nhà máy nhiệt điện than đang phát triển ở Indonesia.

Nhà máy điện Celukan Bawang được khai trương vào năm 2015, năm Tổng thống Jokowi tuyên bố chiến dịch "Thắp sáng Indonesia".

Nhiều nhà hoạt động môi trường đã tổ chức các chiến dịch phản đối nhà máy Celukan Bawang tăng công suất. 

Nhà báo BBC News, Jonathan Head, khi tới khu vực này ở phía bắc Bali trong thời gian diễn ra G20 đã bị cảnh sát chặn lại không cho chụp ảnh.

Ông Jonathan Head cho hay một nhóm các nhà hoạt động dự định đạp xe từ Jakarta tới Bali để bày tỏ lo ngại của họ đã bị ngăn không cho vào Bali.

Cơ hội thay đổi cho Indonesia

Các nguyên thủ trồng rừng ngập mặn tại G20 ở BaliNguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các nguyên thủ trồng rừng ngập mặn tại G20 ở Bali

Nhưng nay cơ hội để Indonesia trở nên xanh hơn, dễ thở hơn, thu hút được nhiều khách du lịch bền vững hơn, đã tới.

Tại G20 năm nay ở Bali, Indonesia đã ký thoả thuận đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo trị giá 20 tỷ USD.

Thoả thuận này (Just Energy Transition Partnership – gọi tắt là JETP) nhằm giúp các nước phát triển giảm phụ thuộc vào điện than – loại năng lượng ‘bẩn’ gây hiệu ứng khí nhà kính và góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Theo thoả thuận, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Đan Mạch, Liên minh Châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Na Uy và Vương quốc Anh –- sẽ cung cấp tổng cộng khoảng 10 tỷ USD Mỹ dưới hình thức cho vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại và vốn chủ sở hữu cho Indonesia. Các tổ chức tài chính toàn cầu tư nhân, trước đó đã cam kết hỗ trợ đầu tư, hu xếp phần còn lại, các quan chức Hoa Kỳ cho biết.

Indonesia đã cam kết đảm bảo lượng khí thải từ ngành điện của nước này bắt đầu giảm vào năm 2030.

Nước này đẩy mạnh mục tiêu làm cho toàn bộ ngành sản xuất điện không có khí thải vào năm 2050.

Nam Phi là quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận JETP hội nghị khí hậu COP26 năm ngoái ở Glasgow.

8,5 tỷ USD sẽ được các nước phát triển tài trợ cho Nam Phi để đóng cửa ngành công nghiệp than, chuyển sang năng lượng sạch.

 Khác với Nam Phi – nơi các nhà máy điện than đang đi vào giai đoạn cuối, các nhà máy điện than ở Indonesia chỉ vừa mới được xây dựng, vận hành, với vốn đi vay.

Mới đây, Indonesia cho biết sẽ tiếp tục sử dụng than cho đến năm 2056, song song với quá trình loại bỏ dần.

Bao giờ đến lượt Việt Nam?

Sau Nam Phi, Indonesia là nước thứ hai ký thoả thuận JETP.

Câu hỏi đặt ra là bao giờ sẽ đến lượt Việt Nam?

Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ là ba nước mà nhóm G7 và các nước đối tác của nhóm này đã đề nghị tài trợ lên đến hàng tỷ USD để 'cai nghiện' điện than.

Các đối thoại với Việt Nam và Indonesia đã đạt được bước tiến, với gói tài trợ tiền mặt ban đầu được đề nghị là khoảng 5 tỷ USD cho Việt Nam và 20 tỷ USD cho Indonesia.

Năm ngoái, tại COP27 ở Glasgow, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt 'net zero' vào năm 2050 và sẽ ký cam kết tham gia JETP năm nay.

Tuy vậy, đến nay Việt Nam chưa công bố kế hoạch, lộ trình cụ thể nào để cắt giảm điện than.

Tại COP27 mới đây ở Ai Cập, Việt Nam đã kêu gọi Vương quốc Anh, Liên hiệp châu Âu và nhóm G7 hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến về năng lượng gió và mặt trời.

Thế nhưng, chỉ trước đó không lâu, ngành điện lực Việt Nam – do nhà nước độc quyền - đã ngưng mua điện mặt trời từ nhà máy Trung Nam - Thuận Nam ở tỉnh Ninh Thuận.

Việc cắt giảm một nửa công suất tiêu thụ điện mặt trời có hiệu lực từ ngày 1/9 đã khiến tập đoàn Trung Nam đứng trước nguy cơ phá sản, heo một bức thư Tập đoàn Trung Nam gửi Bộ Công Thương mà Reuters được tiếp cận.

Chưa hết, trước đó nữa, Đảng Cộng sản đã cho bỏ tù bốn nhà hoạt động môi trường, trong đó có anh hùng khí hậu Nguỵ Thị Khanh – người nhiều năm qua đã tích cực vận động để Việt Nam bỏ dần điện than, chuyển sang năng lượng sạch.

Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về điện than trong số các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong. Nhiều nhà máy điện than đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là do Trung Quốc đầu tư.

Đến năm 2020, điện than của Việt Nam đã tạo ra năng lượng nhiều bằng tất cả các nguồn khác cộng lại. Điện than cũng thải ra 126 triệu tấn CO2, tương đương một nửa lượng khí thải của Việt Nam.

Hiện Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào các nhà máy điện than tại Việt Nam.

Vào tháng 9/2021, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ chấm dứt xây dựng mới các dự án than ở nước ngoài, nhưng theo số liệu do bà Flora Champenois từ tổ chức Global Energy Monitor cung cấp cho BBC, tới nay vẫn còn ít nhất 5 nhà máy điện than do Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam đang hoạt động và việc Trung Quốc ngưng đầu tư vào các nhà máy này vẫn chưa rõ ràng.

Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry hồi tháng 9 cho biết tại Hà Nội rằng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đã lắp đặt của Việt Nam quá thấp.

Trong khi đó, các nước phát triển đã nhắc rằng nếu Việt Nam nỗ lực tham gia vào quá trình chuyển đối sang năng lượng sạch thì có thể được đầu tư thêm tiền.