Kẻ cắp bà già gặp nhau

Thứ Ba, 08 Tháng Mười Một 20226:00 SA(Xem: 1966)
Kẻ cắp bà già gặp nhau

truong_01 

Vụ một phụ huynh vác dao vào trường bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi đang xôn xao dư luận. Càng xôn xao hơn khi phụ huynh này bị bắt giam vì tội làm nhục người khác. Người phụ huynh ấy tên là Điệp.

"Tại cơ quan điều tra, Điệp khai trưa cùng ngày, sau khi đi dự đám cưới về, nghe hai con đang học tại trường Tiểu học Sơn Lâm kể về việc bị Hiệu trưởng gọi tên trong buổi chào cờ vì phụ huynh chưa đóng bảo hiểm y tế nên bức xúc, gây ra vụ việc".

Tôi phê phán hành động bạo lực một cách nóng nảy, vội vã và nông cạn của phụ huynh này. Những gì anh ấy làm sẽ bị trả giá và chịu sự phán xét của pháp luật cùng dư luận.

***

Nhưng, cũng phải xem nguyên nhân bắt đầu từ đâu? Có thể tránh được hậu quả tai hại đó không? Người chịu thiệt thòi và sang chấn nhất là ai?

Ông hiệu trưởng. Chính ông hiệu trưởng đã châm ngòi cho cuộc đối đầu bạo lực giữa phụ huynh và nhà trường. Còn phụ huynh là người gây chiến tiếp. Kẻ chín lạng, người nửa cân. Kẻ cắp bà già gặp nhau....

Viết đến đây, tôi nhớ lại thời đi học phổ thông cũng vài lần bị thầy cô bắt đứng lên (đứng tại chỗ) để phê bình vì nói chuyện riêng, vì "nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò".

Nói thực, bị phê bình, xấu hổ lắm. Tôi cúi gằm mặt xuống không dám nhìn ai. Giờ ra chơi không dám gặp bạn bè. về nhà không tự nhiên khi gặp bố mẹ, anh chị. Phải vài ngày sau mới trở lại trạng thái tự nhiên. Vài lần bị phê bình ấy vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Mới nghĩ: Mình mới chỉ bị thầy bắt đứng lên tại chỗ để phê bình còn thế. Huống hồ các bạn bị bắt lên đứng trước bảng phê bình trước lớp, hoặc đứng 15 phút ở xó lớp trong khi thầy vẫn giảng bài. Chắc chắn kinh khủng hơn là các bạn bị gọi lên đứng trước cờ, buổi sáng thứ Hai toàn trường chào cờ để thầy hiệu trưởng phê bình. Tôi còn nhớ, một bạn lớp bên xấu hổ quá, bèn bỏ học khi bị phê bình trước cờ. Bạn ấy không đến lớp nữa.

***

Quay trở lại vụ phụ huynh vác dao bắt hiệu trưởng quỳ, xin lỗi. Giá như ông hiệu trưởng chỉ gọi riêng các em nhẹ nhàng nhắc nhở. Tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh chưa đóng bảo hiểm y tế, chia sẻ, thông cảm và tinh tế trong hành xử với học trò, chứ không thể cứ nhăm nhăm bắt lỗi và phê phán, trừng phạt. Hoặc viết thư nhờ các em gửi về cho bố mẹ nói về chuyện đóng tiền bảo hiểm y tế, thì sự việc đã không diễn biến phức tạp như thế.

Các thầy hiệu trượng hãy nhớ rằng mọi hành động thô thiển, hách dịch của mình sẽ bị học trò bàn tán sau lưng, thậm chí sẽ mang theo cả cuộc đời và mỗi khi nhắc đến lúc trà dư tửu hậu hồi tưởng thời đi học, có thể được thông cảm, có thể bị học trò oán trách. Mà mấy chục năm sau, học trò đã trờ thành phụ huynh, nhiều người cũng sẽ lại làm thầy cô, hoặc đảm đương các vị trí tróng xã hội. Không cái gì qua mắt được tuổi thơ học trò.

***

Người bị quỳ thì cũng đã quỳ rồi, người bị bắt thì cũng bị bắt rồi. Chỉ thương mấy đứa trẻ sẽ bị sang chấn tinh thần, sẽ bị xấu hổ, ngượng ngùng, sẽ sống và đi học thế nào trước mắt bao nhiêu bạn bè.

Và, chúng sẽ nghĩ đến người cha, nghĩ đến người hiệu trưởng ra sao?

Người lớn sao cứ đẩy con trẻ vào vòng vây tâm lý căng thẳng và những sang chấn tuổi thơ khốn khổ.

Cả ngàn học sinh, những đôi mắt non tơ chứng kiến thầy hiệu trưởng quỳ trước lưỡi dao oan nghiệt thì không biết tâm hồn trong sáng của chúng sẽ ra sao?

Nỗi buồn càng nhân đôi khi đạo đức xuống cấp không phanh như thế.

Giá như ở nước ngoài thì ông hiệu trưởng ở hoàn cảnh như thế sẽ… từ chức!

SƯƠNG NGUYỆT MINH 06.11.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn