Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 237 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

Thứ Tư, 19 Tháng Mười 20225:38 CH(Xem: 2261)
Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 237 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

72

1. Điểm tin chiến sự

Bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết:

• Trong ngày, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân chiếm đóng tại các khu dân cư Ohirtseve và Dvorichna của khu vực Kharkiv; Belogorivka ở Luhansk Oblast; Novokalynove, Mayorsk, Odradivka, New York, Novomykhailivka, Nevelske, Opytne và Maryinka của vùng Donetsk.

Bình loạn : Ngày hôm qua như thế là một ngày khá là đáng chú ý với những nỗ lực tấn công của quân Nga ở một số hướng.

- Ohirtseve, đông bắc vùng Kharkiv, nằm trên biên giới Nga-Ukraine.

- Dvorichna, một làng nằm ở phía bắc thành phố Kupyansk.

Từ những thông tin “quân Nga tấn công ở đâu đó” chúng ta xác định được chính xác là địa điểm đó đang bị quân Ukraine chiếm giữ, nếu không thì… tấn công làm cái gì? Thực tế là gần như toàn bộ vùng phía đông bắc tỉnh Kharkiv đã được giải phóng, và với những thông tin Nga tấn công hôm qua có thể kết luận được rằng họ lại cố gắng tổ chức tấn công vào tỉnh Kharkiv nữa hay không – chưa đủ căn cứ.

Riêng với cá nhân tui hai mũi tấn công này khá đáng ngờ, cách nhau đến 100 ki-lô-mét theo hai đường T-2104 và T-2114. Riêng về đường chim bay hai địa điểm này đã cách nhau đến 77 ki-lô-mét, ngay cả việc dùng một vài đơn vị không quân hợp nhất để chi viện chiến trường cũng không hợp lý.

Tuy vậy, nếu xét thêm các thông tin về những vụ bắn phá cơ sở quân sự của Nga bên tỉnh Belgorod trong những ngày qua, thì cũng không có gì quá khó hiểu, đặc biệt là Dvorichna nằm ở một nút giao thông quan trọng, ngã ba đường của T-2114 và P-79.

Nếu như để đoán mò thì tui cho rằng đây là một trọng điểm giao thông quan trọng mà nhiều phương tiện khí tài của Ukraine qua lại và nó chỉ cách Valuyki của Belgorod có dưới 50 ki-lô-mét đường chim bay. Còn Ohirtseve thì như tiền đồn, nó đặt toàn bộ thành phố Belgorod trong tầm pháo, điểm xa nhất của thành phố về phía đông cũng chỉ cách có 45 ki-lô-mét đường chim bay.

Từ khi quân Nga bỏ chạy hồi tháng Chín ở Kharkiv, sau đó quân Ukraine giải phóng Kupyansk, trung tâm kho bãi, hậu cần của Nga ở Valuyki bị bắn phá nhiều lần, nhưng họ vẫn buộc phải dùng nó một phần nào vì các kho tàng ở xung quanh thành phố Belgorod vẫn còn rất nhiều. Do vậy họ vẫn phải dùng trục đường 14K-8 để tiếp vận cho chiến trường Luhansk, bất chấp bị bắn phá; song song với việc thiết lập những tuyến mới ở sâu sau hậu phương. Tui xin phép quay lại câu chuyện này sau.

Trên khu vực Donbas, Nga cũng tấn công ở một số hướng

- Bilohorivka, một làng vùng Luhansk cách rìa thành phố Lysychansk có hơn 6 ki-lô-mét.

- Ngoài ra quân Nga đã tấn công một loạt các điểm dân cư vùng Donetsk: Novokalynove, Mayorsk, Odradivka, New York…

Như vậy là, Surovikin đã bắt đầu làm việc và hắn đã ra lệnh. Chúng ta có thể hình dung là hắn quan tâm đến hai nhiệm vụ chính: trước mắt cần giải tỏa nhóm quân Ukraine đang áp sát và đe dọa thành phố Lysychansk, và tiếp tục gắng sức để có được chiến quả ở Bakhmut.

Tất nhiên câu chuyện vẫn sẽ tiếp tục là như thế: nếu không giải được bài toán xe tải, tức là hậu cần vẫn bị Ukraine đánh phá đều đặn thì họ vẫn sẽ chỉ tấn công trong vô vọng.

2. Các tin xung quanh

• Vào ngày 13 tháng 10, Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Châu Âu (PACE) với đa số phiếu đã thông qua một nghị quyết, trong đó công nhận Nga là một quốc gia có chế độ khủng bố. Đây là cách châu Âu đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa – máy bay không người lái khổng lồ của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự (bao gồm cả các tòa nhà dân cư) và các cơ sở hệ thống năng lượng nhằm kích động sự hoảng sợ và khiến ít nhất một số người Ukraine không có ánh sáng, nước và hơi nóng khi thời tiết lạnh giá đến.

• Thành phố Mátxcơva đã dừng các hoạt động bắt lính vì người dân đã bắt đầu có thái độ chống đối rõ rệt.

Thế là cú “động viên một phần” của Putox đã đặt thêm một chân vào… lịch sử. Lần trước cái chân là cú di tản ngoạn mục của cỡ 600.000 – 700.000 người Nga đi tứ tán, và bây giờ với cú này, bộ máy quân sự của Putox chỉ còn cái mông trên miệng hố. Theo tin chính thức, động viên đã bị dừng đầu tiên ở Daghestan (quê ông Ramzatov), sau đó đến Chechen, và bây giờ là Mátxcơva. Tương lai nó sẽ còn dừng ở nhiều vùng nữa, vì tâm lý chống động viên của người Nga sẽ tiếp tục lan rộng chứ không có dừng.

Đến đây thì cần phải nhắn các cháu dư luận viên của chú Lee Shimuo rằng, các cháu đã từng tin rằng khi Putox sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào đất mình, mà Ukraine (chắc chắn sẽ) tiếp tục đánh thì “coi như đụng vào đất thánh của Nga” và người Nga sẽ vùng lên bảo vệ Tổ Quốc như thời… Chiến tranh Vệ quốc. Khi tui kể chuyện này cho ông anh người Ukraine, anh ấy cười: tại sao lại có thứ lý luận ngu ngốc đến thế!

Đúng thật, đến thế kỷ XXI rồi vẫn có những suy nghĩ như của người Neanderthan vậy. Cũng như tuần trước một người nói: người Nga cuồng tín nhỉ. Tui bảo: người ta chẳng cuồng tín gì cả, riêng về cái đó thua quá xa cả người Tây Phi chứ so với người Hồi giáo thì chẳng bao giờ có cửa. Trước chiến dịch tuyên truyền của Putox kéo dài 15 năm vừa qua, người Nga cũng có nhiều người cảm thấy không cần nhớ đến quá nhiều đến cuộc Chiến tranh Vệ quốc nữa, vì họ cần có tương lai.

Những diễn biến vừa qua đã cho thấy: một cuộc Chiến tranh Vệ quốc không thôi là không đủ. Những lý lẽ của nó đưa ra không đủ lấp liếm cho một cuộc chiến tranh xâm lược đã lộ ra quá rõ ràng. Sẽ có rất nhiều người Nga không cần những vùng đất mới đó, với họ chúng không làm giảm giá bánh mì, trong khi chính những thứ họ thích là McDonald và ô tô phương Tây, thì không còn nữa. Cuộc chiến tranh quá cần thiết đặc biệt là cho rất nhiều người Tây Phi vốn chỉ tin vào “tính cách Nga” trong các tiểu thuyết về cuộc chiến tranh cách đây 80 năm.

pl_354

3. Trong những ngày vừa qua, Nga tăng cường sử dụng UAV của “một-răng” tấn công vào Ukraine trên diện rộng và gây tác hại không nhỏ:

- Thứ nhất, đánh thiệt hại cho hệ thống năng lượng Ukraine.

- Thứ hai, gây lo lắng trong cộng đồng người Việt Nam ủng hộ Ukraine.

Câu chuyện UAV và cả tên lửa hành trình, tui xin viết thêm đôi lời thế này. Đánh bằng cái gì thì đánh, việc xác định chính xác mục tiêu có giá trị có ý nghĩa quyết định, sau đó mới lựa chọn vũ khí sao cho nó có hiệu quả nhất. Chẳng hạn trong bộ phim bốc phét gần đây nhất của Tom Cruise họ cho máy bay tiêm-cường kích mang theo bom thông minh thả xuyên qua hàng vài lớp bê-tông để tiêu diệt mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất.

Trong rất nhiều phim Hollywood chúng ta thấy các mục tiêu quân sự của Liên Xô cũ bao giờ cũng nằm trong những boong-ke rất kiên cố, sâu hàng chục mét từ mặt đất xuống. Đó không phải là bịa mà là sự thật, chúng ta đã chứng kiến nhà máy thép Azovstal nó kiên cố và hệ thống hầm ngầm lằng nhằng như thế nào. Đó mới chỉ là nhà máy thép, như vậy trong các ngành kinh tế quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia, đều phải có những tiêu chuẩn như vậy.

Tuy thế vẫn có những công trình dân dụng được bảo vệ theo tiêu chuẩn… dân dụng, ví dụ các trạm biến thế đầu đường chỗ nhà chúng ta ở chẳng hạn, đó là những công trình phục vụ cho cuộc sống bình thường của thời bình. Bình thường một xã hội chưa thể chuyển hoàn toàn sang thời chiến thì những cái đó ở khắp nơi, nhưng nếu chiến tranh kéo dài đủ lâu, người ta sẽ chuyển sang các hình thức khác, ví dụ ẩn những mục tiêu đó đi dưới một dạng ngụy trang nào đó, các đường dây cần phải được ngầm hóa.

Với các công trình trọng điểm như nguồn phát điện thì hoàn toàn không dễ phá. Khi bị tấn công trên diện rộng, hệ thống có thể bị ngừng trệ ở một mức độ nào đó nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được trong một thời gian không quá dài. Trong trường hợp những công trình lớn hơn bị phá, ví dụ như cả tổ máy của nhà máy nhiệt điện hoặc phá đập thủy điện, thì câu chuyện sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.

Con số mà tổng thống Zelensky đưa ra là “Từ 10/10 Nga đã tấn công khoảng 30% hệ thống điện năng quốc gia” mang tính định lượng, nó có thể là phá 30% khả năng truyền tải. Trong khả năng truyền tải, nếu phá ở mức 22kV nó khác với mức 220kV còn phang vào đường 500kV Bắc Nam thì lại khác nữa. Còn nếu nói Ukraine có 12 nhà máy điện quan trọng và Nga phá mất 4 cái trong số đó không thể phục hồi được, thì câu chuyện là đại nghiêm trọng. Ở đây chúng ta không có căn cứ gì để khẳng định tính nghiêm trọng ở mức độ nào. Chúng ta chỉ có thể nghiên cứu cái… UAV xem khả năng của nó đến đâu.

Theo nhiều bác đã nghiên cứu hộ: UAV tự sát Iran, tên cúng cơm là “Shahed-136” và sang Nga nó có thêm tên “Gerand-2” dài cỡ 3 mét rưỡi, bay từ 130 đến 150 ki-lô-mét/giờ và mang theo lượng nổ khoảng 40 ki-lô-gam. Nếu so với đạn pháo 152 mm của Nga hiện nay, lượng nổ nó mang theo gấp khoảng 1,5 – 2 lần, nhưng các chuyên gia quân sự người ta vẫn cho rằng hiệu quả của nó thua xa một quả pháo 152 mm. Tại sao vậy?

Vì nó bay chậm nên nó hầu như không có được động năng như một quả pháo, vì đầu đạn pháo bay ra khỏi nòng có sơ tốc ít nhất gần 700m/s và khi được bắn cầu vồng, nó đạt độ cao tối đa và rơi xuống nên có động năng rất lớn. Tất nhiên UAV bay ở độ cao trên 1.000 mét rồi lao xuống với góc gần như thẳng đứng thì động năng cũng lớn không kém, nhưng sức xuyên của nó vẫn không thể bằng đạn pháo được.

Vậy có nên sử dụng vũ khí bộ binh và các vũ khí phi phòng không khác để chống nó không? Nên, và không nên. Nếu sử dụng vũ khí bộ binh ví dụ dùng súng trường tấn công Kalashnikov, thứ thông dụng nhất đi, vẫn có một số khả năng nào đó bắn nó không được. Lý do là viên chì bọc đồng tức đầu đạn súng trường có thể xuyên qua một vị trí không trọng yếu của UAV, và nó vẫn bay mà chẳng bị ảnh hưởng mấy.

Do vậy khi nó bay ở độ cao thấp (100 – 200 mét đổ lại) có thể bắn nó bằng súng trường nhưng nên nhiều người bắn, sẽ hiệu quả hơn vì nó có thể dính nhiều viên đạn một lúc và khả năng ăn đòn vào chỗ trọng yếu cao hơn. Ngoài ra khi nó bay thấp có thể dùng shotgun – bắn đạn ghém cỡ lớn (cái này hiếm) xác suất trúng đích cao hơn. Thực tế, cách tốt nhất là dùng một số loại súng cỡ lớn từ đại liên trở lên, như súng 12 ly 7 thì chắc chắn nó chết.

Một điểm nguy hiểm của việc sử dụng vũ khí bộ binh cá nhân chống nó, là khả năng sát thương cho người dân dưới mặt đất rất cao. Có một câu chuyện là trong hai ngày 01 và 02/05 năm 1945, có hàng trăm lính Hồng quân bị thương và một con số không nhỏ thiệt mạng vì… đạn súng bộ binh, do chính họ bắn lên trời mừng chiến thắng cách đó 1 – 2 ngày. Sau đó việc bắn lên trời bị nghiêm cấm và chỉ vài ngày sau họ tiến hành kiểm kê và cất trữ đạn, từ đó đạn dược bị ngừng phục vụ chiến tranh.

Việc tổ chức lưới lửa bằng các cỡ súng trong đó có vũ khí bộ binh cá nhân, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh một khu vực được sơ tán triệt để, những người ở lại được chuẩn bị hầm hào tốt. Với một thành phố còn đông dân cư và chỉ dùng hệ thống tàu điện ngầm làm chỗ trú ẩn chủ yếu thì dùng hàng vạn khẩu súng bắn lên trời là không phù hợp. Đó là chưa nói đến việc bắn trúng UAV thì miểng nó cũng rơi xuống đầu sau khi nổ trên không trung.

Vì vậy, cách chống UAV và cả tên lửa hành trình nói chung, quan điểm của… bộ đội Tây Phi là hợp lý: chủ yếu là phân tán các mục tiêu, ngụy trang kết hợp nghi binh để cho địch lãng phí đạn vào các mục tiêu giả… phương pháp bắn hạ chỉ khi tập trung bảo vệ các mục tiêu trọng yếu thôi. Đạn phòng không, nhất là tên lửa phòng không không phải dùng để hạ UAV cũng như tên lửa hành trình, mà nên được dùng để… bắn máy bay, là mục tiêu có giá trị cao và tác động lớn đến tâm lý đối phương.

Câu chuyện của UAV “một-răng” hiện nay ở chỗ là nó rẻ, do đó việc sử dụng những vũ khí phòng không cao cấp vốn được dành cho phòng thủ trước những cuộc tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật hoặc máy bay là không thỏa đáng. Đây cũng là âm mưu của người Nga muốn làm kiệt quệ kho đạn phòng không của Ukraine, sau đó họ sẽ đánh phá bằng những loại tên lửa cao cấp hơn, thậm chí tung những đòn tấn công mạnh bằng không quân.

Nhưng còn có một khía cạnh khác của câu chuyện là rõ ràng Nga cũng rất bí trong khả năng mang được đạn đến mục tiêu một cách chính xác – pháo binh coi như vứt đi, và các loại tên lửa biên chế pháo binh cũng đang tỏ ra quá hạn chế, đặc biệt là do đắt đỏ, tình báo yếu kém nên hiệu quả không là bao.

Với các loại UAV rẻ tiền thì câu chuyện trước sau cũng sẽ như thế này: khả năng xác định mục tiêu của nó chắc chắn sẽ bị hạn chế, và người ta sẽ khắc chế bằng các chiến thuật như tui đã báo cáo: phân tán, ngụy trang, nghi binh và chỉ bắn hạ khi thật cần thiết. Đánh giá chung, thì việc Nga sử dụng thế chứ sử dụng nữa các loại kamikaze không đem lại bước ngoặt khả quan nào trên chiến trường cả. Chẳng hạn hiện nay họ đang chết dở vì M777 và HIMARS, thì liệu có cách nào đem nó đi diệt được những thứ đó khi mà người bình thường nhìn thấy được nó đã rất khó khăn? Khéo rồi lại đi diệt HIMARS bằng gỗ thì có thể.

Tình cờ hôm kia tui đọc ý kiến của một thằng dư luận viên Pro-Putox nó viết: ngon rồi, bây giờ đem UAV cảm tử đi diệt nhà máy điện xong xuôi, sẽ quay lại chiến trường diệt… HIMARS. He he, mỡ đấy mà húp. Bố thằng dở hơi.

Tui còn nhớ ông cụ nhà tui kể: hồi 1972 cụ làm cho một cơ quan chuyên lo việc nhập hàng từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em về, lắm lúc nhiều đến mức để đầy ngoài đường bên Đông Anh, đến mức cụ Tạ Đình Đề ở cơ quan bên cạnh tổ chức cho anh em đi vác về dùng… he he. Ga Đông Anh là nơi tập trung rất nhiều hàng hóa máy móc dân sự, còn hàng quân sự thì đâu đó bên Yên Viên cơ.

Khi 12 ngày đêm xảy ra, Mỹ họ đánh một phát tan luôn cả khu vực tập trung máy móc ở ga Đông Anh, chi tiết máy bay ra ruộng cách đó vài ki-lô-mét vẫn tìm thấy. Ấy thế mà đạn tên lửa, hàng quân sự thì chẳng bao giờ người Mỹ đánh trúng cả dù tàu hỏa liên vận và cả tàu Hải Phòng lên vẫn chạy hàng ngày. Đó là do công tác bảo mật của ta tốt, và chiến thuật chuyển hàng, bốc dỡ hàng, phân tán về các đơn vị cũng hết sức thông minh.

Đến Việt Nam còn thông minh thế thì người Ukraine cũng phải được một chín một mười chứ các bác nhở, he he.

Về số lượng, đợt đầu “một-răng” chuyển 1.000 các loại, đợt sau thêm cỡ từng đó nữa, đến hơn, nôm na là có khoảng dưới 3.000 kamikaze. Chúng ta hãy cùng hình dung, hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai do thiếu bom và nhiên liệu, Đức đã dùng các máy bay ném bom Junker chứa đầy thuốc nổ, chỉ nạp đủ xăng để cất cánh sau đó được máy bay tiêm kích Messersmith và Fokker Wulf kéo sang đất đối phương và… kamikaze vào mục tiêu, nhưng chẳng có tác dụng gì. Vì khi đó tình báo Đức đã rất yếu kém, hoang mang và gần như tê liệt nên không xác định được mục tiêu trọng yếu.

Cách tấn công này cũng như UAV “một-răng” hiện nay chỉ để gây những vụ nổ lớn, phá nhà cửa của dân chúng thì tốt. Nó khác việc sử dụng Bayraktar hay xịn hơn, MQ-9 để bắn tên lửa vì họ có hỗ trợ từ hệ thống vệ tinh và bản thân những thiết bị bay đó hệ thống quan sát, ngắm bắn, khóa mục tiêu… của chúng cũng rất xịn.

Cái ngu của dư luận viên Pro-Putox là không nhận ra tính bế tắc của giải pháp. Dù làm gì thì Nga cũng không thể ngăn được quá trình Ukraine sử dụng các vũ khí công nghệ mới để phá một cách có hệ thống vào tử huyệt của người Nga: hậu cần và mạng lưới chỉ huy tác chiến. Cho đến nay bản thân tên Sergey Surovikin cũng chỉ cho thấy việc sử dụng UAV và bắn phá một cách bế tắc, chứ chưa có gì cách mạng cả.

Sau 6 ngày, người Ukraine đã bắn hạ được 223 cái “Shahed-136,” cùng số đã nổ thì vào cỡ 10% số UAV loại này Nga có. Trong một số ngày tới nếu họ còn sử dụng nó với tần suất cao, cùng với khả năng rút kinh nghiệm của người Ukraine thì chắc chắn số bị diệt hàng ngày sẽ tăng lên theo gia tốc dương.

4. Về những thiệt hại nhân mạng cả hai bên, từ đầu chiến tranh tui đã đôi lần viết ắt hẳn nhiều bác còn nhớ: giới chức lãnh đạo quân sự Ukraine cố tình giảm con số thương vong và tử trận của quân Nga. Ở đây cần nói chính xác là lực lượng ly khai Donbas cũng chiếm con số không nhỏ trong thành phần quân đội xâm lược.

Tui cũng đã từng báo cáo các bác về khả năng xác định khá chính xác số lượng đạn pháo người Nga đã dùng sau trận đánh bằng công nghệ hiện đại. Chuyện này thì trong quá khứ quân đội Xô-viết người ta đã làm rồi, nhưng bằng sức người. Bản thân Việt Nam ta cũng áp dụng khi đếm số lượng bom người Mỹ ném xuống sau mỗi trận oanh kích, bao nhiêu bom nổ bao nhiêu bom xịt phải biết để còn đi phá. Bây giờ với vệ tinh quét 24/7 thời gian thực, việc này không quá khó khăn.

Chắc chắn việc xác định tử vong mỗi bên cũng không quá khó với công nghệ hiện nay.

Việc “cố tình giảm” này với người Ukraine là có lý do. Tui có kể với vài bác là tui chat với mấy bạn là bộ đội Ukraine, họ kể vẫn có người nhà ở Donbas, trong vùng Nga chiếm… Trong những người Ukraine người “chỉ nói tiếng Nga” (nhiều người trong số họ vẫn 100% dòng máu Ukraine) chiếm tỉ lệ không nhỏ. Bản thân bộ trưởng quốc phòng Ukraine hiện nay là người Donbas.

Vì vậy với người Ukraine, có lẽ thông báo số lượng người Nga chết lớn, thực sự chẳng vui vẻ gì nên nếu nói “giới chức Ukraine có tuyên truyền trong cuộc chiến này hay không?” thì phải nói là có. Nhưng trước hết người ta lột trần bản chất vô nhân tính của bè lũ Putox và các tội ác của chúng đã làm; và hầu như chúng ta không thấy việc tuyên truyền cho việc tàn sát lính Nga, dù chỗ này chỗ khác trên mạng xã hội vẫn thấy có, nhưng chính sách chính thức thì không có.

Chuyện này liên quan đến việc hôm 15/10 tui viết: “Về con số có thể tính toán tương quan thiệt mạng về nhân lực hai bên: 1/2 (Ukraine 1, Nga 2) lúc cao điểm của “phase 2”, tức là hôm nào ác liệt quân Ukraine mất 200 thì quân Nga mất 400… trung bình thì có thể dùng con số tỉ lệ 1/4 (thường ngày người Ukraine mất 70-75, Nga mất 300) nhưng với cách đánh phổ biến của Ukraine hiện nay là bào mòn: (1) Đánh vào các kho đạn (2) Đánh vào các trung tâm chỉ huy và doanh trại lớn (3) Chỉ khi nào bào mòn tới tầm, nghĩa là “đánh phải đảm bảo nó chạy, đã đánh là chạy” thì tỉ lệ càng ngày càng trở nên phổ biến là 1/10.”

Các bác có thể đọc lại ở đây.

Và ngày 17/10 bà thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar phát biểu: “Tỉ lệ tổn thất của quân Nga và quân Ukraine ở hướng nam là Ukraine1/ Nga 6,5. Giới hạn quan trọng ở tỉ lệ tổn thất là 1 trên 8, do đó quân đội đối phương sẽ suy sụp về mặt tâm lý.”

Chúng ta tin ở cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Ukraine và xác định sát cánh cùng họ vì hòa bình – điều này cũng đồng nghĩa với việc phải loại bỏ những suy nghĩ khát máu và hiếu chiến. Thái độ đó, dù có là ủng hộ Ukraine nhưng rõ ràng nó không có ích cho cuộc đấu tranh vì hòa bình. Trong khi người Ukraine tỏ ra rất nhân đạo, kêu gọi lính Nga hoặc đầu hàng, hoặc bỏ chạy… thì vẫn có rất nhiều người Việt mong muốn họ bao vây và tiêu diệt cho thật nhiều.

Riêng trong câu chuyện này, có thể tin hay không tin, tui chưa bao giờ có ý định cố thuyết phục các bác phải tin tui hay công nhận tui nhất quyết phải là đúng. Tuy vậy một khi đã báo cáo các bác, điều đó có nghĩa là tui không được phép bịa ra và nguồn thông tin có thể kiểm chứng được.

Với một số người tỏ ra không tin tỉ lệ tử vong của binh lính hai bên được bà thứ trưởng báo cáo, nhiều khi không phải là tin/không tin ở con số mà là thái độ coi thường, nghi ngờ tính nhân đạo, nhân bản, vì con người… bao giờ cũng có ở một cuộc chiến nào đó, khi ở bên này, khi ở bên kia và có khi có ở cả hai bên. Chúng ta ủng hộ hòa bình với tư cách là những con người văn minh, không phải giống mọi rợ. Tui mong muốn những người là độc giả của tui chia sẻ cùng một suy nghĩ: những kẻ phải chịu trách nhiệm với cuộc chiến này là Putox và bè lũ phản động ủng hộ hắn, không phải nước Nga, càng không phải là người Nga.

5. Một số nhận xét chung và đoán mò

Như vậy Surovikin cũng đã có những mệnh lệnh chiến đấu nhất định, ngoài việc hắn nhậm chức gắn liền với chiến dịch oanh kích ồ ạt bằng tên lửa và UAV tự sát. Tuy nhiên, ngoài vụ oanh kích ồ ạt này là còn có vẻ “chiến lược”, hắn chưa cho thấy được có thể có được một ý tưởng nào đó dẫn đến một thay đổi có tính bước ngoặt trên chiến trường.

Do tình báo và trinh sát không đủ thông tin chính xác (tui không muốn nói là yếu kém), việc Nga dù đã cố gắng để có được thứ vũ khí mà họ coi  như là cái phao cứu sinh – các UAV của Iran, nhưng vẫn không thể tiêu diệt được thứ đã đem lại bước ngoặt của cuộc chiến: tiêu diệt HIMARS và M777, cũng như các loại pháo tầm xa có độ chính xác cao của Ukraine. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc họ phải dùng những thứ vũ khí này để tấn công vào những mục tiêu có sẵn data, dễ xác định.

Tuy vậy, còn một câu hỏi nữa đặt ra cho người Nga: liệu chỉ tiêu diệt HIMARS, là họ có thể giải được rốt ráo bài toán xe tải? Chúng ta cùng hình dung là qua 7 – 8 tháng chiến tranh, đến giờ phút này thì lượng xe tải và cả các toa xe hỏa của họ đã đến tầm hỏng, và năng lực sửa chữa của họ đến đâu là một dấu hỏi to phạc.

Hôm trước có bác thắc mắc: tại sao các xe tải của Nga bị bỏ lại trên chiến trường toàn bị xịt cả 3 lốp (đó là nhìn một bên với xe tải 3 cầu, chứ nếu nhìn cả hai bên thì có khi còn xịt cả 6 bánh luôn á) – chẳng nhẽ người Ukraine họ bắn xịt tất cả các lốp à? Cũng có thể, nhưng câu giải thích đơn giản nhất là nếu xe tải quân sự mà dùng lốp chất lượng thấp, mua hàng Tàu đểu chẳng hạn, trên chất nặng lại gặp đường xấu, cố chạy nhanh cho qua trọng điểm, túi bom… thì có mà vỡ tất cả các lốp. Nó chỉ cần vỡ một cái, thì sẽ vỡ tiếp cái thứ hai cho đến hết vì tải trọng lên những lốp còn lại sẽ ngày càng tăng.

Thời gian qua, cái trọng điểm Valuyki như thế đã được chiếu cố hòm hòm, như vậy Nga nhiều khả năng sẽ giảm dần cho đến… không dùng nó nữa. Như vậy họ sẽ dùng trục đường nào thay thế? Họ dùng tuyến đường sắt Voronezh-Zhuravka-Millerovo. Chúng ta cùng nhìn lại, từ năm 2014 Nga đã bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt Zhuravka-Millerovo dài 137 ki-lô-mét và điều đáng nói là nó có 24 ki-lô-mét chạy trên lãnh thổ Luhansk của Ukraine, khi đó nằm trong đất của bọn ly khai. Như thế có thể nói là dã tâm xâm lược của Nga đã có từ 2014 rồi.

Ngày 11/10 vừa qua, một chuyến tàu từ Minsk đến Voronezh qua Zhuravka và điểm cuối là Millerovo chở trên lưng nó 18 xe vận tải Ural và 8 cái xe tăng T-72A của Belarus chi viện cho quân đội Nga. Từ Millerovo, những chiếc xe này sẽ chạy tiếp đến thành phố Luhansk để vào trận.

Điều đáng nói là với những địa điểm mà quân Ukraine đã giải phóng được hiện nay ở Luhansk và Donetsk, thì cả Zhuravka lẫn Millerovo đều… có khoảng cách vừa xinh 150 ki-lô-mét đường chim bay. Vì thế phụ thuộc vào tiến độ nhận cái loại HIMARS gì đó có tầm bắn 150 ki-lô-mét mà quá trình “bào mòn” lại tiếp tục. Cần phải nói chính xác là khi đó toàn bộ tuyến đường M-4 (từ Voronezh đi Zhuravka-Millerovo) từ khoảng một nửa đường xuống phía nam, cùng hệ thống đường sắt sẽ nằm trong tầm HIMARS.

Đó chính là những cơ sở để giải phóng Luhansk và Donetsk trong tương lai.

Còn về thành phố Kherson và vùng xung quanh nó ở hữu ngạn, thì chỉ còn là vấn đề thời gian thôi chứ gì. 

Mới nhất, vào lúc 15h30 (giờ Hà Nội) ngày 19 tháng 10, tại huyện Berislav của vùng Kherson, một đơn vị thuộc lữ đoàn tên lửa phòng không Kherson thuộc Bộ tư lệnh phòng không “miền Nam” thuộc Lực lượng Phòng không thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn hạ một chiếc Trực thăng tấn công Ka-52 của quân chiếm đóng.

PHÚC LAI 19.10.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn