Ales Bialiatski

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Ales Bialiatski

Nhà hoạt động nhân quyền người Belarus Ales Bialiatski đang bị bỏ tù, và tổ chức nhân quyền Memorial của Nga cùng với tổ chức nhân quyền Ukraine Trung tâm Tự do Dân sự đã được tuyên dương với giải Nobel Hòa bình 2022 hôm thứ Sáu.

Ủy ban Nobel Na Uy tại Oslo đã đưa ra thông báo vào thứ Sáu, cho biết giải thưởng đã thuộc về ''ba nhà vận động xuất sắc về nhân quyền, dân chủ và chung sống hòa bình ở các nước láng giềng Belarus, Nga và Ukraine.'' 

Ủy ban Nobel Na Uy nói: "Những người đoạt giải Hòa bình đại diện cho xã hội dân sự ở nước sở tại. Họ đã thúc đẩy quyền chỉ trích quyền lực và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong nhiều năm."

Người đứng đầu ủy ban Nobel Na Uy, Berit Reiss-Andersen, nhận xét: "Họ đã nỗ lực xuất sắc để ghi lại tội ác chiến tranh, vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực. Họ cùng nhau chứng minh tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với hòa bình và dân chủ.”

Người chiến thắng năm ngoái là nhà báo Dmitry Muratov của Nga và Maria Ressa của Philippines.

Ales Bialiatski là ai?

Ales Bialiatski là một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Belarus, hiện đang bị giam trong tù mà không qua xét xử. 

Ông Bialitski, 60 tuổi, là người sáng lập Trung tâm Nhân quyền Viasna (Mùa xuân) của đất nước, được thành lập vào năm 1996. 

Ông phản đối cuộc đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình trên đường phố của nhà lãnh đạo độc tài của Belarus Alexander Lukashenko. 

"Ông ấy đã cống hiến cả cuộc đời của mình để thúc đẩy dân chủ và phát triển hòa bình ở quê nhà", ủy ban giải thưởng Nobel cho biết. 

Ông Bialitski lần đầu tiên bị bắt và bỏ tù vào năm 2011-14 vì tội trốn thuế mà ông luôn phủ nhận. 

Ông đã bị bắt giữ một lần nữa vào năm 2020 sau các cuộc biểu tình lớn về điều mà phe đối lập nói là các cuộc bầu cử gian lận ở Belarus đã giữ ông Lukashenko nắm quyền. 

Ủy ban cho biết: “Bất chấp những khó khăn cá nhân to lớn, ông Bialiatski đã không nhượng bộ một chút trong cuộc chiến đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Belarus.”

Memorial đã bị Nga đóng cửa

Memorial được thành lập vào năm 1987 và sau khi Liên Xô sụp đổ, đã trở thành một trong những cơ quan giám sát nhân quyền nổi bật nhất của Nga.  

Họ tập trung vạch trần những lạm dụng và tàn bạo của thời kỳ Stalin. 

Nhóm này đã bị tòa án Nga đóng cửa vào năm ngoái.

Kể từ đó, Memorial đã thành lập một nhóm mới, Memorial, Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền, hoạt động mà không có tư cách pháp nhân.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Văn phòng Memorial ở Moscow, ảnh cũ 2013

Còn Trung tâm Tự do Dân sự có trụ sở tại Kyiv, được thành lập vào năm 2007, đã hoạt động để củng cố xã hội dân sự của Ukraine đồng thời thúc đẩy hơn nữa pháp quyền và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Giải Nobel Hòa bình được trao như thế nào?

Mỗi năm, ủy ban cho phép đề cử từ một nhóm lớn các chuyên gia, chẳng hạn như học giả, nhà lập pháp và những người đã nhận trước đó. 

Người chiến thắng được mời đến Na Uy để thuyết trình và nhận giải thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (gần 900.000 USD; 917.000 Euro).

Giải thưởng hòa bình được trao cho những người đã "làm nhiều nhất hoặc tốt nhất cho tình huynh đệ giữa các quốc gia." 

Tuy nhiên, giải thưởng này không phải là không có tranh cãi, vì trước đây đã được trao cho những cá nhân bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. 

Đây là giải Nobel duy nhất không được trao ở Thụy Điển mà được trao tại Oslo bởi chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, với sự tham dự của Vua Harald V của Na Uy.

Alfred Nobel đã thành lập giải thưởng trong di chúc của mình trước khi ông qua đời vào năm 1896.  

Alfred Nobel (1833-1896) sinh ra tại Stockholm, Thụy Điển.

Ông để lại phần lớn số tiền của mình cho việc thành lập "giải thưởng cho những người, trong năm trước đó, mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại" trong ngành vật lý, hóa học, y học, văn học, và hòa bình.

Alfred Nobel, người phát minh ra thuốc nổ và vật liệu nổ quân sự, đã lập nên giải thưởng nổi tiếng để ông có thể để lại di sản tốt hơn sau khi bị chỉ trích vì "tìm cách giết nhiều người nhanh hơn bao giờ hết."

Các giải Nobel khác của năm 2022

Giải Nobel Y học 2022 ngày 3/10 vinh danh nhà di truyền học tiến hóa người Thụy Điển Svante Pääbo "về những khám phá liên quan đến bộ gene của tông người đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của con người".

Ủy ban Nobel của Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm nói: "Bằng cách tiết lộ những khác biệt về gene giúp phân biệt người sống với các loài giống người đã tuyệt chủng, khám phá của Paabo cung cấp cơ sở để khám phá điều gì khiến chúng ta trở thành con người độc nhất vô nhị."

Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 4/10 công bố chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 2022.  

Họ nêu tên các nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo).

Ba vị được ca tụng nhờ "các thí nghiệm với các photon vướng víu, thiết lập sự vi phạm các bất đẳng thức Bell và tiên phong trong khoa học thông tin lượng tử".

Về giải Nobel Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố ba nhà khoa học Carolyn R. Bertozzi (Mỹ), Morten Meldal (Đan Mạch) và Karl Barry Sharpless (Mỹ) là chủ nhân.

Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển giải thích: “Sử dụng các phản ứng sinh trực giao, các nhà nghiên cứu đã giúp cải tiến các dược phẩm chữa ung thư, hiện đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng.”

Ngày 6/10, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải Nobel Văn học 2022 thuộc về nữ văn sĩ Pháp Annie Ernaux.

Bà được ca tụng "vì lòng dũng cảm và sự nhạy bén sắc lạnh bà sử dụng để khám phá ra gốc rễ, sự bất hòa và những hạn chế của ký ức cá nhân".

Giải Nobel Kinh tế không được nêu trong di chúc của Alfred Nobel.  

Nhưng giải kinh tế, có tên chính thức là Giải thưởng Sveriges Riksbank về khoa học kinh tế, được Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra năm 1968.

Giải Nobel kinh tế năm 2022 sẽ được công bố vào thứ Hai.

Lễ trao giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế được tiến hành tại Stockholm, Thụy Điển. 

Còn lễ trao giải Nobel Hòa bình diễn ra tại Oslo, Na Uy.