Bắc Kinh giữ bí mật về Tập Cận Bình khiến Trung Quốc 'càng khó lường hơn'

Thứ Năm, 25 Tháng Tám 20222:00 SA(Xem: 1754)
Bắc Kinh giữ bí mật về Tập Cận Bình khiến Trung Quốc 'càng khó lường hơn'
bbc.com

Bắc Kinh bưng bít thông tin về Tập khiến TQ 'càng khó lường hơn'


Tập Cận Bình

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tập Cận Bình xuất hiện trên màn hình lớn trong sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giờ đây thường được mô tả, không hề cường điệu, là "người đàn ông quyền lực nhất thế giới", nhưng rất ít bí mật về ông được chính quyền Trung Quốc tiết lộ.

Báo The Atlantic hôm 21/8 đăng bài viết về những bí mật của Tập Cận Bình, của tác giả Richard McGregor - thành viên cấp cao tại Viện Lowy của Úc.

Bài báo chỉ ra một số điểm khác biệt, mà đã tạo nên những bí mật của người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), so với các nhà lãnh đạo tư bản của phương Tây. Ví dụ, ông Tập không sử dụng Twitter và ông cũng chưa bao giờ tổ chức họp báo.

Tập Cận Bình là người đứng đầu ĐCS cầm quyền của Trung Quốc - một bộ máy chính trị khổng lồ, rộng lớn với 96,7 triệu đảng viên - nhưng ông không có thư ký báo chí. Văn phòng của ông ta cũng không thông báo trước các chuyến đi trong nước của ông.

Điều được các phương tiện truyền thông chính thức coi là các bài phát biểu quan trọng thường không được công bố cho đến nhiều tháng sau khi ông Tập phát biểu trên các diễn đàn kín. Thậm chí sau đó, các bài phát biểu được xuất bản có thể là chỉ là bản chỉnh sửa của các tài liệu đã được lưu hành nội bộ, hoặc đôi khi bị rò rỉ.

Cuối năm 2017, sau 5 năm nắm quyền, ông đã quyết định chọn người kế vị. Nhưng đến năm sau đó, ông Tập đã bãi bỏ các giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước, khiến ông kể như trở thành nhà lãnh đạo lâu dài.

Tác giả bài báo cho rằng không một cuốn sách trong nước hay nước ngoài nào nói về ông có thể giải thích rõ ràng việc ĐCSTQ chọn ông Tập là người được đề cử kế nhiệm Hồ Cẩm Đào vào năm 2007.

Có phải vì ông Tập được coi là độc lập với các phe phái cạnh tranh chính của đảng? Nguồn gốc gia đình cách mạng có giúp xoay chuyển lá phiếu ủng hộ ông ấy không? Hội đồng lão thành cách mạng của đảng có ủng hộ ông ấy không? Ai là người thành lập hội đồng lão thành? Trên thực tế, họ có bao giờ gặp nhau không?

Kiểm duyệt thông tin và truyền thông

Dưới thời ông Tập, cuộc chiến về lịch sử đã đạt đến một cấp độ khác, vừa phục vụ cho sự nghiệp của ông vừa để đảm bảo rằng đảng có thể ra lệnh cho bất kỳ phiên bản sự kiện nào mà họ cần để phù hợp với chính sách hiện hành, theo Richard McGregor.

Bài báo chỉ ra rằng các hạn chế chính thức đối với nghiên cứu cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc đã hạn chế quyền truy cập vào các kho lưu trữ của mình. Trong năm 2013, Bộ Ngoại giao đã đặt khoảng 90% tài liệu thu thập của họ ngoài quyền truy cập. Những kho lưu trữ đó hiện đã bị đóng cửa hoàn toàn với công chúng.

Việc thắt chặt quyền truy cập vào các nguồn, chính thức và không chính thức, song song với việc đưa ra một tội danh hình sự mới là "chủ nghĩa hư vô lịch sử" (historical nihilism), có thể được sử dụng để trấn áp bất kỳ tài liệu nào về lịch sử mà đảng không thích.

Năm 2021, cơ quan quản lý internet của Trung Quốc thông báo rằng họ đã xóa 2 triệu bài đăng có nội dung thảo luận "có hại" về lịch sử trên mạng xã hội như Weibo và WeChat.

Nó được coi là nhằm nâng đỡ ông Tập, xóa bỏ nguồn tin xấu về ông trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng diễn ra vào cuối năm 2021.

Truyền thông chính thức Trung Quốc cũng phải chịu sự chi phối của "ranh giới đỏ"; các nhà báo phải tuyệt đối "yêu Đảng, bảo vệ Đảng, phục vụ Đảng" và tuân thủ nguyên tắc "định hướng dư luận" nếu họ muốn được nhận các giải thưởng báo chí, bài báo trên The Atlantic thông tin thêm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021

Ảnh hưởng tới thế giới?

Là "người đàn ông quyền lực nhất thế giới" và đang trên đà chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba đột phá, thì việc bưng bít triệt để của Bắc Kinh có thể gây ra những hậu quả cho thế giới, Richard McGregor nhận xét.

Tác giả đặt ra một loạt câu hỏi giả thuyết, chẳng hạn, ông Tập sẽ đưa ra quyết định xâm lược Đài Loan như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội bị đẩy lùi? Bộ chính trị có thể bỏ phiếu bãi bỏ ông Tập không? Ông Tập có cảm thấy áp lực từ dư luận để chiếm hòn đảo không?...

Ông Tập từng nhiều lần phát biểu với quyết tâm cao sẽ thống nhất Đài Loan về với Trung Quốc.

"Không ai được đánh giá thấp quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định và khả năng mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phải hoàn thành nhiệm vụ lịch sử thống nhất hoàn toàn Tổ quốc, nhất định sẽ hoàn thành," ông Tập phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào tháng 10/2021.

Phát biểu này của ông nhẹ nhàng hơn một chút so với hồi tháng Bảy. Khi đó, trong bài phát biểu quan trọng cuối cùng của ông đề cập đến Đài Loan,ông thề sẽ "đập tan" bất kỳ nỗ lực nào nhằm giành độc lập chính thức cho Đài Loan. Năm 2019, ông trực tiếp đe dọa sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này vào tầm kiểm soát của Bắc Kinh.

Ngày nay, hầu như bất cứ điều gì Trung Quốc làm đều ảnh hưởng đến toàn cầu; tuy nhiên, các cuộc tranh luận nội bộ và quy trình ra quyết định của họ gần như bị che giấu hoàn toàn, vẫn theo bài báo.

Richard McGregor cho rằng sự kín tiếng của Trung Quốc về nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của họ "khiến Trung Quốc khó dự đoán hơn và thế giới trở nên nguy hiểm hơn".

Quyền lực Tập Cận Bình

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 8 tới 11/11/2021, ĐCS TQ đã thông qua một "nghị quyết lịch sử", củng cố địa vị của Chủ tịch, Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong lịch sử chính trị đất nước.

Hội nghị thông qua "Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng".

Thông cáo của Đảng nói: "Đồng chí Tập Cận Bình đã suy nghĩ sâu xa và phán đoán khoa học đối với một loạt lý luận quan trọng và vấn đề thực tiễn liên quan tới phát triển sự nghiệp của Đảng và nhà nước trong thời đại mới, đề xuất một loạt quan điểm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới về quản lý đất nước mang tính sáng tạo gốc về những đề tài quan trọng của thời đại như kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc như thế nào trong thời đại mới."

"Đảng xác lập vị thế hạt nhân của đồng chí Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và toàn Đảng, xác lập vị thế chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới," thông cáo cho hay.

Nguồn hình ảnh, ZHANG PENG

Kể từ khi thành lập đảng cộng sản, đây mới là lần thứ ba Trung Quốc có Nghị quyết đặc biệt đến vậy. Lần đầu tiên là được Mao Trạch Đông thông qua năm 1945 và nghị quyết thứ hai được Đặng Tiểu Bình thông qua năm 1981.

Giới quan sát phương Tây cho rằng Nghị quyết công bố ngày 11/11/2021 nhằm xác lập ông Tập ngang hàng với người sáng lập đảng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Tiến sĩ Chong Ja Ian từ Đại học Quốc gia Singapore cho rằng: "Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân chưa bao giờ có nhiều quyền lực như ông Tập."

Adam Ni, biên tập viên của China Neican, một bản tin về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, cho biết: "Ông Tập đang cố gắng hóa thân thành anh hùng trong sử thi về hành trình dân tộc của Trung Quốc."

"Bằng cách thúc đẩy thông qua một nghị quyết lịch sử đặt mình vào trung tâm của câu chuyện lớn về Đảng và Trung Quốc hiện đại, ông Tập đang thể hiện quyền lực của mình. Nhưng nghị quyết cũng là một công cụ giúp ông giữ quyền lực," ông Adam Ni nói
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn