Partition: 75 năm cuộc chia đôi đẫm máu Ấn Độ - Pakistan

Thứ Ba, 30 Tháng Tám 20221:00 SA(Xem: 1364)
Partition: 75 năm cuộc chia đôi đẫm máu Ấn Độ - Pakistan
bbc.com

Partition: 75 năm cuộc chia đôi đẫm máu Ấn Độ - Pakistan

Nguyễn Giang

BBC News Tiếng Việt, London

Bibita Sharma
Chụp lại hình ảnh,

Nhà báo của đài truyền hình BBC News, Babita Sharma đã có cuộc hành trình về quê cha đất tổ tại Ấn Độ để tìm hiểu chủ đề Cuộc Chia cắt 1947

Dịp 75 năm ngày Ấn Độ thuộc Anh giành độc lập được đài BBC kỷ niệm bằng nhiều bài, phim tài liệu nhiều giá trị lịch sử và đầy nước mắt.

Loạt bài nêu lại bài học của việc phân chia lãnh thổ cựu thuộc địa làm sao có trách nhiệm, không để xảy ra thảm họa giết chóc như năm 1947.

Các sự kiện trên đài báo ở Anh nhắc lại tháng 8/1947 và sự chia cắt đẫm máu của vùng Punjab thành hai phần: dân Hồi giáo bị dồn về phía Tây thuộc Pakistan và dân Ấn giáo, đạo Sikh ở phía Đông thuộc về nước Ấn Độ độc lập.

Nhân đây cũng cần giải ảo cái gọi là “thành công của thực dân Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ không gây đổ máu” – so với Pháp, như điều tôi được nghe khi còn ở Việt Nam.

Làm quá vội vàng, không chuẩn bị

Một bài trên The Conversation ba năm trước đã buộc tội Hoàng gia Anh, cụ thể là Lord Mountbatten “phạm lỗi gây ra tắm máu" (bloodbath of partition of British India) và ghi lại chính lời sử gia Stanley Wilpert rằng đó là cuộc Tháo chạy ô nhục của Anh (bài gốc tại đây).

Các phim ảnh tuần qua ở Anh nhắc lại thực tế rằng Anh Quốc cũng kiệt quệ như Pháp sau Thế Chiến II ở châu Âu, và thủ tướng thời chiến, Winston Churchill không hề muốn “mất Ấn Độ”, hòn ngọc trên Vương miện Anh, nói một cách hình ảnh.

Nhưng đến năm 1947, Anh quốc đã hết tiền để duy trì bộ máy thuộc địa gồm nhiều quân lính Ấn, sĩ quan Anh, gồm hệ thống công chức, hỏa xa, cảng biển... Chưa kể, để trấn áp làn sóng đòi độc lập dâng lên, Anh sẽ còn phải bỏ tiền thêm nữa vào Ấn Độ. Sự tham chiến của hai triệu quân người Ấn trong Thế Chiến II, giúp Anh bảo vệ đế chế là món nợ Anh phải trả.

Tóm lại, không phải chính phủ Anh hảo tâm – vẫn theo chính các kênh của BBC News phỏng vấn nhiều sử gia Anh về năm 1947 – mà vì không nuôi nổi các quan chức thuộc địa, nên họ phải rút, đúng ra là tháo chạy.

Cách làm của London thật sự là lạnh lùng, vô trách nhiệm, tới mức gián tiếp để xảy ra tội ác.

Phó vương Ấn Độ – Lord Mountbatten được cử sang Dehli với nhiệm vụ đàm  phán trong 10 tháng với các lãnh tụ đòi độc lập người Ấn: Jawaharlal Nehru (Hindu), và Mohamed Ali Jinah (Hồi giáo).

Xin nhắc vào thời điểm đó, Thánh Gandhi bị cho ra rìa từ lâu, vì các phái elite Ấn và Hồi giáo coi ông như một tay khùng, đòi bất bạo động mà mong thực dân Anh trả độc lập.

Hai phe Hindu và Hồi giáo tranh cãi nhau về tương lai Ấn Độ độc lập và ông Jinah yêu cầu độc lập riêng cho vùng phía Tây, đa số dân theo đạo Hồi, và phía Đông (Đông Hồi, đến 1971 thì tách khỏi Pakistan để thành Bangladesh).

Lạ thay, Lord Mountbatten cũng chấp nhận yêu sách của Jihnah, người cha lập quốc của Pakistan và gây sửng sốt cho toàn thế giới khi tuyên bố sẽ bàn giao chính quyền Anh lại cho hai quốc gia "sẽ ra đời, có biên giới chia cắt trong vòng 70 ngày".

Về nguyên tắc, Anh dự trù cùng một ngày trao trả độc lập cho Ấn Độ nằm ở giữa và Pakistan nằm ở hai bên: phía Đông và phía Tây.

Điều duy nhất Anh tuyên bố là sẽ cắt các vùng đất như thế thành hai nước, nhưng Lord Mountbatten giấu kín không công bố đường biên chạy qua chỗ nào, đơn giản là vì ông ta cũng không biết.

Các công chức Anh được giao việc "vẽ bản đồ biên giới mới" chạy qua hàng nghìn các làng mạc pha trộn cư dân các đạo khác nhau, vô cùng thất vọng với lãnh đạo của họ, vì tầm vóc công việc quá khổng lồ mà họ chỉ có hơn 10 tuần để làm.

Cuối cùng, các tín đồn thổi đã gây ra cảnh hỗn loạn của hàng chục triệu dân: người Hồi giáo sợ bị Ấn giáo, đạo Sikh tấn công, đã bỏ chạy về phía Tây của bang Punjab, người Ấn và Sikh đi theo chiều ngược lại.

London đã bị cho là phủi tay trước trách nhiệm sau gần 300 năm làm chủ tiểu lục địa Ấn Độ và mặc kệ dân bản địa "tự lo".

Trên thực địa, tình trạng vô chính phủ lan rộng: các đảng phái, nhóm vũ trang tự phát, giáo phái, mafia hoành hành trên xứ sở hơn 570 triệu người trong khoảng trống ghê rợn 70 ngày đó.

Mà nếu người Anh có muốn làm gì thì lịch chia tách hai quốc gia quá ngắn nên họ cũng không làm gì hơn được. Trong Tháng 8 vô chính phủ (August Anarchy) cả bang Punjab với hơn 30 triệu dân chỉ có 15 nghìn lính thuộc quân đội Anh.

Ở những nơi họ bảo vệ cho đoàn người di cư thì mọi việc trở nên an toàn, nhưng con số quá mỏng đó chẳng thấm gì, và ở những nơi vắng lính Anh thì thảm sát xảy ra vô tội vạ.  

Hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan thì chưa ra đời và không có bộ máy công chức, quân đội, cảnh sát của mình để hộ tống dân di cư.

Đa số các binh đoàn Anh ở những bang còn lại được lệnh “cấm trại”, mặc kệ bạo loạn bùng nổ bên ngoài, vì chính quyền Anh sợ cho họ ra thì các sĩ quan, binh lính Ấn sẽ dùng súng bắn người của sắc tộc, tôn giáo đối đầu.

Sự thực là đã có các nhân viên cảnh sát thuộc địa dùng súng đi “xử lý” ân oán trong địa phương của họ.

Bài học lớn là chỉ ước vọng độc lập thôi chưa đủ để một xã hội còn lạc hậu, chia rẽ vươn lên làm chủ chính quốc gia của mình.

Những đoàn tàu máu

Các phim tôi xem trên kênh BBC những ngày qua mô tả các cuộc thảm sát rùng rợn nhất. Hướng đi của các đoàn tàu chở dân di cư là dấu hiệu quá dễ để biết họ theo đạo gì. Người về phía Đông thì chỉ có Hồi giáo, còn đi về phía Tây thì là Hindu, Sikh. Thế là các băng đảng đối đầu cứ việc vác dao, mã tấu tràn lên các chuyến tàu, tha hồ chém giết.

Có những cảnh đoàn tàu vào ga thì nhân viên hỏa xa lên để kéo hàng đống xác người lớn, trẻ em bị cắt đầu, chặt chân tay, phụ nữ bị hiếp  rồi giết tại chỗ, vứt xuống đầy sân ga, rồi những đám đông tuyệt vọng khác lại nhảy lên con tàu đầy máu để đi tiếp, với hy vọng thoát hiểm.

Có nhóm du kích Sikh vì căm phẫn do người Anh không chấp nhận để họ có nhà nước độc lập, gọi là Khalistan ở Punjab, đã đặt bom cho sập cả đoàn tàu chở dân Hồi giáo đi về Pakistan. Đáp trả, dân quân Hồi giáo đi lùng người Sikh để giết.

Nhìn chung, các cộng đồng dân cư ở vùng xôi đậu truyền thống như Lahore (cố đô của đế chế Mughal, nay thuộc Pakistan), hay thành phố Mumbai (nay thuộc Ấn Độ), bị chém giết, bị thiêu sống trong nhà nhiều nhất.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ngay từ năm 1946 đã có xung đột Hồi giáo và Ấn giáo ở Calcutta, làm chết hơn hai nghìn người

Vì cả ba cộng đồng Hồi, Ấn và Sikh đều giết bên kia để “tự vệ” trong một cơn cuồng loạn.

Bộ máy công chức nổi tiếng mà Anh để lại tại Ấn Độ cũng lao vào một cuộc chia cắt quái gở và ti tiện: mọi thứ đều chia theo công thức ¼ cho Pakistan, ¾ cho Ấn Độ: họ cắt cả rèm cửa, xé tự điển, sách vở, giấy tờ văn phòng theo công thức đó.

Mọi thứ chỉ dừng lại đúng ngày 15/08/1947. Khi giới lãnh đạo ở Dehli và Karachi mừng ngày độc lập với cờ, hoa, khách quý từ Anh Quốc, thì ít nhất 20 triệu người tỵ nạn “về tổ quốc mới” sống vất vưởng ngoài đường, đói khát, không có gì ăn, không thuốc men, cứu trợ. Có những phụ nữ sinh tỵ nạn con đúng 'ngày quốc khánh' trên bãi rác.

Tất nhiên, ta phải thông cảm hai quốc gia mới ra đời đều nghèo, đều phải gây dựng từ con số không.

Người Anh lặng lẽ đưa công chức, quân lính của họ lên tàu thủy về nước, để lại di sản kinh hoàng: hơn 2 triệu người giết lẫn nhau mà chết trong hơn hai tháng.

Trong các phim ở Anh, người ta phỏng vấn cả công dân Anh gốc Nam Á thuộc lứa có ông bà phải đi bộ hàng trăm km để về Pakistan, hoặc về Ấn Độ năm 1947. Trên đường họ đi là những xác người bị cướp, giết, hiếp nằm la liệt.

Partition – Cuộc chia tách 1947 – đến nay vẫn gây thù oán giữa hàng trăm triệu người dân Ấn Độ và Pakistan ngày nay, và công dân hai nước này, kể cả những người cùng sắc tộc, tiếng nói (Punjabi), vẫn bị cấm sang thăm nhau.

Điều lạ hơn là các nhà báo BBC, dù là công dân Anh, mang hộ chiếu Anh, đều không thể xin visa tới Ấn Độ làm phim nếu cha mẹ họ gốc Pakistan và ngược lại.

Có vẻ như chế độ kiểm soát lý lịch từ ba đời với cả công dân nước ngoài được chính quyền Ấn Độ (dù sao cũng là dân chủ, đa đảng), và Pakistan (dân chủ Hồi giáo), áp dụng siêu triệt để.

Với giới trẻ gốc Nam Á ở Anh, vết đau chia cắt từ đời cha ông khiến một số không muốn về quê cũ.

Mẹ của diễn viên Anh gốc Pakistan Adnan Sarwan trong phim hôm 15/03, hiện sống ở Burnley, Anh Quốc nói rằng thanh thiếu niên Hồi giáo ở Anh mà bà biết muốn đi nghỉ ở Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ... hơn là về quê cha đất tổ.

Pakistan là nơi còn nhiều vấn đề quá khó xử khiến thế hệ sau không thể nào “đi chơi” nổi.

Sau hơn bảy thế kỷ độc lập, Pakistan ngày nay tiếp tục nghèo, quá 60% dân chúng vẫn mù chữ. Ấn Độ có nền kinh tế bùng nổ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề sắc tộc, đẳng cấp, và vẫn có các cuộc chém giết người khác đạo.

Chụp lại hình ảnh,

Thuộc địa Ấn Độ của Anh trước ngày trao trả độc lập thành hai nước Pakistan và Ấn Độ

So sánh cuộc chia cắt Việt Nam năm 1955

So sánh với Việt Nam năm 1954-55, tôi thấy đây là dịp phải nêu lại một số vấn đề.

Thứ nhất, như đã nói ở trên, không có thực dân nào tốt hơn thực dân nào, và lời ca ngợi “thực dân Anh sáng suốt” trao trả độc lập cho Ấn Độ “không hề đổ máu” nên đặt vào mục huyền thoại.

Dù bị cho là 'cố đấm ăn xôi', muốn tái chiếm Đông Dương do "lòng tham thuộc địa" sau 1945, phải nói là người Pháp đã có trách nhiệm hơn Anh trong việc rút khỏi Đông Dương 10 năm sau.

Pháp đã làm điều này bất chấp sự thực là họ thất bại – thua Việt Minh ở Điện Biên Phủ, bị chính quyền Nam VN đòi rút đi năm 1955.

Thứ nhì, dù sao đi nữa, cuộc chia cắt Nam-Bắc Việt Nam sau Hiệp định Geneva (1954), cũng xảy ra êm đẹp và “lành lặn” ở năm 1947 ở Ấn Độ nhờ thời hạn dài hơn và có giám sát quốc tế.

Không biết có phải vì Pháp học được gì từ Partition kinh khủng của Anh tại Ấn Độ hay không, hay nhờ sự tham gia giám sát di cư, tập kết của cả các nước khác: Ấn Độ (mang theo bài học đau thương của họ vài năm trước?), Ba Lan, Canada, Thụy Điển, mà người Việt Nam có 100 ngày năm 1955 đi vào Nam, hoặc ra Bắc.

Trong bộ phim tôi xem tối hôm vừa rồi, một nữ sử gia gốc Ấn cũng nêu ra câu hỏi tương tự: “Giá mà Ấn Độ và Pakistan có chính quyền trước, rồi mới chia tách biên giới và có 100 ngày để dân chúng di cư về nơi mình muốn, thì cuộc tàn sát phải chăng đã tránh khỏi?”

Thứ ba, cần phải ghi nhận công lao của chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm đón nhận cả triệu đồng bào Công giáo miền Bắc di cư vào Nam.

Việc đón và tái định cư êm đẹp, hòa bình con số đông đảo như thế, trên tổng số dân miền Nam lúc đó chỉ có 12 triệu quả là một kỳ tích, so với những gì xảy ra tám năm trước ở quốc gia Nam Á có nền văn minh mang tiếng là cổ đại.

Cuối cùng, nhân đây cần nhắc lại lời phê phán của chính người Ấn Độ tại Anh ngày nay về chính quyền Nehru mà nhiều người ở miền Bắc Việt Nam từng ngưỡng mộ (vì cùng lý tưởng thiên tả?).

Các ý kiến trên BBC phần lớn đều cho rằng chính quyền CH Ấn Độ thời hậu thuộc địa rất kém trong việc khắc phục các mâu thuẫn sắc tộc, cải thiện đời sống cho dân.

Phim cũng nói các quyết định dùng luật và biện  pháp hành chính ngay năm 1948 của chính quyền Dehli nhằm bóp nghẹt phong trào đòi tự trị của người Sikh ngay sau ngày độc lập đã tạo mầm mống cho xung khắc về sau.

Năm 1984 xảy ra vụ bạo loạn của người Sikh sau khi nữ thủ tướng Indira Gandhi, con gái Nehru, bị các vệ sĩ Sikh của bà hạ sát.

Chính phủ Ấn Độ đã điều quân vào chín đô thị trên cả nước, giết gần 7000 người Sikh, theo con số chính thức, còn các nguồn độc lập ước tính có thể 17 nghìn bị giết.

Là nền dân chủ lớn nhất thế giới nhưng các hủ tục, pha trộn với tín ngưỡng cổ xưa quá sâu đậm và sự quản trị quan liêu của tầng lớp trên xem ra vẫn đang kìm chân Ấn Độ trong nhiều mặt.

Nguồn hình ảnh, CAMAU

Chụp lại hình ảnh,

Tàu Jan Kilinski của Ba Lan sang Việt Nam hai lần, năm 1955-56 và 1972 để tham gia chiến dịch quốc tế vận chuyển người dân hai miền và cán bộ cộng sản từ Nam ra Bắc sau Hiệp định Geneva 

Ngày nay, sau 75 năm chia tách, quan hệ Ấn Độ-Pakistan có khác hơn?

Vết thương chia cắt, thù hằn xem ra chưa lành sẹo ở thế kỷ 21 này, như lời nữ nhà báo BBC Babita Sharma.

Là người Anh gốc Hindu, nay cô chỉ có thể đứng bên Ấn Độ nhìn sang thị trấn Jassar, quê của ông bà cô bên phần Punjab thuộc Pakistan, mà không thể nào bước sang được, (phim Dangerous Borders: A Journey across India and Pakistan 15/08/2022, xem link ở đây).

Theo Babita Sharma, tình hình có thể còn tồi hơn vì càng gần đây chính trị gia hai nước tiếp tục thổi lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa với cuộc 'Partition' vẫn là gốc rễ và tâm điểm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn