“Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng”

Thứ Ba, 16 Tháng Tám 20228:00 SA(Xem: 2213)
“Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng”
rfa.org

“Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng”

Bình luận của Nguyễn Anh Dân

  1. Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
  2. Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
  3. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
  4. Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
  5. Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.

Đây là một phần trong bài vè hiện đại về thực chất đời sống công chức Việt Nam. Nó ra đời từ nhiều năm trước, cứ ít lâu lại được dân gian thêm vào những châm ngôn mới. Và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tôi nhắc lại bài vè nói trên vì một câu chuyện cần được quan tâm nhưng rất cũ đang diễn ra ở Việt Nam, như thường lệ, đang khuấy dư luận lên như…  cơn bão trong tách trà!

Báo cáo khẩn của UBND TP HCM ngày 12/8/2022 gửi Bộ Nội vụ cho biết từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc. Trong đó, đông nhất là lĩnh vực giáo dục với gần 2.500 người, y tế với 2.145 người.

Vì sao câu chuyện này cần quan tâm?

Vì nó lạ lắm người ơi! Trong khi ở nhiều nơi người ta xin xỏ nịnh nọt bỏ tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng chạy bằng được một vị trí nhân viên Nhà nước, thì cái đất Sài Gòn kỳ cục bỏn chê Nhà nước. Không phải chỉ mấy năm vừa rồi thôi đâu mà đã từ hồi nẳm: năm 2017 số người nghỉ cao nhất là gần 2.700 người, năm sau giảm xuống chút ít rồi từ đó đến nay năm nào cũng tăng.

Số người ra khỏi Nhà nước thì không phải hỏi lý do nữa. Lúc mô cũng y rứa thôi: thu nhập thấp, môi trường tù túng kìm hãm sáng tạo, không thăng tiến. Cái thú vị là lý do khiến số đông những người khác chọn ở lại.

Thứ nhất quan hệ, thứ nhì hậu duệ

Ông A không đi làm gì hết, nhưng rất giàu. Không biết là bao nhiêu đất cát, nhà cửa nữa! Vợ ông là giám đốc marketting một công ty lớn, thu nhập cũng rất cao, nhưng người làm ra tài sản lớn nhất lại là ông.

Vì ông có cô em gái ruột làm ở Phòng nhà đất một quận.

Làm trong ngành nhà đất, lại ở vị trí quản lý nên em gái ông nắm rất rõ thông tin dự án nào sắp tiến hành, đường nọ đường kia sắp mở… Với số vốn ban đầu từ thu nhập cao của vợ, ông dành toàn bộ thời gian đi săn đất, săn nhà, chờ dự án mở ra hay con đường hình thành thì bán lại. Mua rẻ, bán đắt, cứ vậy mà tiền đẻ ra tiền, lãi khủng hơn bất cứ kinh doanh thông thường nào.

Cả gia tộc phía ông đi theo con đường này, ai cũng giàu nứt đố. Nếu hỏi giờ ai yêu Nhà nước nhất, chắc chắn họ thuộc về số những người đầu tiên giơ tay áp lên trái tim! Và cũng chắc như cua gạch Cà Mau là em gái ông không bao giờ, KHÔNG BAO GIỜ tự nguyện ra khỏi Nhà nước.

Ông B thì làm trong chi nhánh của một ngân hàng trung ương tại địa phương. Nuôi vợ, nuôi con, nuôi ba bốn người làm trong nhà, biệt thự, xe hơi, đất đai khắp nơi, ông có đủ ở lứa tuổi trên 40. Cũng đơn giản thôi: ai làm trong ngành ngân hàng cũng biết những thủ thuật để có thể vay với lãi suất 0%, hoặc vô cùng rẻ, để mua lại chính những tài sản đang bị phát mãi, cầm cố tại ngân hàng với giá rẻ mạt. Rồi ngay sau đó bán lại với giá thị trường. Với chính sách đất đai của Việt Nam luôn dành phần lợi cho người có thông tin “mật” và có tiền, thì “gửi tình yêu vào đất” sẽ luôn “được hoa trái đầy cành”.

Bà C làm thư ký tư pháp tại một tòa án. Với vị trí này, bả cũng nắm được rất nhiều người có tài sản dính vào các vụ kiện thưa tranh chấp, cầm cố, phá sản… Họ cần bán gấp nhà cửa, đất đai với giá rẻ để trả nợ ngân hàng hoặc chấm dứt tranh chấp.

Có ai yêu cầu tôi đưa thông tin chính xác của ông A, ông B, bà C không? Tôi tin hầu hết mọi người đều có quen biết các ông bà ấy. Mỗi người một lĩnh vực, nhưng câu chuyện của họ hầu hết đều giống nhau: giữ các chức vụ lớn nhỏ khác nhau trong chính quyền, và do chức trách được giao mà họ nắm rất nhiều thông tin “vàng” của Nhà nước, mang lại lợi nhuận vô cùng lớn.

Lẽ dĩ nhiên, những thông tin này ngoại trừ người cùng nhóm làm ăn, người cấp vốn, thì chỉ có người ruột thịt của họ mới được chia sẻ.

Trong mỗi cơ quan, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương, đều có những đường dây, những nhóm lợi ích cùng làm ăn với nhau rất chặt chẽ như vậy.

Một người làm quan cả họ được nhờ

Dạng thứ hai là không cần phải làm ăn kiếm tiền do gia đình đã có sẵn hệ thống kinh doanh hoặc cách thức kiếm tiền khác (ví dụ: đang là sân sau của anh Ba chị Bảy). Nếu cá nhân này có chút thực tài thì chỉ việc đua lên một chức vụ lãnh đạo. Sẵn chỗ dựa lưng và bệ phóng, việc nắm giữ vị trí chủ chốt ở bất cứ ngành nghề lĩnh vực nào cũng sẽ mang lợi ích lớn hơn nữa cho gia đình và gia tộc họ. Họ sẽ bắt đầu-hoặc tiếp tục-thắt chặt những mối quan hệ sâu và rộng dựa trên lợi ích nhóm, sẽ là chiếc ô che chở cho gia đình và có thể tiến vào những con đường kinh doanh kín đáo nhưng bổng lộc vô tận khác, của các anh Ba chị Bảy.

Dạng thứ ba đông đảo nhất. Đó là những trí thức giỏi chuyên môn, bừng bừng sức trẻ, còn muốn thử thách, muốn thay đổi, hoặc cũng có thể là người thích định vị mình trong hệ thống nhà nước bằng thực lực. Hoặc ngược lại-đã an phận hoặc không còn điều kiện như tuổi tác, năng lực để bươn ra ngoài đua chen. Họ có thể là những công chức lười biếng sáng cắp ô đi tối cắp về, cũng có thể là những con người vô cùng năng động, làm đủ thứ việc bên ngoài để kiếm tiền bù đắp cho đồng lương còm cõi. Công việc nhà nước nhàn hạ, họ có thể ngồi văn phòng nhưng lên mạng chăm chỉ post bài bán hàng online, trưa thì chuông reo là bắn... ra cửa lật đật chạy đi giao hàng để tiết kiệm tiền thuê shipper. Họ có thể kiếm dự án ngoài về chia cho anh em trong phòng làm thêm, dịch thuật riêng, làm cò đất, phụ buôn bán với cha mẹ anh chị, chạy xe ôm… cũng có thể thường xuyên hoạnh họe người dân, làm khó, vòi vĩnh doanh nghiệp để kiếm tiền lót tay, bôi trơn.

Đời sống của nhóm sau cùng này rất khá. Dư luận chắc còn nhớ vụ để quên hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn đô la (cách đây rất nhiều năm) trong ngăn kéo của một cán bộ ở Hà Nội. Doanh nhân thì thừa biết mỗi tờ giấy thủ tục để hoàn tất hồ sơ thành lập doanh nghiệp, đóng thuế, hoàn thuế, xuất khẩu, nói chung tất cả những gì cần có chữ ký đóng dấu thì phải qua các “em” (chỉ là dạng văn phòng trình ký hay giữ dấu thôi đấy) nào, chi bao nhiêu. Không cần kiến thức, không cần chuyên môn, cứ thế mà vơ đến khi về hưu.

Những người an phận và kém năng lực còn lại thì phải chịu một cuộc sống rất co kéo, chắt bóp để sống và lo cho con cái.  

Bộ máy nhà nước Việt Nam là cỗ máy mài mòn những sáng tạo, nhân bản, khoa học, đồng thời cấy giống và nhân lên gấp bội thói nịnh nọt, tham lam, ti tiện, đầu chày đít thớt, ma mãnh xảo quyệt, “ôi sếp trăm công nghìn việc thế mà cũng đích thân đi đái ạ?”. Ai không chịu được thì văng ra ngoài. Cho nên, nói chung thì con số hơn 6.000 cán bộ, viên chức, công chức của TP HCM bỏ việc ra ngoài làm trong ba năm qua (2020-2022) là những người tự tin và có năng lực.

Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay đồng ý

- Vâng vâng biết rồi khổ lắm nói mãi! Thế tóm lại thì công chức Việt Nam ta ló như thế lào?

- Thưa các bác, đây ló như thế lày:

  1. Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý".
  2. Ai cũng đồng ý nhưng không ai chịu thực hiện.
  3. Ai cũng không chịu thực hiện, nhưng ai cũng muốn lập công.
  4. Ai cũng muốn lập công nhưng ai cũng lười biếng.
  5. Ai cũng lười biếng nhưng không ai chịu từ chức.
  6. Ai cũng không muốn từ chức nhưng ai cũng thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
  7. Ai cũng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng ai cũng cố tình che giấu.
  8. Ai cũng cố tình che giấu nhưng ai cũng muốn dạy con nói thật.
  9. Ai cũng muốn dạy con sống thật nhưng ai cũng sống giả dối.
  10. Ai cũng sống giả dối nhưng ai cũng muốn mọi người phải thành thật với mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn