Võ Hồng Phúc - Thời của cái loa phố

Thứ Ba, 02 Tháng Tám 20226:00 SA(Xem: 2297)
Võ Hồng Phúc - Thời của cái loa phố

loa_10 

Năm 1960 các đơn vị hành chính thuộc thành phố trong nội thành Hà Nội gọi khác bây giờ.

Trong nội thành chia thành các khu phố, gọi tắt là khu, dưới khu chia thành các khối. Các khối không phải là một cấp hành chính. Mọi việc hành chính đều giải quyết trên khu. Năm 1960 có 8 khu, trong đó có khu Hàng Cỏ, khu Hai Bà. Sau đó mới sáp nhập lại còn 4 khu.

Bọn trẻ chúng tôi hồi năm 1960 thường đố nhau: Hà Nội có khu nào bẩn nhất, khu nào nuôi nhiều trâu bò nhất. Bên kia không đoán được, chúng tôi vỗ tay cười: dễ thế mà không đoán ra! Sau năm 1980, thực hiện Hiến pháp 1980 mới chia thành quận, thành phường. Phường trở thành một cấp hành chính. Bộ máy hành chính ở phương lớn dần lên như ngày nay.

Hà Nội thời đó nghèo lắm. Đi lại của dân trên phố chỉ có xe đạp, xích lô, mấy tuyến tàu điện. Thỉnh thoảng có vài ba cái Moscvic, Pôbeda của các bác cấp thứ trưởng, Vonga của các bác cấp bộ trưởng trở lên và mấy cái commăngca của các cơ quan đi công tác lao vút trên đường.

Phương tiện thông tin truyền thông lại càng nghèo nàn hơn. Điện thoại cố định thì chỉ có nhà cấp vụ trưởng trở lên mới được lắp đặt. Dân muốn gọi điện thoại đi đâu thì ra Bưu điện Bờ Hồ để gọi. Mỗi lần có việc cần báo tin thì chỉ có cách là đi báo tin trực tiếp.

Tôi thích nhất là khi nhà có việc: họp mặt bà con họ hàng ngoài Hà Nội, giỗ ông bà… Tôi nói năng lễ phép, được người lớn khen có lễ độ, luôn được bổ mẹ cử đi mời bà con cô bác. Chú em tôi vụng nói, ở nhà làm việc chân tay. Họ hàng ở Hà Nội đông, ở khắp các khu phố nội thành. Đi mời mọi người là được lấy xe đạp dong khắp phố phường Hà Nội trong nửa ngày trời, kết hợp đi la cà khắp nơi.

Phương tiện nghe nhìn thời đó mới thật nghèo nàn. Muốn xem thì chỉ có ra nhà hát, rạp chiếu phim. Thiết bị nghe thì nhà khá giả của Hà Nội xưa hoặc nhà có người làm bên ngoại giao, ngoại thương thì có cái radio Philip, nhà cán bộ cao cấp hoặc có người ở Liên Xô về thì có cái radio Riga.

Sau năm 1964, khí bắt đầu chiến tranh thì hàng viện trợ của các nước “anh em” sang nhiều, cán bộ trung cấp được phân phối cái đài bán dẫn. Người thì được cái Xiangmao, kẻ thì được cái Orion, hoặc cái Mẫu Đơn, đeo kè kè bên người. Có radio, có đài bán dẫn thì nghe Đài tiếng nói Việt Nam, đài Bắc Kinh, đài Mạc Tư Khoa, nghe trộm BBC, VOA.

Dân chúng thì được nghe Đài truyền thanh Hà Nội. Nhà nào có tiền thì được kéo dây đưa loa về tận nhà, mất khoảng 30 đồng ( bằng khoảng 1/2 tháng lương kỹ sư tập sự), hàng tháng trả thêm chi phí. Nhà không có tiền thì nghe loa chung mắc  ngoài cột đèn trên phố. Hệ thống loa này do đài truyền thanh Hà Nội quản lý, lắp theo phân bố dân cư trên cả thành phố. Cần nói đến đâu thì kéo dây mắc loa đến đó. Mọi người gọi là “loa đường phố” hay là “loa phố”.

Chương trình là tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam và chương trình riêng của Hà Nội. Mọi người thích nghe chương trình tiếp âm hơn vì hay hơn, đến chương trình riêng của Hà Nội thì ít người nghe. Đông vui cho loa phố là các buổi tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Chương trình thích nghe nhất là Câu chuyện cảnh giác và Sân khấu truyền thanh. Đến những buổi đó, mọi người gọi nhau í ới - Câu chuyện cảnh giác rồi, mọi người ơi!

Chương trình mà bọn trẻ chúng tôi sợ nhất là bài tập thể dục buổi sáng. Tuổi 16, 17, đang tuổi ăn tuổi ngủ, đúng 5 giờ sáng, nhạc hiệu của nhà đài nổi lên, bố tôi lại gọi:

    - Phúc, dậy , dậy. Dậy mà tập thể dục rồi đi học!

Xuống tập thể dục ở ngay hè phố, ngay trước cửa nhà mình. Con gái mặc đồ ngủ, con trai mặc quần đùi áo 3 lỗ. Các cụ nói: “Trai 17 bẻ gãy sừng trâu “. Nhiều lúc không làm chủ được mình, phải chạy lên nhà, mặc vội quần áo, lấy sách vở chạy đi học sớm!

Ngày phải đi học thì đã đành, ngày được nghỉ học cũng phải như vậy. Ngày nghỉ học, sau buổi tập thể dục buổi sáng lại tham gia làm vệ sinh đường phố. Những lúc đó, nghĩ đến cái loa phố mà sợ!

Những năm chiến tranh phá hoại, cái loa phố để lại những kỷ niệm vui. Mỗi lần nhà đài cất giọng:

   - Máy bay địch cách Hà Nội 70 cây số!

Mọi người lại í ới :

  - Cách 70 cây rồi đấy nhé!

Nhà đài lại cất giọng:

  - Máy bay địch cách Hà Nội 40 cây số!

Mọi người gọi nhau:

  - Mọi người xuống gầm cầu thang đi , chuẩn bị báo động rồi!

Tiếng còi báo động vang lên. Mọi người chạy hết xuống gầm cầu thang. Già trẻ lớn bé chui hết vào một xó, chuyện vui như Tết, nhất là với bọn trẻ, tuổi 20 như chúng tôi! Sau một lúc yên ắng, còi báo yên vang lên, nhà đài lại cất tiếng:

  - Máy bay địch đã bay xa!

Chúng tôi lại lục tục kéo ra, ai về việc nấy. Bao nhiêu kỷ niệm với cái loa phố. Thật là một thời để nhớ!

                                           ***

Sang thập niên 1990, sau những cuộc thảo luận sôi nổi và quyết liệt, nhà nước cho mở cửa Internet. Các công ty nước ngoài vào đầu tư, công nghệ thông tin phát triển chóng mặt. Người nước ngoài nói, Việt Nam sẽ phát triển nhanh công nghệ thông tin, bởi vì có lợi thế của các nước đi sau, tiếp cận ngay công nghệ mới nhất.

Không biết đúng hay sai, nhưng tuổi già như tôi thì được hưởng thành quả từ sự phát triển đó nhiều lắm. Năm ngoái vừa đăng lên Facebook bài “Chúng tôi có cùng dòng máu”, sau vài giờ đã có messenger từ người em họ của mẹ tôi từ Austin, bên USA gửi về:

   - Phúc ơi, cháu viết đúng tình cảnh bà con họ nhà mình!

Rồi chúng tôi liên hệ với nhau qua FaceTime, trò chuyện với nhau thật là vui. Bà con họ hàng gần gũi thân thiết nhau hơn!

Gần đây nghe các vị lãnh đạo nói nhiều về thời đại 4.0. Tuổi già lẩm cẩm, không hiểu 4.0 cụ thể là gì? Thế gian nói nó ra sao? Cứ cho đại khái như là mạng 3G rồi lên 4G, rồi lên 5G!  Khoa học công nghệ phát triển quá nhanh! Mọi người lại nói về khu đô thị thông minh, thành phố thông minh. Được dùng điện thoại thông minh đã sướng lắm rồi. Được ở trong thành phố thông minh chắc sướng mê hồn!

Tuổi già hay nhớ chuyện xưa. Nhớ về thời đạp xe đi đến nhà cô bác chú dì ở rải rác khắp Hà Nội để mời giỗ, mời họp họ. Nhớ đến cái loa phố cách đây hơn 60 năm gọi trai 17 dậy tập thể dục lúc 5 giờ sáng. Nhớ lại vẫn còn sợ. Lại nghĩ về những lời nói về thành phố thông minh. Cứ như là giấc mộng!

Xin để cho tôi vui với giấc mộng của người già!

VÕ HỒNG PHÚC 31.07.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn