12 Hàng Không Mẫu Hạm mới nhất thế giới

Thứ Sáu, 16 Tháng Ba 20183:00 SA(Xem: 8397)
12 Hàng Không Mẫu Hạm mới nhất thế giới

Thế giới hiện nay có 20 tàu sân bay phục vụ ở 9 quốc gia khác nhau, 5 trong số các nước này đang đóng mới nhiều tàu và sẽ đưa vào sử dụng một vài thập kỷ tới đây.

Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Italia hoặc đều trong quá trình đóng mới, hoặc đang ở giai đoạn lập kế hoạch cuối cùng.

Các tàu sân bay vận chuyển máy bay cánh cố định, các tàu trực thăng cỡ nhỏ hơn cũng đang được đóng và có thể nâng cấp để chuyên chở các máy bay như F-35B, loại có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng (VTOL).

1. USS Gerald R. Ford

Một chiếc F/A-18F Super Hornet chuẩn bị hạ cánh xuống TSB USS Gerald R. Ford (CVN 78
Một chiếc F/A-18F Super Hornet chuẩn bị hạ cánh xuống TSB USS Gerald R. Ford (CVN 78).

USS Gerald R. Ford được khởi đóng tháng 11/2009, hoàn thành thành tháng 10/2013 và bắt đầu đưa vào sử dụng tháng 7/2017. Đây là chiếc tàu tiên phong thuộc lớp USS Gerald R. Ford và là chiếc đầu tiên trong số 10 tàu sân bay mới của Mỹ.

USS Gerald R. Ford được ứng dụng nhiều công nghệ mới như hệ thống máy phóng điện từ (EMALS), thay thế cho hệ thống phóng bằng động cơ hơi nước đang trang bị cho các tàu sân bay hiện nay.

Với chiều dài 337 m, Ford dự kiến sẽ vận chuyển được hơn 75 máy bay, phần lớn sẽ là các biến thể của F-35. Tuy nhiên, do các vấn đề kỹ thuật và chuyển giao, nhiều khả năng Ford sẽ chưa thể được trang bị F-35, ít nhất cũng cho tới cuối 2018.

Gần đây, Mỹ đã thử nghiệm cất, hạ cánh F/A-18F Super Hornet trên boong của Ford. Theo kế hoạch dự kiến, USS Gerald R. Ford sẽ được đưa vào hoạt động đầy đủ và biên chế cho Hải quân Mỹ vào năm 2022.

2. USS John F. Kennedy

USS John F. Kennedy (CVN 79) đang được đóng tại xưởng đóng tàu Huntington Ingalls
USS John F. Kennedy (CVN 79) đang được đóng tại xưởng đóng tàu Huntington Ingalls ở Newport News, Virginia ngày 22/6/2017.

USS John F. Kennedy là tàu sân bay thứ hai thuộc lớp Gerald R. Ford đóng cho Hải quân Mỹ. Tính tới tháng 6/2017, hoạt động đóng tàu đã hoàn thành được 50%.

Kennedy hiện đang được đóng tại tổ hợp công nghiệp Huntington Ingalls ở Newport News, Virginia. Ban đầu, tàu sân bay này dự kiến hoàn thiện năm 2018 nhưng nó đã gặp phải không ít vấn đề trong quá trình đóng, chủ yếu nảy sinh từ chi phí quá cao cho Gerald R. Ford khi bị đội vốn lên hơn 22%, phá vỡ mốc 12,8 tỷ năm 2008.

Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) đã đề nghị hoãn thời điểm đưa con tàu vào sử dụng năm 2013, lui lại tới 2020.

3. USS Enterprise

Ảnh đồ họa tàu sân bay USS Enterprise.
Ảnh đồ họa tàu sân bay USS Enterprise.

USS Enterprise là chiếc tàu sân bay thứ ba lớp Gerald R. Ford hiện đang được đóng. Tấm thép đầu tiên được cắt trong buổi lễ tổ chức vào tháng 8/2017 bởi những người bảo trợ cho con tàu, hai vận động viên Olympic Katie Ledecky và Simone Biles.

Enterprise sẽ là tàu thứ 9 của Hải quân Mỹ mang tên này. Trước đó là chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Mỹ và đã ngưng hoạt động vào tháng 2 năm 2017.

Giống như Ford và Kennedy, Enterprise dự kiến sẽ vận chuyển được trên 75 máy bay.

4. HMS Queen Elizabeth

HMS Queen Elizabet đi ngang qua bờ biển Morocco tới Gibraltar ngày 9/2/2018.
HMS Queen Elizabet đi ngang qua bờ biển Morocco tới Gibraltar ngày 9/2/2018.

Được đưa vào sử dụng năm 2017, HMS Queen Elizabeth là tàu sân bay mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh và hiện cũng là chiếc tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của nước này.

Queen Elizabeth khá độc đáo so với các tàu sân bay khác trên thế giới vì có tới 2 tháp chỉ huy, một phụ tránh các chiến dịch trên biển và một dành cho các nhiệm vụ trên không.

Với chiều dài 284 m, Queen Elizabeth dự kiến sẽ có sức chứa 40 máy bay, trong đó tiêm kích F-35 giữ vai trò nòng cốt. Theo kế hoạch, Queen Elizabeth cũng được trang bị trực thăng Chinook, Apache AH MK1, trực thăng vận tải AW101 Merlin, trực thăng chống ngầm AW159 Wildcat.

Queen Elizabeth cập cảng nước ngoài lần đầu tiên vào tháng 2/2018 khi nó tới thăm Gibraltar.

5. HMS Prince of Wales

HMS Prince of Wales tại lễ đặt tên ở xưởng Rosyth, Scotland tháng 9/2017.
HMS Prince of Wales tại lễ đặt tên ở xưởng Rosyth, Scotland tháng 9/2017.

HMS Prince of Wales là tàu sân bay lớp Queen Elizabeth thứ hai của Anh hiện đang được đóng tại Xưởng đóng tàu Rosyth ở Scotland và cũng sẽ trở thành chiếc tàu sân bay thứ hai của Anh sau khi hoàn thiện.

Prince of Wales chính thức được đặt tên trong buổi lễ tháng 9/2017 với sự tham dự của Hoàng tử xứ Wales đương nhiệm - Hoàng tử Charles cùng phu nhân Camilla.

Tháng 12/2017, Prince of Wales rời xưởng cạn lần đầu tiên và được di chuyển tới cầu tàu để lắp đặt trang thiết bị cũng như hệ thống điều khiển.

Công tác đóng tàu Prince of Wales về cơ bản đã hoàn thành và dự kiến sẽ chạy thử vào năm 2019 và chính thức bàn giao cho Hải quân Hoàng gia Anh năm 2020.

6. Liêu Ninh

Tàu sân bay Liêu Ninh ngày 11/72017.
Tàu sân bay Liêu Ninh ngày 11/72017.

Liêu Ninh là tàu sân bay có khả năng chiến đấu đầu tiên của Hải quân Trung Quốc. Trước đó, nước này đã từng mua một số tàu sân bay nhưng là để làm casino hay bảo tàng. Phải cho tới khi mua lại chiếc tàu sân bay đang đóng dang dở của Liên Xô năm 1998 thì Trung Quốc mới thực sự bắt đầu chương trình tàu sân bay.

Liêu Ninh dài 304 m, có phi đội không quân gồm 26 tiêm kích đa năng Shenyang J-15, 12 trực thăng vận tải/chống ngầm Changhe Z-18 và 2 trực thăng đa nhiệm Harbin Z-9.

Được đưa vào sử dụng năm 2012 và mặc dù là một tàu sân bay với đầy đủ chức năng, Liêu Ninh hiện vẫn được phân loại là tàu huấn luyện giúp Hải Quân Trung Quốc làm quen với các hoạt động trên hàng không mẫu hạm.

7. Type 001A

Type 001A tại cảng Đại Liên năm 2017.
Type 001A tại cảng Đại Liên năm 2017.

Type 001A là tàu sân bay chế tạo nội địa đầu tiên của Trung Quốc. Nó được bắt đầu đóng ngay sau khi Liêu Ninh được đưa vào sử dụng và đã có một số cải tiến so với chiếc tiền nhiệm mua từ Liên Xô. Đáng chú ý nhất, Type 001A có tổng chiều dài 315 m và dự kiến sẽ chở được 48 máy bay.

Hiện chưa rõ Type 001A sẽ được đặt tên như thế nào nhưng theo một số nguồn tin, nó sẽ có tên là Shandong (Sơn Đông). Type 001A đang được lắp đặt trang thiết bị tại một cảng của Hải quân Trung Quốc ở Đại Liên và dự kiến sẽ được bàn giao vào khoảng năm 2020.

8. Type 002

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tại cảng Đại Liên năm 2012.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tại cảng Đại Liên năm 2012.

Type 002 sẽ là chiếc tàu sân bay thứ hai đóng nội địa của Trung Quốc và là chiếc thứ 3 gia nhập Hải quân nước này. Nó được khởi đóng từ năm 2015 và được đánh giá sẽ tạo ra bước đột phá lớn đối với các tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc.

Type 002 sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân, qua đó giúp Trung Quốc trở thành nước thứ 3 duy nhất trên thế giới sở hữu các tàu sân bay chạy bằng động cơ hạt nhân sau Mỹ và Pháp.

Type 002 cũng sẽ được trang bị hệ thống phóng điện từ (EMALS), cho phép nó phóng được nhiều loại máy bay hơn, thay vì chỉ là J-15, loại tiêm kích duy nhất có thể phóng từ 2 tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tuyên bố muốn các tàu sân bay tương lai của mình được trang bị các tiêm kích tàng hình J-31 hoặc J-20.

Trung Quốc công khai bày tỏ ý định đẩy nhanh tốc độ phát triển Type 002 nhằm đưa nước này trở thành "hải quân nước xanh" vào năm 2015.

9. INS Vikramaditya

Tàu sân bay INS Vikramaditya dài 283m, có thể chở theo tổng cộng 36 máy bay.
Tàu sân bay INS Vikramaditya dài 283m, có thể chở theo tổng cộng 36 máy bay.

INS Vikramaditya hiện là tàu sân bay duy nhất của Ấn Độ sau khi nước này loại biên chiếc INS Viraat đầu năm 2017.

Là tàu sân bay lớp Kiev được cải tiến nhiều lần, INS Vikramaditya ban đầu được đóng cho Hải quân Liên Xô năm 1982 và từng có hai tên gọi: Baku từ năm 1987 đến 1991 và Đô đốc Gorshkov từ 1991 đến 1996.

Sau nhiều nỗ lực hiện đại hóa, tàu sân bay này được đưa vào biên chế cho Hải quân Ấn Độ năm 2013.

Vikramaditya dài 283m, có thể chở theo tổng cộng 36 máy bay: 26 MiG-29K và 10 trực thăng Kamov Ka-31, Ka-28.

10. INS Vikrant

Vikrant ngày 10/6/2015.
Vikrant ngày 10/6/2015.

INS Vikrant là tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự đóng nội địa và cũng là tàu đầu tiên của Hải quân Ấn Độ được đóng hoàn toàn bằng thép sản xuất trong nước.

INS Vikrant được đặt hàng năm 2004 và bắt đầu khởi đóng năm 2009. Nó có kích thước ngắn hơn so với Vikramaditya, với chiều dài chỉ 262 m. Tàu sân bay này được cho là có thể chở theo từ 30 - 40 chiếc máy bay, chủ yếu là MiG-29K và trực thăng.

Vikrant từng là nguyên nhân gây ra nhiều tranh cãi ở Ấn Độ. Nó đã bị trì hoãn vài lần và bội chi ngân sách nhưng dự kiến sẽ bắt đầu 2 năm chạy thử vào cuối 2018. Theo kế hoạch, Vikrant sẽ được đưa vào sử dụng năm 2020.

11. Trieste

Mô hình Trieste tại một triển lãm hải quân ở Paris năm 2016.
Mô hình Trieste tại một triển lãm hải quân ở Paris năm 2016.

Trieste sẽ là tàu sân bay thứ 3 của Italia sau Giuseppe Garibaldi và Cavour. Trieste không phải là tàu sân bay truyền thống mà là một tàu đổ bộ trực thăng, giống hơn với tàu tấn công đổ bộ lớp America của Hải quân Mỹ.

Tổng chiều dài của Trieste 245m, ngắn hơn so với America. Nó có thể chở được 12 máy bay, có thể là AgustaWestland AW101 hoặc NHIndustries NH90.

Tuy nhiên Hải quân Italia có thể trang bị một số lượng nhỏ các tiêm kích F-35B, biến thể cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) của F-35. Trieste dự kiến sẽ được hạ thủy năm 2019 và đưa vào sử dụng năm 2022.

12. ROKS Marado

Một trực thăng SH-60F Sea Hawk của Mỹ bay trên tàu tấn công đổ bộ lớp Dokdo ngày 27/7/2010.
Một trực thăng SH-60F Sea Hawk của Mỹ bay trên tàu tấn công đổ bộ lớp Dokdo ngày 27/7/2010.

Giống như Trieste, ROKS Marado của Hàn Quốc là một tàu tấn công đổ bộ, được khởi đóng từ tháng 4/2017 và dự kiến sẽ hạ thủy chỉ sau 1 năm vào tháng 4/2018.

Theo kế hoạch hiện tại thì Morado sẽ được đưa vào sử dụng năm 2020, trở thành chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Dokdo thứ hai của Hàn Quốc sau tàu KOKS Dokdo được biên chế tháng 7/2007.

Với chiều dài 199 m, Morado có thể chuyên chở được 10 máy bay trực thăng như UH-1H, UH-60P hay Westland Super Lynx. Tuy nhiên giống như Italia, Hàn Quốc cũng đanh tranh luận về việc trang bị F-35B cho loại tàu đổ bộ này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn