Câu chuyện về địa ngục và đường đi mới của lúa mì Ukraina

Thứ Tư, 27 Tháng Bảy 20222:00 SA(Xem: 1969)
Câu chuyện về địa ngục và đường đi mới của lúa mì Ukraina

odessa_01


Đăng ngày:

Putin « nhổ vào mặt Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ »

La Croix và Les Echos tóm tắt : Được ký kết với sự hiện diện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, thỏa thuận, kéo dài bốn tháng và tự động gia hạn, rất được cộng đồng quốc tế chờ đợi, vì Nga và Ukraina cung cấp 30 % lượng lúa mì trên thế giới. Đây là một bước tiến ngoại giao, cho dù Ukraina khẳng định không ký trực tiếp bất kỳ văn bản nào với Nga, mà mỗi bên chỉ cam kết với Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến một hành lang an toàn sẽ được thiết lập trên Hắc Hải, từ ba hải cảng Ukraina là Odessa, Pivdenny, Chornomorsk. Những chuyến tàu đi từ đây được các chiến hạm Ukraina hộ tống cho đến khi ra khỏi lãnh hải, được kiểm tra ở các cảng Thổ Nhĩ Kỳ để bảo đảm với Matxcơva là không chở vũ khí trước khi bốc ngũ cốc lên tàu ở Ukraina. Kiev và Matxcơva cam đoan không tấn công. Thế nhưng ngay hôm sau, Nga đã bắn bốn hỏa tiễn vào cảng Odessa, trong đó có hai chiếc bị phòng không Ukraina bắn chận trước khi đến mục tiêu.

Vladimir Putin đã « nhổ vào mặt Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ », đó là tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ukraina, Oleg Nikolenko. Matxcơva ban đầu chối nhưng sau đó nhìn nhận đã tấn công vào Odessa ngày thứ Bảy 23/07 khi chữ ký còn chưa ráo mực. Sau vụ oanh kích, tổng thống Ukraina tố cáo việc này chứng tỏ « dù Nga nói hay hứa hẹn điều gì, họ đều tìm ra cách để không áp dụng ». Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell khẳng định « Nga hoàn toàn bất chấp luật pháp quốc tế ».

bl%C3%A9_03


Lúa mì Ukraina và« địa ngục » logistic

Trong bài phóng sự « Tại Ukraina, lúa mì vạch ra những con đường mới », đăng trước khi xảy ra vụ Nga oanh kích, đặc phái viên Le Monde thuật lại cả một hệ thống logistic mới đã được hình thành, huy động mọi phương tiện từ phà, xe tải đến các cảng nằm dọc theo dòng sông Danube, để xuất khẩu ngũ cốc.

Tại Bessarabie nằm ở vùng cực tây nam Ukraina, có một câu chuyện tiếu lâm được lan truyền suốt các cảng bên dòng Danube. Một ông vua, một doanh nhân và một người làm dịch vụ logistic xuống địa ngục. Quỷ sứ cho biết mỗi người được gọi một cuộc điện thoại duy nhất về dương thế và phải trả tiền. Ông vua gọi cho hoàng hậu, doanh nhân gọi cho người phó để chọn người thay thế. Giá của cuộc gọi là 1 triệu đô la. Người làm logistic thì gọi về cảng : « Đã có toa xe lửa nào chưa ? Tàu biển có đến đúng giờ không ? Giấy phép có chưa ? Còn người lái phà thì sao ? ». Quỷ sứ đưa hóa đơn : 1 đô la. Ông vua và doanh nhân phản đối, nhưng quỷ trả lời : « Quý vị gọi đi quốc tế, còn ông này gọi nội địa, từ địa ngục này sang địa ngục khác ».

Bessarabie là « địa ngục » của những người làm công việc hậu cần và những thương gia cố gắng bằng mọi cách đưa ngũ cốc ra khỏi nước Ukraina đang bị xâm lược, để cứu nhiều nước khỏi nạn đói. Đồng thời cũng tránh cho hàng ngàn nông dân Ukraina khỏi bị phá sản. Bãi biển Izmail nằm ở hữu ngạn một nhánh sông Danube vẫn mang vẻ yên bình, dù đầy những « ijak » tức những con « nhím thép » nhằm ngăn xe tăng Nga đổ bộ. Bờ sông bên kia là Rumani, không ai tin Nga dám thả bom sát cạnh một quốc gia thành viên NATO như thế.

bl%C3%A9_05


Thường trực trên 45 nhóm Viber, WhatsApp…để điều độ

Trong các khách sạn hay những căn nhà cho thuê dọc theo sông, các thương gia suốt ngày dán chặt vào điện thoại. Do những ngôi làng nhỏ này không có khả năng trữ quá nhiều, cần phải điều độ những con tàu, chuyến phà, xe tải... Một nhà buôn nói : « Với 140 chiếc tàu đang chờ ngoài khơi Sulina, làm thế nào chắc chắn được tàu của mình đến đúng giờ đã định, giấy phép thì khó xin, các xe tải đậu rải rác nhiều nơi và phải dỡ hàng xuống. Tôi luôn có mặt trên 45 nhóm Viber, Telegram, WhatsApp để xử lý các hợp đồng và việc vận chuyển. Đầu tôi sắp vỡ tung mất ».

Trên những con đường hẹp dẫn đến các cảng nhỏ của Ukraina bên dòng Danube, hàng mấy chục ngàn chiếc xe tải phủ bạt chạy theo một luồng bất tận. Hầu hết những người Ukraina mà nhà báo gặp dọc đường đều không tin vào thỏa thuận vừa ký. Một doanh nhân nói : « Không thể nào tin được Putin. Hành lang lúa mì ở Hắc Hải chỉ an toàn khi nào Nga bại trận ». 

Tháng Sáu, 44 % trong số 2 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất đi nhờ những cảng nhỏ bé đang ngủ quên này, giờ đây trở thành trái tim của một sự chuyển đổi logistic khổng lồ. Ban đầu, vào cuối tháng Ba Izmail vẫn kết nối được với đường sắt. Nhưng Nga quyết tâm ngăn không cho ngũ cốc Ukraina ra khỏi nước, đã phá hủy cầu Zatoka, cắt đứt con đường duy nhất đến nhà ga. Từ đó đến nay, các xe tải phải đi theo một hành lang xuyên qua Moldova 12 km để đến phần đất thuộc Ukraina của Bessarabie. Nhiều công ty ở Odessa, Mykolaiv, Kherson đã chuyển về đây. Một trong những ông chủ lớn thuộc lãnh vực này cho biết vẫn chưa hoàn hồn với chuyến đi từ Mykolaiv : một hỏa tiễn rơi xuống cách xe ông chỉ vài chục mét.

donetsk_02


Quân đội Ukraina tiến dần quanh Kherson

Le Monde nhận định Vladimir Putin qua việc bắn hỏa tiễn muốn chứng tỏ mình vẫn là người quyết định. Tuy vậy, ông không có lợi gì khi phá hoại thỏa thuận. Một mặt, Putin được phương Tây nới lỏng gọng kềm cho xuất khẩu của Nga, mặt khác, phù hợp với luận điệu tuyên truyền lâu nay rằng Matxcơva không gây khó khăn về việc cung ứng ngũ cốc cho các nước châu Phi và châu Á. Ngoại trưởng Sergueï Lavrov vừa khởi đầu chuyến công du từ hôm qua 24/02 để trấn an các nước tiêu thụ lúa mì. Thế nên, theo Le Monde, duy trì một không khí bất an ở các cảng Ukraina sẽ phản tác dụng, nhắc nhở tính cách cay độc và khó đoán của Vladimir Putin. Ngược lại, nhà phân tích tài chánh Tim Ash trên Les Echos cho rằng Nga có lợi khi chận lúa mì Ukraina, vì họ sẽ bán được hàng của mình với giá cao hơn.

Về mặt quân sự, phóng sự của Le Figaro mô tả « Cuộc phản công từng bước một của quân đội Ukraina xung quanh Kherson ». Những trận oanh tạc của Nga đã giảm bớt phần nào nhờ hệ thống Himars của Mỹ đã phá hủy nhiều kho đạn khiến quân Nga rối loạn. Khoảng 25 ngôi làng đã được giải phóng trong hai tháng qua. Tuy nhiên, vẫn còn những đợt pháo lớn, binh sĩ Ukraina phải đào hào như thời Đệ nhất Thế chiến. Nhà phân tích Mykola Bielieskov giải thích, lực lượng Ukraina tiến lên theo từng khu vực một cách có phương pháp. Chiến lược này tuy mất thời gian, nhưng đã tỏ ra hiệu quả ở Kharkov. Điều quan trọng là tấn công vào hậu cứ của Nga để cắt đường tiếp tế và quân tiếp viện.

odessa_02


Ukraina, tháng thứ sáu của cuộc chiến mà Putin ngỡ chỉ 3 ngày

Libération cảm thán : « Ukraina bước vào tháng thứ sáu của một cuộc chiến mà ai cũng nghĩ rằng không thể xảy ra ». Sáu tháng của nước mắt, của nỗi sợ và cái chết. Sáu tháng của một cuộc chiến mà Putin ngỡ là sẽ thắng được chỉ trong ba ngày. Một cuộc chiến tranh mà Ukraina từng lo ngại từ 2014, và phần còn lại của thế giới vẫn tin là bất khả, cho đến khi những quả bom đầu tiên rơi xuống vào đêm 23 rạng sáng 24/02.

Năm tháng trời chiến tranh và không có bất cứ dấu hiệu hòa dịu nào. Từ mặt trận Donbass - nơi hàng trăm chiến binh Nga hay Ukraina ngã xuống mỗi ngày, những người lính mặt còn non choẹt – cho đến những thành phố ở xa hơn như Mykolaiv, Kharkov…cũng không tránh khỏi bom đạn Nga.

Ít nhất 5.000 thường dân Ukraina đã chết, nhưng đó chỉ là những nạn nhân được chính thức nhận diện. Kiev khẳng định ở Mariupol, nay đang do Nga kiểm soát, đã có đến 20.000 thường dân thiệt mạng. Chính quyền Anh ước tính khoảng 50.000 lính Nga chết và bị thương, còn phía Ukraina ít nhất 10.000 chiến binh đã hy sinh. Chiến tranh bước vào tháng thứ sáu, và hàng triệu người Ukraina phải đi tị nạn, một số bị cưỡng bức đưa sang những vùng đất hẻo lánh ở Nga. Trong số đó có những trẻ mồ côi, một ngày nào đó sẽ lớn lên mà không nhớ rằng mình là người Ukraina.

Nicolae%20Ciuca%201


« Tướng sa mạc » ở Rumani : Đồng minh NATO lý tưởng của Mỹ

Còn nước Rumani láng giềng thì đang lên « cơn sốt quân sự », theo nhận xét của Le Monde. Lo sợ chiến tranh lan đến, Bucarest muốn đón nhận thêm 10.000 quân nhân Mỹ và mua tàu ngầm của Pháp.

Nhờ được gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ năm 2004, Rumani có thể giữ an ninh trên không phận và tăng cường lực lượng quân đội, nhưng dưới biển thì nước này chỉ có một tiềm thủy đĩnh cũ kỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Vasile Dîncu cho biết đã đề nghị Pháp bán cho hai tàu ngầm và hai chiếc trực thăng, vì « Hắc Hải ngày càng đầy những ‘cá mập’ ». Cho đến nay, Rumani đã gỡ được khoảng hai chục quả mìn trong lãnh hải. Chuẩn đô đốc Constantin Ciorobea nói rằng tàu ngầm Scorpène do tập đoàn Naval Group sản xuất có thể phát hiện mọi chuyển động khả nghi, trong khi giấu mình rất kỹ, thông báo tọa độ tàu địch cho các giàn hỏa tiễn ở bờ biển để phản ứng một cách hiệu quả.

Trước tham vọng bành trướng của Matxcơva, Bucarest quyết định mua 32 tiêm kích F-16 và cũng quan tâm đến F-35, chiến đấu cơ tối tân nhất của Mỹ để bảo vệ bầu trời. Căn cứ quân sự ở Mihail Kogalniceanu cách thủ đô 185 km về phía đông hiện có 2.000 quân nhân Mỹ, cộng với 500 lính Pháp, mấy trăm lính Hà Lan, Ý, Đức, Bỉ, trong khuôn khổ lực lượng phản ứng nhanh của NATO do Pháp chỉ huy. Địa điểm này là một trong sáu căn cứ quân sự mà Rumani để cho NATO đóng quân, chưa kể một lá chắn chống tên lửa do Mỹ thiết trí tại Deveselu ở miền nam.

Từ 2010, Rumani còn có trung tâm huấn luyện mới toanh Humint (Human Intelligence) chuyên về tình báo quân sự, có thể coi là thánh địa La Mecque của NATO về lãnh vực này. Tờ báo nói thêm, thủ tướng Nicolae Ciuca là một cựu tướng lãnh từng chinh chiến ở nhiều mặt trận quan trọng. Được đặt biệt danh là « Tướng sa mạc », ông chỉ huy tiểu đoàn Bò Cạp Đỏ từng chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ ở Afghanistan (2002-2003) trong chiến dịch « Enduring Freedom », và nổi bật trong trận đánh Nassiriya ở Irak. Washington không thể mơ một đồng minh tốt hơn thế trong thời chiến làm lãnh đạo một quốc gia ở sườn phía đông của NATO.

https://www.rfi.fr/vi
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn