Sao truyền hình TQ Tư Mã Nam ‘nói đùa’ về vụ ‘giết tổng thống Đài Loan’

Thứ Tư, 03 Tháng Tám 20225:00 CH(Xem: 1664)
Sao truyền hình TQ Tư Mã Nam ‘nói đùa’ về vụ ‘giết tổng thống Đài Loan’
bbc.com

Sao truyền hình TQ Tư Mã Nam ‘nói đùa’ về vụ ‘giết tổng thống Đài Loan’


Tổng thống Thái Anh Văn

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Thái Anh Văn

Một nhà bình luận truyền hình có tiếng ở Trung Quốc lên tiếng trên mạng xã hội khen ngợi một sinh viên dọa ám sát bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan.

Hôm 10/07, sau vụ cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị một người Nhật hạ sát, ông Tư Mã Nam đã viết lời khen một sinh viên Đài Loan bị cảnh sát bắt vì đe dọa tính mạng bà Thái Anh Văn.

Việc ông lên tiếng về lãnh đạo Đài Loan được các báo tiếng Trung ở khu vực châu Á đăng tải.

Còn theo trang tiếng Anh Taiwan News thì ông Tư Mã Nam đã không chỉ khen sinh viên họ Trần mà còn nói “nếu anh ta thành công thì việc loại làm suy yếu phái Đài Loan độc lập đơn giản biết bao”.

Sau đó, ông ta nói đó chỉ là “một cách nói đùa” chứ không hề khuyến khích giết người.

Dù đây không phải là quan điểm chính thống ở Trung Quốc, tài khoản Weibo của Tư Mã Nam đã được nhiều người đọc tiếng Trung chia sẻ.

Tư Mã Nam là ai?

Sinh năm 1956 ở Hắc Long Giang, Trung Quốc, ông Tư Mã Nam nổi tiếng là nhân vật “vô thần, chống lừa đảo đội lốt tôn giáo”.

Hiện là nhà bình luận trên TV Trung Quốc, nước không cho phép truyền hình hoạt động độc lập khỏi sự kiểm soát của chính quyền.

Tư Mã Nam có tiếng là người thuộc phe dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ Đảng Cộng sản, và từng được đài CNN giới thiệu như một nhân vật chuyên “vạch mặt” các trò chữa bệnh tâm linh, dùng khí công để “tạo phép màu”.

Ông cũng có "tai tiếng" trong cách tác nghiệp.

Chẳng hạn mới tháng 6 năm nay, Tư Mã Nam thu lén lời bình luận của một nữ khán giả truyền hình gọi vào than phiền show của ông liên quan đến nhà văn Mạc Ngôn, người được giải Nobel Văn chương.

Việc Tư Mã Nam sau đó phát tán đoạn audio ghi lời người phụ nữ kia mà không được phép của bà làm dấy lên tranh luận về đạo đức nghề truyền thông ở Trung Quốc, theo nữ nhà báo Mandy Zuo viết cho tờ South China Morning Post từ Thượng Hải.

Trong vụ mới nhất về Đài Loan, ông còn gợi ý nếu Trần thành công thì cần tặng cho anh ta “Huy chương Giải phóng”, loại chính quyền Trung Quốc tặng các cựu chiến binh.

Hiện Trần bị công tố viên Đài Loan điều tra tiếp dù cảnh sát bác bỏ khả năng anh ta “thực sự muốn hành động” sau lời dọa dẫm, theo Taiwan News.

Vấn đề Đài Loan với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ

Trung Quốc lập ra một Văn phòng sự vụ đề eo biển Đài Loan và luôn coi các phát biểu liên qua thuộc loại tế nhị, bị kiểm duyệt trên báo chí.

Về mặt nào đó, ông Tư Mã Nam phản ánh một suy nghĩ không bị kiểm duyệt ở Trung Quốc làm sao bẻ gẫy phong trào độc lập Đài Loan bằng cái giá rẻ nhất.

Chẳng hạn ông ta cũng nêu giả thuyết, “nếu phe quân đội Đài Loan làm đảo chính” chống lại phái của bà Thái Anh Văn thì vấn đề thống nhất với Trung Quốc “được giải quyết tốt luôn”.

Điều đáng lo ngại là Trần nói với cảnh sát anh ta “bực dọc về chính trị Đài Loan” chứ không có âm mưu gì khác.

Kẻ ám sát ông Shinzo Abe hôm 08/07 ở Nhật cũng khai tương tự rằng y không hài lòng về chính trị nước nhà và đổ lỗi cho ông Abe tham gia một tổ chức “không tốt”.

Lúc sinh thời, ông Shinzo Abe thúc đẩy cho đường lối tự cường quân sự của Nhật Bản và người kế nhiệm ông xác nhận nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì “an ninh Nhật cũng bị đe dọa”.

Tin về vụ ám sát ông Abe tạo ra tình huống khó xử cho không ít đài báo Trung Quốc.

Từ lâu nay họ lên án ông là "diều hâu" nhưng chính thức thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông.

Cùng lúc, nhiều dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự hả hê, khiến chính quyền phải kiểm duyệt nhiều tin bài trên Weibo, theo trang Politico.com.

Mới nhất, tin từ Hoa Kỳ cho hay Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi sẽ thăm Đài Loan, bất chấp phản đối từ Bắc Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn