Việt Cộng chật vật học theo mô hình phát triển của Trung Cộng nhưng không chắc thành công

Thứ Tư, 13 Tháng Bảy 20224:00 SA(Xem: 2415)
Việt Cộng chật vật học theo mô hình phát triển của Trung Cộng nhưng không chắc thành công
rfa.org

Việt Nam chật vật học theo mô hình phát triển của Trung Quốc nhưng không chắc thành công

Bình luận của Nguyễn Bảo Hân

Tăng trưởng ngoạn mục hay không?

Mới đây, Tổng cục Thống kê Việt Nam đã công bố tăng trưởng GDP quý II/2022 là 7,72%, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong quý thứ hai trong 11 năm qua (1). Có những chuyên gia tại Việt Nam đã cảnh báo về con số tăng trưởng GDP này, cụ thể như PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) trong một bài trả lời phỏng vấn đã cho biết: Theo tôi, mức tăng trưởng GDP quý vừa qua chưa phản ánh đúng thực tiễn, con số này dường như bị “thổi phồng” hơi quá so với thực tiễn khi mà doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn.” (2)

Tuy nhiên, báo chí Việt Nam dẫn lời của truyền thông nước ngoài cho biết dư luận Trung Quốc đang xôn xao” vì có thể Việt Nam sẽ đe dọa đến vị trí trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất thế giới (3).

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã ngay lập tức chỉ ra rằng: Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tập trung vào trái cây, thủy sản, dệt may và điện tử, trong khi nước này phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguyên liệu và thiết bị cho ngành sản. xuất thâm dụng lao động. Trên thực tế, Trung Quốc là nhà cung cấp trung gian lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần một phần ba tổng lượng nhập khẩu các sản phẩm trung gian của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, theo số liệu từ OECD. Sự phối hợp của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng lên trong những năm qua với sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào đầu vào của Trung Quốc để sản xuất, theo một báo cáo từ Carnegie Endowment for International Peace.” (4) Tờ Sputnik của Nga tường thuật lại là “Việt Nam đang ở thế phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc” cho nên Việt Nam khó có “cửa” cạnh tranh được với Trung Quốc chứ đừng nói thay thế (5).

Cho đến nay, mặc dù có lượng hàng hoá xuất khẩu ấn tượng vào thị trường Mỹ và EU, thế nhưng Việt Nam vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu thô từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác, và có mạng lưới chuỗi cung ứng kém phát triển hơn. Sản phẩm sau đó được xử lý và hoàn thiện trước khi chuyển đến Mỹ, EU... Điều quan trọng cần lưu ý là quỹ đạo hiện tại của Việt Nam chính là quỹ đạo của Trung Quốc vài năm trước.

Một số báo chí nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến xuất khẩu với lượng xuất khẩu vượt qua Thâm Quyến của Trung Quốc trong tháng 3/2022 (6). Nhưng cũng cần lưu ý rằng Thâm Quyến chỉ là một thành phố của Trung Quốc so với cả nước Việt Nam. Và dù thành công của Việt Nam đáng được hoan nghênh, song thực tế là Thâm Quyến đã chuyển từ sản xuất cấp thấp sang sản xuất cấp cao, điều mà Việt Nam cũng đang cố gắng đặt mục tiêu, nhưng đã đi sau Trung Quốc nhiều năm (7).

2004-11-10T000000Z_818843122_RP5DRHZYERAA_RTRMADP_3_SHENZHEN.JPG
Hình minh hoạ: thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc năm 2004. Reuters

Việt Nam có nên tiếp tục theo mô hình Trung Quốc?

Trong những năm gần đây, các cuộc thảo luận liên quan đến sự chuyển dịch của ngành sản xuất Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á và Nam Á không ngừng nóng lên. Các quốc gia này tương đồng về chính trị, kinh tế, địa lý và văn hóa, và Việt Nam là một trong những đối tượng tiêu biểu nhất được đưa ra phân tích. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -  Trung đã khiến cho mức thuế nhập khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc tăng lên đáng kể, nên thực tế đã xuất hiện hiện tượng một số ngành sản xuất của Trung Quốc đã chuyển dịch sang Việt Nam.

Là láng giềng hàng nghìn năm của Trung Quốc, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo từ Trung Quốc. Đặc biệt, miền Bắc Việt Nam đã từng bị đế quốc Trung Hoa đô hộ trong hàng nghìn năm lịch sử, còn gọi là thời kỳ Bắc thuộc. Hiện nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mô hình chính trị của Trung Quốc, cho nên, về đường lối phát triển kinh tế, Việt Nam cũng sao chép nhiều từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một số lý do khiến Việt Nam không thể trở thành công xưởng của thế giới” như Trung Quốc, bởi vì: 

Thứ nhất, tài nguyên quốc gia của Việt Nam hữu hạn. Trong lịch sử, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, có ba quốc gia trên thế giới đã trở thành công xưởng thế giới” theo đúng nghĩa, đó là Anh, Mỹ và Trung Quốc.

Những điều kiện cơ bản để ba nước này trở thành công xưởng thế giới” bao gồm: lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào và thị trường khổng lồ. Trong khi Việt Nam hiện tại mới chỉ đáp ứng được một điều kiện là quy mô dân số, thiếu các yếu tố tự nhiên cơ bản để trở thành công xưởng thế giới”.

Trên thực tế, Việt Nam về các yếu tố tự nhiên cơ bản chỉ nên so sánh với Nhật Bản. Với lãnh thổ dài, hẹp và dân số gần 100 triệu, Việt Nam thực sự giống với Nhật Bản giai đoạn xây dựng lại sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao về sản xuất, Nhật Bản cũng chưa bao giờ đạt đến cấp độ “công xưởng thế giới”, mà chỉ giành được lợi thế dẫn đầu trong một số lĩnh vực thành phẩm công nghệ cao. Do đó, thay vì muốn thay thế Trung Quốc, ngành sản xuất của Việt Nam tốt hơn nên lấy hình mẫu Nhật Bản hoặc Hàn Quốc trước đây để làm mục tiêu phấn đấu.

Thứ hai, cơ cấu công nghiệp của Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng. Nếu một quốc gia muốn trở thành "công xưởng thế giới" cần phải có một hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, trong đó công nghiệp nặng là không thể thiếu. Bởi phát triển nền công nghiệp nặng đồng nghĩa với việc sở hữu cơ sở hạ tầng của một nền kinh tế hiện đại, có thể tạo ra các tư liệu sản xuất như nguyên vật liệu và các thiết bị công nghiệp. Tuy nhiên, cơ cấu công nghiệp hiện có của Việt Nam chủ yếu là công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Trên thế giới, ngành công nghiệp nặng của các nước phát triển muộn thường dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước, rất khó phát triển trên thị trường tự do. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều thiết lập được hệ thống công nghiệp tương đối hoàn chỉnh dưới sự thúc đẩy của chính phủ lớn”. Tuy nhiên, đường lối cải cách và phát triển hiện nay của Việt Nam dường như đang đi theo hướng hệ thống "tự do hóa", nó không đủ quyết tâm và sự quyết đoán để thúc đẩy công nghiệp hóa bằng bất cứ giá nào. Chừng nào tình thế này chưa thay đổi, thì sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam chỉ có thể gắn liền với trật tự kinh tế do Mỹ và châu Âu lãnh đạo.

Cuối cùng, Việt Nam còn thiếu một chuỗi công nghiệp độc lập và hoàn chỉnh. Hiện nay, mô hình hoạt động chủ yếu của ngành sản xuất Việt Nam là “nguồn cung và thị trường tiêu thụ đều nằm ở nước ngoài”, cụ thể là nguồn cung cấp linh kiện và bán thành phẩm chủ yếu đến từ Trung Quốc, còn thị trường tiêu thụ thành phẩm chủ yếu là ở Mỹ. Điều này khiến ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào ngoại thương, theo mô hình nguồn cung và thị trường tiêu thụ đều nằm ở nước ngoài”, vai trò chính của Việt Nam chỉ là lắp ráp và sản xuất thành phẩm. Do đó, giá trị mà Việt Nam có được trong chuỗi sản xuất toàn cầu là rất thấp.

Trong một Báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 5 năm nay (8), các chuyên gia có đưa ra năm cải cách quan trọng cần triển khai để thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Đó là: Việt Nam cần tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể; hài hòa các quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp; sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân; thực thi hiệu lực các quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và công bằng; áp dụng các quy trình có sự tham gia để bảo đảm nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Có lẽ chính phủ Việt Nam cần thận trọng trước các thông tin lạc quan thái quá” để điều chỉnh nền kinh tế theo các đề nghị của Ngân hàng Thế giới, đó chính là cách thiết thực nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn