Loài kiến giúp phát hiện hàng nghìn hóa thạch

Thứ Bảy, 16 Tháng Bảy 20229:00 SA(Xem: 1278)
Loài kiến giúp phát hiện hàng nghìn hóa thạch

Một nhóm nhà cổ sinh vật học gần đây phát hiện 10 loài động vật có vú cổ đại chưa từng được biết tới nhờ sự trợ giúp của đàn kiến gặt.

Kiến gặt được ví như trợ lý đắc lực của các nhà cổ sinh vật học. Ảnh: Northwest Wildlife

Kiến gặt được ví như trợ lý đắc lực của các nhà cổ sinh vật học. Ảnh: Northwest Wildlife

Các loài động vật có vú cổ đại mô tả bởi Viện Cổ sinh vật học Động vật có xương sống Rochester trong nghiên cứu công bố hồi tháng 5 trên tạp chí Paludicola bao gồm loài chuột túi nhẹ hơn bóng đèn, một họ hàng của hải ly núi và tổ tiên của chuột kangaroo. Nghiên cứu hé lộ sự đa dạng của động vật có vú tại Bắc Mỹ cách đây khoảng 33 - 35 triệu năm, khi khí hậu thay đổi mạnh mẽ. Các nhà khoa học cũng ghi nhận sự đóng góp của côn trùng chuyên thu thập hóa thạch, tạo nên sự cộng tác lâu dài giữa nhóm chuyên gia cổ sinh vật học và kiến gặt.

"Kiến gặt không tuyệt vời chút nào khi đốt bạn", Samantha Hopkins, giáo sư khoa học Trái Đất ở Đại học Oregon, chia sẻ. "Nhưng tôi rất biết ơn chúng bởi chúng giúp công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn nhiều".

Phần lớn các loài kiến gặt sống trong hang dưới lòng đất, nằm bên dưới ụ đất. Kiến gặt gia cố các ụ này bằng cách dùng những mẩu đá và vật liệu cứng khác để che phủ. Chúng có thể bò tới 30 m từ hang và đào sâu 1,8 m để tìm vật liệu giúp bảo vệ ụ đất. Vật liệu đó bao gồm hóa thạch, đặc biệt ở vùng đất xấu tại Wyoming, Nebraska và Nam Dakota, nơi hóa thạch rất dồi dào và có thể tìm thấy trong đất tơi. Kiến gặt có thể mang vật liệu nặng gấp 10 - 50 lần trọng lượng cơ thể chúng. Hóa thạch nặng nhất mà chúng có thể thu thập còn nhẹ hơn viên thuốc bình thường.

Advertisement

Do giới hạn về kích thước trên, những ụ đất của kiến gặt trở thành địa điểm lý tưởng để tìm vi hóa thạch, tức hóa thạch động vật quá nhỏ để nhìn thấy mà không có kính hiển vi. Trong hơn một thế kỷ, các nhà khoa học như tiến sĩ Hopkins đã cạo trầm tích từ thành ụ đất của kiến gặt để tìm kiếm loại hóa thạch này, từ đó dễ dàng tìm thấy số lượng lớn răng động vật có vú mà không mất nhiều giờ sàng đất cát trên cánh đồng.

Năm 2015, một thợ săn hóa thạch nghiệp dư ở quận Sioux phía tây bắc bang Nebraska chú ý tới số lượng lớn răng và xương hàm hóa thạch nằm bên trên tổ kiến ở nhà riêng. Người này gửi mẫu vật cho Clint Boyd, nhà cổ sinh vật học ở Cơ quan khảo sát địa chất Bắc Dakota. Qua nhiều năm, mẫu vật liên tục được gửi đến. Năm 2020, tiến sĩ Boyd đã có hơn 6.000 mẫu vật có thể nhận dạng. Với sự giúp đỡ của Bill Korth, trợ lý nghiên cứu tại Bảo tàng và trung tâm khoa học Rochester tại New York, và một số nhà cổ sinh vật học khác, tiến sĩ Boyd có thể xác định hàng chục loài trong bộ sưu tập, cũng như 10 loài mới.

Những loài mới này bao gồm Cedromus modicus, một họ hàng của sóc hiện đại chỉ tồn tại vài triệu năm và Yoderimys massarae, thành viên nhỏ nhất trong họ chuột Eomyidae đã tuyệt chủng. Đặc biệt, loài họ hàng của hải ly là Costepeiromys attasorus được đặt tên nhằm vinh danh loài kiến gặt phát hiện hóa thạch.

Dựa trên vị trí và độ tuổi của lớp đá xung quanh tổ kiến, các nhà nghiên cứu ước tính hóa thạch đến từ cuối thế Thủy Tân và đầu thế Tiệm Tân. Trong suốt thời kỳ đó, khí hậu của Trái Đất lạnh đi đáng kể. Việc hiểu rõ mức độ đa dạng của động vật có vú trong và sau thời kỳ trên sẽ giúp giới nghiên cứu dự đoán động vật có vú ngày nay phản ứng như thế nào đối với biến đổi khí hậu.

An Khang (Theo New York Times)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn