• Myriam Francois
  • BBC News, Dakar

COURTESY OF LADY MOUNASS

Nguồn hình ảnh, COURTESY OF LADY MOUNASS

Chụp lại hình ảnh,

Lady Mounass nói rằng phong cách âm nhạc của cô khá mạo hiểm theo tiêu chuẩn ở Senegal

Sau khi các cuộc biểu tình lan rộng khắp Senegal lên án nạn hiếp dâm và giết hại phụ nữ, quy định luật pháp thay đổi vào năm 2020. Hiếp dâm trở thành tội nghiêm trọng thay vì một tội nhẹ.

Những sự kiện này đã mở ra các cuộc thảo luận về xâm hại tình dục, sự xấu hổ và trách nhiệm giải trình. Dẫn đầu phong trào này là Lady Mounass, ngôi sao nhạc pop đã dám hát về trải nghiệm đau đớn của mình.

Tại nhà riêng, cách thủ đô Dakar của Senegal hai giờ về phía nam, ngôi sao nhạc pop Lady Mounass hát một bài hát bằng tiếng Wolof mẹ đẻ của cô:

Tôi không còn sức để chiến đấu

Thậm chí không còn sức để tranh luận

Tôi mất tự tin

Bạn đã phản bội tôi

Bạn đã lấy những gì yêu dấu nhất của tôi

Làm ơn, hãy nghĩ về những người phụ nữ

Lady Mounass nổi tiếng đến với ca từ da diết và phong cách gợi cảm đặc trưng, nhưng bài hát này rất khác biệt. Nó kể một cách chi tiết về những tổn thương tinh thần mà cô phải chịu đựng sau khi bị hai người đàn ông cưỡng hiếp vào năm 2011.

"Thực sự khó khăn để tôi hát bài hát này mà không có người hát kèm bởi vì những từ ngữ là mô tả về những gì đã xảy ra với tôi. Tôi thường xuyên khóc đến mất ngủ. Mỗi ngày, tôi đang sống với sự xấu hổ", cô chia sẻ.

Có người nói rằng tôi tự bịa ra toàn bộ vụ cưỡng hiếp

Sau khi bị cưỡng hiếp, Lady Mounass báo cảnh sát và một trong những kẻ tấn công cô đã bị bắt. Điều đáng phẫn nộ là kẻ đó được thả mà không bị buộc tội. Gia đình cô muốn Mounass giữ im lặng về vụ cưỡng hiếp, nhưng trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Senegal năm ngoái, cô vô tình tiết lộ sự thật.

"Người phỏng vấn liên tục hỏi tôi: Bạn có vẻ quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, bạn có vẻ đặc biệt nhạy cảm với chủ đề này. Và thế là những giọt nước mắt bắt đầu rơi xuống và tôi không thể kìm nén được."

Tiết lộ của Mounass đã chấn động đến cuộc đời của chính cô. Một số nhà phê bình cho rằng phong cách "khiêu khích" của cô đã tạo cho đàn ông "ấn tượng sai lầm", trong khi những người khác cho rằng cô đã dựng lên toàn bộ sự việc như một diễn viên đóng thế công khai.

Nguồn hình ảnh, MYRIAM FRANCOIS/BBC

Chụp lại hình ảnh,

Bài hát về trải nghiệm khi bị cưỡng hiếp của Lady Mounass đã trở thành nhạc nền cho chiến dịch chống lại bạo lực tình dục

Lady Mounass nói: "Một số người cố gắng nói rằng tôi chỉ làm vậy để gây chú ý - và điều đó thực sự làm tổn thương cảm xúc của tôi."

"Chính gia đình tôi nói đây chính là lý do tại sao họ yêu cầu tôi không được công khai câu chuyện này."

Trong những tuần sau đó, nhiều người đã liên lạc với Lady Mounass để nói về những trải nghiệm bị tấn công tình dục của họ. Có những câu chuyện đáng buồn - một người phụ nữ kể rằng cô ấy đã bị ông nội của cô ấy hãm hiếp; một người khác kể rằng thủ phạm là cha cô, và rằng mẹ cô không chịu tin cô.

Sau đó, Lady Mounass trở thành người phát ngôn chống lại bạo lực tình dục. Cô tham gia một chiến dịch của chính phủ, đi lưu diễn khắp đất nước để nâng cao nhận thức về bạo lực tình dục và hỗ trợ pháp lý dành cho phụ nữ. Bài hát của cô ấy đã trở thành nhạc nền cho chiến dịch đó.

Cưỡng hiếp là đáng xấu hổ, nhưng đó không phải là sự xấu hổ của cô ấy

Phụ nữ thường bị kỳ thị nặng nề và miễn cưỡng lên tiếng về nạn cưỡng hiếp ở Senegal, chứ chưa nói đến việc đủ can đảm để phát hành một bài hát về vấn đề này. Lady Mounass đã quyết định rằng sự xấu hổ không phải là của cô ấy.

Nhưng đối với một số phụ nữ, trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục đồng nghĩa với việc bị gia đình và cộng đồng từ chối. Đây là những gì đã xảy ra với hai phụ nữ trẻ mà tôi gặp tại nơi trú ẩn đầu tiên do người Senegal điều hành dành cho các nạn nhân của bạo lực gia đình và tình dục. Chúng tôi đã thay đổi tên của họ.

Nằm ở một vùng ngoại ô yên tĩnh của Dakar, nơi trú ẩn được điều hành bởi Yacine Diouf, con gái của một cựu tổng thống.

Nơi ẩn náu có thể cung cấp một mái ấm cho 25 đến 30 phụ nữ tại một thời điểm, cũng như con cái của họ. Họ sẽ được cung cấp các khóa đào tạo và kỹ năng để giúp họ sống độc lập sau khi rời đi.

Nguồn hình ảnh, MYRIAM FRANCOIS/BBC

Chụp lại hình ảnh,

Yacine Diouf cung cấp chỗ trú an toàn cho những phụ nữ bị tấn công tình dục

Deena mới 19 tuổi nhưng trông trẻ hơn rất nhiều. Mặc một chiếc áo phông trắng và quần jeans, cô ấy chăm chăm nhìn vào điện thoại của mình. Deena bị cưỡng hiếp khi cô 15 tuổi. Vụ cưỡng hiếp đã khiến Deena mang thai và giờ cô là mẹ của một đứa trẻ ba tuổi.

"Người đàn ông tấn công tôi đã bị cảnh sát giam giữ," cô nói. "Anh ta đưa ra lời khai sai. Họ để anh ta đi sau một tháng. Mặc dù vậy, anh ta đã nhận ra đứa trẻ và chấp nhận quan hệ cha con. Tôi đã sử dụng điều đó để nộp đơn khiếu nại, nhưng anh ta đã bỏ trốn sang Guinea."

Deena rất khó nhọc để kiếm được 2 USD mỗi ngày. "Cuộc sống thật khó khăn. Tôi đã đi học nhưng tôi đã phải bỏ học. Tôi không còn lựa chọn nào khác, tôi phải chu cấp cho con mình. Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ tôi đã ly hôn sau những gì đã xảy ra."

Ngồi cạnh Deena là Sarah, cũng 19. Năm ngoái Sarah bị cưỡng hiếp và giờ cô ấy đang mang thai.

Cô ấy đã không đến gặp cảnh sát hoặc nói với bất cứ ai về những gì đã xảy ra. Vụ cưỡng hiếp chỉ được phát hiện khi cô ấy có thai - sau đó gia đình cô ấy đuổi cô ấy ra ngoài. Cô được đưa đến nơi ẩn náu khi được phát hiện đang ngủ trên đường phố.

Một nhân viên tị nạn đang chăm sóc Sarah giải thích: "Trong văn hóa của cô ấy, có rất nhiều sự xấu hổ khi bị hãm hiếp, vì vậy cả gia đình nội và ngoại đều từ chối cô ấy."

Fatou Warkha, người điều hành một kênh YouTube quảng bá quyền phụ nữ, cho biết ở Senegal, khái niệm "sutura" có thể gây áp lực buộc các nạn nhân của bạo lực tình dục phải im lặng.

"Sutura có nghĩa là phụ nữ cảm thấy họ phải che giấu những điều này, vì vậy đây là một trở ngại thực sự trong việc thay đổi cách phụ nữ tố cáo việc cưỡng hiếp khi nó xảy ra", cô nói.

"Đủ là đủ"

Warkha là một phần của một nhóm nữ quyền, những người đã tạo ra Dafadoy Collective, có nghĩa là "đủ là đủ". Vào năm 2019, các nhà vận động đã bắt đầu sử dụng hashtag #Dafadoy, giống như phong trào #metoo và các cuộc họp có tổ chức để phản đối bạo lực tình dục.

Năm đó, một loạt vụ tấn công tình dục phụ nữ đã dẫn đến các cuộc biểu tình rộng rãi. Nổi bật nhất là trường hợp của Bineta Camara, 23 tuổi, người đã bị siết cổ sau khi kẻ sát nhân cố gắng cưỡng hiếp cô. Trường hợp của cô ấy đã gây ra sự phẫn nộ, không chỉ trong giới nữ quyền, mà còn trên toàn xã hội.

El Hadji Elias Ndoye, một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, là một trong số 3.000 người tham gia các cuộc biểu tình, nói: "Do tính chất gia trưởng của xã hộ, sự hiện diện của nam giới trong các cuộc biểu tình này là rất cần thiết."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Những người biểu tình mang tấm biển có hình ảnh của cô gái trẻ Bineta Camara cùng dòng chữ Không bao giờ nữa, vào năm 2019

"Một số người cáo buộc tôi chui dưới váy phụ nữ, nhưng thành thật mà nói, đã đến lúc tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe. Phần lớn đàn ông im lặng ở bên chúng tôi bởi vì con gái họ, em gái họ, thành viên gia đình của họ là những người dễ bị tổn thương."

Tham gia biểu tình còn có Mamadou Maktar Gaye, người đứng đầu Jamra - một trong những tổ chức Hồi giáo có ảnh hưởng nhất trong nước. Anh và Jamra sát cánh cùng "chị em" của họ để đối lập với những gì Gaye gọi là "tai họa của hiếp dâm".

Ông nói: "Đó là về việc đàn ông phải thay đổi hành vi của họ."

Các cuộc biểu tình đã giúp thay đổi luật pháp. Năm 2020, hiếp dâm trở thành tội nghiêm trọng. Các vụ án hiếp dâm hiện được xét xử tại tòa án hình sự với mức án 10 năm đến chung thân, trong khi trước đó chúng đã được xét xử tại tòa án thẩm phán với mức án mức án tối đa 10 năm.

Lady Mounass hy vọng bài hát cô viết về thử thách của mình sẽ giúp những người phụ nữ khác lên tiếng. "Tôi có nền tảng là một ca sĩ và tôi cảm thấy có trách nhiệm. Tôi cảm thấy rằng tôi phải nói điều gì đó về điều này", cô nói.

"Tôi đặc biệt kêu gọi đàn ông chấm dứt văn hóa xung quanh nạn hiếp dâm và ngừng biến nó thành điều mà phụ nữ cảm thấy họ phải giữ im lặng."