Băng tan tạo năng lượng nhiều hơn 10 trạm thủy điện

Chủ Nhật, 05 Tháng Sáu 202211:00 SA(Xem: 1581)
Băng tan tạo năng lượng nhiều hơn 10 trạm thủy điện

Băng Greenland đang tan chảy nhiều đến mức lượng nước mà nó tạo ra có thể sản sinh năng lượng hơn 10 dự án thủy điện lớn nhất thế giới.

Một dòng sông hình thành do băng tan chảy ở Greenland. Ảnh: Poul Christoffersen

Một dòng sông hình thành do băng tan chảy ở Greenland. Ảnh: Poul Christoffersen

Mỗi mùa hè, nhiệt độ và ánh sáng mặt trời tăng lên khiến nhiều bề mặt đóng băng ở Greenland tan chảy, tạo thành các dòng sông và thác nước chảy xiết, di chuyển xuống đáy tảng băng tới độ sâu hàng kilomet bằng cách lao qua các vết nứt và đứt gãy lớn.

"Có rất nhiều năng lượng hấp dẫn được lưu trữ trong nước hình thành trên bề mặt, và khi nó rơi xuống, năng lượng phải đi đâu đó. Thật không may, năng lượng này đang được chuyển đổi thành nhiệt, làm tăng tốc độ tan chảy ở cả mặt trên và mặt dưới của tảng băng", Giáo sư Poul Christoffersen tại Đại học Cambridge cho biết trong một báo cáo gần đây trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

Đó là một phần của vòng lặp cho thấy tác động của biến đổi khí hậu có thể đẩy nhanh sự gia tăng mực nước biển trên khắp thế giới, báo cáo nhấn mạnh.

Christoffersen cùng các cộng sự đã sử dụng một loại radar để đo lượng băng tan chảy và cho biết có tới 82 triệu m3 nước rơi từ bề mặt xuống đáy sông băng Store Glacier ở Greenland mỗi ngày trong suốt mùa hè. Theo tính toán, lượng nước này tạo ra nhiều năng lượng hơn 10 trạm phát thủy điện lớn nhất thế giới cộng lại.

"Nhiệt tạo ra bởi nước rơi xuống làm tan băng từ dưới lên và tốc độ mà chúng tôi báo cáo là chưa từng có. Với những gì chúng ta đang chứng kiến về biến đổi khí hậu ở các vĩ độ cao, tốc độ băng tan có thể dễ dàng tăng gấp đôi hoặc gấp ba", Christoffersen nói thêm.

Đáng tiếc là trên thực tế không có cách nào để khai thác lượng nước tan chảy này để sản xuất điện sạch, thứ có thể giảm khí thải nhà kính đang thúc đẩy chính quá trình tạo ra nó. Dải băng Greenland hiện là yếu tố đóng góp lớn nhất vào sự gia tăng mực nước biển toàn cầu.

Đoàn Dương (Theo CNET)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn