Tình hình Biển Đông: Khoảng lặng trước cơn bão

Thứ Năm, 09 Tháng Mười Một 20172:00 SA(Xem: 7121)
Tình hình Biển Đông: Khoảng lặng trước cơn bão
Nhiều bức ảnh chụp từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang âm thầm tiếp tục các hoạt động xây dựng và cải tạo trên Biển Đông, và nhiều khả năng sẽ sớm có những biện pháp khẳng định chủ quyền mạnh mẽ hơn.
 
7c057af5-f4f3-44d0-a3f6-17cdf10c421a.jpg
Trong khi sự chú ý của dư luận thế giới tập trung chủ yếu vào vấn đề Triều Tiên và những diễn biến liên quan đến Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, các căng thẳng trên Biển Đông gần như không còn trong tiêu điểm của báo giới thời gian qua. Tuy nhiên, với việc các tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ và những bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục nâng cấp hạ tầng tại đảo Bắc và đảo Cây tại quần đảo Hoàng Sa, giới chuyên gia cho rằng tuyến đường thương mại trọng yếu này vẫn là một điểm nóng của thế giới.
Một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ lần đầu tiên cho các máy bay chiến đấu sử dụng những đường băng mà nước này đã xây dựng tại Hoàng Sa trong vài tháng tới, trong khi giới chức quân sự khu vực nói rằng Trung Quốc đã sử dụng các hạ tầng tại Biển Đông để mở rộng và tăng cường khả năng triển khai lực lượng hải quân cũng như tuần duyên trên quy mô lớn hơn ở Đông Nam Á. Bonnie Glaser - chuyên gia về vấn đề an ninh Trung Quốc, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington - nói: “Họ đã xây dựng những cơ sở hạ tầng rất quy mô. Các chuyên gia dân sự Trung Quốc lẫn giới chuyên gia của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đều nhiều lần nói rõ rằng tới thời điểm chiến lược, Trung Quốc sẽ bắt đầu khai thác toàn diện các hạ tầng này… Tôi cho rằng vấn đề chỉ còn là thời gian, chứ không phải liệu Trung Quốc có bắt đầu khẳng định các lợi ích một cách mạnh mẽ hơn ở Biển Đông hay không… Nhiều khả năng điều này sẽ diễn ra vào thời điểm mà Trung Quốc lựa chọn”.
Vấn đề này nhiều khả năng sẽ trở nên nóng hơn trong chuyến công du châu Á bắt đầu từ tuần này của Tổng thống Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Michael Cavey nói: “Chúng tôi vẫn quan ngại về các căng thẳng ở Biển Đông, nhất là những gì liên quan đến hoạt động cải tạo địa hình và quân sự hóa nhiều khu vực tranh chấp, cũng như sự cương quyết của một số quốc gia, thể hiện qua việc sẵn sàng dùng vũ lực để khẳng định các tuyên bố của mình… Chúng tôi đã liên tục kêu gọi Trung Quốc cũng như các nước tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực hạn chế mọi hoạt động cải tạo, xây mới các hạ tầng cũng như quân sự hóa các thực thể tranh chấp”.
Trong một bài phát biểu tại Singapore hồi đầu tháng, Đô đốc Harry Harris – Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương - khẳng định dù Washington mong muốn có được sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, song họ vẫn sẽ buộc quốc gia này phải chịu trách nhiệm về những hành vi đi ngược lại luật pháp và quy tắc quốc tế. Trả lời những câu hỏi của hãng tin Reuters, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tái khẳng định các thực thể trên đều nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, “Người ta không thể cho rằng việc Trung Quốc xây dựng trên thực thể và rạn san hô ở Biển Đông, hay xây dựng các hạ tầng quốc phòng cần thiết là hoạt động quân sự hóa…. Chúng tôi cho rằng tình hình hiện tại ở Biển Đông khá yên ổn, và tất cả các bên liên quan nên tích cực phối hợp cùng nhau để bảo vệ hòa bình cũng như sự ổn định của vùng biển này”. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải ngày 30/10 cho rằng Mỹ không nên “can thiệp” vào các nỗ lực khu vực nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Trong một nghiên cứu gần đây về nguy cơ xung đột Mỹ-Trung, tổ chức RAND có liên quan tới Chính phủ Mỹ đã đưa Biển Đông lên hàng đầu trong danh sách những mâu thuẫn có thể kích động đối đầu. Biển Đông được xếp trên vấn đề Đài Loan, và sau Bán đảo Triều Tiên. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng tuyến đường biển này “đã trở thành điểm rất khó đoán định trong sự kình địch Mỹ-Trung”.
Dù Lầu Năm Góc tuyên bố về kế hoạch tiến hành thường xuyên hơn các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không (FONOP) trong khu vực để thách thức các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, song một số nhà phân tích cho rằng Washington vẫn đang chật vật tìm cách đối phó với những bước đi thao túng của Trung Quốc tại đây. Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Yusof Ishak của Singapore, bình luận: “Trung Quốc dường như đang theo đuổi một chiến lược dài hạn, toàn diện và đã được lên kế hoạch rất cẩn trọng để thâu tóm toàn bộ Biển Đông, trong khi Mỹ chỉ đáp trả bằng những hành động bộc phát”.
Chuyên gia về hải quân Ni Lexiong, hiện làm việc tại Đại học Chính trị và Pháp luật Thượng Hải, nói: “FONOP chỉ là các chiến thuật, chứ không phải chiến lược, những hoạt động này không khiến Trung Quốc mảy may cân nhắc lại những dự tính của họ ở Biển Đông”. Ông cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động triển khai lực lượng không xuất phát từ ý đồ hay sự cần thiết của họ, mà chủ yếu phụ thuộc vào hành động của các nước khác. Ông nói: “Mọi thứ vẫn tốt đẹp chừng nào các nước khác chưa có ý định công khai khiêu khích đụng độ… Rắc rối sẽ nảy sinh khi một số quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ, khuấy động tình hình”.
Theo “Reuters”
Hương Trà (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn