9 tác nhân gây trầm cảm cần theo dõi

Chủ Nhật, 10 Tháng Tư 20223:00 CH(Xem: 2312)
9 tác nhân gây trầm cảm cần theo dõi

Rối loạn trầm cảm có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ mất người thân đến thay đổi theo mùa hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần nếu không được điều trị, có thể gây khó khăn cho cuộc sống. Cứ 6 người sẽ có một người bị trầm cảm vào thời điểm nào đó trong đời.

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể từ nhẹ đến nặng và kéo dài ít nhất hai tuần. Các triệu chứng trầm cảm có thể bao gồm cảm thấy buồn hoặc tâm trạng chán nản, mất hứng thú với các hoạt động bạn từng yêu thích, thay đổi cảm giác thèm ăn, gặp vấn đề với giấc ngủ, mệt mỏi hoặc giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng, suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử...

Bất cứ điều gì cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, tùy thuộc vào từng cá nhân. Tuy nhiên, có một số yếu tố thường liên quan đến các giai đoạn trầm cảm.

Căng thẳng và mất mát

Cái chết của một người thân yêu là những gì chúng ta thường nghĩ đến khi nghe về sự mất mát. Tuy nhiên, còn rất nhiều sự kiện cuộc sống khác khiến một người có cảm giác mất mát như nỗi buồn, lòng tự trọng bị ảnh hưởng.

Những sự kiện căng thẳng không liên quan đến mất mát cũng có thể là tác nhân gây ra trầm cảm. Cả những thay đổi tích cực và tiêu cực trong cuộc sống như kết thúc một mối quan hệ, mất việc làm, trải qua bạo lực, sống trong một thảm họa lớn, căng thẳng tài chính, kết hôn, thất nghiệp, nghỉ hưu đều có thể là tác nhân gây ra.

Việc cảm thấy buồn bã và đau đớn sau những sự kiện này là điều bình thường ở hiện tại nhưng chúng có thể phát triển thành trầm cảm ở tương lai hoặc là hệ quả của trầm cảm trong quá khứ.

Buồn bã, chán nản là những dấu hiệu phổ biến của trầm cảm. Ảnh: Freepik

Buồn bã, chán nản là những dấu hiệu phổ biến của trầm cảm.

Thay đổi nội tiết tố

Tuổi dậy thì, mang thai và mãn kinh gây ra những thay đổi đáng kể trong cơ thể và thường là những sự kiện thay đổi cuộc đời. Những thay đổi nội tiết tố và căng thẳng tinh thần có thể gây ra trầm cảm cho một số người.

Trầm cảm sau sinh (PPD) là một rối loạn trầm cảm nghiêm trọng thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh con.

Các tình trạng bệnh tật khác

Căng thẳng do mắc bệnh cũng có thể gây ra trầm cảm.

Harvard Health (Mỹ) báo cáo rằng có đến một nửa số người sống sót sau cơn đau tim có tâm trạng không thoải mái, trong đó nhiều người bị trầm cảm nghiêm trọng. Trầm cảm liên quan đến bệnh tim và làm chậm quá trình phục hồi.

Các tình trạng y tế khác như bệnh Alzheimer, đột quỵ, thoái hóa thần kinh, rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng, ung thư, rối loạn cương dương, chấn thương đầu... cũng có liên quan đến rối loạn tâm trạng như trầm cảm.

Thay đổi theo mùa

Khi các giai đoạn trầm cảm xảy ra cùng với sự thay đổi của các mùa, nó được gọi là rối loạn ái cảm theo mùa (SAD). SAD ảnh hưởng đến khoảng 5% người lớn ở Mỹ.

Đối với hầu hết những người bị SAD, các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn vào những tháng mùa thu và mùa đông khi có thời gian ban ngày ngắn hơn và ít ánh sáng mặt trời hơn. Mùa hè SAD ít phổ biến hơn. Các đợt SAD thường kéo dài khoảng 40% trong năm.

Trầm cảm sau sinh ở phụ nữ cần lưu ý. Ảnh: Freepik

Trầm cảm sau sinh ở phụ nữ cần lưu ý. Ảnh: Freepik

Sử dụng chất kích thích

Gần một nửa số nghiên cứu được đưa vào một đánh giá có hệ thống năm 2017 cho thấy trầm cảm hoặc lo lắng ban đầu có liên quan đến hút thuốc.

Đánh giá cũng cho thấy rằng hơn 1/3 các nghiên cứu chỉ ra việc tiếp xúc với thuốc lá ban đầu có liên quan đến chứng trầm cảm hoặc lo lắng sau này.

Sử dụng rượu cũng có thể làm cho các triệu chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Theo Liên minh Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần, những người mắc chứng rối loạn sử dụng chất kích thích có nguy cơ mắc một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng tăng lên đáng kể.

Chất lượng giấc ngủ

Cả trầm cảm và rối loạn giấc ngủ đều có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Điều này có nghĩa là giấc ngủ kém có thể góp phần vào nguyên nhân gây ra trầm cảm, trong khi trầm cảm có thể cản trở giấc ngủ. Mối liên hệ này khiến chúng ta không thể xác định trầm cảm hay rối loạn giấc ngủ cái nào đến trước.

Đối với người lớn bị trầm cảm, khoảng 75% bị mất ngủ hoặc không thể ngủ ngon; 20% mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn; 15% mắc chứng thèm ngủ (ngủ quá nhiều, đặc biệt là vào ban ngày). Những người bị trầm cảm cũng thường quay vòng qua lại giữa mất ngủ và mất ngủ trong giai đoạn trầm cảm.

Thói quen ăn kiêng và tập thể dục

Thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Chế độ ăn: kết quả của một đánh giá có hệ thống về nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng một số loại thực phẩm có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm.

Các thói quen ăn uống có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm bao gồm lựa chọn thực phẩm cân bằng, tuân theo chế độ ăn uống chống viêm, ăn nhiều rau, trái cây và cá, bổ sung đầy đủ axit folic, magiê và các axit béo khác nhau. Hạn chế ăn các thực phẩm có liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm như đường, socola, thực phẩm chế biến sẵn..

Thể dục: có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với chứng trầm cảm nặng ở một số người lớn. Tuy nhiên, các kết quả khác nhau và cần phải nghiên cứu thêm để hiểu mức độ liên quan của bài tập và trầm cảm hoạt động như thế nào theo thời gian.

Thuốc men

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc tránh thai...

Nên tập thói quen trao đổi với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, kể cả thuốc mua tự do và thuốc thảo dược, đồng thời cho họ biết nếu thấy bất kỳ tác dụng phụ nào.

Ngừng điều trị

Một nghiên cứu năm 2020 trên 201 người mắc chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng cho thấy 1/3 đến một nửa số người tham gia bị trầm cảm tái phát trong vòng một năm sau khi ngừng điều trị.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng việc ngừng điều trị bằng thuốc chống trầm cảm trong thời gian bệnh thuyên giảm dẫn đến sự tái phát ở 40% đến 50% số người tham gia. Ngược lại, duy trì điều trị trong 6-12 tháng sau khi thuyên giảm làm giảm nguy cơ xuống 13% đến 20% .

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn được các tác nhân gây trầm cảm nhưng có nhiều cách để giảm nguy cơ. Các bước bạn có thể thực hiện bao gồm thực hành thói quen ăn, ngủ và tập thể dục lành mạnh. Viết ra các triệu chứng và những gì đã xảy ra khi chúng xảy ra, tìm kiếm các mô hình hoặc dấu hiệu về những gì có thể đã kích hoạt bạn. Thực hiện theo kế hoạch điều trị của bạn như được chỉ định. Đừng thay đổi hoặc dừng lại mà không thảo luận với bác sĩ.

Nếu bạn gặp các triệu chứng trầm cảm trong hầu hết thời gian mỗi ngày, trong ít nhất hai tuần cần đi khám để quản lý rối loạn trầm cảm.

Anh Chi (Theo VeryWellHealth
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn