Xu hướng lật đổ Putin ngày càng tăng, nhưng không dễ thực hiện

Thứ Ba, 29 Tháng Ba 20222:00 SA(Xem: 2213)
Xu hướng lật đổ Putin ngày càng tăng, nhưng không dễ thực hiện

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của các lực lượng Nga, khởi sự từ hồi cuối Tháng Hai đến nay, làm hàng ngàn người của đôi bên chết và hàng triệu thường dân chạy loạn từ Ukraine sang các nước láng giềng, biến nước Nga của Tổng Thống Vladimir Putin thành mục tiêu thù ghét số một, chẳng những của các nước Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, mà còn của nhiều quốc gia tự do, dân chủ khác trên thế giới.

Cho tới nay, những biện pháp cấm vận kinh tế, tẩy chay chính trị, và cô lập hóa Nga được nâng cao lên mức chưa từng có trước đây, so với các biện pháp trả đũa và trừng phạt Nga mà Hoa Kỳ và một số nước Âu Châu từng áp dụng hồi năm 2014, sau khi Nga ngang nhiên chiếm bán đảo Crimea của Ukraine rồi sáp nhập vùng lãnh thổ này.

TS-Xu-Huong-Lat-Do-Putin
Tổng Thống Vladimir Putin của Nga, một trong những nhà độc tài của thế giới. (Hình minh họa: Vladimir Smirnov/Pool/AFP via Getty Images)

Trong khi các cơ sở kinh doanh của Nga, các ngân hàng và tài sản của các nhà tư bản và giới tài phiệt Nga đang bị phong tỏa khắp nơi thì ủy hội thể thao Nga, đặc biệt là Liên Đoàn Bóng Tròn Nga, cũng bị loại trừ khỏi các cuộc tranh tài quốc tế, từ cấp châu lục đến cấp thế giới.

Viễn ảnh của một đại cường như nước Nga bị suy sụp về kinh tế và bị cô lập về chính trị trên trường quốc tế chưa bào giờ rõ rệt như bây giờ.

Điều đáng nói ở đây là cộng đồng thế giới biết rất rõ rằng, mặc dù nước Nga và dân chúng Nga đang là người hứng chịu những ngón đòn trừng phạt tàn hại đó, thủ phạm chính gây ra cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự lớn lao nhất trong lịch sử Âu Châu kể từ Thế Chiến Hai đến nay chính là là nhà lãnh đạo Nga, Tổng Thống Vladimir Putin.

Trong một bài viết trên tờ báo mạng Insider của Hoa Kỳ, số ra ngày 12 Tháng Ba, tác giả Joshua Zitser cho rằng cơ hội loại trừ Putin đang gia tăng, nhưng lực lượng mật vụ bảo vệ nhà độc tài cộng với thói quen của dân Nga luôn lo sợ bị nhà cầm quyền trả thù sẽ giúp che chở cho Putin. 

Nhận định khái quát của Joshua Zitser về khả năng Putin bị loại

Dưới đây là những điểm chính yếu trong nhận định kể trên của ông Joshua Zitser:

Nhìn tổng quát, hiện nay, nền kinh tế Nga đang trên đà suy sụp, quân đội Nga đang gặp khó khăn trong nhiệm vụ dứt điểm mục tiêu Ukraine, rồi lại có vấn đề tinh thần chiến đấu của binh sĩ Nga đang xuống thấp.

Ông Adam Casey, một chuyên gia nghiên cứu về các quốc gia theo chế độ chuyên chế trên thế giới và cũng là một nghiên cứu sinh sau bậc tiến sĩ tại Trung Tâm Weiser Nghiên Cứu Về Các Nền Dân Chủ Đang Trỗi Dậy của đại học University of Michigan, cho rằng khuynh hướng dấy lên một cuộc nổi loạn hoặc đảo chánh chống lại nhà lãnh đạo độc tài đang thành hình tại Nga. Cũng theo chuyên gia này, khả năng ông Putin bị lật đổ nay “cao hơn nhiều so với tháng trước đó.”

Tuy nhiên, bởi vì suốt hai thập niên qua, ông Putin Putin đã thiết lập một guồng máy bảo vệ cho mình khỏi các cuộc đảo chánh bất ngờ, thật khó mà nhìn thấy cái ngày nhà độc tài này bị hạ bệ, vẫn theo lời ông Casey. 

Những diễn biến có thể dẫn tới cuộc đảo chánh Putin

Kế đó, ông Casey điểm qua những diễn biến có thể dẫn tới cuôc đảo chánh Putin hiện nay.

Thứ nhất, số binh sĩ Nga tử trận tại Ukraine lên cao ngoài dự tính, tức là khoảng từ 6,000 tới 12,000, tùy theo các các con số do bên này hay bên kia chiến tuyến đưa ra.

Số xe quân sự của Nga bị phía Ukraine tiêu hủy hoặc bị hư hỏng, trong đó có cả xe tăng và xe bọc thép, là 2,000 chiếc. Thứ nhì, tinh thần chiến đấu của binh lính Nga bị đánh giá là thấp trước sức kháng cự mãnh liệt không ngờ của Ukraine, dẫn tới tình trạng người chiến binh Nga nghĩ rằng họ bị quân đội lừa dối về mục tiêu của cuộc chiến tại Ukraine.

Thứ ba, thảm họa về kinh tế mà dân chúng Nga đang phải hứng chịu qua cuộc xâm lược Ukraine cho thấy giai cấp trung lưu ở Nga là thành phần bị thiệt hại nặng nề nhất, trong khi giới thượng lưu cũng chẳng an lành gì. Đã thế, tài sản của các nhà tài phiệt Nga, gồm các siêu du thuyền lộng lẫy, đều đang bị khống chế gắt gao hoặc tịch thu qua luật cấm vận kinh tế.

Tác giả bài báo trên Insider cho rằng tất cả những yếu tố kể trên cho thấy một cuộc đảo chánh lật đổ Putin có thể xảy ra lắm chứ không phải là chuyện đùa. 

FSB có khả năng mạnh mẽ ngăn ngừa đảo chánh

Tuy nhiên, Tổng Thống Putin, người cầm quyền tại Nga từ năm 2000 cho tới nay – dù có một thời gian ông xuống làm thủ tướng – trong cả hai thập niên làm cho chế độ cai trị của mình “không thể bị đảo chánh” bằng cách nặn ra một guồng máy an ninh có khả năng giúp ông không bao giờ bị lật đổ. Đứng đầu trong guồng máy này là Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga (FSB).

FSB chuyên chú về các hoạt động phản gián, an ninh quốc nội, và theo dõi. Cơ quan này có nhiệm vụ đánh giá mức độ đáng tin cậy về chính trị của các sĩ quan quân đội. Phải biết rằng ông Putin từng là một chuyên gia tình báo trong cơ quan mật vụ KGB thời Liên Xô trước khi ông trở thanh sếp lớn của FSB, cơ quan hậu thân của KGB hồi năm 1998. Sau khi lên làm tổng thống, ông khéo léo thay đổi cấu trúc lãnh đạo của cơ quan này để nó được đặt trực tiếp dưới quyền quản trị của mình.

Ông Alexander Litvinenko, một nhân viên cũ của FSB, bị đánh thuốc độc chết năm 2006, tố cáo rằng cơ quan này nuôi một đội sát thủ nhắm vào những kẻ thù chính trị của chế độ, khủng bố tinh thần, và bóp nghẹt những người bất đồng chính kiến. Dĩ nhiên, FSB rất hữu hiệu trong vai trò ngăn ngừa đảo chánh ông Putin, trong khi các sĩ quan quân đội ít ai dám đứng lên lật đổ chính phủ, vì mọi hành vi của họ đều bị theo dõi, dẫn tới rủi ro bị thanh trừng hay hạ sát nếu có động tĩnh gì. 

FSO chính là “Ngự Lâm Quân” của ông Putin

Còn Sở Bảo Vệ Liên Bang (FSO) chính là đoàn “Ngự Lâm Quân” của ông Putin, tức là cơ quan chuyên bảo vệ an ninh cho “vị chúa tể” qua sứ mạng loại trừ mọi mưu toan đảo chánh từ trong trứng nước. Các nhân viên FSO, tự nhận mình là các chàng “Ngự Lâm Quân” (Musketeers) của các triều đình Pháp thời xưa, được giao nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh cho ông Putin cùng các giới chức cao cấp của nhà nước Nga. FSO còn được so sánh như là một đội vệ sĩ cho các ông vua thời Cổ La Mã, mà sử sách gọi là “Practorian Guards.”

Hiện có tới 20,000 nhân viên FSO ngày đêm chăm lo bảo vệ an ninh cho ông Putin. Vì lo sợ, có khi các nhân viên FSO sẽ quay ra phản bội mình, ông Putin tạo dựng nên bản năng không ai tin ai và do thám lẫn nhau bên trong tập thể này, nhằm ngăn chặn ngay từ đầu khả năng họ liên kết lại trong âm mưu ám hại “vị chúa tể.” 

Vệ Binh Quốc Gia, cơ quan an ninh quốc nội chống phản loạn

Thêm vào đó, vào năm 2016, chế độ của ông Putin còn lập nên một cơ cấu khác là cơ quan an ninh quốc nội chống phản loạn, gọi là Rosvardia, tức là Vệ Binh Quốc Gia, được giao nhiệm vụ đàn áp và dập tắt mọi cuộc biểu tình phản đối hay nổi dậy chống chính phủ Nga.

Nhà lãnh đạo Nga tin rằng sự ra đời của cơ quan này có thể làm cho tập thể quân đội Nga hài lòng, bởi vì quân đội chỉ muốn chuyên chú vào sứ mạng chống kẻ thù bên ngoài nước Nga, chứ không muốn đảm nhận nhiệm vụ đàn áp dân chúng trong nước, tức là dùng súng đạn bắn vào dân biểu tình. 

Những rủi ro “khủng khiếp” nếu nổi dậy chống nhà lãnh đạo Nga

Chuyên gia Casey tin rằng một cuộc “đảo chánh trong nội bộ” dưới hình thức lật đổ chế độ mà không cần dùng tới bạo lực là điều có thể xảy ra nhiều hơn so với một cuộc đảo chánh quân sự, nhất là đối với hiện tình nước Nga bây giờ.

Mặc dù những cuộc biểu tình phản đối chính phủ Nga rất hiếm khi dẫn tới cuộc cách mạng lật đổ chế độ, ông Putin vẫn ra sức tạo nên cái cảm tưởng rằng hoạt động của những nhà bất đồng chính kiến sẽ dẫn tới những rủi ro “khủng khiếp.” Những kẻ tay trong của ông Putin thường đánh tiếng bảo rằng “nếu các người vận động chống ông Putin mà chẳng may thất bại thì các người sẽ vào tù, bị đày đi biệt xứ, hoặc lãnh án tử hình,” và những hình phạt như thế “không những chỉ dành cho bản thân các người mà còn dành cho cả gia đình các người nữa.”

Hồi Tháng Hai năm nay, trong cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia trước khi quyết định xâm lăng Ukraine, ông Putin có lên tiếng quở trách ông Sergey Naryshkin, người cầm đầu Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại Nga (SVR), và cho chiếu trên truyền hình toàn quốc.

Trước khi nắm chức vụ này, ông Naryshkin từng là chủ tịch Duma, tức là Hạ Viện Nga.

Nhà độc tài nói rõ rằng “chỉ một một mình ông mới là người đứng đầu hệ thống an ninh của Nga, và mọi người đều phải phục vụ dưới quyền của ông.” (Vann Phan) [đ.d.]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn