Cuộc chiến Nga-Ukraine 2022 có giống cuộc chiến biên giới Trung-Việt năm 1979?

Thứ Năm, 10 Tháng Ba 20222:00 SA(Xem: 2162)
Cuộc chiến Nga-Ukraine 2022 có giống cuộc chiến biên giới Trung-Việt năm 1979?
rfa.org

Cuộc chiến Nga-Ukraine 2022 có giống cuộc chiến biên giới Trung-Việt năm 1979?

RFA

Rạng sáng 24/2/2022, Nga chính thức tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, đánh dấu bước leo thang lớn đối với xung đột Nga-Ukraine bắt đầu từ năm 2014.

Khi xung đột Nga - Ukraine bước sang ngày thứ sáu với mức độ khốc liệt ngày càng tăng, tờ The Diplomat đã có bài so sánh cuộc chiến này với cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc vào năm 1979.

Theo The Diplomat, cuộc xâm lược của Nga, sau khi không đảm bảo được cam kết từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không mở rộng thành viên sang Ukraine, làm nhớ lại cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc vào năm 1979, sau khi nước này nghiêng hẳn về Liên Xô khi ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Moscow vào một năm trước đó.

Nhiều cư dân mạng Việt Nam đã rút ra sự tương đồng giữa hai cuộc xâm lược: một cường quốc lớn, không hài lòng với chính sách đối ngoại của một nước nhỏ hơn, quyết định tiến hành một cuộc xâm lược để dạy cho ‘thế lực nhỏ’ một bài học. Theo nghĩa này The Diplomat cho rằng, việc Trung Quốc phát động một cuộc xâm lược chớp nhoáng vào Việt Nam vào rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, với hơn 600.000 quân có sự tham gia gần giống với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Về mặt hình thức mà nói, cả hai cuộc chiến khá tương đồng nhau, và đó là chuyện một nước lớn đi xâm lược một nước láng giềng nhỏ hơn có chủ quyền.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ khi trao đổi với RFA từ Na Uy hôm 8/3 cho rằng, về mặt hình thức mà nói, cả hai cuộc chiến khá tương đồng nhau, và đó là chuyện một nước lớn đi xâm lược một nước láng giềng nhỏ hơn có chủ quyền. Tuy vậy, mục đích của hai cuộc xâm lược có vẻ khác nhau. Ông Vũ giải thích:

“Trong cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979, mục tiêu chính của Trung Quốc đó là nắn gân Việt Nam, ngăn chặn chuyện Việt Nam kết hợp với Liên Xô mà làm mất an ninh của Trung Quốc. Việc Trung Quốc chỉ tiến hành các hoạt động quân sự nhanh chóng ở biên giới vì lo ngại Liên Xô có thể đổ quân và vũ khí vào giúp Việt Nam và cùng lúc tấn công Trung Quốc.”

Còn mục đích chính của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ là chủ yếu nhằm sáp nhập Ukraine vào Nga, cho dù Nga viện dẫn các lý lẽ khác nhau biện minh cho cuộc xâm lược. Tiến sĩ Vũ nói tiếp:

“Ukraine ở trong một tình huống không có đồng minh với các cam kết bảo vệ lãnh thổ, vì vậy mà họ dễ bị tổn thương khi người Nga đưa quân vào. Lúc này, vì không có các đồng minh lớn một cách chính thức để bảo đảm an ninh quốc gia, Ukraine chiến đấu gần như là đơn độc. Các khoản trợ giúp của các quốc gia dành cho Ukraine chủ yếu bởi vì họ không muốn thấy Nga sáp nhập Ukraine, trở thành một nước lớn và làm mất thế cân bằng chiến lược ở châu Âu.”

Cũng theo The Diplomat, mặc dù rất thú vị khi rút ra mối liên hệ giữa hai cuộc chiến xâm lược này, nhưng sự ví von như vậy đã bỏ sót một điểm khác biệt cơ bản giữa Việt Nam vào năm 1979 và Ukraine vào năm 2022. Cụ thể, Trung Quốc đã xâm lược một quốc gia được hậu thuẫn bởi một siêu cường mà họ đã có hiệp ước chính thức, trong khi Ukraine không chính thức là một phần của bất kỳ liên minh quân sự nào với phương Tây. Trong khi mục tiêu của hai cuộc xâm lược có thể giống nhau - nhằm làm suy giảm niềm tin của Việt Nam và Ukraine vào các cam kết an ninh của Liên Xô và NATO.

Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 8/3, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, chiến tranh Nga- Ukraine 2022 và chiến tranh Trung-Việt 1979 có chỗ giống và cũng có khác nhau. Giống ở chỗ hai cuộc chiến đều phi nghĩa, nước lớn đánh nước láng giềng nhỏ và đã từng rất thân thiết, giống ở chỗ Trung và Nga đều bịa đặt ra những lý do xảo trá, vu cáo để gây chiến, bị đại đa số các chính phủ và nhân dân trên toàn thế giới lên án. Còn khác nhau giữa hai cuộc chiến thì theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống có nhiều. Ông kể ra vài điểm khác nhau cơ bản:

“Một là Trung quốc nói sẽ dạy cho Việt Nam bài học vì muốn làm “Tiểu bá” (trong khi họ bảo Liên Xô là đại bá), còn Nga nhằm trừng phạt Ukraine vì muốn gia nhập khối NATO, bị vu cho là có khuynh hướng phát xit.

Hai là Trung quốc chỉ đánh vào sáu tỉnh biên giới rồi bị nện cho tơi tả, phải rút về, trong lúc đánh nhau hình nhưng không đàm phán. Nga thì đánh sâu vào đến thủ đô của Ukraine và hai bên đã có vài cuộc đàm phán.

Ba là Trung quốc giỏi tuyên truyền dối trá nên gần như toàn thể dân của họ không có tiếng nói phản đối nào đáng kể, nhưng lực lượng tại Việt Nam theo và ủng hộ Trung quốc cũng không làm được gì. Nga thì bị một số người trong nước phản đối, nhưng lại được sự đồng tình của một số dân Ukraine có nguồn gốc từ Nga.

Điều thứ tư theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống là cuộc chiến đấu của Việt Nam tuy có được sự ủng hộ của nhân dân thế giới, nhưng sự ủng hộ đó không mạnh mẽ bằng sự ủng hộ đối với Ukraine.

000_ARP2093997.jpg
Lính Trung Quốc bị bắt được các chiến binh Việt Nam giữ lại trên chiến trường Cao Bằng, ngày 26 tháng 2 năm 1979. AFP PHOTO.

Dù Việt Nam có đồng minh chính thức khi Trung Quốc xâm lược vào năm 1979, nhưng theo The Diplomat, khó có thể đoán được liệu cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam có bị hạn chế khi không có liên minh Việt-Xô hay không, hay liệu Trung Quốc có xâm lược nếu Hà Nội chưa bao giờ nghiêng về phía Liên Xô ngay từ đầu.

Hiện một số cư dân mạng ở Việt Nam đã bày tỏ lo lắng rằng việc Nga xâm lược Ukraine nhắc nhở họ về mối đe dọa về một cuộc xâm lược bất ngờ tiềm tàng của Trung Quốc nếu Việt Nam nghiêm túc xem xét việc tham gia một liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại Trung Quốc trong tương lai.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 8/3 nhận định:

“Nga động binh tiến hành xâm lược Ukraine với rất nhiều lý do ngụy biện là Nga bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình, trước sự bành trướng của Mỹ và khối NATO... hay thực chất là Nga xâm lược Ukraine để thực hiện tham vọng khôi phục lại đế quốc Nga thời kỳ Nga Sa Hoàng mà Putin hằng mơ ước? Còn lý do đầu tiên mà Putin đưa ra là để bảo vệ những người nói tiếng Nga trong khu vực tự trị ở Ukraine, thì tôi cho rằng cũng hoàn toàn ngụy biện. Nếu như chính quyền Kiev tàn sát, diệt chủng người nói tiếng Nga thì đã có LHQ xử lý. Đằng này Ukraine là nước có chủ quyền, tự trị hay không là công việc nội bộ.”

Một ai đó mà so sánh cuộc xâm lược Ukraine là một hành động tự vệ, thì chẳng khác nào thừa nhận cuộc xâm lược năm 1979 đối với VN là cuộc phản kích tự vệ.
-Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, một trong những nguyên tắc của LHQ là không can thiệp công việc nội bộ của nước khác và không có lý do gì để bảo vệ hành động này của Putin. Ông Phúc cho biết ông lên án hành vi Nga xâm lược Ukraine. Liên quan việc một số tướng lãnh quân đội Việt Nam ủng hộ Nga trong xung đột với Ukraine, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nói:

“Một ai đó mà so sánh cuộc xâm lược Ukraine là một hành động tự vệ, thì chẳng khác nào thừa nhận cuộc xâm lược năm 1979 đối với VN là cuộc phản kích tự vệ. Chúng ta thấy rõ VN chưa bao giờ xâm lược TQ, mà VN có truyền thống quan hệ hữu hảo với TQ, TQ viện trợ rất lớn cho VN trong chiến tranh... Vấn đề đó ai cũng hiểu, nhưng bây giờ một số tướng của VN lại đánh đồng hành vi xâm lược Ukraine của Putin là hành động tự vệ, thì chẳng khác nào ủng hộ hành động của TQ trước đây với VN. Cuộc chiến giữa Putin và Ukraine mới diễn ra 12 ngày, nhưng cuộc xâm lược của TQ đối với VN vào ngày 17/2/1979 không phải ngày một ngày hai mà kéo dài đến 10 năm.”

Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, âm mưu mà TQ nói dạy cho VN một bài học không phải là TQ muốn chiếm VN, không phải là TQ muốn đặt ách cai trị đối với VN như là chế độ phong kiến trước đây... mà TQ muốn VN thuần phục TQ, từ bỏ quan hệ với các nước phương Tây, để TQ dễ dàng thao túng ở Biển Đông, thao túng ở khu vực Đông Nam Á... Nhưng TQ đã không ngờ ý chí chiến đấu của nhân dân VN năm 1979.

Ông Phúc cho rằng ai hiếu chiến, ai ủng hộ chiến tranh, dù bất cứ trên danh nghĩa nào, đều phải bị lên án, đều phải bị phê phán... chứ không phải cứ đứng về một bên hay ủng hộ một bên khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn