Thấy gì sau 'biệt thự khủng' của quan chức?

Thứ Tư, 08 Tháng Mười Một 20173:00 CH(Xem: 5924)
  • Tác giả :
Thấy gì sau 'biệt thự khủng' của quan chức?
bbc.com
Hình chụp khu biệt thự của cựu Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến Bản quyền hình ảnh OTHER
Image caption Hình chụp khu biệt thự của cựu Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến

Mới đây báo chí trong nước đưa tin về căn biệt thự khủng của ông Bùi Cách Tuyến, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT).

Trả lời phỏng vấn trên báo Người Lao động, ông Tuyến cho biết vào năm 2013 khi ông còn làm tại Bộ TN-MT thì vợ ông mua khu đất ruộng 7.000 m2 ở vùng ven huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2015 ông về hưu và vợ chồng ông đã xây căn biệt thự nhà vườn mà báo chí gọi là 'biệt phủ'.

Khi bị phóng viên chất vấn về giá trị khu biệt phủ và những nghi ngờ về nguồn gốc số tiền thì vị cựu Thứ trưởng cho rằng khu đất vốn là đất ruộng nằm ở sát bờ sông được tôn tạo lên làm đất ở, nằm ở tận Hóc Môn nên giá rẻ.

Đằng sau sự việc này cho thấy điều gì?

Bên cạnh những nghi ngờ của dư luận về nguồn gốc khối tài sản lớn của quan chức, thì đằng sau sự việc này tồn tại một vấn đề quyền lợi rất chính đáng của người sử dụng đất, đó là quyền xây nhà trên đất của mình, kể cả là đất nông nghiệp.

Bộ TN-MT là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, vị cựu Thứ trưởng đã sử dụng năng lực thẩm quyền của mình để làm được một việc khó là chuyển đổi khu đất nông nghiệp sang làm đất ở.

Ông ta đã nhìn ra giá trị có thể có của mảnh đất, mua nó và làm thủ tục chuyển đổi, bằng cách đó ông ta có được một căn biệt thự đẹp, gia tăng giá trị kinh tế cho mảnh đất.

Điều này cho thấy việc chuyển đổi một khu đất nông nghiệp kém giá trị thành một cơ ngơi bất động sản nhà ở đồ sộ, cải thiện về nơi ăn chỗ ở cho người sử dụng và làm đẹp cho bộ mặt địa phương, là một việc cần thiết, chính đáng, và rất nên làm.


Nhưng lợi ích từ việc chuyển đổi như thế này lại bị bó hẹp trong những trường hợp cá biệt cụ thể, còn thực tế nhiều người dân đang nắm quyền sử dụng những mảnh vườn, mảnh ruộng, họ không thể chuyển mảnh đất của mình sang làm đất ở vì những vấn đề liên quan đến quy hoạch đất đai.

Nhiều trường hợp xây dựng rồi bị phá dỡ chỉ vì làm trên đất nông nghiệp, trong khi thực tế công trình xây dựng cũng chẳng gây ảnh hưởng gì đến ai, không ảnh hưởng gì đến giao thông, thủy lợi, điện lưới hay môi trường, nhưng vẫn bị phá dỡ.

Thực tế rất nhiều những trường hợp xây dựng rồi bị phá dỡ, cho tới nay không hề được các ban ngành thống kê tính toán thiệt hại.

Để hình dung về mức độ thiệt hại thì có thể xét qua những trường hợp nổi bật được báo chí đưa tin, đó là những biệt thự lộng lẫy nguy nga của các vị quan chức, đã bị xử lý yêu cầu phá dỡ không thương tiếc vì làm trên đất nông nghiệp.

  Bản quyền hình ảnh OTHER
Image caption Khu biệt thự của ông Nguyễn Văn Đấu - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai

Ví như hồi tháng 8/2017 gia đình ông Phó Ban tổ chức tỉnh ủy Đồng Nai bị phát hiện xây dựng biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích 2000 mét vuông, bị xử lý yêu cầu phá dỡ. Hay hồi tháng 4/2017 gia đình vị Phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng bị phát hiện xây dựng biệt thự trên đất nông nghiệp cả nghìn mét vuông cũng bị yêu cầu phá dỡ.

Hồi tháng 6/2017 báo chí đưa tin việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra tại ven hồ Đầm Trị thuộc khu Hồ Tây, Hà Nội và rất nhiều trường hợp khác.

Nhìn vào những căn biệt thự đẹp mà báo chí chụp ảnh đưa tin, tôi thấy thật tiếc của và tốn kém khi nghĩ đến việc sẽ phải đập đi.

Tôi cũng thấy là công trình xây dựng không hề ảnh hưởng gì đến xung quanh, và tôi hình dung ra hàng chục nghìn trường hợp xây dựng trên cả nước bị phá dỡ vì lý do tương tự.

Nhiều ban ngành lâu nay có quan điểm rất coi trọng giữ gìn đất nông nghiệp, từ đó cấm cản việc xây dựng. Các vấn đề quy hoạch cũng kém chất lượng khiến cho nhiều mảnh đất đáng ra có thể làm đất ở nhưng lại bị cho là đất nông nghiệp.

Tôi cho rằng đất nông nghiệp xét cho cùng cũng chỉ là đất sử dụng mà thôi và sử dụng như thế nào để tạo ra hiệu quả kinh tế thì đó là lựa chọn của người sử dụng. Không cho xây nhà họ chán chường bỏ bê ruộng vườn không trồng cấy thì lợi ích cho ai?


Lo lắng giữ gìn đất nông nghiệp cho tương lai, nhưng đời sống người dân ở hiện tại không đáng được quan tâm hay sao?

Sự cấm cản người dân trong lựa chọn mục đích sử dụng đất gây hậu quả đặc biệt xấu cho tầng lớp dân lao động ở nông thôn, khi kìm hãm giam cầm họ trong khó khăn vì không được sử dụng đất vào mục đích đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và không giúp cải thiện chỗ ở cho họ.

Thực tế cho thấy, ở nông thôn hộ gia đình nào nhạy bén lo lót chuyển đổi được mảnh đất của mình thì đời sống kinh tế của gia đình đó được cải thiện.

  Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty Images
Image caption LS Ngô Ngọc Trai: "Nhiều ban ngành có quan điểm coi trọng giữ gìn đất nông nghiệp."

Trả lại quyền cho người dân

Từ trường hợp của vị cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT đã chuyển đổi đất nông nghiệp kém giá trị thành đất ở với giá trị cao. Điều đó cho thấy việc chuyển đổi là hoàn toàn có thể, nên làm, và điều đó thực chất cũng chỉ là sửa đi cái câu chữ trong đống giấy tờ của đám thư lại quan liêu mà thôi.

Thực tế khi người dân xin phép chuyển đổi thì các cấp chính quyền sẽ phải làm cái việc là điều chỉnh nội dung quy hoạch.

Đây là chỗ mà người dân sẽ vấp phải bộ máy quan liêu nhũng nhiễu lạm quyền, mà những quan chức thì dễ dàng vượt qua, còn dân đen thì hay gặp khó khiến cho họ cứ xây mà không xin phép để rồi bị đập phá.

Nhiều trường hợp người dân xin chuyển đổi nhưng bị từ chối vì bị cho là phá vỡ quy hoạch về đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến những kế hoạch tính toán sử dụng đất trong tương lai.

Tức là những lý do từ chối không hề căn cứ vào những ảnh hưởng xấu thực tế trong hiện tại, mà chỉ vì những lo lắng mơ hồ xa xôi trong tương lai.


Nay tôi cho rằng để tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong sử dụng đất, trong đó có cả những quan chức đang mắc bẫy vì chính sách quốc gia của chính họ, để tránh đi cái vòng luẩn quẩn giữa xây dựng, phá dỡ và tốn kém, thì chính sách quản lý đất đai cần thay đổi, phải trả lại quyền cho người dân quyền được tự chủ trong lựa chọn mục đích sử dụng đất.

Khi đó việc xây dựng chỉ có thể bị cấm khi gây ảnh hưởng xấu thực tế đến xung quanh, ngoài ra không một lý do nào khác được đưa ra để phá dỡ nhà dân như chỉ vì trái với giấy tờ quy hoạch, chưa xin phép xây dựng, hoặc những lo lắng mơ hồ về bảo vệ đất nông nghiệp.

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật Công chính, Hà Nội.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn