Thấy Người Qua Thơ

Thứ Bảy, 08 Tháng Giêng 202210:17 SA(Xem: 2051)
Thấy Người Qua Thơ

Thấy Người Qua Thơ

(Đọc thơ Ninh Viễn Lê Văn Trực)

        Rời quê hương chẳng mấy ai vui[1]

Cơ duyên run rủi được một người trong họ Lê làng cũ Nguyệt Bổng (Thanh Chương, Nghệ An) photo cho một tập nhan đề “Lê Thị Thi Tập”. Cảm việc người đưa ân cần phó thác một mà thẹn tài hèn sức mọn sợ phụ các tác giả mười. Thành ra lần khân xuân thu mãi không dám động bút. Kịp đến khi cảo thơm giở lại thì trong lòng cảm khái ngổn ngang, mãi không biết bắt đầu từ đâu cho nên thiên thành bài. Rốt cuộc đành theo cách lần giở câu đoạn đọc đến đâu có cảm tưởng gì thì ghi đến đó vậy… Cầm bút trong cảnh người góc biển kẻ chân trời chưa từng được diện kiến tác giả, lại tưởng cái ý văn tức là người nên xin đặt tạm cho bài viết nhỏ này cái tựa gọi là “Thấy Người Qua Thơ” vậy.

          Lê Thị Thi Tập chép thơ một nhà mấy anh em Lê Văn. Một nhà huynh đệ ai cũng biết làm thơ, mà không hiếm bài hay. Trong đó thơ Lê Văn Khởi lão thành dung dị, thơ Lê Văn Kha có nét mênh mông triết học thần học, thơ Lê Văn Hữu trong sáng thân tình… Rồi tất cả những nét đó dường như lại hội tụ ở thơ Lê Văn Trực. Đọc một lượt tập Thi Tập đặt Khởi-Kha-Trực bên nhau có thể hình thành bộ ba mà nhìn riêng đọc kĩ lại có cảm giác thơ Lê Văn Trực như là tập đại thành của Lê Thị Thi Tập. Âu cũng là chuyện giàu con út khó con út vậy. Giàu ở đây là giàu tâm tài giàu tình. Khó ở đây chuyện biền biệt chân trời, lần lượt nhận tin buồn ra đi của bác chú các anh mà chỉ đành bái vọng, vò võ đơn côi gồng gánh nỗi đau sinh li tử biệt. Bài viết này như nhan đề đã định xin tập trung phác họa lại chân dung một người thơ trong Lê Thị Thi Tập mà thôi.

1. Một hồn thơ lớn trên nền cổ điển

Xuất thân nhà trâm anh thi thư, ông thử bút hầu hết thể thơ. Thể nào cũng có bài hay, từ ngũ ngôn trường thiên qua tứ tuyệt cho chí thất ngôn bát cú rồi song thất lục bát lẫn thơ tự do.[2] Thử đọc trọn vẹn một bài luật thi của tác giả - bài Thu Cảm[3]:

Chiếc lá vàng rơi báo hiệu thu

Trời cao trăng lạnh ánh sao thưa

Dòng sông tiễn khách đời trôi mãi

Ngọn gió chia sầu liễu xác xơ

Trong khóm tùng cao oanh lạc điệu

Trên vừng mây rộng nhạn bơ vơ

Thuyền ai thắp sáng bên sông đó[4]

Có chở ta về đất nước xưa?[5]

 

Cái hay của bài thơ là ở sự trộn lẫn giữa phong khí cổ điển với cơ điệu Thơ Mới 30-45. Hai câu đầu “Chiếc lá vàng rơi báo hiệu thu, Trời cao trăng lạnh ánh sao thưa” là cổ điển. Ai đã từng nằm lòng cổ thi “Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu” đều thấy được ý vị cổ điển của câu mở đầu bài thơ này. Trong khi đó “Dòng sông tiễn khách đời trôi mãi” là điệu thơ hiện đại (mặc dù chả ai cấm được ta liên tưởng đến Bến Tầm Dương xưa). Hình ảnh đồng đẳng “dòng sông” và “cuộc đời” dựng lên trong câu thơ khiến dư âm lan tỏa mãi. Không khí sầu miên li viễn của câu thơ khiến ta bỗng nhớ đến hai câu đầu một bài tứ tuyệt viết khi tác giả của nó đã đất khách quê người: Tuyết đổ quê người lạnh, Đường về ấy nẻo xa (Mùa Đông Quê Người - Hoa Thịnh Đốn 1988). Trước khi bài thơ quay về với nhãn tiền thực cảnh và thời khắc cụ thể (bên sông trời tối thuyền lên đèn) đối trượng ở liên thơ áp chót lại trở về với cốt cách cổ điển. Cổ điển không chỉ ở hình thức đối tả rất chỉnh về hình thức mà chủ yếu là ở tính cách lớn lao của một nỗi buồn nhớ. Nỗi buồn nhớ cố quốc gia hương chứ không phải là tiếng thở than của tâm sự nhỏ bé. Thế nên cái “ta” xưng rõ ra trong câu kết bài này bộc lộ một khí cốt mạnh mẽ, thể hiện một tâm hồn tầm vóc lớn hơn nhiều so với một cái tôi vướng bận chuyện riêng tư và niềm băn khoăn nho nhỏ thể hiện ra ở kết bài thơ mới tiếng tăm “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay?” (Hàn Mặc Tử).

Nói “một tâm hồn tầm vóc lớn” ấy là vì trong nhiều bài thơ của ông tình nhà luôn gắn với cảm thức nợ nước. Buồn riêng luôn hòa lẫn với đau chung. Tặng thơ người chú ruột ông viết:

Huy lệ tân bang hoài cố quận

Hồi đầu cựu quốc thảm tân ba

Quân thư nhất phiến trường can đoạn

Cốt nhục sơ ly thiên hận ca

(Nhỏ lệ quê người thương đất tổ

Quay đầu nước cũ thảm trăm chiều

Thư ai một bức đau gan ruột

Cốt nhục chia lìa hận chửa tiêu)[6]  

      Thường nói “nước mất nhà tan” mà cũng đã thấy “nhà tan nước mất”. Càng cám thương cho dân tộc cuộc ngược xuôi xuôi ngược. Cho nên cũng chả có gì là đáng ngạc nhiên khi thơ ông hòa gắn tự nhiên gia sự với quốc vận. Mẹ mất Câu Đối Khóc Mẹ hai hàng, hàng bên này chuyện nhà hàng bên kia chuyện nước:

Hiền phụ tử, hiền huynh tử, hiền mẫu ai nhi vong, nhị thập niên dư vô hỉ sự,

Nam sơn tồn, Nam hải tồn, Nam nhân chí ư viễn, thập thiên lý ngoại hữu băng tâm[7]

Cảm quan trượng phu ái quốc khiến ông kể cả khi ngắm cảnh phong cảnh thiên nhiên lại thấy hiện lên bóng hình lịch sử hùng tráng. Câu Đối Vịnh Cảnh Ninh Bình (Hè 1957) đọc lên thật hào sảng:

Lau dựng phất phơ cờ Bộ Lĩnh, Lèn nhô lởm chởm kiếm Vua Đinh

Chả trách từ thủ đô Về Quê[8] đáp lời hỏi thăm: “Hà Nội đẹp anh hầy, Chắc đẹp hơn miền Trung ta?” nhà thơ viết: Tôi trả lời “Cũng đẹp, Nhưng thua Nghệ ta hùng”. Tâm hồn lớn lao đó bộc lộ ra bên ngoài thành phong độ bát ngát, khoáng đạt. Ngay trong đau thương cùng cực (khóc viếng mẹ) ta vẫn thấy được còn nguyên đó cái phong độ mênh mông và hùng tâm tráng khí: 

Mẹ về xin nhắn cha anh với

Con phượng sau cùng vỗ cánh đi

Sách vở nó mang đầy một bụng

Rượu đào trước án vẫn tràn ly

Thành ra không có gì là đáng ngạc nhiên khi thơ ông thường biểu hiện cái tư thế ngẩng đầu dõi ngó cao xanh ngay từ thuở tuổi đời niên thanh:

Định mệnh đưa đời ta đến đâu

Sông kia đã chở biết bao sầu

Con đường học vấn riêng đành hẹn

Tột đỉnh trời cao gặp gỡ nhau

                        (Chiều Xanh Huế hè 1964)

Thế hệ người sau lại tới đây

Trường xưa lớp cũ dáng hao gầy

Biết chăng vắng bóng người năm nọ

Lạnh lẽo trời cao mây vướng mây

                   (Chiều Xưa ĐHKH Huế 1965)

Thực ra tráng chí của bậc tài trai đã bộc lộ từ rất sớm. Nghe rất rõ khẩu khí của trang thiếu niên trong câu đối tặng người có tuổi viết trên đường tị nạn:

Cụ già năm tám, ba đứa con nhỏ, sự nghiệp không xong ôm mối hận

Tôi trẻ đôi mươi, dăm vần bút thánh, văn chương chưa đạt, vướng tơ sầu[9]

 Trang thiếu niên con nhà đó thừa hưởng nền móng thi thư từ cha anh. Nền móng đó là cơ sở cho sự vươn cao tỏa rộng trong tâm hồn. Lẽ tự nhiên mãi về sau khi đã tuổi tráng niên tác giả vẫn thường hồi tưởng lại phụ huynh nhà mình. Mộng Gặp Cha viết nhân viếng Nhà thờ cụ Phan Bội Châu Huế 1962 bộc lộ một sự hòa hợp gốc cổ điển với bát ngát của tâm tình:

Bây giờ cha ở đâu?

Cha về thiên đường hay địa ngục?

Cha về Thái Cực.

… …

Con Kì Lân cha cưỡi đã què

Con Phượng Hoàng bay tít, cánh rụng một chùm lông.

Con ngồi xem cười ra nước mắt.

“Lân hề hà đức chi suy

Phượng hề hà đức chi suy”

… …

Con biết tin ai?

Chờ ngay chui vào trái đất,

Gặp cha nơi Thái Cực

Cùng dạo chơi đủng đỉnh chốn âm dương

Họa vần thơ nhàn lạc phi thường

Cưỡi Tứ Tượng bay trong đường biến hóa.

Đọc lên thoáng thấy vẻ đau cuồng phong độ Hàn Mặc Tử mà cũng chập chờn nét dáng Bích Khê. Nhưng bao trùm lên toàn bài là phong độ đường bệ uy nghi nhưng thung thăng phiêu dật. Một phong độ dựng trên nền cổ điển xây từ những một ý tượng Kì Lân, Phượng Hoàng, Thái Cực và Tứ Tượng.[10] 

Lê Văn Trực làm thơ chữ Hán từ thủa còn đi học. Thế hệ cha ông viết thơ làm câu đối bằng chữ Nho đã đành. Nhưng lứa con cháu lớn lên với quốc ngữ hàng bác Khởi, bác Kha, chú Trực mà vẫn còn không xa lạ với chữ Hán thì quả là điều quý báu. Xem ra gốc Hán Học của Lê Thị tài bồi sâu vững biết bao, nét Nho Phong của gia đình dòng tộc đậm đà ra sao. Nhờ chữ Hán mà ông đến thẳng với Tứ Thư Ngũ Kinh, Đường thi Tống thi. Thử đọc một bài tuyệt cú nhan đề Đông Vũ[11] để thấy được phong độ chí hướng thi nhân cùng ý vị thơ xưa bộc lộ thấp thoáng sau từng con chữ của bài: 

Đông đáo Hương Tân vũ mãn thuyền,

Đông giang đông thủy nhất đông thiên;

Tâm tòng y đạo phi đông khứ,

Nhật ảnh tàng vân xuất hải biên.

(Đông tới bến Hương mưa đầy thuyền

Sông đông mưa đông một trời đông

Lòng theo y đạo không thể vì mùa đông mà bỏ học được

Ánh mặt trời trong mây đã xuất hiện bên bờ biển).

Nói cổ điển không phải chỉ vì tác giả làm thơ luật. Những bài thơ tự do như Lòng Ta cho ta thấy kẻ vào xã hội nhớp nhơ muốn trở về đi cày  (câu đầu bài) đó ngưỡng mộ biết bao những Bá Di Thúc Tề và Nhan Hồi xưa.[12] Đương nhiên cổ điển cũng không chỉ mỗi Trung Hoa cũ. Tác giả Lê Văn Trực rõ ràng đã sớm tắm hồn trong thơ ca cha ông – từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Nhạ cho đến cả Ca Dao. Để chứng minh cho ý này thiết tưởng chỉ cần tập trung dẫn ra đây một tác phẩm viết khi mới 17 tuổi của tác giả - bài Tự Tình.  Đây rõ ràng là tác phẩm thiếu thời sớm bộc lộ khí cốt cùng sở học cho chí tâm nguyện của tác giả[13]. Đây rõ ràng là thơ của kẻ nằm lòng Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc, Truyện Kiều và tất nhiên là cả Tự Tình Khúc:

Mười bảy tuổi một kì lạc đệ

Mỉm nụ cười ngăn lệ tuôn rơi

Quê hương tan nát một thời

Xa nhà lòng những rối bời năm canh

Lửa kháng chiến xây thành sương khói

Nợ thư cừu gỡ mối chưa xong

Đời lận đận ngược xuôi xuôi ngược

Cảnh gianh hồ lắm bước bênh bông

Sang giàu bỗng hóa thành không

Đi ra giày chẳng vào trong cơm đành

Vững vàng sắt đá bên trong

Mềm như nước chảy người trông bên ngoài

Có khi nằm mệt trên giường

Lấy tay vè vẽ trên tường vẩn vơ

Có những buổi trời thơ đi lại

Mây Anh Sơn lải rải ban chiều

Khi căm buột miệng nói liều

Lại e đời biết đổ điều mắc oan

Nhà biếng quét nói khi muốn nói

Tai lãng quên người hỏi ít nghe

Đứng đi ngồi lại rụt rè

Bước ra cửa trước lại về sân sau

In lấp lánh ngàn dâu ánh nguyệt

Rõ thói đời lắm kiếp nhung nhăng

Trong bài cũng có những có câu nhuốm giọng nhân sinh thập thành của Ca Dao: Ai người gieo ngọn lửa hồng, Nấu sôi tình bạc cho lòng dân đen.

Tuổi trẻ già dặn như thế chả trách về già mới cô đúc được lời cốt tủy. Bài Viết Cho Hai Con (Hoa Thịnh Đốn-1987) đáng khắc chép làm thành một bản gia huấn ca. Đọc kĩ Luận Ngữ, xem qua Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn, thuộc thơ Ức Trai, Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi đọc đến những lời gan ruột sau càng thêm phần cảm động: 

Thư Nhật hai con đã lớn rồi, Học hành nên gắng chẳng nên chơi, Đất người ví có thành danh phận, Chớ phụ quê hương phụ giống nòi, Máu mủ cha ông con phải nhớ, Ruột rà tình nghĩa chẳng nên nguôi, Giàu nghèo mây trắng đừng nên quản, Tiết tháo liêm trinh ở với đời.

….

Mừng mà mừng lắm đừng nên tỏ, Giận dẫu căm gan giận vẫn cười, Thương kẻ đáng thương thành nghĩa cử, Ghét người không đúng họa kề nơi, Cho ai cho lúc không ai cả, Nhận nhớ đừng tham nhận mới vui.

….

Sống chết trong đời là hệ trọng, Chọn sao cho đúng mới nên người, Sống mà hại nghĩa đừng nên sống, Chết trọn điều nhân chết thảnh thơi, Sách vở thánh hiền thêm lắm trải Vuông tròn cuộc sống bấy nhiêu thôi.

2. Nhà nghệ sĩ trải lòng nhân thế, trải hồn giang sơn

          Thi nhân đời riêng vui ít buồn nhiều. Tuổi nhỏ gặp cơn gia biến, lớn lên bôn ba học hành. Kịp đến khi ra đời lạc nghiệp thì lâm cảnh tha hương. Tuy vậy những giờ phút hiếm hoi thả hồn cảnh vật thiên nhiên hay giãi bày tâm tình riêng cũng đã để lại dấu ấn khó phai nhòa trong thơ. Những bài thơ ghi lại chút kỉ niệm như thế đủ giúp độc giả hình dung vài nét bóng dáng của một nhà nghệ sĩ trải lòng nhân thế, trải hồn giang sơn.[14] Cốt cách cổ điển trung thứ trộn lẫn với cảm xúc thanh tân dung dị khiến cho những bài thơ gọi là “vịnh cảnh” hoặc “tức sự” của ông đọc rất thú vị. Xin điểm qua dăm ba bài loại này. Bài Nha Trang viết năm 1963 vốn là để vịnh đáp tặng thơ một người thân gửi tặng:

Nha Trang thắng địa ghé qua chơi

Trời biển mênh mông đẹp tuyệt vời

Sóng biển xô tràn hòn đảo nhỏ     

Mây xanh ý gợn bóng trăng soi            

Bãi phơi cát trắng cây tình tứ

Thuyền điểm đèn khuya gió lả lơi

Ví thử cuộc đời không vướng bận

Trăm năm ta ở với Trang hoài

Là thơ luật thể xưa cách cũ, lại thêm đề tài vịnh cảnh bài thơ dễ mà khuôn sáo, đẽo gọt. Vậy mà cả bài – nhất là hai liên giữa đọc lên thấy có cái vẻ tự tác kì thành, tự nhiên uyển chuyển. Cả bài thơ toát lên một phong độ bát ngát, khoáng đạt. Khí trạng nhà nghệ sĩ thể hiện một cách độc đáo ở cặp câu kết. Một chữ “Trang” gọi tắt ở câu cuối gói gém tất cả tình thú của bài thơ. Xưa nay gọi tên riêng người trong thơ đã có nhiều câu lí thú (“Tố của Hoàng ơi” – Vũ Hoàng Chương, “Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên” – Phạm Duy là vài dẫn chứng), nhưng gọi tên đất như tên một con người, tên một người em gái giống ở bài thơ này chắc không phải là nhiều! Cũng giống như ở bài Nha Trang, hai liên giữa bài Bến Ngự (Huế 1973) ý tượng cảm xúc lưu chuyển thật tự nhiên thanh thoát:

Hai bờ cỏ dại vàng hoe nắng

Đôi mắt người qua xanh biếc xanh

Gửi mộng con thuyền mang đậu bến

Đưa lời mặt nước chuyển mông mênh               

Và cũng như ở bài Nha Trang hai câu kết bài vịnh cảnh Vũng Tàu (Hè 1968) thật sự xuất thần. Trong phút chốc thi cảnh và tâm giới trở nên mênh mang vời vợi:

Trời bắt về đây hưởng thú vui

Biển xanh cát trắng sóng reo hoài

Trăng lên đỉnh núi nhìn khung cửa

Thấp thoáng mơ màng ngỡ bóng ai

Như đã nói cuộc đời tác giả vui ít buồn nhiều, viết thơ ghi kỉ niệm cũng là cách trải lòng cùng nhân thế. Từ chốn tha phương (Miami 1976) cách quê nhà cả trùng dương vạn lí ông viết:

Đâu có bao giờ nghĩ tới đây

Trời xui đất khiến đến nơi này

Quê nhà vạn dặm xa xa lắc

Một áng mây buồn gợi đắng cay

“Quê nhà vạn dặm” trong bài trên chính là “đường về nẻo xa” trong bài thơ Mùa Đông Quê Người. Một thoáng rung động tình riêng trong trái tim nghệ sĩ cũng không khiến ông quên được chốn xưa:

Tuyết đổ quê người lạnh

Đường về ấy nẻo xa

Má hồng mây tóc vướng

Mắt em xanh hồ thu

Cái bối cảnh dựng lên nhờ mấy chữ “tuyết đổ quê người” khiến cho sự so sánh sắc nước hồ thu với màu mắt người con gái không mất đi ý tả thực, dù về cơ bản hình tượng chung của bài thơ nhuốm một vẻ lãng mạn bát ngát. Vẻ lãng mạn này của hình tượng thơ được dựng lên từ những chữ như “mây tóc”, “hồ thu”. Nhưng ý tả thực (sắc nước hồ thu/ màu mắt người con gái) của bài thơ còn đến từ những chi tiết có tính cách tạo bối cảnh của bài thơ – nhan đề “mùa đông quê người” và nơi chốn sáng tác “Hoa Thịnh Đốn 28-12-1988”).  “Má hồng”, “mây tóc” “mắt xanh sắc hồ” trong bài vừa là tả thực mà cũng là tượng trưng. Chúng cũng giống như hình ảnh “thiên hương”, “anh đào” trong hai bài thơ tứ tuyệt viết bằng chữ Hán Thiên Hương (1986) và Xuân Dữ Anh Đào (1987). Lúc này chắc ông đã an cư, tâm hồn chắc cũng đã thư thái được ít nhiều sau giông tố truân chuyên. Qua đông sang xuân, lòng người nghệ sĩ như ấm áp lại. Xuân lai tức sự, ông tả cảnh anh đào nở bên bờ Potomac (Hoa Thịnh Đốn):

Mỹ quốc nhất triêu xuân khí lai

Xuân tâm xuân cảnh nhược thiên thai

Bình minh vị khỉ giai nhân bộ

Đối ảnh anh đào lưỡng diện khai

Câu kết bài thơ chuyển hóa khá tài tình giai cú “nhân diện đào hoa tương ánh hồng” của Đường thi. Và cả bài Thiên Hương cũng là một sự chuyển hóa thi liệu, văn liệu cổ điển (quốc sắc thiên hương, hoa trung nguyệt, bộ bộ liên hoa, nhất kiến khuynh tâm, tương khan bất yếm) vào trong một ngữ cảnh cảm xúc mới. Đọc lên thấy hiện rõ một vẻ lãng mạn nghệ sĩ nhưng vẫn có cốt cách chừng mực trung thứ của một nho nhân. 

3. Một phong cốt bình đạm tình chân ý thực

Đọc thơ Lê Văn Trực thấy rõ một hồn cốt cổ điển cùng phong cách nghệ sĩ. Thế nhưng đó chưa phải là ấn tượng bao trùm. Thơ hay nhất khi thi nhân viết mà không nghĩ là mình đang “sáng tác”. Thơ Lê Văn Trực nhiều đoạn nhiều câu khiến ta có cái cảm giác tác giả không phải là làm thơ mà chỉ là đang trực họa nỗi niềm tâm hồn thẳng ra trên trang giấy. Những đoạn đó rũ bỏ sạch trơn những tu từ, đẽo gọt văn chương đạt đến độ tự nhiên nhi nhiên, thê thiết ám ảnh vô cùng. Cho nên nói, sức cảm người trong thơ ông chủ yếu đến từ ý thực tình chân, đến từ sự bình đạm, dung dị. Dễ hiểu phần đa đó đều là những bài viết cho mình và người thân. Có cảm giác tác giả không phải là làm thơ mà chỉ là mượn bút chữ để giãi tình riêng với người trong cuộc, chuyện trò với người thân yêu. Cầm bút họa vần ấy cũng là để - dùng chữ mà xưa các cụ hay nói “khiển hoài” “thuật hứng”, ngâm ngợi giải khuây, di dưỡng tình chí cho bản thân mà thôi. Khi đó thơ là thư, thơ là nhật kí, thơ là lời ai điếu. Thơ Khóc Mẹ viết:

“Nhân sinh thất thập cổ lai hi”

Tám chục năm dư mẹ được gì

Tủi khổ sống lâu là chuyện lạ

Tin buồn con khóc máu trào mi

Bài thơ triết ý tự nhiên thuần thành, gột sạch tu từ, chữ chữ là thực ý, lời lời là tình chân, thấm thía mà vô cùng giản phác. Cha mất rồi mẹ mất, là em ta mừng còn anh chị. Từ nơi đất khách quê người ông viết Ký Huynh Dữ Tỷ  (1980) bằng cả Việt văn lẫn Hán văn:[15]

 

Phụ tử huynh tồn, phụ tử tồn

Mẫu vong tỷ tại, tỷ vi tôn

Băng tâm hải ngoại huy huy lệ

Diếu diếu hung trung tích tích nhân

 

Cha mất anh còn, cha vẫn còn

Mẹ về chị ở, chị làm tôn

Lòng thành hải ngoại hoe hoe mắt

Đau đáu lòng con chứa thiện nhân

 

Đọc những bài như Khóc Ả (Maryland 12-1995), Nhận Thư Anh (10-1980), Kính Gửi Anh Cả (29-4-1987) mới thấy kẻ ưa tu từ tạo tác đẽo gọt hay lâm li cố ý thì không thể nào mà đạt được tới cái cảnh giới cao cả thanh thuần mà thê thiết lay động hồn người đến như vậy. Khóc Ả: “Mẹ mất, Ả còn như mẹ còn, Ả về em tợ nước không non; Non cao đã đổ dòng khô cạn, Ả ạ, quê người ruột héo hon”. Kính Gửi Anh Cả: “Anh ơi tình ruột thịt, Cuồn cuộn vút mây trời; Mực thơ em tủy máu, Bút thơ em xương tay; Lời thơ em ứ lệ, Tình thương anh ngất ngây”. Nhận Thư Anh: “Bàng hoàng nhận được bức thư anh, Máu mủ sôi tình lệ chảy quanh; Chữ viết giống ai gây xót nhớ, Nét gầy như cạn sức xuân xanh; Vần thơ mến cảnh vương tâm sự, Khí tiết không sờn kiếp tử sinh; Anh cả, em cùng chung cảnh ngộ, Đau buồn chỉ sợ khác công danh”. Đây đều là những bài thơ khi đọc chỉ thấy một nỗi lòng hiện thẳng lên trang giấy, không chút tu từ văn hoa.

Phong cách giản dị chân thành, trong sáng hồn hậu bộc lộ rõ nhất trong những bài thơ năm chữ. Bài ngũ ngôn trường thiên Quê Anh (Hoa Thịnh Đốn -1988) có lẽ là một trong những bài thơ năm chữ hay nhất của tác giả. Bài thơ chính là một bức họa liên hoàn hình ảnh đất nước thân yêu. Khởi đầu là hình bóng quê hương tác giả: Sông Lam chiều gợn sóng, Thuyền ai trôi trong mưa, Đường làng hoa Giếng nở, Con bướm vàng nhởn nhơ… … Tổ tiên xanh phần mộ, Xa xôi tự bao giờ, Đồi son sim tím mọng, Tiếng trẻ cười trong hoa. Những câu thơ giản dị trong trẻo tươi sáng mà thăm thẳm, mênh mang. Giã từ quê hương ta giả ra Bắc rồi vào Nam. Đất nước trải dài theo bước chân của người lữ thứ: Tháp Chàm mờ cát bụi, Đoạn sử buồn trôi qua, Nước Chàm không còn nữa, Dân Chàm nay xác xơ, Cuộc đời nhiều dâu biển, Mất còn mây thoáng qua. Một thoáng Trung Nam Bộ hiện lên thật là thanh thoát, nhã đạm: Nhà em dài lối dậu, Xanh xanh mấy rặng dừa, Đầm sâu hoa súng nở, Ánh trăng cài song thưa. Khổ thơ cuối của bài kết tinh tất cả nỗi niềm chung riêng. Diễn đạt giản dị nhưng lay động lòng người vô cùng: Cà Mau lên Ải Bắc, Đất này quê hương ta, Đói nghèo đâu mấy quản, Xa nhau mới sững sờ, Anh sẽ về quê cũ, Sống trọn cuộc tình xưa.

Những bài năm chữ ngắn hơn như Từ Biệt Bác Thám (Uông Bí - Hè 1956), Gửi hai con (Huế -1971), Gửi Thư Về mỗi bài một vẻ nhưng đều thống nhất ở phong cách dung dị, đôn hậu, chân thành. Đôi khi sự chân thành, lão thực khiến cho nhiều đoạn thơ ám ảnh người đọc mãi mãi. Cuối bài thơ thể tự do Lòng Ta (Nhà thờ cụ Phan Bội Châu, Huế 1960) có đoạn chỉ là lời đối thoại cha con mà dựng lên cảnh tượng đơn sơ nhưng ám ảnh:

“Lòng cha lúc đó chắc khổ lắm?”

“Con vào hỏi mẹ con thì hay.”

“Thưa cha mẹ khóc mà không nói”

“Thì con vào ngồi xem mẹ may!”[16]

Cho nên nói phàm khi không cố ý làm thơ mà thành thơ, tình dẫn bút đi, ý dắt lời tới không chút dụng công câu chữ mà đạt tới cảnh giới vô vi thi tự nhiên thành. Đọc thơ Lê Văn Trực thấy không hiếm câu do cô đúc sâu sắc về tư tưởng, giản dị tự nhiên về câu chữ nên có dáng dấp cách ngôn. Thuộc loại này về thơ chữ Hán có thể dẫn liên giữa bài thất ngôn bát cú Khai Bút: Bần hàn, thiểu dục minh tâm dị, Phú quý đa cầu chí viễn nan. Cái triết ý tự nhiên thuần thành của câu thơ khiến ta nhớ đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tô Đông Pha. Cổ nhân nói “minh tâm kiến tính”, “thiểu dục tri túc”, “tri túc giả thân bần nhi tâm phú, tham đắc giả thân phú nhi tâm bần”. Cổ nhân còn nói “đa dục vi khổ... thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”. Thơ xưa cũng có câu “Sự năng tri túc, tâm thường lạc, Nhân đáo vô cầu, phẩm tự cao”. Lời giản dị phải đâu là lời dễ dãi, ý viễn tình sâu, bỏ hết sặc sỡ cầu kì mới mong thành giản dị.

                                                     *

                                                     *     * 

          Bác sĩ Lê Văn Trực người làng Nguyệt Bổng (nay là xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương-Nghệ An) bên bờ Lam Giang in bóng núi Ngọc Sơn. Cuộc thế vần xoay, quê hương bãi bể nương dâu khiến ông phải kiều cư ở Mĩ. Đỗ Phủ viết “Quốc phá sơn hà tại”.[17] May nỗi người đi nhưng thơ còn đó – văn kì ngữ kiến kì nhân.[18] Chân trời góc biển, thảo mộc có biết tình quốc biệt? Chỉ Ngọc Sơn kia vẫn bên dòng Lam Giang đó. Buồn một đời phiêu bạt, thế hệ cách chia… Vào thu trên Bến Rộ[19] trời trong nước lặng, ngó nước sông xuôi bao độ mà vẫn vắng bóng một con người. Duyên hạnh ngộ được đọc thơ ông, viết mấy dòng gọi là viếng những người đã khuất nhớ một người tha hương!

                                                                                    

Đà Lê Hiên

                                                                   Tiết Lập Thu - Canh Thìn 2012



[1] Câu thơ tác giả đề từ cho bài Ngày Ra Đi. Đấy cũng là nỗi niềm chung của khách tha hương cổ kim. Nỗi niềm của Dante khi rời Florence, nỗi niềm của Khuất Nguyên khi đến Giang Nam. Gần đây Nhữ Đình Hùng có băn khoăn không biết ai người viết câu “ai đã đi mà không từng bịn rịn, rời quê hương mà đã mấy ai vui”. Tìm chi ai viết, cả một thế hệ đã “rời quê hương từ dạo máu khơi dòng” (Yên Thao – Nhà Tôi, nhạc Anh Bằng). 

[2] Thể ngũ ngôn bài hay có thể kể Kính Gửi Anh Cả, Mùa Đông Quê Người, Quê Anh, Về Quê, Gửi Hai Con, Gửi Thư Về, Miami, Thiên Hương. Tứ tuyệt bài hay có Khóc Ả, Đường Cổ Ngư Cảm Tác, Vũng Tàu, Xuân Dữ Anh Đào, Ký Huynh Dữ Tỷ, Đông Vũ, Chờ Thư. Đường luật bát cú: Nhận Thư Anh, Thu Cảm, Bến Ngự, Nha Trang, Thơ Khóc Mẹ, Qua Ninh Bình, Tặng Chú Phước, Khai Bút, Nhớ Huế. Song thất lục bát: Tự Tình, Xuân Biệt. Thơ tự do: Mộng Gặp Cha, Lòng Ta (lạm nghĩ “thơ tự do” là một cách nói. Cái gọi là “tự do” khi bàn về thể cách ở thơ là khác xa với cái tự do của văn xuôi. Nhại ý một nhà văn Pháp ta có thể nói- thơ không theo cách luật nhưng đó là thơ (A. Compagnon nói “Đa số các bài thơ đều dở, nhưng đó là thơ” – dẫn theo Phùng Ngọc Kiên). Không ngại tạm cứ dùng mấy chữ “trường đoản cú” để chỉ những bài như bài vừa kể.  Ngoài ra cũng xin tạm gộp cả vào thể thơ tự do này những bài như Đường Tôi Đi, Nguyễn Trãi, Ngày Ra Đi. Đây đều là những bài thơ dài mỗi câu 8 chữ. Riêng những bài như Chiều Xưa xem kĩ là tổ hợp từ ba khổ tương đương với ba bài thất ngôn tứ tuyệt. Bài này đọc kĩ phảng phất phong cách thơ Huy Cận.

[3] Lê Thị Thi Tập trong phần “Thơ Lê Văn Trực” ghi bài này là Thu Cảm I. Chúng tôi còn đọc thấy Thu Cảm III nhưng không thấy “Thu Cảm II”. Thu Cảm III tiếp ý câu kết Thu Cảm I “đất nước xưa” vẽ lên bức tranh “ngôi làng xưa” quê hương tác giả. Âu cũng là tấc lòng cố quốc tha hương của nhà thơ. Sẽ hiểu hơn Thu Cảm III nếu đọc cùng với bài Buộc Trở Về QuêThăm Vườn Cũ của Lê Văn Kha đều chép trong Lê Thị Thi Tập

[4] Có thể viết thành Thuyền ai đèn sáng bên sông đó?

[5] Mấy chữ “tùng”, “thuyền” ở đây lại khiến ta nhớ đến câu thơ Đỗ Phủ Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ, Cô chu nhất hệ cố viên tâm (Thu Hứng I).

[6] Nửa sau bài Tặng Chú Phước (Hoa Thịnh Đốn 8-1987). Tách độc lập nửa này cũng trở thành một bài tứ tuyệt thượng thừa. Tác giả tự dịch Nôm. Bản dịch cũng xứng được với nguyên tác, thậm chí nửa trước bài thơ bản dịch còn hay hơn cả nguyên tác: Thiếu tiểu ly hương tuế nguyệt đa, Phong trần bách chiết dữ thiên ma; Cần tâm ánh tuyết thi thư nghiệp, Khổ chí nang huỳnh mặc bút gia. Dịch: Năm tháng xa quê kể đã nhiều, Phong trần mài dũa biết bao nhiêu; Sách nhờ ánh tuyết lòng thêm vững, Bút mực nang huỳnh chí chẳng xiêu. Đương nhiên chỉ đọc đoạn dịch thì ta không còn biết thi liệu từ “hồi hương ngẫu thư” (Hạ Tri Chương – “Thiếu tiểu li gia lão đại hồi少小離家老大迴”). Cũng như dịch vẫn để chữ “nang huỳnh” ấy là còn trông đợi người đọc biết điển xưa tích cũ vậy. Ở đây chúng tôi gọi “dịch” và “nguyên tác” là gọi theo lệ thường. Nói đúng hơn, nhà thơ ấy là đang diễn lòng mình trong những ngữ ngôn khác nhau. Mà nói “những ngữ ngôn khác nhau” cũng là nói vậy, thực thì sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà Nho làm bài thơ bằng chữ Hán rồi lại viết lại nó bằng quốc âm – đó dường như cũng là một chuyện tự nhiên chứ chẳng phải là “song ngữ” nguyên tác dịch thuật gì.

[7] Nói chữ “băng tâm” xin xem thơ Vương Xương Linh “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ  一片冰心在玉壺”.

[8] Bài thơ viết 19/4/1956 ở Hải Phòng.

[9] Câu đối viết năm 1952 tặng cụ Cửu Lan ở xã Vân Sơn huyện Nam Đàn.

[10] Chú thích những chữ đó trong Lê Thị Thi Tập thiên về dẫn nguồn từ Kịch Dịch (Tứ Tượng và Thái Cực), Kinh Xuân Thu (Kì Lân, Phượng Hoàng). Thực ra Tam Giáo bất phân, cổ học hòa trộn tinh hoa mọi nhà. Khảo cứu có thể tách bạch, nghiên cứu đành phân chia chứ tâm hồn thi nhân triết gia thì nung hòa tất cả trong một lò. Thế nên dẫn Kinh Dịch thì cũng nên nói thêm Đạo Đức Kinh, mà nhắc Kinh Xuân Thu thì cũng nên nói đến Nam Hoa Kinh vậy.   

[11] Lê Thị Thi Tập chú: “Đông Vũ sáng tác lúc bắt đầu vào học y khoa. Rời Sài Gòn từ giã mẹ con, bỏ học cao học khoa học để học y khoa. Tác giả rời Sài Gòn vào mùa đông”. Nhân đọc nhan đề bài thơ lại nhớ Du Cửu Ngôn, đời Tống có bài Đông Vũ Bất Chỉ (Mưa đông không ngừng). Trong thơ Du hình ảnh vầng mặt trời xuất hiện từ đầu nhưng đó là hình ảnh một vầng “Bạch nhật tàng quang huy 白日藏光輝”. Thi nhân đã chán chuyện đời, trốn việc khép lại cánh cửa ngôi vườn: “Sự chí đương phục khiển, Thả yểm hoang viên phi  事至當復遣, 且掩荒園扉” (cặp câu kết bài).

[12] Đoạn mở đầu bài Lòng Ta: Vào xã hội nhớp nhơ muốn trở về đi cày, Cầm thừng dắt trâu ra bờ ruộng, Cày xong uống nước nằm ngủ say. Ai bảo ta làm điều ác, Đứng dậy rửa tai mà đi ngay, ... … Chiều chiều ra sông nhìn nước chảy, Tối về dùng đầu kê cánh tay.

[13] Bài thơ viết trong hoàn cảnh thế sự đa đoan, tác giả thân lâm cảnh chạy nạn. Dòng lạc khoản cuối bài đề “sáng tác tại làng Nhật Đông đêm hè nguyệt thực 1952”. Gẫm cái xuất xứ của bài thơ lại càng tưởng chuyện thiếu niên tân khổ, tuổi trẻ tài cao anh hoa tảo phát quả không phải chuyện nói chơi.

[14] Thơ Lê Văn Trực cũng không ít bài cho thấy tác giả là một người dí dỏm, u mua biết tự trào. Đọc bài Bài Thơ Vần Ụt (1980) đủ thấy điều đó. Có điều dường như trong vui cười ung dung đâu đó vẫn thấp thoáng một nỗi buồn khôn nguôi. Gánh Củi Nuôi Mẹ viết năm 1954: Cất gánh ra đi tủi tùi tui, Hỏi chi bán đó củi cùi cui; Ít nhiều miễn được cơm qua bữa, Hơn thiệt can chi xụt xùi xui (Trại Cồn Chạn-Nguyệt Bổng).

[15] Lê Thị Thi Tập để hai bài cách rời nhau. Người viết xin đặt vào một chỗ. Chữ “tử” thứ hai trong câu đầu có lẽ phải viết thành chữ “như” hoặc “nhược” hoặc “do”?

[16] Chép đoạn này ra bỗng mường tượng nhớ đến giọng Tagore trong một số bài thơ ở tập Trăng Non.

[17] Mở đầu bài Xuân Vọng (viết năm 756 giữa loạn An Lộc Sơn): 國破山河在,城春草木深

[18] Mạn phép lấy mấy chữ trong câu đối của Cử nhân Nguyễn Văn Đỉnh (khoa Canh Ngọ 1870) đại diện cho Phong trào Văn Thân viếng cụ Lê Kim Ứng là ông nội của bác sĩ Lê Văn Trực: Đắc phú, đắc thọ, hữu thị phụ thành chi thị tử, Hằng sản, hằng tâm văn kỳ ngữ do kiến kỳ nhân (Được giàu, được thọ, có cha như vậy thì con như vậy; Có của nhiều có lòng tốt, nghe tiếng nói như còn thấy được con người).

[19] “Lộ Thủy” tên Nôm sông Rộ (cũng gọi rào Con – một nhánh của Sông Lam). Sông Rộ đối diện với làng Nguyệt Bổng quê tác giả. Bài Tự Vịnh của ông Lê Văn Kỳ (thân phụ của Lê Văn Trực): Bất Sào Do diệc bất Y Chu, Hà sự huề đồng phụ quyển du; Thế hữu Xuân Thu cuồng hữu Điểm, Hoàng Sơn Lộ thủy nhất Nghi Vu (Không phải Sào Do cũng chẳng phải Y Chu, Cớ sao thầy trò dắt tay nhau ôm sách đi chơi; Thời thế có Xuân Thu mà cuồng thì có Tăng Điểm, Ta đây hẵng lấy núi Hoàng sông Lộ làm sông Nghi núi Vu). Ông Lê Văn Kha con trai thứ năm của cụ Lê Văn Kỳ dịch thơ cha: Cũng chẳng lên non, chẳng xuống đồi, Thầy trò sao cứ mải rong chơi; Đời đã loạn ly ta cuồng vậy, Núi Vàng sông Rộ mát ta ngơi”. Hai hàng câu đối của cụ Tôn Huy Thân (ông ngoại Lê Văn Kỳ) đề nhà thờ hạ họ Lê Kim còn vẽ lại trong mơ hồ phong cảnh quê nhà: Đình khuy dư địa nghi lan ngọc; Môn chẩm thanh lưu hợp tụng tuyền - Nhìn miếng đất trống trước nhà có cây lan, cây ngọc; Gối đầu lên bậu cửa sổ nằm nghe nước sông Rộ sông Lam hòa thành bản đàn).  

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn