Ai đang chỉ đạo chống dịch?

Thứ Hai, 20 Tháng Mười Hai 20214:00 SA(Xem: 2945)
Ai đang chỉ đạo chống dịch?

Hôm nay thì một phường trung tâm của Sài Gòn và năm phường của quận trung tâm của Hà Nội quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động nhằm đối phó với số ca tăng cao. Trong khi phường Tân Định, Sài Gòn thì yêu cầu hạn chế số người ăn uống trong một quán ăn xuống 50%, thì năm phường của Hoàn Kiếm quyết định dừng mọi hoạt động ăn uống tại chỗ. Trước đó thì quận Đống Đa, Hà Nội cũng quyết định dựng lại các lô cốt cứng trên địa bàn quận, dừng bán ăn tại chỗ, và hạn chế các hoạt động tụ tập nhiều người. Điều đáng nói là các địa phương cấp phường này vẫn được đánh giá là quận cam, cấp 3, tức là “nguy cơ cao” theo nghị quyết 128 của chính phủ, và các quyết định hạn chế cho đến nay đều do uỷ ban nhân dân cấp quận quyết định.

Cho đến nay, nghị quyết 128 của chính phủ vẫn là văn bản pháp lý cao nhất để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (bên cạnh các văn bản chính trị khác, nhìn chung ủng hộ tinh thần của nghị quyết 128). Tuy nhiên, không biết bao nhiêu lần các địa phương ở các cấp khác nhau “chà đạp” lên nghị quyết 128. Những lần trước (ví dụ như khi Hà Nội đề nghị cách ly người về từ các tỉnh có nguy cơ cao, hay gần nhất là Ninh Bình đòi cách ly người về từ một số địa phương của Hà Nội), sự “chà đạp” thường bị phản đối và xử lý nhanh gọn, có lẽ vì nó liên quan đến nhiều hơn một tỉnh, thành và chắc cũng đã có sự phản đối của các địa phương.

Lần này thì khác, tuy nghị quyết 128 cũng một lần nữa bị chà đạp, lại rất ít người đặt câu hỏi, có lẽ vì không có sự phản đối chính thức nào. Điều này có thể vì chính đối tượng chịu tác động (là người dân ở khu vực bị hạn chế hoạt động) cũng ủng hộ quyết định này, hoặc cũng có thể vì họ không thực sự biết rằng nghị quyết 128 vốn không chỉ được tạo ra để các địa phương điều chỉnh hoạt động với nhau, mà còn là để bảo vệ chính các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, công dân tại các địa bàn trước sự tuỳ tiện của cơ quan nhà nước địa phương.

Lấy ví dụ, trong bảng biểu phân cấp độ dịch theo nghị quyết 128, nhà làm luật ghi nhận hai điều rất rõ ràng:

(1) ghi nhận quyền của doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan trong các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, và

(2) nghị quyết 128 đòi hỏi muốn nâng cấp độ dịch và thay đổi các biện pháp với doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan thì chính quyền phải thông báo trước 48 giờ (điều mà không nhiều người nhớ).

Nếu các bạn nhớ lại thì nghị quyết 128 được đưa ra trong bối cảnh mở cửa lại Sài Gòn, và đích thân chủ tịch nước cũng đã lấy ví dụ về việc phải cho người dân về thăm bố mẹ, doanh nghiệp được làm ăn khi nói về các biện pháp của nghị quyết. Như vậy, rõ ràng nghị quyết 128 là bản cam kết mà chính quyền trung ương đưa ra với người dân, và ràng buộc chính quyền địa phương không được làm những điều khác nhau có hại cho quyền lợi của người dân. Đây thực chất không phải là văn bản để các địa phương dựa vào để tị nạnh xem ai được vào nhà ai mà không cần phải cách ly.

Thế thì vì sao mình nói các thông báo của quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, và phường Tân Định, Q1 là vi phạm cam kết theo nghị quyết 128? Có vài lý do:

Thứ nhất, ở một địa phương cấp độ 3, chính quyền phải để cho nhà hàng hoạt động. Chỉ khi nào địa phương xuống cấp độ 4 thì chính quyền mới được hạn chế hoạt động của quán ăn theo số người giao dịch trong cùng một thời điểm. Nếu hiểu như vậy thì hai quận Hà Nội và một phường ở Sài Gòn hạn chế số người ăn cùng một thời điểm, hay hạn chế hình thức buôn bán… là một việc vi phạm cam kết.

Tất nhiên, hai quận ở Hà Nội hạn chế buôn bán tại chỗ có thể cãi lại rằng “ơ, tôi vẫn cho quán ăn “hoạt động” mà, chỉ là không cho vào nhà thôi, nghị quyết 128 đâu có cấm”. Bỏ qua việc tranh luận này rất lạm quyền, can thiệp vào quyền làm ăn của người dân, thì luận điểm thứ hai sẽ khiến cho lập luận kể trên vô giá trị. Theo đó, nghị quyết 128, chỉ có Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh mới được phép đưa ra các quyết định về cấp độ dịch và các biện pháp hạn chế tương ứng.

Nghị quyết 128 hoàn toàn không cho phép uỷ ban nhân dân cấp quận hay cấp phường được thực hiện thay việc của uỷ ban tỉnh, và cũng không cho phép uỷ ban tỉnh uỷ quyền lại cho quận, phường. Nhiều người cũng chỉ ra rằng quận, hay thậm chí phường, là một địa bàn quá nhỏ, quá nhân tạo khiến cho việc hạn chế trở nên vô lý (vì sao một quán ăn bên này đường thì không được bán, nhưng bên kia đường thì được?). Chính vì thế, tất cả các quyết định của uỷ ban quận và phường, xét đúng ra về pháp lý là đều vi phạm nghị quyết 128. Trái lại, nó mang tính thi đua hình thức nhiều hơn.

Và cuối cùng, không một biện pháp nào thoả mãn điều kiện về thủ tục báo trước theo Nghị quyết 128 là 48 giờ. Quyết định của Đống Đa có hiệu lực ngay lập tức. Tân Định không rõ hiệu lực khi nào. Còn 5 phường Hoàn Kiếm cho người dân không đến 24h để chuẩn bị (chiều 18 ra, trưa 19 có hiệu lực – phiên phiến mà nói thì uỷ ban thành phố Hà Nội phân cấp độ dịch là tính đến 10h ngày 17, sau đó thì ra văn bản thì thôi cứ xem như cũng thoả mãn 48 giờ đi, với điều kiện làm văn bản trong… 2 giờ, nhưng hey, thông báo cho dân thì đến sáng 18 mới xuất hiện). Tinh thần của quy định 48 giờ là để giảm thiểu các thiệt hại kinh tế mà các biện pháp chống dịch bất ngờ, đánh úp đã gây ra. Tuy nhiên, có vẻ sau chót thì các quận cũng không quan tâm lắm đến sự lịch sự mang tính tối thiểu này.

Ba cơ sở trên đủ để cho Bộ Y Tế ra một văn bản đề nghị các quận, phường “quay xe”. Tất nhiên họ có động lực làm như cách họ tích cực với Ninh Bình để bảo vệ Hà Nội hay không thì còn tuỳ xem ai lên tiếng.

Trên thực tế, Hà Nội và Sài Gòn không phải là các địa phương duy nhất chà đạp lên nghị quyết 128. Hải Phòng, Quảng Ninh vẫn cách ly người từ địa phương phía Nam về. Huế cũng vậy. Nhưng phiên phiến mà nói thì các địa phương này độ phủ vaccine chưa cao bằng hai thành phố kia, và… họ cũng không phải là Hà Nội (thủ đô), và Sài Gòn (thành phố trọng yếu). Hà Nội thì một thời gian dài ước… được làm như Hải Phòng, dù nếu nói họ đổi để nhận vaccine như Hải Phòng thì chắc chắn không chịu.

Tóm lại thì, các quyết định của những địa phương này không chỉ chà đạp lên nghị quyết 128, lên cam kết của chính quyền với người dân như đã phân tích… mà còn thể hiện một sự nghi ngờ vaccine quá rõ ràng đến từ chính quyền. Rõ nhất là ở Hà Nội. Vì sao một địa phương tiêm chủng quá nhiều, số ca tử vong lại đặc biệt thấp (chứng tỏ hiệu quả của vaccine) mà lại áp dụng biện pháp như thời chưa có liều nào? Điều này thì họ cần trả lời. Nếu không thoả đáng, thì hoặc là họ nghi ngờ vaccine, hoặc là họ quan tâm đến các con số ca mắc như một dạng KPI để tính toán thành tích chống dịch chứ không chỉ thực tâm tin vào chiến lược sống chung an toàn với COVID-19.

Tất nhiên, xé rào đã trở thành một truyền thống chính trị thường là tốt đẹp ở đất nước này. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng các chính sách xử lý theo quận, phường chỉ khiến người dân xui xẻo ở bên này con đường chịu thiệt thòi, còn chính phủ trung ương thì không còn tí quyền uy nào trong công cuộc chống dịch nếu không dám xử lý các địa phương này. Vậy rốt cuộc ai đang chỉ đạo chống dịch và chính sách thực sự là gì?

*UPDATE: Vừa có thêm quận Hai Bà Trưng đánh úp trong đêm, trưa 19/12/2021 có hiệu lực.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn