Việt-Nga đầu đông Moscow

Thứ Năm, 02 Tháng Mười Hai 20212:00 CH(Xem: 1605)
Việt-Nga đầu đông Moscow
rfa.org

Việt-Nga đầu đông Moscow

Bài phân tích của Nguyễn Trường 2021-12-01

Liên Xô tan rã, Liên bang Nga, nước Cộng hoà lớn mạnh nhất trong Liên bang Xô Viết kế thừa Liên Xô. Quan hệ Việt-Nga là tiếp tục của quan hệ Việt-Xô, thiết lập  vào ngày 30/1/1950. Đó là mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, phát triển toàn diện. Sau những biến cố lịch sử ở Liên Xô, Liên bang Nga, quan hệ giữa hai nước có lúc gần như đình trệ, từ 1994 quan hệ từng bước được phục hồi. Với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thống Putin đến Việt Nam đầu năm 2001, quan hệ giữa hai nước bắt đầu một giai đoạn phát triển mới.

Việt Nam, với vị trí bản lề ở Đông Nam Á và nằm trên tuyến đường biển nối liền hải cảng của Việt Nam và Nga, có quan hệ từ hàng thập niên với Moscow.

Từ lâu Việt Nam đã là đối tác gần gũi nhất của Nga ở châu Á, nhất là trong các giai đoạn mà cả hai nước phải tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Việt Nam là một trong số ít đối tác chiến lược toàn diện của Nga ở khu vực Á-Âu. Việc phát triển quan hệ Nga-Việt đóng vai trò như thế nào trong chiến lược xoay trục về phía Đông của Liên bang Nga hiện nay?

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt được thiết lập vào năm 2012. Dù vậy, vẫn có những hoài nghi về bản chất thực sự của mối quan hệ này. Theo nhận định của Giáo sư Evgeny Kanaev, nếu chỉ đánh giá dựa trên tên gọi, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Moscow và Hà Nội là một thứ to lớn cả về tầm nhìn lẫn hành động, song nội dung hợp tác và kết quả đạt được trên thực tế của hai bên rất khiêm tốn.

Quan hệ Nga - Việt là quan hệ truyền thống, được hai nước đặc biệt quan tâm. LB Nga vẫn coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Nước Nga đang thực hiện chức năng gắn kết Âu - Á của mình với tư cách là không gian cầu nối và liên kết toàn diện giữa châu Âu và châu Á. Điều này được thể hiện rõ trong chính sách đối ngoại của LB Nga là coi trọng châu Á, trong đó có Việt Nam.

Từ năm 2000, nước Nga dưới sự lãnh dạo của Tổng thống V. Putin đã dần dần đi vào ổn định, phục hồi và phát triển. Tổng thống V. Putin đã tiến hành một loạt các biện pháp ổn định tình hình, củng cố quyền lực của Trung ương, cái cách hệ thống chính trị, củng cố các chế định nhà nước…Kinh tế Nga đã dần thoát ra khỏi khủng hoảng và tăng trưởng khá.

Sau một thời gian lắng xuống trong giai đoạn sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Nga - Việt được hâm nóng với chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam hồi năm 2001.

Một nhà nghiên cứu cho rằng, “đối tác bao hàm hai hay nhiều bên hành động cùng nhau để nâng cao hợp tác bằng việc thực hiện mục tiêu chung, xây dựng những kênh, cơ chế giải quyết bất đồng tranh chấp, biện pháp thúc đẩy quan hệ và phương pháp đánh giá tiến bộ cũng như chia sẻ thành tựu hợp tác”. Đối tác chiến lược chỉ mối quan hệ hợp tác có tầm quan trọng lớn tác động đến an ninh và phát triển của quốc gia, mang tính toàn diện, nhưng không nhất thiết tập trung trong lĩnh vực quân sự; có tính hướng vào mục tiêu cụ thể, đồng thời thể hiện mong muốn của các bên về xây dựng quan hệ ổn định, lâu dài. Đối tác chiến lược thường có yếu tố nước lớn. Khái niệm này chủ yếu phổ biến sau chiến tranh lạnh. Việc thiết lập đối tác chiến lược tuỳ thuộc vào tính toán, thoả thuận các bên, có thể được thiết lập không chỉ giữa các nước có cùng ý thức hệ, mà cả những nước khác biệt ý thức hệ.

Tính tới hết năm 2020, Việt Nam có: ba Đối tác Chiến lược toàn diện; 17 Đối tác chiến lược (bao gồm cả ba Đối tác chiến lược toàn diện) và 13 Đối tác toàn diện. 

Hợp tác kinh tế Việt - Nga có bước phát triển đáng kể. Kim ngạch thương mại song phương từ mức xấp xỉ nửa tỷ USD năm 2001 đã tăng lên 5,14 tỷ USD năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang LB Nga đạt 3,73 tỷ USD, tăng 7,4%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ LB Nga đạt 1,4 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu, mà Nga là thành viên chủ chốt, thể hiện tính chất ưu tiên đặc biệt trong hợp tác giữa hai nước. Hợp tác đầu tư cũng tiếp tục được mở rộng, với nhiều dự án quy mô, hiện đại được triển khai tại cả hai nước.

Dầu khí tiếp tục là một trong những trụ cột chính của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga. Bên cạnh Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, nhiều tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga như Gazprom, Rosneft và Zarubezhneft không ngừng mở rộng, tham gia vào nhiều dự án thăm dò và khai thác dầu khí mới tại thềm lục địa Việt Nam, bao gồm tại nhiều khu vực xa bờ, mang lại lợi ích chung cho cả hai nước. Tại Nga, Liên doanh Dầu khí Rusvietpetro đã bắt đầu khai thác dầu khí tại Khu tự trị Nenets từ năm 2010, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực an ninh, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, từ cấp bộ trưởng, thứ trưởng và tổng cục. Hai bên cũng ký nhiều văn bản hợp tác hợp tác phòng chống ma tuy, phòng chống tội phạm, trao đổi thông tin, nhất là thông tin về khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố, về đào tạo…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng trong hợp tác chính trị – quốc phòng giữa Nga và Việt Nam. Trước bối cảnh thế giới hậu chiến tranh lạnh có nhiều biến động, Moscow luôn là ưu tiên chính trị hàng đầu của Hà Nội. Chính sách đối ngoại từ thời kỳ Đổi mới của Việt Nam không cho phép theo đuổi liên minh quân sự mà phát triển quan hệ đa phương, đặc biệt xác định cho mình ba đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc (2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016). Dù không phải là bạn hàng kinh tế lớn, nhưng Moscow lại là bên cung cấp vũ khí chủ yếu cho Hà Nội. Giữa lúc căng thẳng ở biển Đông chưa có hồi kết, việc hợp tác an ninh quốc phòng chặt chẽ với Nga có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam trong việc duy trì các lợi ích cốt lõi.

2018-05-16T161920Z_1559283904_RC19FB892740_RTRMADP_3_RUSSIA-ROSNEFT-VIETNAM.JPG
Toàn cảnh mỏ Lan Tây do công ty Rosneft Vietnam (liên doanh giữa Nga và Việt Nam) khai thác ngoài khơi Vũng Tàu hôm 29/4/2018. Reuters

Trước đây, Việt Nam và Liên Xô vốn là đồng minh chiến lược của nhau. Hầu hết trang thiết bị quân sự của Việt Nam do Liên Xô trang bị, và đông đảo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật quân sự đều do Liên Xô đào tạo, cho nên Nga là đối tác quan trọng bậc nhất của Việt Nam về kỹ thuật quân sự. Việt Nam tiếp tục mua trang thiết bị quân sự của Nga. Đồng thời hai bên cũng hợp tác xây dựng các trạm sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị tại Việt Nam. Ngoài ra, hai bên cũng duy trì việc trao đổi ý kiến giữa lãnh đạo hại Bộ quốc phòng và quan chức cấp cao về vấn đề quốc phòng. Quan điểm hai bên khá gần nhau về các vấn đề quốc tế và khu vực về các vấn đề quốc phòng.

Trang tin Stratfor đánh giá ngoài mục tiêu lập thị trường để xuất khẩu năng lượng của Nga, tăng cường quan hệ với Hà Nội cũng giúp cho Moscow cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại phía nam của Nga.

Nga đã bán cho Việt Nam sáu tàu ngầm hạng kilo hồi năm 2009 và các vũ khí sát thương hiện đại cho qui mô của một cuộc chiến cục bộ nếu có trong tương lai. Nga cũng có thể bắt đầu sản xuất thiết bị quân sự ở Việt Nam.

Quan hệ quốc phòng Nga-Việt sẽ giúp Hà Nội tăng khả năng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng.

Stratfor nhận định bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông là cơ hội cho Moscow vì họ có thể dùng quan hệ với Việt Nam để đàm phán nhằm làm chậm bước tiến của Trung Quốc vào vùng giáp ranh với Nga ở Trung Á.

Quan hệ Việt-Nga vẫn còn không ít vấn đề. Quan hệ kinh tế chưa xứng với tiềm năng, sức mạnh cũng như truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác. Đầu tư của Nga sang Việt Nam còn khiêm tốn, nhiều dự án bị giải thể.

Tóm lại, mặc dù hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, song sự phát triển quan hệ Việt-Nga chưa tương xứng với tinh thần “đối tác chiến lược”.

Nguyên nhân thì có nhiều, có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan.

Thứ nhất, là do nhận thức. Mặc dù là đối tác chiến lược, song cả hai bên chưa thực sự coi nhau là ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của mình, vẫn chỉ dành cho nhau ưu tiên thấp.

Thứ hai, hai nước chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa có một chiến lược phát triển quan hệ cho một giai đoạn dài hơi; chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển quan hệ.

Thứ ba, cơ chế hợp tác đã có bước chuyển nhất định sang nguyên tắc kinh tế thị trường, song chưa hoàn chính, còn nhiều bất cập, chưa phát huy tác dụng.

Thứ tư, thời gian dài Việt Nam cũng chưa thực sự coi trọng thị trường Nga vì sợ rủi ro, luật pháp chưa rõ ràng, môi trường kinh doanh chưa thuận, tình trạng mafia, kinh tế ngầm…Mặt khác, hàng hoá của Việt Nam chất lượng chưa cao chưa có thương hiệu, chưa phong phú và bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc và các nước khác…

Thứ năm, Nga cũng chưa coi trọng thích đáng hợp tác với Việt Nam, chậm chuyển đổi cơ chế, lãi xuất cho vay tín dụng cao, hạn chế về công nghệ cao, thiếu nhậy bén, thiếu linh hoạt trong làm ăn. Đồng thời Nga còn có một số chính sách tăng cường bảo hộ mậu dịch gây cản trở cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam và chiến lược đối ngoại của Nga

Cuối năm 2018, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-ASEAN lần thứ III, các nguyên thủ quốc gia đã thống nhất nâng tầm quan hệ Nga-ASEAN từ Đối tác đối thoại (Dialogue Partnership) lên Đối tác chiến lược (Strategic Partnership). Đây là một bước tiến lớn trong tiến trình đối ngoại của Nga ở không gian Á-Âu.

Giáo sư Ekaterina Koldunova, Đại học Quan hệ quốc tế (MGIMO, Moscow) cho rằng việc dấn thân sâu hơn vào các cơ chế đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương tạo cơ hội để Nga đề xuất các chương trình nghị sự, dù quy mô của chúng có thể chưa tương xứng với các dự án của Mỹ và Trung Quốc. Thực tế, Liên bang Nga đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với an ninh – chính trị của Đông Nam Á, nhất là việc tạo thế cân bằng chiến lược giữa các cường quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, so với các đối tác khác của ASEAN như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, quan hệ chiến lược Nga – ASEAN trong giai đoạn hiện nay mang tính biểu tượng nhiều hơn, nguyên nhân xuất phát từ sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế còn rất hạn chế. Giá trị kim ngạch thương mại với Nga chưa quá nổi một phần trăm trong tổng giá trị kim ngạch thương mại của ASEAN. Làm thế nào để tăng cường sự hiện diện kinh tế và đầu tư của mình cũng như tranh thủ nguồn lực ở một khu vực đang phát triển năng động như ASEAN đang là một thách thức đối với chính quyền tổng thống Putin.

Dù có quan hệ hữu nghị truyền thống và chiến lược toàn diện nhưng trên thực tế hợp tác Nga-Việt không phải lúc nào cũng thuận lợi. Việc Việt Nam hủy bỏ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận-1 có trị giá khoảng tám tỷ đô la (từng được kỳ vọng sẽ là biểu tượng cho hợp tác Nga-Việt thời đại mới) vào năm 2016 như một minh chứng cụ thể nhất. Sự kiện này buộc hai bên phải trở nên thận trọng hơn trong thỏa thuận về những dự án có quy mô lớn để tránh gây tổn hại niềm tin lẫn nhau.

2021-10-28T083847Z_169473513_RC2WIQ9SXW3O_RTRMADP_3_ASEAN-SUMMIT-PUTIN.JPG
Tổng thống Nga Putin dự thượng đỉnh với ASEAN hôm 28/10/2021. Reuters

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong những bạn hàng lớn nhất của Nga ở ASEAN. Những thử nghiệm kinh tế với Việt Nam sẽ giúp Nga tích lũy kinh nghiệm để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư trong khu vực. Thỏa thuận về mậu dịch tự do Việt Nam – EAEU đang mang đến nhiều tín hiệu khả quan. Các dự án đầu tư của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên lãnh thổ Liên bang Nga, điển hình là dự án xây dựng các nhà máy sản xuất sữa của tập đoàn TH True Milk ở Kaluga và Viễn Đông. FTA Việt Nam – EAEU trở thành hình mẫu giúp Nga dần đạt được các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, từ đó có thể thiết lập Khu vực mậu dịch tự do Nga-ASEAN hoặc ở tầm cao hơn EAEU-ASEAN.

Evgheny Kobelev, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết mối quan hệ Nga-Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại hướng châu Á của Liên bang Nga. 

Điều này đã được đề cập rõ ràng trong Học thuyết chính sách đối ngoại của Liên bang Nga đề ra tháng 5.2012: “Việt Nam là một trong ba đối tác chiến lược quan trọng nhất (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ) của Liên bang Nga ở châu Á”. 

Theo Kobelev, mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt Nam dễ dàng nhận thấy nhất là trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Hai nước luôn có những quan điểm đồng nhất trong nhiều vấn đề thời sự quốc tế, đặc biệt là trong hợp tác ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương.

Về hợp tác kinh tế, ông Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định trong vài thập kỷ trở lại đây vị thế của Nga trong nền kinh tế Việt Nam đang giảm đi đáng kể, xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như sự tham gia ngày càng nhiều của các cường quốc vào nền kinh tế Việt Nam hay như việc phương Tây áp đặt các lệnh bao vây cấm vận nền kinh tế Nga. 

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực kể từ tháng 10.2016 là động lực đáng kể thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư hai nước.

Việt Nam là cầu nối thiết yếu giữa Nga và các quốc gia ASEAN. Tăng cường hội nhập trong không gian kinh tế-chính trị Á-Âu sẽ không chỉ giúp Moscow và Hà Nội đưa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trở nên thực chất hơn đúng với gọi của nó mà còn là lực đẩy cho hợp tác giữa EAEU và ASEAN.

Xoay trục về phía Đông với chiến lược xây dựng ‘Đối tác Đại Á-Âu’ (liên kết EAEU-SCO-ASEAN) đương nhiên không phải là một tiến trình đơn giản, nhưng nếu thành công, nó sẽ giúp Nga hiện thực hóa được nhiều mục tiêu quan trọng: sử dụng các nguồn lực đa phương để phát triển, đảm bảo ổn định chính trị khu vực, mở rộng ảnh hưởng và cân bằng quyền lực với các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương như Mỹ hay Trung Quốc.

Chuyến công du Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc cũng là mối quan tâm của các nhà quan sát quốc tế:

“Không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba làm phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau”.

Trước đây, Nga và Trung Quốc thường có những quan điểm tương đồng đối với những vấn đề của thế giới và lập trường không rõ ràng của Nga về vấn đề chủ quyền và an ninh của Việt nam ở Biển Đông. Tuyên bố chung Nga-Việt đã loại trừ được một nhân tố đe dọa trực tiếp đến Việt Nam.

“Hai lãnh đạo cũng trao đổi về việc phối hợp duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982”.

Tuyên bố chung không nhằm chống lại Trung Quốc nhưng có thể Việt Nam sẽ tranh thủ Nga buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Đối với bộ tứ kim cương Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ các quốc gia nòng cốt ở châu Á - Thái Bình Dương đối trọng với Trung Quốc thì Nga đang còn quá nhiều bất đồng về các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam cũng như Quad hiểu rằng nếu Nga, một cường quốc hàng đầu về quân sự là bạn bè hợp tác cùng vì hoà bình khu vực quan trọng này thì băng giá giữa Nga và phương Tây sẽ sớm tan và một trật tự mới sớm sẽ hình thành. Phải chăng, thông điệp này cũng chính là thông điệp mà Tổng thống Nga Putin và Quad đã mong đợi.

Chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Nga dù là đầu đông ở Moscow nhưng băng giá không làm lạnh lẽo mối quan hệ Việt-Nga.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn