Y tế, sức khỏe dân chúng, trăm voi vẫn... không có nước xáo

Thứ Ba, 16 Tháng Mười Một 20215:31 CH(Xem: 3112)
Y tế, sức khỏe dân chúng, trăm voi vẫn... không có nước xáo
voatiengviet.com

Y tế, sức khỏe dân chúng, trăm voi vẫn... không có nước xáo

Trân Văn

Ngay cả bác sĩ, điều dưỡng cũng vừa đi làm, vừa... bán hàng online, làm shipper, ra chợ bán rau,... là chuyện đang xảy ra ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Một bệnh viện không ở trên... núi cao hay trong... rừng sâu. Bệnh viện này tọa lạc ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam – cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế.

Lý do nhân viên y tế ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải... bán hàng online, làm shipper, ra chợ bán rau,... là vì nhiều tháng nay họ chỉ được nhận 50% lương. 50% còn lại Bệnh viện Tuệ Tĩnh xin khất nhân viên của mình bởi dịch COVID-19 khiến bệnh viện không có bệnh nhân, không thu được tiền (1)...

Hà Nội là nơi vài tháng gần đây những viên chức đứng đầu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam liên tục vinh danh, bày tỏ sự tri ân cả các nhân viên y tế lẫn thân nhân của họ, đồng thời luôn miệng nhấn mạnh đã... thấu hiểu về sự hy sinh, mất mát của những người trên tuyến đầu chống dịch và xin chia sẻ (2)...

***

Cách nay chỉ mới một tuần, khi tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại đợt hai của Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 15, bà Phạm Khánh Phong Lan – một đại biểu của dân chúng TP.HCM tại Quốc hội khóa 15 - đã lập lại điều mà nhiều người từng nhận định: Hậu quả thê thảm của đợt dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam là do đầu tư cho y tế cơ sở chưa thỏa đáng. Y tế - nền tảng bảo đảm sức khỏe toàn dân – thiếu đủ thứ, kể cả nhân lực. Chính sách thì chắp vá (3)!..

Có lẽ do không thể phủ nhận trách nhiệm khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chưa bao giờ xem sức khỏe dân chúng là nghĩa vụ của mình nên buông bỏ lĩnh vực y tế, khiến hậu quả của đợt dịch thứ tư hết sức trầm trọng, thành ra ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng – đành... thỏ thẻ: Chúng ta có thể mua nhanh trang thiết bị nhưng đào tạo nhân lực như đào tạo bác sĩ ít nhất phải sáu năm. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực ngành y. Thời gian tới phải tập trung đào tạo nhân lực (4)...

***

Bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh dường như không phải... nhân lực ngành y nên ông Chính và đảng của ông, chính phủ của ông không cần... lo, không cần... tập trung? So sự kiện Bệnh viện Tuệ Tĩnh với... tuyên bố tuần trước của ông Chính, có thể thấy... sắp tới là... tương lai không xác định, không phải là... ngay lập tức, không phải... lúc này!

Ngay vào thời điểm này, chẳng phải chỉ có Bệnh viện Tuệ Tĩnh! Tuần trước, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa mới cảnh báo với các đại biểu của Hội đồng nhân dân thành phố này rằng: Dù đợt dịch COVID-19 thứ tư cho thấy, vai trò y tế cơ sở rất quan trọng nhưng nhân viên y tế cơ sở đang lũ lượt bỏ việc vì công việc cực nhọc, nguy hiểm mà lương thấp, không đủ sống, bất kể tỉ lệ nhân viên y tế cơ sở của TP.HCM trên 10.000 dân chỉ chừng 1/3 (2,31/10.000) so với mức trung bình của toàn quốc (6,06/10.000) (5).

Tại Việt Nam, cơ sở y tế thiếu, xếp vài bệnh nhân vào chung một giường vẫn không đủ chỗ nên người bệnh phải nằm dưới gầm giường, ngoài hành lang, trên cầu thang,... dược phẩm, thiết bị cũng thiếu... do không đủ sống, nhân viên y tế, kể cả bác sĩ ở nhiều khu vực rộng lớn thi nhau bỏ việc (6), song nhiều sinh viên những ngành liên quan tới lĩnh vực y tế tốt nghiệp không tìm được việc làm, thậm chí tình nguyện xin làm không lương cũng khó.... vốn đã là vấn nạn phải tính bằng thập niên.

Năm tháng sau khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, báo điện tử của Đảng CSVN giới thiệu một bài của bà Nguyễn Thị Hường – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, người từng thực hiện chuyên đề nghiên cứu “Quản lý nhà nước về y tế” – đề cập đến chính sách y tế. Giống như nhiều người thuộc nhiều giới khác nhau từng khuyến cáo, qua cơ quan ngôn luận của đảng CSVN, bà Hường cũng thấy... phát triển lĩnh vực y tế chính là để đem lại sự ổn định về phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia nhưng...

Theo bà Hường... sự đãi ngộ mà các nhân viên y tế nhận được, nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng của ngành và sự đóng góp của họ. Ngay cả tại bệnh viện hạng 1, nếu trực 24/24 giờ mức phụ cấp chỉ... 115.000 đồng mỗi ca. Nếu trực 12/24 giờ, mức phụ cấp chỉ... 57.500 đồng. Trực 24/24 giờ tại Khoa Hồi sức cấp cứu, khu vực Chăm sóc đặc biệt phụ cấp cũng chỉ 172.500 đồng mỗi ca... Phụ cấp khi trực tại các trạm y tế, bệnh xá quân dân y còn tệ hơn... 65.000 đồng mỗi ca trực.

Bà Hường nhấn mạnh: Những bất cập liên quan đến số lượng, cơ cấu nhân lực của ngành y tế, chính sách đối với nhân viên y tế chỉ bộc lộ rõ nét hơn trong đại dịch COVID-19. Dù viên chức quản lý các cấp và ngành y tế đã có thêm một số chính sách hỗ trợ khẩn cấp nhưng đó không phải là giải pháp mang tính ổn định và bền vững. Cũng vì vậy bà Hường cho rằng: Khoan hãy lên án những nhân viên y tế bỏ việc, bỏ nghề, đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19! Hãy nhìn lại xem họ đã được nhận những ưu đãi gì khi gắn bó với nghề (7).

***

Hơn 200.000 người Việt thiệt mạng, năm, bảy chục triệu người khốn cùng vì các hoạt động kinh tế, xã hội tê liệt trong đợt dịch COVID-19 rõ ràng là chưa đủ để giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cảm thấy cần phải điều chỉnh ngay lập tức cả chính sách, lẫn đầu tư cho lĩnh vực y tế.

Sau khi dốc tiền cho công an mua sắm các trang bị, thiết bị chống bạo động, nổi loạn, sau những... Trung đoàn Kỵ binh, Trung đoàn Không quân của... công an nhân dân, thay vì điều chỉnh việc phân bổ công quỹ cho những lĩnh vực liên quan đến phúc lợi công cộng như y tế, giáo dục,... nhằm tạo lập nền tảng để có thể thật sự đạt đến “quốc thái, dân an”, đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta tiếp tục rót tiền để Bộ Công an thành lập... Lực lượng An ninh trên không (8)!

Không có lực lượng công an nhân dân... vững mạnh, trung thành, làm sao duy trì được những yếu tố có tính... đặc thù như các Ban Bảo vệ sức khỏe từ trung ương đến địa phương để chăm sóc những công bộc đang đảm nhiệm trọng trách dẫn dắt dân ta thực thi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Sự hạn chế về năng lực, phương tiện của hệ thống y tế quốc gia trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe công bộc không đáng lo bởi xuất công quỹ đưa các công bộc ra ngoại quốc khám bệnh, chữa bệnh là điều đương nhiên!

Thế còn dân ta? Đảng ta không lo! Chỉ cần công an nhân dân tiếp tục... vững mạnh, trung thành thì trước sao, sau vậy, dân ta đương nhiên chấp nhận... PCCC – phải chết cứ chết! Trong bài viết đã dẫn, bà Hường kể: Ngạch bác sĩ chính, lương bậc 8/8, làm việc tại một bệnh viện lớn của thành phố Hà Nội, từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở khoa chuyên môn nhưng khi về hưu cũng chỉ được nhận số tiền 8,3 triệu đồng/tháng – thua xa lương hưu của một sĩ quan công an cấp tá, chức vụ làng nhàng.

Giới khoác blouse trắng mà còn cúi đầu, cắn răng chấp nhận đủ thứ phi lý từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc sự nghiệp khám bệnh, chữa bệnh, cứu người, không dám hé môi thì kể gì đến những người cả đời côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó! Chỉ có thể ngửa mặt lên trời mà than, đúng là... Đảng ta... vĩ đại thật!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn