• Sara Harrison
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nakul Singh đang đi đúng hướng. Ở tuổi 30, anh đã hoàn thành chương trình nội trú nhãn khoa tại bệnh viện Tai Mắt Massachusetts ở Boston, đang chuẩn bị bắt đầu chương trình học bổng và tính chuyện kết hôn bạn gái trong vài năm nữa.

Đây chỉ là cách anh hình dung mọi việc sẽ diễn ra như thế nào.

"Mục tiêu cá nhân của tôi là kết hôn hay đính hôn vào thời điểm tôi hoàn thành chương trình nội trú," anh nói.

Những mục tiêu này không tương ứng với bất kỳ lô-gíc nội tại hoặc nhu cầu sinh học nào. "Tôi không biết tại sao. Nó chỉ có vẻ như là khung thời gian thích hợp," anh nói.

Khi anh nhìn quanh những gì người khác đang làm, có vẻ như họ đã kết hôn khi ở độ tuổi trên dưới 30, vì vậy anh đặt mong đợi của mình cho phù hợp và làm theo. Thêm vào đó, ông bà anh vẫn cứ nài nỉ anh kết hôn trước khi họ qua đời.

Nhưng không phải lúc nào Singh cũng biết chắc rằng cuộc sống sẽ diễn ra như kế hoạch.

Trong khi bạn bè anh bắt đầu tính chuyện nghiêm túc với nửa kia quan trọng của họ ngay sau tốt nghiệp đại học, anh vẫn còn độc thân, và tự hỏi khi nào sẽ tìm thấy ý trung nhân của mình.

Anh đặt nặng việc vào đúng trường y, sau đó giành được chương trình nội trú tốt. Cuộc sống có cảm giác không chắc chắn, và trong khi anh chờ đời rồi chờ đợi để gặp đúng người, anh lo mình bị tụt lại phía sau.

Mỗi xã hội có vài cột mốc cuộc đời quan trọng, và những thành tựu đó thường gắn liền với khung thời gian cụ thể.

Ví dụ, các xã hội phương Tây đặt nặng những khoảnh khắc như tốt nghiệp đại học ở tuổi 22, kết hôn ở tuổi 30, có con và mua nhà trước 35 tuổi. Chúng ta đánh dấu thành công bằng cách đánh dấu vào các ô và lo rằng nếu không kịp thời hạn chót thì có nghĩa là mình thất bại trong cuộc sống hay sự nghiệp'. Nhưng những thước đó từ đâu mà ra?

Nhưng mà hóa ra, những thời hạn quan trọng này thường tùy tiện, và áp lực đạt được thời hạn đôi khi đến từ những nơi vô định hình, không xác định được.

Chúng cũng không cứng nhắc như đá như vẻ bề ngoài. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, những thay đổi trong công nghệ và kinh tế, những tiến bộ khoa học và thậm chí bối cảnh chính trị có thể biến những gì từng có vẻ như là nhu cầu xã hội thành một kỳ vọng lỗi thời.

Hiểu được những trông đợi này đến từ đâu và khác với thực tế chúng ta đang sống như thế nào là điều rất quan trọng để tạo ra các cột mốc cá nhân có ý nghĩa, thay vì bám vào những kỳ vọng lỗi thời.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Bí ẩn của các chuẩn mực xã hội

Từ lúc ra khỏi bụng mẹ, chúng ta đã sẵn sàng để học hỏi. Chúng ta tiếp thu ngôn ngữ xung quanh và học các quy tắc của xã hội, những hành vi nào được phép, những gì được coi là tốt hay xấu.

"Chúng ta hoàn toàn hình thành theo cách đó: học các chuẩn mực và tuân thủ," Jeffrey Arnett, học giả nghiên cứu cao cấp tại Đại học Clark ở Massachusetts, vốn nghiên cứu về sự hình thành tuổi trưởng thành, nói. "Chúng ta chủ yếu làm những gì mình được mong đợi."

Việc làm sao các chuẩn mực này được thiết lập là sự kết hợp của các yếu tố xã hội, kinh tế và công nghệ.

"Những điều này hình thành và tất cả chúng ta đều nhận thức được chúng và đều làm theo, nhưng không ai quyết định chúng," Arnett nói. "Đó là tập hợp hàng triệu người suy nghĩ về mọi thứ, đưa ra quyết định và nói chuyện với nhau. Không ai thực sự kiểm soát nó."

Trong số những ảnh hưởng này, cha mẹ và gia đình có vai trò rất lớn, nhất là về kỳ vọng về thời gian kết hôn và có con.

Chẳng hạn, hầu hết những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh, sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số trong xã hội phương Tây, từ 1946 đến 1964, thường lập gia đình ở độ tuổi 20, mua nhà và có con ngay sau đó. Liền sau đó, họ chuyển những kỳ vọng và thời hạn đó cho con cái họ, thế hệ thiên niên kỷ sinh ra trong thời từ 1981 đến 1996.

Nhưng những người trẻ trong thế hệ này ở Mỹ và Anh không tuân theo những cột mốc đó.

Thay vào đó, họ kết hôn trung bình muộn hơn cha mẹ bảy năm, hay không hề kết hôn. Và độ tuổi lần đầu tiên sinh con của phụ nữ đã liên tục tăng trong 40 năm qua, vì vậy hầu hết phụ nữ thời nay có con muộn hơn cha mẹ họ - họ đợi đến khi 29 tuổi trở lên.

Tương tự, tỷ lệ sở hữu nhà của người trẻ thấp hơn 8% so với hai thế hệ trước.

Đó là vì cha mẹ không phải là nhân tố duy nhất ảnh hưởng đến những cột mốc này, và những người trẻ sinh ra trong một thế giới rất khác so với thế giới cha mẹ họ biết, và họ vận động rất khác trong thế giới đó.

Nhìn chung, thế hệ thiên niên kỷ có học vấn tốt hơn so với các thế hệ trước - gần 40% ở Mỹ có bằng cử nhân so với chỉ một phần tư thế hệ bùng nổ dân số. Điều đó có nghĩa họ sẽ gia nhập lực lượng lao động trễ hơn, do đó họ cũng bắt đầu để dành tiền mua nhà trễ hơn.

"Chúng ta chắc chắn ngày càng nhận ra tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo," Arnett nói. "Điều đó có nghĩa là bạn không có khả năng tự túc ở tuổi 19 hoặc 20."

Nợ tiền vay học đại học, cùng với giá nhà tăng, cũng có nghĩa là ít người trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ có đủ khả năng mua nhà.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Và mặc dù kỳ vọng phụ nữ kết hôn và có con không thay đổi, những suy nghĩ về chuẩn mực giới đã thay đổi.

"Phụ nữ từng đối mặt rất nhiều áp lực để tìm bạn đời và kết hôn," Arnett nói. "Nếu không, thì họ còn có thể làm gì?"

Nhưng bây giờ phụ nữ theo đuổi học vấn và sự nghiệp phổ biến hơn nhiều. Kể từ giữa những năm 1990, số lượng nữ học đại học nhiều hơn nam. Vì vậy, trong khi vào năm 1966, chỉ có 40% phụ nữ trong độ tuổi từ 22 đến 37 đi làm, năm 2020, 72% phụ nữ thiên niên kỷ đã tham gia vào lực lượng lao động.

Sự quan tâm đến học vấn và nghề nghiệp đã thay đổi khi phụ nữ có con. Một phân tích của New York Times cho thấy phụ nữ có bằng đại học có con trung bình muộn hơn bảy năm so với những phụ nữ không học đại học, và trình độ học vấn là yếu tố quan trọng hơn trong việc trì hoãn có con so với các yếu tố khác như giá nhà.

Những tiến bộ khoa học và công nghệ cũng có tác động lớn đến những kỳ vọng này.

Lấy ví dụ chuyện các biện pháp tránh thai, vốn cho phép phụ nữ bắt đầu sinh hoạt tình dục nhiều năm trước khi họ tính kết hôn hoặc có con.

"Điều đó cho họ nhiều quyền quyết định hơn trong việc có tiến tới hôn nhân hay có con hay không," Arnett nói. "Điều đó thực sự mang tính cách mạng."

Ngay bây giờ, bắt đầu tìm hiểu về tình dục có lẽ một thập kỷ trước khi kết hôn được coi là khá bình thường, điều ông lưu ý là chưa từng có trước nửa sau của thế kỷ 20.

Tuy nhiên, trong khi thực tế kinh tế và giáo dục đã thay đổi triệt để, kỳ vọng xã hội của chúng ta không theo kịp.

Một khảo sát của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy phần lớn người Mỹ tin rằng mọi người nên độc lập về kinh tế trước tuổi 21. Nhưng cũng khảo sát đó cũng cho thấy đa số không nghĩ rằng hầu hết sinh viên cần học xong đại học cho đến khi 22 tuổi. Mâu thuẫn này khiến mọi người không đạt được cột mốc, ngay cả khi họ làm đủ mọi cách để đạt được.

Sức ép của 'phải nên'

Các thế hệ sau đang cảm thấy căng thẳng. Họ cảm thấy áp lực phải sống cho xứng với chuẩn mực của cha mẹ và ông bà, ngay cả khi những kỳ vọng đó thực sự không còn phù hợp nữa.

Một khảo sát cho thấy, trung bình, người trưởng thành trên 25 tuổi vẫn có dự tính lập gia đình, có con và mua nhà trước 30 tuổi, mặc dù số người thực sự có thể làm như vậy đã giảm theo thế hệ.

Khoảng cách giữa những gì các thế hệ gần đây nghĩ rằng họ cần đạt được và những gì khả dĩ trong môi trường tài chính và giáo dục ngày nay đang có tác động lớn đến sức khỏe tâm thần của họ.

"Nhìn chung, cách biệt lớn hơn giữa những gì mọi người muốn và những gì họ thực sự làm được là chỉ dấu đáng tin cậy cho thấy sức khỏe và sự an lạc kém hơn," các tác giả khảo sát viết.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc ngày càng ít có khả năng đạt được các cột mốc quan trọng trong đời theo khung thời gian chúng ta đặt ra cho mình có thể giải thích cho sự gia tăng 'những cái chết vì tuyệt vọng', dùng ma túy quá liều và tự tử do công việc không còn và triển vọng kinh tế ảm đạm.

Charlotte Housden, nhà tâm lý học nghề nghiệp ở Kent, Anh, gọi áp lực xã hội này là 'sức ép của phải nên'.

Bà khuyên những ai đang cảm thấy căng thẳng với việc họ đang tụt lại phía sau là cần nhớ rằng không phải chỉ mình họ bị như vậy. Rất nhiều người đang vật lộn với quan niệm sai lầm rằng họ không theo kịp tiêu chuẩn xã hội.

Bà nói rằng mọi người có xu hướng có những phóng đại lớn, phổ quát kiểu như, "ai cũng sắp lập gia đình hết rồi" hay "ai cũng có nhiều tiền hơn tôi". Nhưng điều đó không đúng. "Đó là sai lầm trong nhận thức," bà nói. "Chỉ có một số người có nhiều tiền hơn. Một số sắp kết hôn."

Và bà cảnh báo đạt được những mục tiêu này - bằng cách kiếm được công việc lương cao hoặc mua nhà đẹp - không nhất thiết đem đến hạnh phúc. "Hạnh phúc là tìm được cái thích hợp," bà nói.

Housden khuyên nên dành thời gian để tách bạch những gì bạn thực sự muốn và những gì bạn cảm thấy cha mẹ hoặc gia đình muốn. "Hiểu sự thúc đẩy của bạn đến từ đâu," cô nói. "Là bạn muốn học đại học hay là cha mẹ bạn muốn? Đó có phải là điều bạn thực sự muốn?"

Housden nhấn mạnh tập trung vào những thành tựu khiến bạn hạnh phúc, thay vì những điều phù hợp với mong đợi của cha mẹ hoặc xã hội. Nhưng, cô thừa nhận, điều đó nói dễ hơn làm.

Singh đã dành phần lớn độ tuổi giữa 20 của mình nghĩ rằng anh đã tụt lại sau bạn bè trong vô vọng. Nhưng khi anh ngày càng lớn tuổi, anh bắt đầu thêm tự tin vào con đường của mình.

"Tôi không gặp được ai mà tôi muốn chung sống và điều đó không sao," anh nói. "Tôi tập trung vào công việc và trở thành người như tôi mong muốn."

Anh may mắn có được điều mà anh gọi là "đặc quyền con trai Ấn Độ", vốn giúp anh thoát khỏi áp lực phải lập gia đình. Bởi vì nhiều bạn bè của anh cũng theo đuổi bằng cấp sau đại học và bằng nghề nghiệp, anh không thấy tự ti về việc đi học quá lâu và trì hoãn một số cột mốc nhất định như mua nhà hay có con.

Nhưng anh thừa nhận lúc này anh sẽ không cảm thấy tự tin và thoải mái như vậy nếu như vẫn chưa tìm được bạn gái và bắt đầu có cuộc sống tuân theo những cột mốc mà anh đặt ra. "Tôi nghĩ sẽ khó hơn rất nhiều để mình cảm thấy thỏa mãn," anh nói.

Con đường của Singh kéo dài hơn anh nghĩ, nhưng có bằng chứng cho thấy những suy nghĩ về thời điểm nên ổn định và có con đang bắt đầu thay đổi.

Khảo sát của Cục Điều tra dân số Mỹ cũng cho thấy đại đa số người Mỹ tin rằng học xong và kiếm việc làm là những dấu mốc quan trọng của tuổi trưởng thành, hơn là lập gia đình hay sinh con.

Người ta ít phán xét hơn việc vẫn còn ở với cha mẹ trong một thời gian sau khi tốt nghiệp đại học, và đặt nặng hơn vào giáo dục và an ninh tài chính.

Do đó, mặc dù những kỳ vọng này có vẻ cố định và xác định, sự thật là chúng luôn thay đổi - ngay cả khi bạn không nghĩ vậy.