Cuộc gặp Trump-Phúc qua lời kể của cựu Đại sứ Ted Osius

Thứ Bảy, 13 Tháng Mười Một 20214:00 SA(Xem: 2316)
Cuộc gặp Trump-Phúc qua lời kể của cựu Đại sứ Ted Osius

Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam giai đoạn 2014-2017 vừa cho ra đời cuốn hồi ký “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (Không gì là không thể: Cuộc Hòa giải của Hoa Kỳ với Việt Nam) gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.

Chính quyền Hà Nội đã lệnh cho báo chí trong nước không được “khai thác” nội dung của cuốn sách; trong khi người đọc ngoài nước chú ý đến phát ngôn mang tính kỳ thị của ông Trump khi tiếp ông thủ tướng Việt Nam tại Phòng Bầu dục trong Tòa Bạch ốc. Tác giả Ted Osius đã chứng kiến và viết về cuộc gặp đó như thế nào? SGN trích dịch các trang từ 268-272 về sự kiện trên để bạn đọc tham khảo.

VN-Ted-Osius-sach-Viet-Nam-2
Bìa cuốn sách “Nothing Is Impossible: America’s Reconciliation With Vietnam” của ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam. (Hình: VOV)

… Khi tôi còn là nhân viên chính sách đối ngoại của Phó Tổng thống Al Gore, tôi đã ra vào Phòng Bầu dục nhiều lần. Với tư cách đại sứ, tôi đã tháp tùng lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam tới gặp Tổng thống Barack Obama. Nhưng không gì có thể chuẩn bị cho tôi sẵn sàng với sự kỳ lạ của cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam vào ngày 31 Tháng Năm năm 2017.

Phòng Bầu dục trông vẫn vậy. Các khung cửa sổ cao đến trần nhà vẫn tiếp tục nhìn ra The South Lawn (bãi cỏ phía Nam). Chiếc bàn “Cương quyết” (Resolute) nổi tiếng vẫn chiếm hết căn phòng. Nhưng nó không giống Phòng Bầu dục mà tôi nhớ. Vào thời của Tổng thống Obama, các phòng bên ngoài Phòng Bầu dục luôn náo nhiệt với nhiều hoạt động, trong khi chính Phòng Bầu dục lúc nào cũng yên tĩnh. Bây giờ tình hình đã đảo ngược. Cánh Tây (West Wing – nơi đặt văn phòng các ban của Tòa Bạch ốc – ND) có vẻ yên lặng một cách kỳ lạ nhưng bên trong Phòng Bầu dục, dòng người nhốn nháo ra vào. 

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Dina Powell và một nhóm các cố vấn khác quây quần xung quanh chiếc bàn “Cương quyết”, nơi các tổng thống Rutherford Hayes, Franklin Roosevelt và John Kennedy đã từng ngự trị. Không ai nhường chỗ cho những người mới đến và căn phòng dường như mỗi lúc một đông hơn.

Đứng sau một nhóm phụ tá và cố thu hút sự chú ý của tổng thống, Cố vấn An ninh Quốc gia, Tướng H. R. McMaster đã gắng giới thiệu tôi với Tổng thống Trump: “Thưa Tổng thống, đây là đại sứ của chúng ta tại Việt Nam.” Tôi nhìn chằm chằm vào mái tóc màu cam có hình một chiếc mũ bảo hiểm cứng khi tổng thống ngước lên và nói,“Bạn thật may mắn. Đó là một công việc tốt.” “Vâng, thưa ngài, tôi rất may mắn. Tôi yêu công việc của mình và cảm thấy được làm việc đó là một đặc ân,” tôi đáp.

“Vậy, chúng ta sắp gặp ai?” Tổng thống hỏi. 

“Thủ tướng Việt Nam,” Cố vấn McMaster trả lời.

“Tên của ông ta là gì?”

“Nguyễn Xuân Phúc. Phát âm như ‘book’,” một quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia nói.

“Ý bạn là như Fook You? (*)” Tổng thống Trump hỏi. “Tôi biết một người tên là Fook You. Thật đấy. Tôi cho anh ta thuê một nhà hàng. Khi nhấc máy trả lời điện thoại, anh ấy nói ‘Fook You’. Việc kinh doanh trở nên tồi tệ. Mọi người không thích điều đó. Anh ta đã mất nhà hàng”

Tất cả những người có mặt đều gượng cười. “Thưa Tổng thống,” Cố vấn McMaster ngắt lời, “chúng ta chỉ có năm phút cho cuộc họp này.”

Thêm nhiều người đi vào đi ra. Tôi tự hỏi làm sao mọi người có thể tập trung được trong cảnh hỗn loạn như vậy. Sau khi biết Việt Nam xuất siêu với Hoa Kỳ và nhập siêu với Trung Quốc, Tổng thống xen vào: “Người Trung Quốc luôn nhận được những hợp đồng lớn. Ngoại trừ với tôi. Tôi đã có một hợp đồng rất lớn với Trung Quốc.”

Tổng thống Trump sau đó chỉ thị cho ông Lighthizer [Robert Lighthizer là Đại diện Thương mại Hoa Kỳ] “đưa thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam xuống số không trong bốn năm.” Lighthizer gật đầu, có lẽ ông ta không biết phải trả lời như thế nào. Đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Sau đó ông ấy cố gắng chuyển hướng chú ý của Tổng thống. “Đại sứ [tại Việt Nam] đang cố gắng hoàn thành một thỏa thuận xây dựng một đại sứ quán mới,” ông Lighthizer nói. “Chúng ta có thể tổ chức lễ động thổ khi ngài đến thăm Việt Nam.”

Một nhân viên của Lighthizer đã nói với tôi một cách nghiêm túc rằng Tổng thống Trump thích lễ động thổ. Ông ấy rất thích cầm chiếc xẻng mạ vàng để các nhiếp ảnh gia chụp ảnh.

“Tôi đến đó ư?” Tổng thống hỏi, dường như ông ấy không nhớ rằng ông đã đồng ý tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam trong mùa thu sắp tới. Sau đó ông ta biến mất vào một căn phòng khác.

Jared Kushner, con rể của tổng thống và là cố vấn của Tòa Bạch ốc, chú ý tới cuộc trò chuyện của chúng tôi về việc xây dựng đại sứ quán mới tại Hà Nội. “Nó có giá bao nhiêu?” Kushner hỏi. Tôi trả lời rằng đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh trị giá hơn $1 tỷ. Một đại sứ quán mới ở Hà Nội có thể được xây dựng với giá thấp hơn – có thể là một nửa, tùy thuộc vào giá đất. 

“500 triệu đôla ư?” Kushner có vẻ ngạc nhiên. “Như thế là rất nhiều. Tại sao chúng ta chi tiêu quá nhiều như vậy? Nếu như chúng ta cho họ cái đó, chúng ta cần phải lấy lại cái gì đó.” 

Tôi tự hỏi liệu anh ấy có hiểu rằng, chúng ta đang xây dựng một tòa nhà đại sứ quán mới cho Hoa Kỳ chứ không phải cho Việt Nam hay không. “Tòa nhà chúng ta thuê hiện đã hư hỏng,” tôi nói với anh ta.“Hai mươi năm trước khu nhà đó chỉ được coi là nơi làm việc tạm thời. Nó không an toàn nữa. Một xe bom có thể lao vào đó và làm chúng tôi nổ tung trong giây lát. Giống như ở Benghazi.”

Kushner vẫn giữ quan điểm. “Nếu họ có cái [đại sứ quán] đó thì chúng ta cần một cái gì đó đổi lại. Hãy nói với họ rằng chúng ta sẽ xây dựng nó nếu họ đưa thâm hụt thương mại của chúng ta về số 0”, Kushner nói. Tôi nhắc lại lập luận của mình về an ninh cho công dân Mỹ, nhưng đôi mắt đen của Kushner đã chuyển đi nơi khác. Anh ta không còn nghe nữa.

Ra khỏi Phòng Bầu dục, tôi đứng ở hành lang và trò chuyện với Phó Tổng thống Mike Pence. Ông ấy vừa trở về từ Jakarta, Indonesia, nơi ông ấy đã nói chuyện với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tôi nói với ông Pence rằng Việt Nam đã đón nhận bài phát biểu của ông ấy một cách nồng nhiệt. Ông Pence mỉm cười, đôi mắt xanh của ông ấy nhìn thẳng vào tôi; ông Phó Tổng thống đã thể hiện một khả năng kỳ lạ khiến tôi cảm thấy cứ như tôi là người quan trọng nhất thế giới.

Chúng tôi chờ đợi trong khi Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc gặp nhau mặt đối mặt tại Phòng Bầu dục, với các phiên dịch viên và khoảng một trăm nhà báo truyền hình và báo in. Tổng thống Trump lưu ý rằng Hoa Kỳ đang có “thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam, hy vọng sẽ cân bằng trong một thời gian ngắn. Chúng tôi mong đợi có thể làm được điều đó”.

Thủ tướng Phúc cho Tổng thống Trump xem bản đồ Biển Đông như một lời nhắc nhở rằng Việt Nam quan tâm hơn hết tới các hành vi liên quan của Trung Quốc.

Tổng thống và Thủ tướng sau đó chuyển đến Phòng Nội các, nơi phó tổng thống, các thành viên nội các, và tôi cùng tham gia cuộc gặp. Tổng thống Trump lại thúc giục Thủ tướng Phúc giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam từ $32 tỷ xuống $0 trong bốn năm. Ông khuyến khích Việt Nam gia tăng áp lực lên Bắc Hàn và ông yêu cầu Việt Nam đẩy nhanh việc nhận lại những người tị nạn Việt Nam bị trục xuất: Tôi biết nguồn gốc của yêu cầu thứ ba: Tôi đã thấy Miller bước vào và thì thầm vào tai tổng thống khi anh ta đi vào Phòng Nội các. [Steve Miller là cố vấn của Tổng thống Trump, phụ trách các chính sách về di dân và nhập cư – một người được cho là có quan điểm cực kỳ bảo thủ và chống người nhập cư – ND]

Chỉ còn ông thủ tướng Cộng sản Việt Nam ca tụng các đức tính của thương mại tự do và công bằng. Ông Phúc nói thương mại “dẫn đến tăng trưởng và việc làm. Hai nền kinh tế của chúng ta bổ sung cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh với nhau.”

Tổng thống Trump lại nói về thâm hụt thương mại và bảo, “chúng ta phải đạt được nhiều tiến bộ hơn trước hội nghị cấp cao APEC.” Tổng thống nói với Thủ tướng Phúc rằng nước Arab Saudi đã đặt hàng trị giá $450 tỷ trong chuyến thăm gần đây của tổng thống tới đó. “Jared [Kushner] và Rex [Tillerson] đã làm việc rất chăm chỉ,” ông nói. Thông điệp rất rõ ràng: các chuyến thăm của tổng thống luôn có giá.

Khi Cố vấn McMaster gợi ý một “chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ có ý nghĩa lịch sử và biểu tượng quan trọng,” ông thủ tướng thận trọng trả lời rằng Việt Nam “đánh giá cao sáng kiến gửi một tàu sân bay tới thăm. Khi chúng tôi có khả năng, chúng tôi sẽ đón nhận nó”. Nhưng ông ta nói thêm, “Chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng để làm như vậy.”

Các nhà lãnh đạo Việt Nam trước tiên cần đo lường phản ứng của Trung Quốc trước khi đưa ra cam kết đón tiếp chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ. Trong bản tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm Tòa Bạch ốc của Thủ tướng Việt Nam, phía Việt Nam chỉ nói rằng hai nhà lãnh đạo đã “xem xét khả năng một chuyến thăm cảng Việt Nam của một tàu sân bay Hoa Kỳ.”

Khi Tổng thống Trump đưa tiễn Thủ tướng Phúc ra khỏi Cánh Tây, nhóm này đã giáp mặt với Marc Kasowitz, một trong những luật sư của tổng thống. Kasowitz cũng đại diện cho Falcone. Vào tháng Mười Hai 2016, các luật sư Kasowitz và Falcone đã sắp xếp để Tổng thống đắc cử Trump nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Việt Nam.

Kasowitz cười toe toét khi nhìn thấy Thủ tướng Phúc. Ông ấy dường như đã chờ bên ngoài để chứng tỏ ông ta đã có quyền ra vào Cánh Tây Tòa Bạch ốc và do đó ông ta “gần gũi” với ông tổng thống hiện tại.

Ngạc nhiên khi nhìn thấy ông ta, Thủ tướng Phúc mỉm cười, đầu nghiêng sang một bên.

“Ngài biết anh ta à?” Tổng thống hỏi, và ông thủ tướng thừa nhận họ có quen biết. Kasowitz bắt tay tôi rất chặt. “Bạn cũng biết anh ta?” Tổng thống hỏi tôi. Tôi gật đầu.

Sau cuộc điện thoại [Trump-Phúc] hồi tháng Mười Hai năm 2016, tôi đã viết thư cho các sếp của mình ở Bộ Ngoại giao trong chính quyền Obama, bày tỏ nỗi lo ngại rằng một cuộc gọi như vậy, do Falcone sắp xếp, chứng tỏ sự tiếp cận của thủ tướng Việt Nam với tổng thống mới của Hoa Kỳ có thể đã bị mua bán. Tôi không bao giờ có được câu trả lời.

Sau cuộc họp ngày 12 tháng Giêng năm 2017 tại Hà Nội với Kasowitz, Falcone và một nhóm những luật sư về bất động sản của New York liên kết với Tổng thống Trump, một đồng nghiệp tại đại sứ quán và tôi đã so sánh các mẩu ghi chú. “Tôi cảm thấy mình cần đi tắm,” cô đồng nghiệp nói. Chính tôi cũng muốn gột rửa mùi tham nhũng.

Trước khi gặp tôi, Kasowitz đã hỏi một người bạn của tôi, “Chúng tôi cần có đòn bẩy nào với đại sứ? Chúng tôi cần cung cấp cho ông ấy những gì để kéo ông ấy về phe của chúng tôi?” Bạn tôi nhẫn nại giải thích rằng bất kỳ đại sứ Hoa Kỳ nào cũng có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ thành công. Không một đòn bẩy hoặc “lại quả” nào là cần thiết để tôi thực hiện công việc của mình.

(*) Phát âm như Fuck You – là tiếng chửi rất nặng trong ngôn ngữ Mỹ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn