Cấp cao Mỹ – Trung có ảnh hưởng tới Việt Nam?

Thứ Ba, 19 Tháng Mười 20218:00 SA(Xem: 2030)
Cấp cao Mỹ – Trung có ảnh hưởng tới Việt Nam?
rfa.org

Cấp cao Mỹ – Trung có ảnh hưởng tới Việt Nam?

Phân tích của TS. Đinh Hoàng Thắng 2021-10-18

Những diễn tiến trước Cấp cao

Ngày 13/10/2021, theo các nguồn tin từ Tập đoàn Bloomberg, Trung Quốc đã thành lập một nhóm đại diện để thảo luận với Chính quyền Mỹ về các vấn đề còn vướng mắc, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CGTN), dù không nêu rõ chi tiết, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành (Le Yu Cheng) của nước này khẳng định, nhóm đại diện đã “đạt được một số tiến bộ” với phía Mỹ.

“Đối thoại và hợp tác là không thể thiếu và đối đầu và xung đột sẽ chẳng dẫn chúng ta đi tới đâu”, ông Lạc Ngọc Thành nói, đồng thời khẳng định, Trung Quốc rất coi trọng những tuyên bố tích cực gần đây của Mỹ về quan hệ hai nước. Thời gian gần đây, Washington và Bắc Kinh đang xây dựng lại các mối liên hệ đã bị đứt gãy trong nhiều năm do bất đồng nhau về nhiều thứ, từ thương mại, công nghệ cho đến nguồn gốc đại dịch COVID-19. [1].

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ – Trung sắp tới sẽ là cuộc tiếp xúc công khai đầu tiên (qua video) giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập, mặc dù ngày giờ chính xác vẫn chưa được ấn định. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành, các cuộc đàm phán cấp cao này là bằng chứng cho thấy cánh cửa đối thoại của Trung Quốc luôn rộng mở vào bất cứ lúc nào. Ông Lạc cũng cho rằng trong thời gian chờ đợi, hai bên cần hợp tác để xây dựng bầu không khí tốt đẹp và tạo điều kiện tích cực cho cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo.

Được biết, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 9/2021 ở mức 42 tỷ USD, tăng từ mức 37,68 tỷ USD trong tháng 8. Tuần trước, các quan chức thương mại hàng đầu của hai nước cũng đã xét duyệt lại việc thực hiện Hiệp định Kinh tế và Thương mại Mỹ – Trung.

Trong khi Trung Quốc đang tìm cách mô tả các cuộc liên lạc cấp cao sắp tới với chính quyền Biden như một sự khôi phục “đối thoại chiến lược”, thì Mỹ lại phản bác việc so sánh với cái quy trình trước đó đã bị Washington chỉ trích là không hiệu quả. Đầu tuần qua, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki còn nói với các phóng viên rằng bà chưa có thông tin tươi mới nào để cung cấp về Hội nghị Thượng đỉnh. “Hiện nay, chúng tôi đang làm việc và thảo luận ở cấp chuyên viên,” bà Psaki nói.

Tuy nhiên, dấu hiệu “chớm tan băng” đầu tiên diễn ra sau khi Hoa Kỳ trả tự do cho Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của Huawei Technologies Co. Sau đó, phía Trung Quốc cũng thả hai người Canada bị giam giữ vì bị cáo buộc làm gián điệp từ tháng 12/2018. Tuy nhiên, cả hai chính phủ đều phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ nào giữa hai động thái này.

Thứ trưởng Lạc Ngọc Thành cho biết, Bắc Kinh hy vọng Tổng thống Joe Biden sẽ giữ lời hứa của ông, Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lạc cảnh báo, khi nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, Mỹ sẽ nhận ra rằng họ phạm "sai lầm còn lớn hơn" so với sự thất bại về quân sự ở Afghanistan, và rằng họ đang "đùa với lửa" trong vấn đề Đài Loan.

Thứ trưởng Lạc còn đề cập đến một số vấn đề gây ra tranh cãi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng ông cũng nói về tiềm năng hợp tác trong tương lai. Thoả thuận về Cấp cao cuối năm nay được đưa ra sau khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ gặp nhau ở Zurich (Thuỵ Sỹ) vào tuần trước. [2].

Biển Đông sẽ ở vị trí nào?

Giới nghiên cứu và các nhà phân tích thời sự hẳn rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông sẽ được đặt ở vị trí nào trong quá trình chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ – Trung? Trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị tại Thành phố Thiên Tân hôm 26/7/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã có cuộc họp khá căng thẳng với người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong.

Tại đây, nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng, mối quan hệ Trung – Mỹ đang rơi vào "bế tắc" và đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng". Ông Tạ cáo buộc, Mỹ đang coi Trung Quốc như một kẻ thù "tưởng tượng". Tại họp báo sau đó, ông Tạ cho biết đã đưa cho phái đoàn Mỹ hai bản danh sách, bản thứ nhất gồm “những hành động Mỹ cần chấm dứt” và bản thứ hai, “những vấn đề khiến Trung Quốc quan ngại hàng đầu”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc gộp các vấn đề đang tranh cãi thành hai danh sách như một kiểu “tối hậu thư” cho phía Mỹ.

Danh mục những hành động mà Trung Quốc đề nghị Mỹ “cần chấm dứt” là dỡ bỏ hạn chế thị thực với công dân Trung Quốc, dỡ lệnh trừng phạt với các quan chức và thực thể của nước này, xóa bỏ hạn chế đối với Viện Khổng tử và các doanh nghiệp Trung Quốc, chấm dứt việc coi truyền thông Trung Quốc là đặc vụ nước ngoài.

Còn danh sách “những quan ngại hàng đầu” của Bắc Kinh gồm có tình trạng đối xử không công bằng với công dân Trung Quốc tại Mỹ, các hành động quấy rối Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc, sự trỗi dậy của tư tưởng phân biệt chủng tộc chống lại người Trung Quốc và người châu Á, các hành động bạo lực nhằm vào công dân Trung Quốc.

Thứ trưởng Tạ Phong còn cho biết thêm, phía Trung Quốc cũng bày tỏ bất bình với những bình luận và hành động của phía Mỹ liên quan đến cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19, vấn đề Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông [3].

Cách phát biểu mập mờ của Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong như trên cho thấy Biển Đông có thể được xếp vào bản danh sách thứ hai, “những quan ngại hàng đầu” của Trung Quốc. Điều này không gây ngạc nhiên, bởi lâu nay, Biển Đông đều được “ưu tiên” cùng với các vấn đề Tân Cương, Đài Loan và Hong Kong như là những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Với những hồ sơ nóng liên quan đến Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc cho đến nay đều chưa thể tìm được cách tiếp cận tương đồng.

Trong trao đổi với Cố vấn An ninh Quốc gia Jack Sullivan tại Zurich ngày 6/10/2021, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Ngoại vụ Trung ương ĐCSTQ Dương Khiết Trì cũng tái khẳng quan điểm nhất quán của Bắc Kinh, coi bốn vấn đề này đều thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và Mỹ không được lợi dụng những chủ đề này để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc [4].

Cuộc gặp các nhà ngoại giao cao cấp Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bên tiếp tục leo thang căng thẳng kể từ thời Tổng thống Donald Trump. Khi nhận nhiệm sở vào đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden tiếp tục các chính sách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh, trong đó có việc duy trì chính sách áp thuế, áp hàng loạt các trừng phạt mới nhằm vào quan chức Trung Quốc để phản đối các hành động của Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và Biển Đông.

Nhưng khi coi đấy là những “lợi ích cốt lõi” của mình, qua tuyên bố của Dương Khiết Trì, Trung Quốc dường như muốn khẳng định, Mỹ không được đặt vấn đề Biển Đông lên bàn thương lượng. Tất nhiên, như chính quyền Mỹ đã nhiều lần tuyên bố, điều ấy là không thể, vì nó hoàn toàn trái với lập trường nguyên tắc trước nay của Mỹ về vùng biển quốc tế liên quan đến các hoạt động tự do hàng hải theo Luật quốc tế (FONOP) [5].

Sau cuộc họp với phía Trung Quốc, Cố vấn An ninh Quốc gai Sullivan khẳng định trước báo giới, mục đích của cuộc gặp là “cố gắng hết sức nhằm tạo ra một môi trường để cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể được giải quyết một cách có trách nhiệm mà không chuyển sang xung đột hoặc đối đầu… Điểm mấu chốt cơ bản của tôi cho vấn đề này là sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngoại giao khốc liệt. Vì vậy, chúng tôi cần nhiều hơn chứ không phải ít hơn”.

*

Hiệp ước AUKUS, Liên minh Úc – Anh – Mỹ ra đời hôm 15/9 là để tăng thêm sức mạnh cho cấu trúc an ninh mới AUKUS – QUAD (Bộ Tứ) – ASEAN, với mục đích không che đậy, thách thức các đe doạ không ngừng phát triển trong không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP). Đúng như Ngoại trưởng Blinken tuyên bố: “Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng Mỹ cũng không nao núng trước những đe doạ các lợi ích của Mỹ và các đồng minh”. Trong bối cảnh ấy, Cấp cao Mỹ – Trung có thể mở ra một số cơ hội mới. Đông Nam Á giờ đây thực sự là một trong những trọng tâm trong chiến lược của Mỹ và đồng minh. Đây chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam xét duyệt lại một số quan niệm từ trước tới nay.

Từ đánh giá lại vai trò các nước lớn trong quá trình quốc tế hoá Biển Đông, đến hoàn thiện hệ thống các đối tác chiến lược của Việt Nam đều là những vấn đề cần cập nhật. Riêng với Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), Việt Nam cùng các thành viên “tuyến đầu” trong ASEAN cần đẩy mạnh đấu tranh để Bộ Quy tắc ấy đủ năng lực ràng buộc về pháp lý, phải cảnh báo cho khu vực và thế giới về những ý đồ vô hiệu hoá COC, biến nó thành một DOC trá hình (chỉ như bản Tuyên bố về Cách ứng xử DOC), nhằm làm tê liệt cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các thành viên ASEAN liên quan.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn