• Peter Schwartzstein
  • BBC Future

Solmaz Daryani

Nguồn hình ảnh, Solmaz Daryani

Hồ Urmia ở Iran từng là hồ nước mặn lớn thứ hai trên thế giới, nhưng chỉ trong vài năm, hồ gần như cạn khô tận đáy.

Nay, hồ nước này đang có những dấu hiệu hồi sinh trở lại.

Đoạn cầu tàu được nối dài thêm mỗi năm trên hồ Urmia là dấu hiệu đầu tiên Solmaz Daryani nhớ nhất về cho thấy có điều gì đó đang xảy ra.

Cho đến cuối thập niên 1990, khách sạn của gia đình cô nằm cách mớn nước bờ bắc hồ Urmia vài bước chân.

Nhưng từ từ từng chút một, mặt nước bắt đầu thấp dần xuống.

Lúc đầu, người chú của Daryani nới cầu tàu dài ra thêm 100 mét để giúp khách lên thuyền dễ dàng hơn.

Chỉ một năm sau, ông đã phải nới dài ra thêm gấp đôi. Cuối cùng, với lượng nước hồ rút nhanh kỷ lục, ông đành ngậm ngùi chịu thua.

"Đến lúc không thể cố, chú tôi đành quyết định ngừng nới cầu tàu. Hồ lùi xa tới 500 mét mỗi năm," Daryani, một nhiếp ảnh gia đã dành phần lớn thời gian trong vài năm qua để ghi lại những chuyển biến của hồ, chia sẻ. "Rốt cuộc thì người ta sẽ có thể dạo bộ ngay giữa lòng hồ được mất."

Hồ dần cạn cũng là lúc đất đai trở nên khô cằn hơn.

Thảm thực vật chết dần chết mòn, và những khu nghỉ dưỡng ven hồ vốn nhộn nhịp dần trở nên những thị trấn ma.

Không cần mất nhiều thời gian để Daryani và cư dân Urmia nhận ra sự kiện đau lòng này. "Chúng tôi nhận thấy rằng hồ đang dần biến mất. Nó đang cạn kiệt gần như chẳng còn gì sót lại."

Bất lực nhìn cảnh tượng môi trường sống nơi quê nhà mình đang chết dần chết mòn là nỗi đau đớn tột cùng cho bất cứ cộng đồng nào.

Thật là một thảm họa khi phải chứng kiến một cách bất lực sự sụp đổ của nền kinh tế địa phương vốn đang nuôi sống cho năm triệu dân cư.

Nguồn hình ảnh, Solmaz Daryani

Chụp lại hình ảnh,

Phụ nữ thư thái thả mình trên phần nước còn sót lại vào năm 2014 ở một khu hẻo lánh của hồ Urmia, nơi hiện có rất ít du khách ghé thăm

Nhìn từ một số khía cạnh, thì điều đáng buồn tương tự đã từng xảy ra. Sau nhiều thập kỷ phát triển một cách thô bạo, trong đó những quan ngại về môi trường hiếm khi được nhìn nhận nghiêm túc, số phận của hồ Urmia có thể rồi đây sẽ khá giống với kết cục của Biển Aral, hay Hồ Poopó của Bolivia, hoặc một loạt các vùng nước, nơi từng rất đặc biệt nay đang dần trở nên khô hạn tới mức báo động.

"Nguyên nhân rất đơn giản. Nước hồ bị hút cạn để phục vụ cho nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao của con người, vào đúng lúc đang xảy ra hạn hán nghiêm trọng," Ali Mirchi, phó giáo sư chuyên ngành kỹ thuật sinh học và nông nghiệp tại Đại học Bang Oklahoma, người chuyên nghiên cứu về hồ Urmia, nói. "Điều đó như giọt nước tràn ly."

Nhìn từ một số khía cạnh khác, thì đây là câu chuyện chỉ xảy ra ở Iran.

Việc tàn phá hồ Urmia xảy ra trong bối cảnh nước này có chiến tranh, bị áp lệnh trừng phạt và có những giằng xé chính trị nội bộ. Tất cả những yếu tố này dâng tới đỉnh điểm vào thời điểm khiến cho chuyện nỗ lực hồi sinh hồ nước cũng bị chính trị hóa trầm trọng.

Nhưng câu chuyện của hồ Urmia cũng rất đặc biệt theo cách riêng của nó, bởi vì bất chấp tất cả những rối loạn xung quanh, hồ đang một lần nữa có dấu hiệu hồi sinh.

Hồ Urmia là vùng đất ngập nước lớn nhất của Iran, và từng là một trong những hồ nước mặn lớn nhất trên thế giới.

Cho đến gần đây, nó cũng là một địa điểm du lịch trong nước nổi tiếng của Iran.

Trong hàng thập kỷ, người Tehran sẵn sàng lái xe cả 10 tiếng đồng hồ từ thủ đô đến vùng cực tây bắc đất nước để tới hồ.

Nay, nơi trước đây từng là mớn nước, giờ bừa bãi đầy xác các khu khách sạn, những xác tàu bãi biển nằm phơi trong sa mạc, cạn khô không có một giọt nước.

Việc cạn kiệt nguồn nước đó dẫn đến làm khô dần lòng hồ, nay đang tàn phá tan hoang những vùng đất nông nghiệp khổng lồ, vốn phải dựa vào những dòng sông cấp nước cho hồ.

Nằm giữa những lớp muối trơ ra ở nhiều nơi trong lưu vực lòng trũng là những vườn cây trái, những cánh đồng, những căn nhà bị bỏ hoang. Chủ nhân của chúng đã bỏ đi tìm vận may ở nơi khác.

Từ thời nước còn đầy đặn với diện tích trên 5 ngàn cây số vuông, hồ Urmia đã cạn dần, chỉ còn khoảng một phần mười vào năm 2014-2015, với lượng nước còn lại bằng khoảng 5% dung lượng so với thời huy hoàng.

Phần lớn hồ ngày nay đầy tảo đỏ trông rất đáng sợ, thứ đã phát triển hung hãn do nước cạn làm hàm lượng muối tăng vọt.

Có lẽ điều đáng phiền lòng nhất là tình trạng ô nhiễm đã tới mức nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Với việc các bề mặt đáy hồ cạn khô làm trơ lớp muối, những đợt gió táp dữ dội quất tung muối lên, cuốn vào bão cát, tạo thành thứ gây nguy hại trực tiếp đến sức khoẻ đường hô hấp.

Làm thế nào mà chỉ trong thời gian tính bằng năm, hồ nước mặn này lại có thể từ thiên đường du lịch lý tưởng biến thành nguồn gây hại cho sức khoẻ?

Quá trình cạn kiệt nước

Cảnh khô cạn của hồ Urmia là hậu quả của một chuỗi những tác động do con người gây ra trong thời gian dài.

Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, sự kiện lật đổ chế độ quân chủ, Iran đã áp dụng chính sách tự cung tự cấp lương thực, một phần nhằm bảo vệ tân chính quyền Hồi giáo trước các áp lực quốc tế.

Nhiều vườn nho ven hồ đã bị phá bỏ, một số bị nhổ sạch lý do tôn giáo. Thay vào đó là những sản phẩm ngốn nhiều nước hơn được trồng thay thế, như táo và củ cải đường.

Các chương trình xây dựng hệ thống thuỷ lợi được triển khai để phục vụ việc trồng hoa màu, và các con đập khổng lồ cũng nối đuôi nhau dăng dăng hầu như ở khắp các nhánh sông đổ vào hồ.

Được biết hiện có khoảng 40 con đập vẫn đang hoạt động trong lưu vực hồ Urmia - nơi có diện tích tương đương với Slovakia - và nhiều con đập nữa vẫn đang trong quá trình xem xét chờ phê duyệt xây dựng.

Dân số Iran tăng đột biến, một phần là kết quả của các chính sách khuyến khích sinh đẻ thời chiến.

Nhà nước bắt đầu thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm mới. Nông nghiệp có vẻ như phù hợp với nhiều người. Kể từ thời thập niên 1980, diện tích đất nông nghiệp xung quanh Urmia đã mở rộng gấp bốn lần, trong lúc các làng mạc và thành phố trong khu vực cũng ngày càng phình thêm ra.

Poolad Karimi, cựu phó giáo sư chuyên ngành thuỷ lợi và nông nghiệp của Viện Thuỷ Lợi (IHE) ở thành phố Delft của Hà Lan, từng lớn lên và gắn bó cùng hồ Urmia. Thế nhưng khi quay trở lại thăm quê nhà của mình sau 15 năm xa cách, ông ngỡ ngàng khi thấy thành phố quê nhà đã phát triển ngoài sức tưởng tượng, khó có thể nhận ra chốn xưa.

"Dì tôi có một vườn cây ăn quả, ngày trước, chúng tôi thường phải đi bộ qua những vườn khác trong khoảng 30 phút để đến vườn của dì," ông nhớ lại. "Bây giờ khi tôi quay trở lại thăm nhà, thì vườn cây ăn quả năm nào đã nằm lọt ngay giữa thành phố, rồi nơi quê nhà lại còn xuất hiện những khu đất nông nghiệp khổng lồ mà trước đây chưa từng có."

Trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc với Iraq, kéo dài suốt tám năm, rồi đến các căng thẳng triền miên giữa Iran và phương Tây, môi trường nghiễm nhiên trở thành một chủ đề thứ yếu đối với giới chức trong một chế độ thậm chí đã tính đến việc đóng cửa hoàn toàn bộ môi trường, theo các nhà bảo vệ môi trường của Iran.

Sau một khoảng thời gian dài, phải đến khoảng 1995, hồ Urmia mới có vẻ hồi lại được một phần nước, mặc dù lượng mưa suốt từ thời thập niên 1979 cho tới thời điểm đó là khá thấp.

Thế nhưng với tình trạng nhu cầu sử dụng nước tiếp tục tăng cao, hồ ngày càng cạn kiệt hơn. Mọi chuyện bắt đầu trở nên trầm trọng một cách nhanh chóng từ đó, như hình ảnh chụp từ vệ tinh của NASA cho thấy.

Vào mùa hạn khi không có mưa, các nhà nông phải xoay xở bằng cách tăng việc bơm nước ngầm lên để bù đắp lượng nước mưa thiếu hụt - khiến cho hồ ngày càng cạn hơn nữa và bắt đầu lộ ra tầng đáy hồ trơ khấc toàn muối.

Trong một vòng lặp luẩn quẩn, việc mở rộng hoạt động nông nghiệp ra tới vùng đất ven sa mạc càng góp phần huỷ hoại hồ nước hơn, bên cạnh sức tàn phá của các trận bão cát, vốn đã cuốn bốc lớp muối lên kéo lẫn theo, khiến sản lượng nông nghiệp giảm sút trầm trọng.

Ngành công nghiệp du lịch của hồ Urmia sụp đổ trong quá trình tàn lụi nhanh chóng do chất lượng không khí ngày càng tồi đi.

Rốt cuộc thì không ai muốn đi nghỉ tại một nơi không còn hồ nước trong lúc bầu không khí thì ô nhiễm.

Năm 2008, gia đình Solmaz Daryani đóng cửa hoàn toàn khu nghỉ dưỡng của mình, khi đó đã không còn du khách nào đến ngoài bạn bè thân quen của ông cô. Không lâu sau đó, lần lượt 40 khách sạn khác trong thị trấn cũng đóng cửa.

Người biểu tình đã xuống đường đi quanh hồ vào năm 2011, hô vang khẩu hiệu "Hồ Urmia đang hấp hối" và lên án chính quốc hội đã "ra lệnh xử tử hồ".

Các nhân viên an ninh đã bắt rất nhiều người, điều này dự đoán trước cho tình thế ngặt nghèo mà các nhà bảo vệ môi trường phải đối mặt.

Sự trở lại của nguồn nước

Thế nhưng, đến khi chỉ còn lại đáy muối trơ khấc, năm 2013 hồ bắt đầu có bước đột phá.

Cho dù là có thật lòng muốn xử lý vấn đề đang bị xem là khiến đất nước mất mặt hay chỉ đơn giản là vì muốn giành được lá phiếu cử tri - tùy thuộc vào cách đánh giá của người mà bạn hỏi chuyện - ông Hassan Rouhani cam kết sẽ khôi phục hồ nước khi ông ra tranh cử tổng thống.

Sau khi ông thắng cử, dự án hồi sinh hồ nước đã thật sự được xúc tiến.

Hầu hết nội dung dự án tập trung vào việc cải tổ nền nông nghiệp địa phương, vốn ngốn hết khoảng 85% lượng nước hồ Urmia, theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Bằng cách giảm thiểu lượng cây trồng tốn nước, ví dụ như dưa hấu, các quan chức hy vọng rằng sẽ giảm thiểu được lượng nước sử dụng nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Iran.

Và với việc cải tạo các mô hình thủy lợi - đặc biệt là tưới nhiều hơn vào ban đêm khi nước ngấm xuống đất được nhiều hơn - họ đã khiến cho cây trồng phát triển tốt hơn trong lúc cần đến ít nước tưới hơn.

Kết quả ban đầu đã chứng minh cho điều đó.

Vào khoảng năm 2000, Mehdi Mirzaie, cựu chuyên gia về nước của Tổ chức Kế hoạch và Ngân sách chính phủ, đã đồng phụ trách một dự án thí điểm của Hà Lan mà theo ông là đã làm tăng sản lượng 50% cho dân làng trong khi tiết kiệm được 30% nước, chỉ đơn giản bằng cách thay đổi mô hình trồng trọt.

"Đây là sự thay đổi thói quen của người dân," ông nói. "Nếu chúng ta có thể thay đổi được điều đó, thì chính phủ có thái độ thế nào đối với vấn đề này cũng chẳng còn quá quan trọng nữa."

Thuyết phục các nhà nông về ích lợi của những dự án tái tạo này là tối quan trọng cho tương lai của hồ Urmia, và cũng là điều mà những người tiên phong trong việc khôi phục nên làm đầu tiên.

"Nếu bạn khiến mọi người cảm nhận sai thì các nhà nông sẽ cảm thấy họ phải lựa chọn giữa mối sinh nhai của mình với việc làm hồi sinh hồ nước," Mohsen Soleymani Roozbahani, cựu quan chức cap cấp về môi trường và hiện là phân tích gia của UNDP, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật cho dự án khôi phục hồ Urmia của Chính phủ Iran, nói. "Đây là vấn đề xây dựng lòng tin."

Với cách tiếp cận này, Roozbahani và các đồng nghiệp tự tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu tiết kiệm được 40% lượng nước tiêu thụ.

Bộ Môi trường, một trong số các cơ quan thuộc chính phủ Iran tiến hành khôi phục hồ Urmia, đã không phản hồi câu hỏi của BBC Future về vấn đề này.

Bên cạnh việc tập trung vào nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, còn có những can thiệp khác.

Các công nhân xây dựng đã gần như hoàn thành một đường hầm dài khoảng 35km để chuyển nước từ lưu vực sông Little Zab láng giềng vào hồ, bên cạnh các dự án kỹ thuật khác, chẳng hạn như nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.

Ông Karrimi từ Viện IHE đặt câu hỏi liệu chiến lược này có thể giải quyết tận gốc vấn đề khan hiếm nước hay không.

"Nếu theo đuổi nhằm mục đích đầu tư thì quý vị không cần phải làm việc với cộng đồng. Quý vị cũng chẳng cần phải thay đổi thói quen của họ," ông nói. "Nhưng làm thế không được. Cầu sẽ chỉ tăng để đáp ứng cung."

Ông và các nhà khoa học khác lo sợ rằng dự án này rồi sẽ lại đi vào vết xe đổ của một số những sai trong canh tác nông nghiệp không bền vững, lý do vốn đã góp phần đẩy hồ nước vào tình trạng kiệt quệ.

Những người dân ở những khu vực có đường ống dẫn nước cũng rất tức giận. Các nhà vận động cho rằng chính quyền Iran chỉ đơn giản là áp đặt vấn đề của hồ Urmia lên những người khác, đẩy tình trạng khan hiếm nước hơn nữa sang cho Iraq, quốc gia vốn đã đang đau đầu với tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Họ lo ngại rằng tình trạng khan hiếm nước sẽ bị dồn sang các khu vực nhiều người Kurd ở Iran, nơi chính phủ không tận tâm hỗ trợ. Ngược lại, các tỉnh nơi nhiều người Azerbaijan sinh sống, là nơi có hồ Urmia, nằm trong số những vùng gây ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ nhất nước này.

Tia hy vọng cho thiên nhiên?

Những ngày này, hồ nước đã dâng lên đầy diện tích 2.800 cây số vuông, trở lại bằng khoảng một nửa so với hồ rộng lớn nhất.

Thế nhưng kết quả đạt được này là bao nhiêu phần nhờ có chương trình phục hồi, bao nhiêu phần nhờ có mưa lớn?

Không có gì đảm bảo rằng các trận bão cát sẽ sớm tan hoặc suy yếu đi, bất kể hồ Urmia có hồi sinh mạnh mẽ tới mức nào. Do bị sa mạc hoá đến tan hoang, Iran đang phải hứng chịu những bức tường cát xoáy phát sinh, tích tụ từ bên ngoài biên giới quốc gia.

Phức tạp hơn nữa là môi trường chính trị lộn xộn ở nơi hồ nước đang được khôi phục.

Năm 2021 này là năm bầu cử tổng thống của Iran, và quá trình khôi phục lại hồ Urmia cũng là chủ đề tranh cãi giữa các đảng phái.

"Những người theo đường lối cứng rắn chắc chắn sẽ coi vấn đề môi trường và dự án khôi phục hồ này là một câu chuyện thành công của Tổng thống Rouhani," Negar Mortazavi, nhà báo và phân tích gia chính trị tại Washington nói.

"Và rõ ràng họ coi đó là một chủ đề cạnh tranh mà họ không muốn thắng, và họ cũng không muốn truyền thông ghi điểm."

Điều đáng nói là ngay trong bối cảnh này, hồ đã hồi sinh đến một bước ngoặt quan trọng.

Hồ hiện đang ở dưới mực nước kỳ vọng khoảng 3 mét.

"Vẫn còn cả chặng đường dài trước mắt," Ali Mirchi nói. "Nếu họ thực hiện tất cả những gì đã cam kết trong dự án khôi phục hồ, và nếu tất cả các điều tự nhiên đều thuận buồm xuôi gió, thì trên lý thuyết hồ có thể đạt mức nước mong muốn trong ba năm. Thế nhưng nếu mọi sự diễn ra theo các điều kiện 'bình thường' thì có thể cần đến 16 năm."

Kể cả khi hồ có dấu hiệu dâng đầy lên thì quy mô của các dự án trước không hề có dấu hiệu giảm bớt.

Bên cạnh thách thức trong việc thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp là những băn khoăn về việc liệu các dự án cơ sở hạ tầng lớn sẽ có ích hay lại gây cản trở, chưa kể còn áp lực của tình trạng biến đổi khí hậu nữa. Người ta dự đoán rằng trong tương lai Iran sẽ hứng chịu thêm nhiều đợt hạn hán, lũ lụt, và nắng nóng gay gắt.

Dù vậy, vẫn có những bằng chứng cho thấy rằng cái chết của hồ Urmia trước đây có thể đã thúc đẩy sự thức tỉnh trong nhận thức về môi trường.

Tận mắt chứng kiến các hiểm nguy ập đến khi để mặc thiên nhiên chết dần, nhiều người dân Iran đã có ý thức hơn về môi trường.

Với sự kiên trì và hỗ trợ liên tục, những người tham gia dự án tin tưởng rằng hồ sẽ được khôi phục thành công.

"Khôi phục lại hồ là cả một quá trình. Nó không thể được thực hiện chỉ trong ngày một ngày hai," Mohsen Soleymani Roozbahani nói. "Trường hợp của hồ Urmia là hậu quả của ít nhất 20 - 25 năm canh tác nông nghiệp không bền vững tại lưu vực này."

Về phần mình, người dân Urmia lạc quan một cách thận trọng.

Mực nước hiện đã dâng lên gần đến cầu tàu trăm tuổi mà nhiều người dân địa phương ở rìa đông bắc hồ vẫn thường lấy làm mốc để so sánh.

Với lượng nước lúc này đang dâng lên cao hơn hết so với gần hai thập kỷ qua, người ta bắt đầu cảm thấy phấn khởi dâng trào.

"Nay thì ngay cả chú tôi cũng nói: nước đang dâng lên ngày một gần rồi đây!" Solmaz Daryani nói. "Mọi người chứng kiến rõ những gì đang xảy ra. Họ nghĩ rằng có lẽ đang có ít nhiều hy vọng."