Bất công xã hội Hàn Quốc đằng sau 'Squid Game'

Thứ Bảy, 16 Tháng Mười 20211:00 SA(Xem: 2159)
Bất công xã hội Hàn Quốc đằng sau 'Squid Game'

Koo Yong-hyun, nhân viên văn phòng tại Seoul, đồng cảm với cảnh đấu tranh sinh tồn trong xã hội bất bình đẳng sâu sắc khi xem bộ phim 'Squid Game'.

Koo từng phải loay hoay kiếm sống bằng nghề tự do và dựa vào khoản trợ cấp thất nghiệp của chính phủ sau khi mất công việc ổn định. Người đàn ông 35 tuổi cho biết "gần như không thể sống thoải mái với mức lương của một nhân viên bình thường" tại Seoul, thành phố với giá nhà cao ngất ngưởng.

Khi bộ phim Hàn Quốc "Squid Game" (Trò chơi Con mực) được phát hành trên nền tảng trực tuyến Netflix, Koo đã xem hết 9 tập một cách say sưa chỉ trong một đêm. Tương tự nhiều thanh niên tại Hàn Quốc và những nơi khác, Koo đồng cảm với hoàn cảnh của những người chơi trong "Squid Game", những người phải tìm mọi cách tồn tại trong xã hội cạnh tranh ngày càng khốc liệt như mình.

Bộ phim xoay quanh Seong Gi-hun, người đàn ông ngoài 40 tuổi nghiện cờ bạc và túng quẫn được đề nghị tham gia trò chơi với số tiền thưởng lên đến hơn 45 tỷ won (khoảng 38 triệu USD). Để giành được khoản tiền khổng lồ này, 456 người chơi phải trải qua 6 trò chơi dân gian của Hàn Quốc và sẽ chết nếu thất bại. Tuy nhiên, cuộc thi sinh tử này lại là trò chơi do một nhóm người siêu giàu tổ chức chỉ nhằm để giải trí.

456 người chơi đều nợ nần chồng chất và tuyệt vọng về tài chính, đại diện cho nhiều tình cảnh khốn đốn trong xã hội Hàn Quốc. Một người tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul danh giá bị truy nã vì tội biển thủ. Một cô gái đào tẩu từ Triều Tiên cần tiền chăm sóc em trai và đưa mẹ sang Hàn Quốc. Một người lao động nhập cư từ Pakistan bị ông chủ từ chối trả lương.

Một cảnh trong bộ phim Hàn Quốc Squid Game. Ảnh: Netflix.

Một cảnh trong bộ phim Hàn Quốc "Squid Game". Ảnh: Netflix.

Không chỉ tạo ra cơn sốt tại Hàn Quốc, "Squid Game" rất có thể sẽ trở thành chương trình thành công nhất từ trước đến nay của Netflix, khi đứng đầu danh sách phim được xem nhiều nhất trên nền tảng này tại 90 quốc gia. Người dân những nước khác được cho là cũng cảm thấy quen thuộc với đề tài bất bình đẳng xã hội mà bộ phim truyền tải.

Sau thời kỳ chiến tranh, Hàn Quốc phát triển vượt bậc và trở thành một trong những nước giàu nhất châu Á, được các nhà kinh tế học ca ngợi là "kỳ tích sông Hán". Tuy nhiên, song song với sự lớn mạnh của nền kinh tế là tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng trầm trọng.

"Người Hàn Quốc từng có tinh thần cộng đồng và vì tập thể. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 đã khiến mọi người chỉ còn biết đấu tranh vì chính mình", Yun Suk-jin, giáo sư về văn học hiện đại tại Đại học Quốc gia Chungnam của Hàn Quốc, cho biết.

Trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc hiện đứng thứ 11 về hệ số Gini, thước đo mức độ bất bình đẳng thu nhập giữa các tầng lớp cư dân. Dù kết quả này vẫn tốt hơn một số nơi như Mỹ, các nhà kinh tế học cảnh báo tình trạng nợ hộ gia đình gia tăng có thể kìm hãm nền kinh tế.

Giá bất động sản tại Hàn Quốc cũng tăng cao đến mức khả năng có một chỗ an cư cho người dân trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng trên chính trường. Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, giá nhà ở thủ đô Seoul đã tăng tới hơn 50%.

Shin Yeeun, người tốt nghiệp đại học hồi tháng 1/2020, ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đánh giá "Squid Game" đã phơi bày sự trớ trêu giữa áp lực phải thành công ở Hàn Quốc và nỗi vất vả để đạt được điều đó. Shin đã dành hơn một năm để tìm công việc ổn định. "Hiện nay, những người ở độ tuổi 20 thực sự khó kiếm một công việc toàn thời gian", cô cho hay.

Hàn Quốc còn đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh, một phần do giới trẻ quan niệm rằng việc nuôi dạy con cái quá tốn kém.

"Tại Hàn Quốc, phụ huynh nào cũng muốn con mình được học tại những ngôi trường tốt nhất. Điều đó đòi hỏi bạn phải sống trong các khu dân cư hàng đầu, tức là tiết kiệm đủ tiền để mua nhà, một mục tiêu quá phi thực tế mà tôi thậm chí chưa bao giờ tính xem mình sẽ mất bao lâu để đạt được", Shin nói.

Những người đồng cảm với các nhân vật trong "Squid Game" cảm thấy không có cơ hội thăng tiến khi xuất thân từ tầng lớp "thìa đất", chỉ những người sinh ra trong gia đình thu nhập thấp, gần như không thể vươn lên trong nhịp sống hối hả của xã hội Hàn Quốc. Trong số họ, nhiều người bị ám ảnh về những cách làm giàu nhanh chóng như tiền ảo và xổ số. Hàn Quốc là một trong những thị trường tiền ảo lớn nhất thế giới

Theo nhân viên văn phòng Koo, giống như khoản tiền thưởng 45 tỷ won trong "Squid Game", tiền ảo "trao cho mọi người cơ hội đổi đời trong nháy mắt". Anh đánh giá tình trạng kiếm tiền khó khăn là một trong những lý do người Hàn Quốc cực kỳ ám ảnh với việc làm giàu nhanh chóng.

"Tôi tự hỏi nếu 'Squid Game' được tổ chức ngoài đời thực, bao nhiêu người sẽ tham gia?", Koo đặt vấn đề.

Ánh Ngọc (Theo NY Times)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn