Câu nói trên là của Tiến sĩ Lê Xuân Thuyên khi ông cảnh báo về việc lấp lấn sông Đồng Nai làm dự án. Nhưng có lẽ nó đúng ở nhiều mặt khác nữa.
Ngay sáng đầu tiên “mở cửa” sau thời gian phong tỏa (khái niệm này chính xác hơn giãn cách), tôi lập tức đến gặp một chủ doanh nghiệp nằm trong top 1.000 về đóng thuế cho TP.HCM với 8 chi nhánh lớn ở các tỉnh và có hơn 600 nhân viên trên cả nước. Không có một nhân viên nào bị dính Covid suốt từ đầu dịch 2020 tới nay dù các chi nhánh nằm trải 3 miền-một kỳ tích thật sự, dù công ty vẫn vận hành suốt trong dịch.
Nhưng anh nói về một việc khác, có lẽ anh và gia đình sẽ rời Việt Nam. Hỏi vì sao mới được biết là anh chỉ vừa được tiêm mũi 1. Rất tuân thủ các quy định nhà nước nên cả nhà khai báo y tế cho phường và ở nhà suốt dịch cho đến hôm nay nhưng cuối cùng lại phải tiêm ở nơi khác do người quen thiết kế chứ không phải nơi mình cư trú.
Trong cuộc nói chuyện, chúng tôi có đề cập việc một phụ nữ bị những người khoác áo công quyền phá cửa xông vào nhà cưỡng chế đi test Covid. Thì ở mặt ngược lại, cảm giác bị bỏ quên của người chủ doanh nghiệp rất giỏi ấy, hẳn thật khó diễn tả sẽ bẽ bàng ra sao…
Đêm qua, đoàn người rời nơi từng là miền đất hứa-Sài Gòn-để về quê tìm hy vọng an trú. Sáng nay, nghe chuyện một doanh nhân giỏi nói về việc sang nước ngoài định cư luôn. Cuộc chảy máu nguồn nhân lực, cuộc chảy máu chất xám và cả tài sản lớn mang tính cá nhân đã và đang diễn ra ở trung tâm kinh tế lớn nhất nước.
Năm xưa nhà Tây Sơn vì tìm không ra Nguyễn Ánh mà đốt sạch trung tâm kinh tế phương Nam thời ấy là Nông Nại Đại Phố (cù lao Phố) nên Gia Định-Sài Gòn mới thay thế để trở thành trung tâm kinh tế Nam Bộ. Ngày nay, Covid quét qua Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương để những dòng người rời đi theo nhiều cách, nhiều lý do, sẽ thực sự là thách thức cho quá trình hồi phục quốc gia.
Với người viết, cuộc chảy máu nguồn nhân lực này đầy đau đớn. Không thể ngăn được tư tưởng rời đi bằng beton cục ngáng đường, thép gai giăng lối và lực lượng vũ trang cầm súng. Sự cần thiết của việc lắng nghe nhu cầu người lao động, nhu cầu doanh nghiệp chính là sự cần thiết lắng nghe nhu cầu của nhân dân.
Có thể vi hiến khi phá cửa để xông vào nơi ở của người dân và cưỡng chế test Covid rồi chỉ bị kiểm điểm thì vi hiến thật sự dễ quá. Và cũng thật dễ tìm lý do để “quên” báo lịch tiêm vaccine một chủ doanh nghiệp nuôi 600 quân không nợ lương, không cắt giảm lương suốt từ khi có dịch và vẫn đóng thuế đầy đủ; để rồi cảm giác bẽ bàng xác lập rời nước mà đi được doanh nhân ấy chốt luôn.
Lắng nghe và thực hiện nguyện vọng của nhân dân thực sự khó đến như vậy hay sao?
Khi nhân dân bật ra câu “hết trụ nổi” ở bất cứ đâu trên quốc gia mình thì những nhà quản trị chẳng lẽ không chút liên quan? Câu nói của Tiến sĩ Lê Xuân Thuyên vì thế hãy còn nguyên giá trị: “Điều xấu nhất vẫn ở thì tương lai…”, không chỉ áp dụng với TP.HCM.
P/s: Có lẽ ai dư dả từ việc ngoáy mũi nhân dân một cách ép buộc nên dựng một tượng đài kit test với câu “đời đời nhớ ơn nguồn thu bất tận từ lỗ mũi nhân dân”. Phải không thưa Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long?
... thì tương lai VN đã không còn bóng dáng đám SV Huỳnh Tấn Mẫm
ngoài đường phố nữa.
"hết trụ nổi" cũng phải cúi đầu nhắm mắt cắn răn mà chụi !!!