Tại Liên Hiệp Quốc, ông Biden phản đối nước mạnh lấn át nước yếu

Thứ Ba, 21 Tháng Chín 202110:33 SA(Xem: 2124)
Tại Liên Hiệp Quốc, ông Biden phản đối nước mạnh lấn át nước yếu

Tại Liên Hiệp Quốc, ông Biden phản đối nước mạnh lấn át nước yếu - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - Ảnh: REUTERS

Trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày 21-9, Tổng thống Mỹ xác nhận Washington sẽ chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông cam kết Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và Liên Hiệp Quốc để "khuếch đại sức mạnh tập thể" của các nước trong việc "đối phó với những thách thức toàn cầu".

Mỹ không muốn Chiến tranh lạnh 2.0

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh nước Mỹ phản đối cách hành xử cá lớn nuốt cá bé, nước mạnh hơn lấn lướt nước yếu hơn. Ông tuyên bố Washington không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh lạnh mới và sẵn sàng làm việc với các nước thượng tôn, kiên trì theo đuổi các giải pháp hòa bình.

"Mỹ sẽ cạnh tranh, và sẽ cạnh tranh mạnh mẽ cũng như dẫn đầu bằng các giá trị và sức mạnh của mình", ông Biden nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ khẳng định nước này sẽ "đứng lên vì các đồng minh và bạn bè của mình, phản đối các quốc gia mạnh hơn lấn lướt những nước yếu hơn".

Theo ông Biden, những nỗ lực thay đổi lãnh thổ bằng vũ lực, cưỡng bức kinh tế và thông tin sai lệch là các hành vi xấu mà Mỹ sẽ phản đối. Theo Hãng tin Reuters, các phát biểu này đang nhắm tới Trung Quốc dù ông Biden không trực tiếp nêu tên Bắc Kinh.

"Chúng tôi không tìm kiếm - tôi nhắc lại - chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh lạnh mới hay một thế giới bị chia tách thành những khối cứng nhắc.

Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình đối với những thách thức chung, ngay cả khi chúng ta có bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác. Bởi vì tất cả chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả cho sự thất bại của chính mình", ông Biden nêu quan điểm.

Theo Tổng thống Biden, những cơ chế và tổ chức mà Mỹ đang tiếp xúc như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và quan hệ đối tác "Bộ tứ" gồm Ấn Độ, Úc, Nhật Bản nhằm giải quyết những thách thức và đe dọa của "hôm nay và mai sau".

Tại Liên Hiệp Quốc, ông Biden phản đối nước mạnh lấn át nước yếu - Ảnh 2.

Khung cảnh tại phòng họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong lúc ông Biden phát biểu - Ảnh: REUTERS

Ngoại giao không ngừng nghỉ

"Lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, tôi đứng ở đây vào thời khắc mà Mỹ không đang trong cuộc chiến nào", Tổng thống Biden chia sẻ trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh bằng việc kết thúc cuộc chiến tại Afghanistan, Mỹ sẽ bước vào "kỷ nguyên ngoại giao không ngừng nghỉ". Theo ông Biden, "quân đội Mỹ không nên được sử dụng như câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề trên thế giới".

"Thay vì tiếp tục theo đuổi các cuộc chiến trong quá khứ, chúng tôi đang tập trung vào việc dành nguồn lực của mình cho những thách thức nắm giữ chìa khóa cho tương lai chung của chúng ta.

Đó là chấm dứt đại dịch này, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, sự thay đổi trong động lực quyền lực toàn cầu, định hình các quy tắc của thế giới về các vấn đề quan trọng như thương mại, không gian mạng và các công nghệ mới nổi cũng như mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố hiện nay", ông Biden lập luận trước lãnh đạo và quan chức cấp cao đại diện 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Biden khẳng định Mỹ đang lấy lại vai trò lãnh đạo của mình trong các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và giảm nhẹ tác động của COVID-19.

"Chúng tôi đang quay lại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, để tập trung sự chú ý và thúc đẩy hành động toàn cầu đối với những thách thức chung", ông Biden nhấn mạnh trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21-9.

Ông chỉ ra việc Mỹ đã "làm lành" với Tổ chức Y tế thế giới và phối hợp chặt chẽ với cơ chế COVAX để "cứu người trên khắp thế giới".

Tổng thống Mỹ cam kết chính quyền của ông sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để "tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển" chống lại biến đổi khí hậu. Ít nhất 10 tỉ USD sẽ được Mỹ dùng để chống lại nạn đói toàn cầu và cải thiện hệ thống thực phẩm tại Mỹ cũng như nước ngoài.

Về các vấn đề ở từng khu vực, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ không để Iran đạt được mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhắc đến vấn đề Triều Tiên, ông Biden cho biết Mỹ sẽ tìm kiếm các giải pháp ngoại giao bền vững để "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".

Tổng thống Mỹ kết thúc bài phát biểu dài 30 phút bằng việc kêu gọi các nước chung tay đoàn kết xây dựng "một tương lai tốt đẹp hơn".

Bài phát biểu của Tổng thống Biden đã bị phủ bóng bởi các sự cố ngoại giao giữa Mỹ và Pháp, các nước châu Âu sau sự kiện Mỹ, Anh, Úc bắt tay thành lập cơ chế hợp tác an ninh AUKUS.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn