Từ lâu, người ta thường tin rằng quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ dần yếu đi khi trưởng thành, trọng lượng của cơ thể cũng sẽ tăng lên do tuổi tác tăng lên và tốc độ trao đổi chất chậm lại. Nhưng nghiên cứu mới nhất về mức tiêu thụ năng lượng của con người có thể lật ngược nhận thức truyền thống này, theo Epoch Times.

Nghiên cứu mới này, do các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke, Hoa Kỳ đứng đầu, là kết quả của sự hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn. Hàng chục nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã chia sẻ dữ liệu chuyển hóa “nước dán nhãn kép” từ các nghiên cứu nhỏ riêng lẻ, do đó lần đầu tiên tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng về quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người. Kết quả cho thấy quá trình trao đổi chất thực sự vẫn diễn ra mạnh mẽ trong suốt tuổi trung niên.

Kết quả của cuộc nghiên cứu đã phát hiện ra 4 giai đoạn khác nhau của quá trình trao đổi chất trong cuộc sống:

● Từ sơ sinh đến một tuổi, tốc độ tiêu thụ calo của bé dần thay đổi, từ mức của mẹ lên cao hơn người lớn 50%, đạt đến đỉnh cao trong cuộc đời;

● Từ đó đến khoảng 20 tuổi, quá trình trao đổi chất chậm lại một chút, giảm dần với tốc độ khoảng 3% mỗi năm;

● Từ 20 đến 60 tuổi, tốc độ trao đổi chất duy trì ổn định trong suốt tuổi trưởng thành;

● Sau 60 tuổi, nó bắt đầu giảm khoảng 0,7% mỗi năm, đến 90 tuổi, sự trao đổi chất thấp hơn 26% so với tuổi trung niên.

Trao đổi chất là một loạt các quá trình hóa học duy trì sự sống ở sinh vật. Tất cả các trung tâm nghiên cứu tham gia dự án đang sử dụng một phương pháp được coi là tiêu chuẩn vàng để nghiên cứu tỷ lệ trao đổi chất, đó là “Nước dán nhãn kép” (Doubly Labeled Water, DLW) .

Đây là công nghệ đo lường mức tiêu thụ năng lượng của con người xuất hiện vào những năm 1980. Phương pháp này liên quan đến việc các đối tượng uống nước có dán nhãn kép định lượng, thu thập mẫu nước tiểu liên tục trong một khoảng thời gian nhất định và tính toán tỷ lệ tiêu thụ năng lượng cơ bản của một người bằng cách đo tỷ lệ biến mất và đồng vị được dán nhãn kép ổn định trong mẫu nước tiểu.

Tuy nhiên, kỹ thuật đo nước dán nhãn kép đòi hỏi một máy đo khối phổ đồng vị có độ nhạy cao và chính xác cùng các kỹ thuật viên chuyên nghiệp, chi phí này rất cao và thường bị giới hạn trong các nghiên cứu nhỏ, có mục tiêu hơn. Do đó, các nhà nghiên cứu đã hợp tác tại 29 quốc gia và thu thập dữ liệu của hơn 6.600 người. Độ tuổi của đối tượng nghiên cứu dao động từ trẻ sơ sinh 8 ngày tuổi đến người già 95 tuổi, bao gồm hầu hết các nhóm tuổi.

Các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả của nghiên cứu này đã phá vỡ những hiểu biết trước đây về quá trình trao đổi chất, đồng thời chỉ ra rằng mọi người có thể cần phải kiểm tra lại nhu cầu năng lượng và chiến lược dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển và lão hóa.

Giáo sư John Speakman của Đại học Aberdeen ở Vương Quốc Anh tham gia nghiên cứu cho biết: “Đây là một tình huống mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây, và có rất nhiều điều bất ngờ trong đó”.

“Đối với tôi, điều đáng ngạc nhiên nhất là không có sự thay đổi nào trong suốt tuổi trưởng thành. Vì vậy, nếu bạn đang gặp vấn đề ở tuổi trung niên, cân nặng ngày càng tăng, vòng eo ngày càng mở rộng, bạn không thể đổ lỗi cho việc suy giảm tỷ lệ trao đổi chất, mà có thể là do bạn ăn quá nhiều và tập thể dục quá ít”.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng quá trình trao đổi chất đỉnh cao trong giai đoạn đầu đời cũng nêu bật tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của con người và tại sao suy dinh dưỡng ở thời thơ ấu lại có hậu quả suốt đời.

Một đồng tác giả khác của nghiên cứu, Giáo sư Herman Pontzer của Đại học Duke, đã rất ngạc nhiên về quá trình trao đổi chất của em bé. Quá trình trao đổi chất diễn ra rất tích cực khi trẻ được một tuổi, và khi nó suy giảm theo tuổi tác, các tế bào của cơ thể từ từ ngừng hoạt động.

Giáo sư Bàng Trạch nói rằng sự hiểu biết đầy đủ về những thay đổi trong quá trình trao đổi chất có thể có tác động đến y học. Nó có thể giúp tiết lộ, liệu ung thư có lây lan theo cách khác nhau hay không với những thay đổi trong chuyển hóa và liệu liều lượng thuốc có thể được điều chỉnh ở các giai đoạn khác nhau hay không.

Rozalyn Anderson và Tiến sĩ Timothy Rhoads của Đại học Wisconsin nói rằng nghiên cứu “chưa từng có tiền lệ” này đã tiết lộ “những khám phá mới quan trọng trong quá trình trao đổi chất của con người”.

Giáo sư Bàng Trạch kết luận: “Tất cả những điều này dẫn đến kết luận rằng sự trao đổi chất của mô và công việc mà tế bào đang thực hiện đang thay đổi trong quá trình sống theo những cách mà chúng ta không hoàn toàn nhận ra trước đây. Chúng ta thực sự cần một bộ dữ liệu lớn như thế này để giải quyết những vấn đề này”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học ngày 13/8/2021.