Nhận định dựa theo 3 tiêu chuẩn chính gồm khoa học, tính minh bạch và quyết định phê chuẩn của FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ), Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales xếp hạng vaccine Sinopharm, Sinovac thấp hơn cả Sputnik.

TP HCM bắt đầu tiêm 1 triệu liều vaccine Vero Cell của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) từ hôm 13/8 cho người dân trên nguyên tắc tình nguyện.

Ngày 13/8, đã có thông tin người dân bỏ về tại Quận 1, và Quận 12 khi biết tiêm vaccine Vero Cell của Trung Quốc. Ngay sau đó, TP HCM khẳng định tại Quận 1 thì người dân đã quay trở lại tiêm vaccine của Trung Quốc riêng tin tức tại Quận 12 là giả mạo.

Sau ngày 13/8, truyền thông tại Việt Nam đăng tải thông tin người dân phấn khởi tiêm vaccine Trung Quốc cùng đề cập đến tuyên bố về 'loại vaccine tốt nhất' của Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu hôm 12/8.

Khi đó, ông Chính khẳng định 'Loại vaccine tốt nhất là vaccine được cấp phép, được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, và kịp thời nhất'.

Trước đó thông tin TP HCM nhập 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm đã gây nhiều cuộc tranh cãi trên mạng xã hội về mức độ an toàn và hiệu quả của loại vaccine này.

Đến nay TP HCM đã tiêm gần 400.000 liều vaccine Vero Cell, trong tổng số 1 triệu liều của đợt 1 được kiểm định chất lượng. Hiện TP HCM đang kiểm định chất lượng 1 triệu liều vaccine Vero Cell của đợt 2.

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 12/8, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên ngành dịch tễ học, Đại học New South Wales và là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Australia, cho rằng "Không có khái niệm vaccine tốt nhất, chỉ có khái niệm vaccine có hiệu quả và an toàn mà thôi!".

BBC: Giáo sư có thể cho biết mức độ hiệu quả của vaccine Sinopharm, Trung Quốc?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Hiệu quả vaccine mà họ báo cáo cho thấy những người được tiêm vaccine giảm nguy cơ lây nhiễm so với những người không được tiêm vaccine là 78%, tức là tương đương với AstraZeneca. Đó là con số họ báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nhưng vài tuần sau họ có một bài báo trên Tập san Y khoa JAMA. Thì trong bài báo đó thì có vài con số không giống như những gì họ báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới. Con số về hiệu quả vaccine Sinopharm trên JAMA thì lẫn lộn. Lúc thì 72,8%, lúc thì 78,1%. 78,1% là con số mà họ báo cáo lúc ban đầu cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Điều quan trọng mà tôi muốn chú ý ở đây, Là còn tùy thuộc vào cách mà họ phân tích dữ liệu. Nếu mà phân tích dữ liệu mà dựa vào kế hoạch đề ra lúc ban đầu thì hiệu quả vaccine chỉ có 50% cho tới 65% mà thôi. Nhưng mà họ nói rằng trong thử nghiệm lâm sàng có một số tình nguyện viên không tuân thủ theo đề cương lúc ban đầu. Thành ra là họ phải phân tích lại. Khi họ phân tích lại thì hiệu quả tăng lên từ 72% lên 78%.

Nhưng đây là những con số hiệu quả vaccine trong thời gian thử nghiệm. Còn nếu mà vaccine được triển khai trong cộng đồng có hiệu quả bao nhiêu thì không biết được. Chỉ biết là có một số nước sử dụng Sinopharm như là ở Thái Lan, Malaysia và cả Indonesia nữa thì đợt dịch mới đây bùng phát, một số người suy đoán rằng chắc có lẽ là do sử dụng vaccine của Sinopharm.

Nhưng phải khách quan mà nói, rất khó nói điều đó. Chỉ biết rằng dịch bùng phát sau khi dùng vaccine Sinopharm mà thôi. Nhưng cũng nên nhớ rằng một số nước khác trên thế giới ví dụ Do Thái [Israel] không có dùng vaccine Sinopharm nhưng dịch cũng bùng phát sau này. Lý do dịch bùng phát thì không nên đổ lỗi cho một vaccine mà có thể do các yếu tố khác, ví dụ như biến thể Delta.

BBC: Giáo sư có thể cho biết mức độ an toàn của vaccine Sinopharm, Trung Quốc?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Mức độ an toàn mà họ [Sinopharm] báo cáo trước Tổ chức Y tế Thế giới là quá tốt, quá đẹp. Họ báo cáo là vaccine Sinopharm đã được sử dụng trong 3,8 triệu liều ở bên Trung Quốc thì số biến chứng, mà biến chứng rất là nhẹ chỉ có 40 người.

Trong khi đó ở Úc, những vaccine như Pfizer, AstraZeneca mà triển khai thì con số thấp hơn rất nhiều. Khoảng hơn 1 triệu người thì đã có hơn 2.000 báo cáo về biến chứng. Thì sẽ nói là vaccine Trung Quốc quá an toàn nhưng mà chính vì mức độ quá an toàn nên người ta hơi phân vân. Nếu thật như vậy thì quá tuyệt vời, nếu mà không thật, mà có lẽ xác suất rất là cao là không đúng với thực tế. Thành ra khía cạnh an toàn của vaccine vẫn còn lởn vởn trong đầu của mỗi cá nhân ở Việt Nam khi người ta nghĩ đến Sinopharm.

BBC: Giáo sư dựa trên các tiêu chuẩn gì để đánh giá các loại vaccine hiện nay?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi đánh giá dựa vào 3 tiêu chuẩn chính. Tiêu chuẩn thứ nhất là khoa học. Tiêu chuẩn thứ hai là về tính minh bạch. Tiêu chuẩn thứ ba là dùng quyết định phê chuẩn của FDA [CụcThực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ].

Khi nói đến khoa học thì ý tôi muốn nói đến những khía cạnh như cách mà người ta thiết kế nghiên cứu, cách mà người ta chọn tình nguyện viên vào công trình nghiên cứu, cách mà người ta tính cỡ mẫu.

Yếu tố thứ 2 mà tôi đánh giá là dựa vào tính minh bạch. Bởi vì trong khoa học thì tính minh bạch cực kỳ quan trọng. Minh bạch hiểu theo nghĩa là nhà sản xuất hay là nhà nghiên cứu phải công bố các dữ liệu trên những tập san y khoa đã qua bình duyệt. Có nhiều loại tập san, có những loại tập san có ảnh hưởng cao như The New England Journal of Medicine, hay là JAMA hay là Lancet ở Anh thì có uy tín hơn là những tập san trong chuyên ngành.

Thứ 3 là FDA. Dù sau FDA vẫn được xem là chuẩn mực để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của vaccine.

BBC: Giáo sư xếp hạng thế nào về an toàn hiệu quả các loại vaccine hiện nay?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Đứng về mặt tiêu chuẩn khoa học thì tôi cho điểm rất là cao cho Pfizer, AstraZeneca và Janssen. Lý do là những công trình nghiên cứu của họ có số cỡ mẫu tương đối lớn. Và họ làm rất bài bản, phương pháp phân tích rất minh bạch. Tôi cho điểm của Sinopharm thì không cao mấy. Sputnik thì cao hơn chút vì Sputnik họ có công bố những công trình khoa học trước đây để thấy.

Tiêu chuẩn về minh bạch thì gần như 100% cho các vaccine như Pfizer, Moderna, AstraZeneca với Janssen vì trước khi mà họ công bố trên báo chí là họ đã công bố trên những tập san khoa học. Còn Sinopharm, Sinovac với Sputnik thì chưa công bố trên tập san khoa học nhưng đã công bố trên báo chí. Thành ra điểm minh bạch không được cao.

Đến tiêu chuẩn thứ 3 là FDA thì cho đến nay FDA chỉ phê chuẩn 3 loại vaccine, loại thứ nhất là Pfizer, loại thứ 2 là Moderna, loại thứ 3 là Janssen. FDA chưa phê chuẩn cho AstraZeneca thì có lý do, vì FDA yêu cầu AstraZeneca cung cấp thêm dữ liệu. Chứ không phải có vấn đề gì khác.

Tức là AstraZeneca phải cung cấp thêm dữ liệu thì họ mới xem xét. Còn Sinopharm, Sinovac với Sputnik thì FDA chưa có phê chuẩn. Đánh giá hết 3 khía cạnh, khoa học, minh bạch với FDA thì tôi xếp hạng là vaccine Sinopharm, Sinovac thấp hơn cả Sputnik, Sputnik thì thấp hơn AstraZeneca, còn AstraZeneca thì thấp hơn Pfizer và Moderna.