Tại sao Macedonia vẫn được gọi là FYROM?

Thứ Năm, 22 Tháng Hai 20187:00 CH(Xem: 6322)
Tại sao Macedonia vẫn được gọi là FYROM?

Macedonia

Nguồn:Why Macedonia still has a second name”, The Economist, 19/12/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Macedonia đã giành được độc lập hơn 25 năm trước. Thế nhưng tên gọi của nó vẫn chưa được quyết định.

Gần một phần tư thế kỷ qua, Macedonia, đất nước nằm ở cực nam của nước Nam Tư cũ, vẫn được Liên Hợp Quốc, EU và nhiều tổ chức khác gọi là FYROM, viết tắt của Former Yugoslav Republic of Macedonia (Cộng hòa Macedonia trực thuộc Nam Tư cũ). Đây là một phần của một vấn đề kỳ lạ đã làm rối loạn mối quan hệ của Macedonia với nước láng giềng Hy Lạp, kể từ khi đất nước này giành được độc lập vào năm 1991. Tuần trước, các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc chủ trì về một thỏa thuận có thể giúp Macedonia nhận được lời mời gia nhập NATO và bắt đầu các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU (cả hai vấn đề hiện đều đang bị chặn bởi Hy Lạp) đã được khởi động lại sau ba năm. Cả hai bên đều bày tỏ thiện chí. Radmila Sekerinska, Bộ trưởng Quốc phòng Macedonia, mô tả các cuộc đàm phán như là một “cơ hội lớn” để giải quyết vấn đề này.

Trong một số ngôn ngữ, “Macedonia” là tên của một loại salad trái cây. Đó là vì vùng Macedonia thuộc đế chế Ottoman cũ bao gồm rất nhiều dân tộc khác nhau. Về mặt lịch sử, người Do Thái tạo thành nhóm dân cư lớn nhất tại thành phố cảng Thessaloniki. Khu vực này cũng là quê hương của người Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albania, Bulgaria, Serbia và những người Slavơ khác. Khu vực này bị chia rẽ trong các cuộc chiến Balkan 1912-13. Phần phía nam trở thành Hy Lạp, một phần nhỏ khác trở thành Bungaria và phần còn lại trở thành “Nam Serbia”. Năm 1944, những người cộng sản Nam Tư quyết định Macedonia sẽ trở thành một trong sáu nước cộng hòa thuộc Liên bang Nam Tư. Nếu trước đây, cộng đồng dân cư với người Slavơ chiếm đa số thiếu một bản sắc Macedonia mạnh mẽ như người Serbia hay Croatia, thì điều này đã thay đổi vào năm 1991.

Khi Nam Tư tan rã, Hy Lạp đã ngăn chặn các thành viên thuộc tổ chức tiền thân của Liên minh Châu Âu (EU), tức Cộng đồng Châu Âu, công nhận Macedonia. Nước này tuyên bố rằng tên gọi Macedonia hàm ý các tham vọng lãnh thổ đối với vùng Macedonia thuộc Hy Lạp. Vấn đề này đã trở thành một điểm tập hợp cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Hy Lạp. Họ lập luận rằng chỉ có người Macedonia Hy Lạp mới có quyền tự gọi mình là người Macedonia. Hầu hết họ đều không nghĩ rằng, cũng giống như khi họ coi mình là người Hy Lạp lẫn Macedonia, những người láng giềng Nam Tư cũ của họ cũng mang hai bản sắc.

Macedonia-reopens-border-with-Greece-allowing-migrant-inflow

Năm 1995, một thỏa thuận đã diễn ra. Trong khi chờ đợi một thỏa thuận cuối cùng, Hy Lạp sẽ không ngăn cản Macedonia tham gia vào các tổ chức quốc tế nếu nó được gọi là FYROM. Trong những năm tiếp theo, các nhà lãnh đạo Hy Lạp đồng ý rằng Macedonia có thể sử dụng tên của mình nhưng chỉ khi tên gọi đó được đi kèm một từ hạn định khác, chẳng hạn như “Tân Macedonia” hoặc “Thượng Macedonia”. Tuy nhiên, năm 2008, Hy Lạp đã ngăn cản không cho NATO đề nghị Macedonia gia nhập tổ chức này, đồng thời ngăn cản không cho EU mở các cuộc đàm phán gia nhập với Macedonia. Chính phủ dân túy vào thời điểm đó tại Macedonia đáp lại với tinh thần chủ nghĩa dân tộc ở mức độ tương tự. Chính phủ nước này khuấy động một chiến dịch đổi tên các sân vận động và đường cao tốc theo tên của Alexander Đại đế và cha của ông, Philip xứ Macedon, và dựng lên các bức tượng của họ. Nhiều người Hy Lạp đã xem điều này như là bằng chứng cho thấy người Macedonia muốn chiếm đoạt bản sắc Hy Lạp của họ.

Một chính phủ Macedonia mới đã được hình thành từ tháng 5/2017 và một chính phủ Hy Lạp bị bao vây bởi những thách thức kinh tế là những yếu tố khá quan trọng để cải thiện mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, rất nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở cả hai quốc gia đều sẵn sàng chống lại bất kỳ thỏa thuận nào. Câu hỏi lớn nhất liên quan đến vấn đề bản sắc. Cả hai chính phủ đều có thể đồng ý với một cái tên cho Macedonia (Tân Macedonia dường như là cái tên khả thi nhất hiện nay). Nhưng nếu họ đồng thời cố gắng đàm phán, chẳng hạn về các vấn đề như liệu EU có thể gọi công dân (New) Macedonia là “người Macedonia” hay không, thì các cuộc đàm phán sẽ sụp đổ. Tổ chức tư vấn Sáng kiến ​​Ổn định Châu Âu đã đề xuất dàn xếp một giải pháp cho vấn đề này. Nhưng sau đó, tổ chức này lại đưa ra một báo cáo gọi giải pháp này bằng tên gọi “Chờ đợi Godot”: một vở kịch mà trong đó hai người bạn mãi mãi chờ đợi người kia tới. Đừng mong anh ta sẽ đến vào năm 2018 – mặc dù có thể anh ta sẽ đến.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn