Biển Đông : Ấn Độ kêu gọi COC không được làm phương hại đến các bên thứ ba

Thứ Sáu, 25 Tháng Sáu 202110:00 SA(Xem: 1872)
Biển Đông : Ấn Độ kêu gọi COC không được làm phương hại đến các bên thứ ba
rfi.fr

Biển Đông : Ấn Độ kêu gọi COC không được làm phương hại đến các bên thứ ba

Thanh Hà

Ảnh tư liệu: Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 tại Singapore, ngày 15/11/2018

Ảnh tư liệu: Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 tại Singapore, ngày 15/11/2018 AP - Dean Lewins

Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông COC cần tránh làm phương hại đến « quyền lợi chính đáng của các bên thứ ba ». Thứ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ, đặc trách về phương Đông, bà Riva Ganguly Das, tuyên bố như trên nhân Hội Nghị Cấp Cao Đông Á qua cầu truyền hình hôm 24/06/2021.

Theo hãng tin Ấn Độ PTI, phát biểu trong khuôn khổ Hội Nghị Cấp Cao Đông Á – EAS SOM, thứ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ khẳng định : Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đang trong quá trình đàm phán giữa các thành viên khối Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc phải hoàn toàn tuân thủ luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS và không được gây thiệt hại đến quyền lợi của các bên thứ ba. 

Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực về chủ quyền Biển Đông càng lúc càng gia tăng. Vẫn theo New Delhi, COC cần bảo đảm các quyền tự do lưu thông hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định trong vùng biển này.

Nhìn rộng ra hơn, thông cáo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết, New Delhi đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do, rộng mở » đến hợp tác với khối Đông Nam Á qua các chương trình như là Triển Vọng ASEAN-Ấn Độ -Thái Bình Dương (AOIP) hay Sáng Kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPOI).

Cuộc họp EAS-SOM trực tuyến vừa qua được đặt dưới sự chủ tọa của Brunei, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, với sự tham gia của 10 thành viên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ.

Hội nghị EAS-SOM được tổ chức lần đầu năm 2005, giúp các bên thảo luận về những lĩnh vực từ địa chính trị đến chiến lược và kinh tế. Năm 2021 này, ngoài chủ đề Biển Đông, các bên đã đưa vấn đề Miến Điện, tình hình bán đảo Triều Tiên, nỗ lực chống Covid-19 vào chương trình nghị sự.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn