Ca mổ đầu tiên tách song sinh dính liền trên thế giới diễn ra thế nào?

Thứ Sáu, 02 Tháng Bảy 20215:00 SA(Xem: 2619)
Ca mổ đầu tiên tách song sinh dính liền trên thế giới diễn ra thế nào?
ben-carson-1-696x466

Ngày 6/9/1987, TS.BS Ben Carson, Giám đốc khoa Phẫu thuật Thần kinh Nhi tại Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins, cùng 70 y bác sĩ khác đã tiến hành tách rời cặp song sinh bị dính liền phần đầu: Patrick và Benjamin Binder mới 7 tháng tuổi, đến từ Đức.

Với TS Ben, đây là điều khó khăn nhất, nguy hiểm nhất ông từng làm. Nhưng đó cũng là cơ hội duy nhất để hai đứa trẻ có cuộc sống bình thường.

Thắp lên hy vọng từ tuyệt vọng

Theo lời kể của TS Ben trong cuốn sách Gift Gifted Hands, mẹ của cặp đôi Patrick và Benjamin Binder mang thai đến tháng thứ 8 (tháng 1/1987) thì phát hiện hai con của mình có điểm bất thường. Quá sốc trước những gì đang diễn ra, Theresia Binder bối rối giữa lựa chọn nuốt nhanh viên thuốc phá thai và nhảy ra khỏi cửa sổ của một tòa nhà cao tầng hay tiếp tục sinh hai con ra và không biết chúng sẽ phải sống sót như thế nào.

Cuối cùng, tình mẫu tử đã thắng. Ngày 2/2/1987, Patrick và Benjamin Binder chào đời. Cặp song sinh nặng 4,2kg. Hai cậu con trai bé bỏng dính liền đầu. Cảm xúc sợ hãi trong lòng bà mẹ đã bị thay thế bằng một thứ tình cảm khác. Đó là sự xót thương và tình yêu dành cho con.

Các bác sĩ thông báo với vợ chồng nhà Binder rằng với tình trạng dính liền này, hai con trai của họ sẽ không bao giờ có thể ngồi, bò hoặc lật được. Không thôi hy vọng, họ đến gặp TS Ben Carson – vị bác sĩ 33 tuổi đã trở thành Giám đốc khoa Phẫu thuật Thần kinh Nhi trẻ nhất nước Mỹ. Ông từng tốt nghiệp khoa Y của Đại học Michigan.

Sau khi nghiên cứu các thông tin sẵn có, TS.BS Ben Carson đã đồng ý thực hiện ca phẫu thuật lịch sử tách rời hai cơ thể 7 tháng tuổi dù biết đó sẽ là điều nguy hiểm và khó khăn nhất mà ông từng làm. “Nhưng tôi biết rằng đây là cơ hội duy nhất để các chàng trai có cuộc sống bình thường”, vị bác sĩ này viết trong cuốn sách hồi ký của mình.

TS Ben Carson trong một cuộc họp báo năm 2004
TS Ben Carson trong một cuộc họp báo năm 2004 kể lại kỹ thuật tách rời cho các cặp song sinh dính liền đầu dựa trên mô hình. (Ảnh: Chris Gardner/AP).

Không thể sai sót

Tỷ lệ của các cặp song sinh dính liền thường là 1/200.000 trường hợp. Gần 60% trong số họ tử vong trước khi chào đời, 35% sinh ra nhưng không thể sống sót sau một ngày. Thống kê từ tất cả cặp song sinh dính liền, chỉ có khoảng 2% dính liền đầu.

Điều đó có nghĩa là rất ít bác sĩ phẫu thuật có cơ hội thực hành tách rời các cặp song sinh như Patrick và Benjamin Binder. Vì vậy, tại Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins, nhóm gồm 7 bác sĩ gây mê nhi khoa, 5 bác sĩ phẫu thuật thần kinh, 2 bác sĩ phẫu thuật tim, 5 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và hàng chục y tá, điều dưỡng đã có mặt trong ê-kíp thực hiện cùng TS.BS Ben Carson.

Theo Newsweek, trước khi bước vào cuộc phẫu thuật, nhóm bác sĩ của TS Ben Carson đã phải trải qua nhiều tháng diễn tập trên búp bê, hàng trăm lần thực hành. “Anh em nhà Binder may mắn có hai bộ não tách biệt. Ít nhất thì điều đó có nghĩa cuộc phẫu thuật tách rời là hoàn toàn có thể thực hiện được”, TS Ben nhận định.

Nhớ lại giây phút hồi hộp chuẩn bị cho ca phẫu thuật chưa từng có trong tiền lệ, vị bác sĩ này kể: “Từ lúc chúng tôi bắt đầu thảo luận về nó, tất cả đều cố gắng ghi nhớ một điều rằng phải tin tưởng mình làm được. Đôi bàn tay phải thật khéo léo và chính xác bởi chỉ một thao tác dù nhỏ nhất đi chệch khỏi kế hoạch đề ra cũng làm hỏng chức năng thần kinh của một trong hai bé”.

Ngày 6/9/1987, cặp song sinh 7 tháng tuổi bước vào cuộc phẫu thuật lịch sử. Newsweek thuật lại trước khi hôn mê, hai em còn nhoẻn miệng cười với các y bác sĩ.

Theo Washington Post, trong 4 giờ đầu, các bác sĩ phẫu thuật tim nhét các ống mỏng vào tĩnh mạch và nối chúng với các máy tim phổi để giúp họ sống sót qua ca phẫu thuật. Trong khi đó, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ bắt đầu tách da đầu, loại bỏ mô xương kết nối hai hộp sọ. Tiếp đến, nhóm bác sĩ tim cắt bỏ ngực và loại bỏ một lượng nhỏ mô từ trái tim để sử dụng cho việc nối lại các tĩnh mạch mới.

Ê-kíp hạ nhiệt độ cơ thể của hai bé xuống 20 độ C, sau đó ngừng tim để máu ngưng lưu thông. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật này được sử dụng.

Các bác sĩ phải đảm bảo thời gian ngừng tim không vượt quá 60 phút nếu không sẽ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Chiếc đồng hồ lớn đặt trên tường tích tắc nhích từng phút.

Vào thời điểm then chốt, TS Ben là người trực tiếp cầm dao mổ cắt đứt đường gân xanh mỏng nối liền hai hộp sọ của cặp song sinh. Các bác sĩ khác nhanh chóng tạo ra những tĩnh mạch mới từ mô tim mà họ đã cắt bỏ từ trước.

Trong một bài báo năm 1987, Washington Post miêu tả khoảnh khắc đó trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, các bác sĩ kể rằng họ không dám nhìn vào đồng hồ. Cho đến khi thực hiện xong ca phẫu thuật, trái tim của hơn 70 con người mới thôi đập liên hồi và họ nở nụ cười, thở phào nhẹ nhõm.

Sau ca phẫu thuật, tên tuổi của TS Ben Carson đi vào lịch sử với chiến công mang lại bước đột phá trong ngành y.

Tuy nhiên, Benjamin và Patrick bị hôn mê sâu và cần thời gian hồi phục nhiều hơn dự kiến. 7 tháng sau ca phẫu thuật, cả hai trở về Đức.

Theo AP, sau khi trở về nhà, đến tháng 4/1988, Patrick lại phải nhập viện lần nữa. Trong cuộc phỏng vấn với Freizeit Revue năm 1989, hai năm sau cuộc phẫu thuật, mẹ của cặp đôi cũng cho biết tình hình của hai con không mấy tích cực.

Patrick Binder vẫn còn trong trạng thái người thực vật. Còn Benjamin đã có nhiều tiến bộ nhưng chậm phát triển. Sau đó, tin tức về cặp song sinh dính liền đầu tiên được tách rời trên thế giới cũng không còn được truyền thông đưa tin.

Dù vậy, không thể phủ nhận những gì mà ca phẫu thuật này mang lại. Nó đã chứng minh rằng về mặt kỹ thuật, có thể tách rời cho các cặp song sinh dính đầu và cả hai có cơ hội sống sót. Bản thân Carson sau đó cũng tiếp tục tham gia 4 cuộc phẫu thuật tương tự. Một trong số đó là ca phẫu thuật năm 1997 cho cặp song sinh Zambian đã giúp cả hai có cuộc sống bình thường.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn