Tự do ngôn luận và giới hạn của nó ( Cần thêm nhiều bà Hằng nưã để khui những hũ mắm thúi...)

Thứ Tư, 16 Tháng Sáu 20214:00 SA(Xem: 3096)
Tự do ngôn luận và giới hạn của nó ( Cần thêm nhiều bà Hằng nưã để khui những hũ mắm thúi...)

Nguyễn Duy Bình

1. “Quyền tự do ngôn luận và quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân được pháp luật Việt Nam bảo hộ ra sao?”

Hiến pháp và pháp luật quy định quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của công dân được hiến pháp và pháp luật bảo đảm, có nghĩa công dân có quyền phát ngôn, bàn luận, nêu ý kiến của mình về các vấn đề của đất nước, xã hội, con người… Bên cạnh đó, Hiến pháp và pháp luật cũng quy định công dân có quyền được pháp luật bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm…

Tuy nhiên, công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng không được sử dụng quyền đó để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của “người khác”. Tôi là một người thường có những nhận xét, phê phán rất mạnh mẽ, quyết liệt, sâu cay đối với cái ác, cái xấu trong xã hội trên không gian mạng nhưng khi nói, khi viết luôn phải cân nhắc để đảm bảo độ chính xác, tránh xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín… của “người khác”; tuy vậy, cũng có thể có ngày tôi cũng bị xử lý.

Trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng, tôi nhận thấy bà ấy đã sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình phát ngôn trên mạng nhằm tố cáo, làm rõ, phê phán hành vi của một số người đó là quyền của bà ấy và tôi cũng thừa nhận mặt tích cực này. Tuy nhiên, khi phát ngôn trong một số video bà ấy đã dùng những lời lẽ có tính chất xúc phạm, miệt thị, chụp mũ… người khác, có dấu hiệu làm dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín… của người khác.

Nói cách khác, pháp luật quy định công dân có quyền được nói, được tố cáo, khiếu nại, nêu ý kiến, đánh giá, phê phán… nhưng không phải muốn nói gì là nói mà phải có giới hạn, phải bảo đảm quyền của nhà nước, tố chức và cá nhân. Mặt khác, việc phát ngôn trên mạng là quyền của công dân; tuy nhiên, khi công dân phát ngôn ở mội trường này cần phải chính xác vì sức lan toả, hiệu ứng, hậu quả của nó rất rộng. Trước đó bà Hằng Livestream rất nhiều, đề cập đến rất nhiều người và tôi cũng chỉ có thời gian xem vài ba đoạn và nhận thấy bà ấy dùng những lời lẽ rất nặng nề để nhận xét, đánh giá họ nhưng tôi không có thời gian để nêu ra hết ở đây.

Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ nêu và nhận định sơ lược về những lời nhận xét, đánh giá của bà ấy đối với 2 người, đó là bà Lê Thị Giàu và ca sĩ Phi Nhung trong phần đầu buổi livestream được gọi là “Đại hội vạch mặt” ngày 10/06/2021 và chúng ta hãy bình tĩnh nhận xét nhé.

Thứ nhất, khi đánh giá về Phi Nhung trong khoảng thời gian 30 phút đầu bà Hằng cho rằng Phi Nhung là “con rắn độc”, “có quan hệ chằng chịt dơ dáy”, “con quỷ đội lốt người”, “liên minh ma quỷ”, “mấy ô để che, mấy dù để núp”, “chăn dắt”… Đặc biệt trong đoạn phát ngôn này bà Hằng còn có ý cho rằng ca sĩ Phi Nhung đã có quan hệ, cấu kết với một số nhân vật, quan chức, thậm chí là quan chức chính phủ để chèn ép, trù dập, đánh sập một số trang mạng cá nhân nhằm đối chọi với bà ấy. Đây là những nội dung được bà Hằng nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần bằng giọng điệu hết sức nặng nề.

Vậy thì chúng ta thử xét xem ca sĩ Phi Nhung là người như thế nào mà bị bà Hằng đánh giá như vậy? Theo tôi được biết thì từ trước tới nay Phi Nhung là một ca sĩ có tiếng và hay làm từ thiện cũng giống như vợ chồng bà Hằng. Mặt khác, sự việc xẩy ra trong gia đình Phi Nhung đó là chuyện nội bộ, chuyện mẹ con và trong một gia đình nếu có xẩy ra bất đồng quan điểm, cách nhìn nhận một sự việc thì cũng chưa có gì là lớn, chưa có gì là xấu xa; Phi Nhung có đánh con, có giữ tiền của con thì cũng có cái lý của chị ấy và cũng có thể thông cảm được; ngay cả con tôi 17 tuổi mà tôi còn đánh dù cho một số người can ngăn và cho rằng tôi dạy con như vậy không đúng (ở đời ai cũng có cái hay, cái dỡ). Ngoài ra, tôi cũng chưa rõ có chuyện gì khác nữa không, ai có xin bổ sung nhé.

Tuy nhiên, cho dù Phi Nhung có dấu hiệu là người xấu đi chăng nữa thì về mặt văn hoá, đạo đức và cả pháp luật bà Hằng cũng chưa và không được phép dùng một hệ thống ngôn từ nặng nề, miệt thị và mang tính chụp mũ như vậy vì những từ “rắn độc, quỷ, dĩ dãng dơ dáy” chỉ nên dùng cho những tội phạm nguy hiểm, những người không còn đạo đức, lương tâm. Điều đáng chú ý là trong livestream này bà Hằng chỉ đưa ra những lời nhận định, đánh giá, chưa thấy đưa ra chứng cứ để chứng minh cho những lời nhận định trên.

Mặt khác, dù bà Hằng có lấy lí do nằm mơ thấy vậy và kể lại thì khi nói ra trước xã hội, trước đám đông cũng phải giữ lời, cũng phải có chứng cứ chứng minh, không phải cứ mơ thấy là nói vì nó ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền của người khác. Đồng thời, điều đáng chú ý hơn đó là trong đoạn lvestream này bà hằng nhắc đi nhắc lại nhiều lần nội dung Phi Nhung có quan hệ ô dù, cấu kết với một số cán bộ, thậm chí là quan chức chính phủ để trù dập, để đánh sập một số trang cá nhân nhưng chưa đưa ra được chứng cứ chứng minh. Như vậy, xét về phạm vi ảnh hưởng, xâm phạm tôi nhận thấy đã ảnh hưởng, xâm phạm đến cả uy tín của một số cán bộ nhà nước, đến cả nhà nước chứ không riêng gì Phi Nhung.

Thứ hai, trong livestream này bà Hằng còn nhắc đến hai nhân vật đó là doanh nhân Lê Thị Giàu và một thầy tu bằng những lời lẽ hết sức nặng nề. Khi đánh giá bà Hằng cho rằng bà Giàu là kẻ lừa, bán phân bón giả, dĩ vãng dơ dáy, chăn dắt cả nhà sư. Khi đánh giá thầy tu thì bà Hằng cho là một ông sư bị con đàn bà xỏ mũi, chăn dắt, tu gì mà bá đạo như vậy, một con quỷ phá nhà chay…

Thực sự thì tôi cũng chưa hiểu nội tình quan hệ khúc mắc và bản chất của sự việc này, cũng có thể là họ xấu vì trên thực tế doanh nhân cũng như nhà sư có nhiều người bản chất cũng không ra gì. Tuy nhiên, nếu có mâu thuẫn, bức xúc, nghi ngờ, nhận định thì chỉ nên đánh giá, đấu khẩu trong một môi trường nhỏ hẹp, hoàn toàn không nên và không được nêu lên ở môi trường này vì hiện chưa có kết luận của cơ quan chức năng.

Trên đây là 2 trường hợp để mọi người nhìn nhận để đánh giá. Đây cũng chỉ là quan điểm riêng của cá nhân tôi và tôi cũng rất cần góp ý, bổ sung.

2. Trong tâm thư mới nhất ngày 12/6 được đăng tải trên facebook, bà Hằng đưa ra ý kiến: “yêu cầu ra văn bản cấm tôi livestream”, “Đừng phạt tôi nữa, hãy cấm tôi nói”, “tha thiết yêu cầu có một văn bản cấm toàn bộ những ai livestream tục tĩu thóa mạ người khác, cầm luôn những ai lên tiếng nói vì lẽ phải hoặc để ủng hộ người khác. Cấm hết, như vậy mới công bằng”.

Theo quy định không ai có quyền ra một văn bản cấm đoán như vậy vì quyền tự do ngôn luận là quyền thiêng liêng, cao cả của một công dân đã được hiến pháp và pháp luật quy định. Nếu bà Hằng phát ngôn xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đã được pháp luật xử lý bằng các quy định cụ thể tại Luật an ninh mạng, Nghị định 15/2020, Bộ luật dân sự và cả BLHS tuỳ theo hành vi và mức độ khác nhau, pháp luật không xử lý bằng hình thức cấm phát ngôn. Mặt khác, nếu có vi phạm thì pháp luật sẽ xử lý, có xin đừng phạt thì cũng không được chấp thuận.

Đồng thời, pháp luật cũng không cho phép ban hành thêm một văn bản cấm những người khác phát ngôn tục tỉu, thoá mạ người khác hoặc cấm đoán việc phát ngôn vì lẽ phải vì pháp luật đã có các quy định điều chỉnh; đặc biệt, việc phát ngôn vì lẽ phải, vì công lý luôn được pháp luật cho phép, bảo vệ, không ai có quyền cấm. Bà ấy cho rằng cấm hết mới công bằng cũng không chính xác, pháp luật cấm là cấm những những hành vi vi phạm chứ không ai cấm những hành vi hợp pháp.

3. Có ý kiến cho rằng: “giữa tháng 4 bà Hằng từng bị Sở Thông tin và truyền thông TPHCM xử phạt do thông tin sai sự thật xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và danh dự của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Liên quan đến những livestream gây bão dư luận, liên quan đến những tên nghệ sĩ cụ thể, đầu tháng 6, trong buổi làm việc với Sở này, bà Hằng cam kết sẽ rút kinh nghiệm, sẽ cẩn trọng trong phát ngôn, không livestream có nội dung hay phát ngôn xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, cũng như những ngôn từ gây phản cảm…

Tuy nhiên trong livestream “Đại hội vạch mặt” vào ngày 10/6, bà lại tiếp tục sử dụng những ngôn từ như “con quỷ đội lột người”, “con rắn độc”, “sát thủ không hề tầm thường”… khi nói về người khác. Phải chăng, đó là hệ quả của việc xử lí chưa nghiêm và riết róng ?”

Nói là xử lý chưa nghiêm và rốt ráo thì cũng chưa chính xác vì mỗi hành vi vi phạm, mỗi lần vi phạm ở các thời gian và các địa phương khác nhau. Lần trước bà ấy vi phạm tại Tp.HCM thì Tp.HCM xử lý, lần này vi phạm ở Bình Dương thì sẽ do bình Dương xử lý. Mặt khác, lần trước ngoài việc xử phạt thì cơ quan chức năng còn áp dụng biện pháp thuyết phục, vận động để bà ấy hiểu và cam kết, đó là một biện pháp tích cực nhằm để công dân tránh lặp lại hành vi vi phạm.

Đồng thời, theo quy định nếu hành vi vi phạm như vu khống, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, làm nhục được tiếp diễn nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng thì lần xử lý tiếp theo có thể áp dụng biện pháp xử lý hình sự theo điều 331 về “tội lợi dụng quyền tự do, dân chủ” hoặc điều 156 về “tội vu khống” hoặc điều 155 về “tội làm nhục” người khác tại BLHS. Tuy nhiên, xử lý bằng biện pháp hành chính hay hình sự nào thì cũng phải xem xét mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Hiện các điều luật nêu trên còn quy định chung chung, chưa có định lượng cụ thể nên việc hình sự hoá quan hệ hành chính có thể xẩy ra và đó là một tiền lệ khá nguy hiểm. Mặt khác, tôi nhận thấy cơ quan chức năng cần xem xét tất cả các Livestream của bà Hằng để xác định những nội dung bà Hằng nói đúng, những điều bà Hằng làm được để có hướng xử lý thích hợp. Quan điểm cá nhân tôi nhận thấy dù bà Hằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự.

4. Có ý kiến hỏi rằng: “Gây nên “bão” mạng bởi các phát ngôn có phần mạnh bạo (có cả đúng lẫn chưa, có cả cần xác minh làm rõ), có những nội dung bà Hằng nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận đông đảo người dân khi dám vạch trần những điều xấu xa trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những trường hợp thông tin đưa ra thiếu cơ sở, nhận định thiếu chính xác. Quan điểm của một công dân về tâm thế của người “phản biện” trên mạng xã hội lẫn tâm thế đón nhận của công chúng trước một hiện tượng mạng ồn ào?”

Quyền phản biện – quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của công dân; phản biện là một hành vi tốt nhằm góp phần xây dựng một đất nước, một xã hội tốt đẹp. Một công dân suốt đời không phản biện, không đấu tranh trước cái xấu, cái ác là một công dân có phần vô cảm, thiếu trách nhiệm đối với đất nước và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ quyền phản biện thì mỗi công dân đều có trách nhiệm phân lọc những phản biện của chính mình và của người khác, xác định đúng, sai rõ ràng, xác định mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Tôi nhận thấy một bộ phận cộng đồng mạng còn thiếu đi sự tỉnh táo khi ủng hộ, tung hô bà ấy, họ xem bà ấy là thần tượng khi dám vạch ra cái xấu của một số nghệ sĩ, thầy lang nhưng họ quên đi những lời lẽ thiếu chuẩn mực, những nhận định thiếu chính xác của bà ấy và vô hình dung đã cổ suý cho hành vi thiếu văn hoá, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với một số ý kiến cho rằng đã xử lý thì phải xử lý tất cả những người đã chửi, xúc bà ấy, tùy theo mức độ xâm phạm. Đặc biệt, nhiều người còn cho rằng Trang Phạm, Ba Giai cũng phải bị xử và đó là một quan điểm rất đúng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn