• Sarah Rainsford
  • BBC News, Moscow

Joe Biden (L) and Vladimir Putin (composite image)

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Joe Biden (trái) và Vladimir Putin sẽ gặp nhau trong cương vị hai tổng thống lần đầu tiên

Hội nghị thượng đỉnh Geneva giữa Vladimir Putin và Joe Biden vào ngày 16 tháng 6 sẽ không phải là một cuộc gặp gỡ thân thiện.

Trước hết, Nga gần đây đã đưa Mỹ vào danh sách "các quốc gia không thân thiện" chính thức của mình.

Cả hai bên đều mô tả mối quan hệ là đang ở mức tệ nhất, và nước này không có đại sứ tại nước kia; các quan chức cấp cao của Nga đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ vì mọi thứ, từ sáp nhập Crimea của Ukraine đến cáo buộc can thiệp bầu cử, và hai cựu thủy quân lục chiến Mỹ hiện đang ở trong các nhà tù của Nga - một người thụ án 16 năm với cáo buộc gián điệp.

Thêm vào đó, có khoảnh khắc vào tháng Ba khi Joe Biden đồng ý với một người phỏng vấn rằng Vladimir Putin là "kẻ giết người".

Thế nhưng, hai người này đang chuẩn bị gặp nhau lần đầu tiên với tư cách là tổng thống và một số người ở Nga coi tự cuộc gặp mặt cũng đã là một thành tựu.

Là một biểu tượng

Villa La Grange, Geneva, Switzerland. Photo: June 2021

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hội nghị thượng đỉnh ngày 16 tháng 6 sẽ được tổ chức tại Villa La Grange của Geneva

"Hội nghị thượng đỉnh quan trọng về mặt biểu tượng; nó đặt Nga vào cùng một đẳng cấp với Mỹ, và đối với Putin, biểu tượng không phải là không quan trọng", Andrei Kortunov, giám đốc tổ chức RIAC ở Moscow, nhận định.

Cuộc họp diễn ra sớm trong nhiệm kỳ của Biden ở Nhà Trắng, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, và theo yêu cầu của Biden - tất cả đều là điểm son cho Điện Kremlin. Đây cũng là một hội nghị thượng đỉnh toàn vẹn - không chỉ là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi được nối kết với một số sự kiện khác.

Và bất chấp một chương trình nghị sự dày đặc, gồm các cuộc họp tại trụ sở của Nato ở Brussels hôm thứ Hai, điểm dừng chân cuối cùng của Joe Biden trong chuyến đi châu Âu tạo quan tâm đặc biệt, vì đó là cuộc gặp một đối một với Vladimir Putin, sẽ xảy ra hôm thứ Tư.

"Putin chắc chắn muốn được ngang hàng với Tổng thống Mỹ. Ông ấy muốn được tôn trọng theo các điều kiện của mình", nhà phân tích chính trị Lilia Shevtsova đồng ý với Andrei Kortunov. "Putin muốn thể hiện cơ bắp nam nhi và rằng mình là một thành viên của câu lạc bộ [những lãnh đạo thế giới]."

Lịch sử và kỳ vọng

US President Ronald Reagan (left) and Soviet leader Mikhail Gorbachev at a summit in Geneva in 1985

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (trái) và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tại cuộc hội đàm lịch sử "bên lửa" tại Geneva tháng 11 năm 1985

Việc lựa chọn Geneva làm bối cảnh có lịch sử từ cuộc chạm trán trong Chiến tranh Lạnh năm 1985: hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev. Nhưng có rất ít triển vọng rằng sự kiện tuần này sẽ giống biến cố đó kể cả về mối quan hệ cá nhân lẫn việc làm tan băng giá chính trị.

Nhà Trắng của thời nay nói mục tiêu của họ là mối quan hệ "ổn định" và "có thể đoán trước được" với Nga. Nhưng khiến mọi người phải đoán già đoán non - và phải cảnh giác - là cách hành xử của Vladimir Putin kể từ khi "những người lính xanh" của ông bước vào Crimea năm 2014 và bán đảo này được sáp nhập vào Nga từ Ukraine.

Đó là khởi đầu cho sự trượt dốc trong quan hệ Nga-Mỹ.

"Một mục tiêu khả thi hơn [của cuộc gặp mặt] là kiểm tra xem 'lằn ranh đỏ' của nhau nằm ở đâu", cũng như "hiểu rằng đối thoại là con đường trở lại từ vực thẳm". Bà Lilia Shevtsova gợi ý.

"Nếu họ không nói chuyện, thì Nga sẽ trở nên khó đoán hơn," bà lập luận.

Họ có thể đáp ứng kỳ vọng?

Cuối tuần này, Vladimir Putin nói với kênh truyền hình nhà nước rằng có "các vấn đề mà chúng ta có thể cùng nhau hợp tác" với Mỹ, khởi đầu với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, thảo luận về các xung đột khu vực gồm Syria và Libya, và biến đổi khí hậu.

Ông Putin lập luận: "Nếu chúng ta có thể tạo ra các cơ chế giải quyết những vấn đề đó, thì tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng hội nghị thượng đỉnh không vô ích".

Một số người ở Nga cho rằng việc ngưng "các cuộc chiến tranh ngoại giao" cũng có thể xảy ra: Mỹ đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai tòa lãnh sự trong những năm gần đây; giờ đây các phái bộ của Hoa Kỳ tại Nga sẽ bị cấm tuyển dụng người dân địa phương, đồng nghĩa với việc cắt giảm đáng kể các dịch vụ bao gồm cả cấp Visa.

Moscow có thể cho phép đại sứ của mình trở lại Washington như một động thái tối thiểu.

Mỹ cũng sẽ cải thiện số phận của các tù nhân của họ ở Nga, gồm cả Paul Whelan, người đã bị bắt năm 2018 và bị kết tội gián điệp, điều mà ông luôn phủ nhận.

Nga gần đây đã tiếp tục thúc đẩy trao đổi tù nhân - nhưng các điều khoản của họ cho đến nay vẫn chưa thể khiến Mỹ đáp ứng được và một cử chỉ hào phóng đơn phương của ông Putin dường như khó có thể xảy ra.

Phương Tây thù địch

Tổng thống Nga gần đây đã hết sức nhấn mạnh quan điểm của ông rằng phương Tây là thù địch.

Tại Diễn đàn Kinh tế tháng này ở St Petersburg, ông Putin lại tuyên bố rằng Mỹ muốn "kìm hãm" sự phát triển của Nga.

Trước đó vài ngày, Putin đe dọa sẽ "đánh gẫy răng" bất kỳ kẻ xâm lược nước ngoài nào muốn "cắn" Nga, nhấn mạnh rằng thế giới cần phải thức tỉnh trước tình trạng và sức mạnh đang được phục hồi của nước này.

"Rõ ràng ông ấy tin rằng Mỹ là một kẻ thù không mong muốn điều gì tốt cho Nga và tôi không nghĩ tầm nhìn này sẽ thay đổi.'' Ông Kortunov nói.

Mặc dù vậy, Kortunov cũng cho rằng Nga có thể cũng muốn tìm cách hạ nhiệt độ xuống một hoặc hai bậc.

Hạ nhiệt

"Là một chính trị gia đầy lý trí, Putin muốn giảm thiệt hại và rủi ro liên quan đến mối quan hệ đối nghịch này", ông Kortunov tin như vậy.

Điều đó bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế: vòng trừng phạt mới nhất đã hạn chế khả năng huy động vốn của chính phủ và những biện pháp trừng phạt mới có thể tiến xa hơn, gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế trong một năm bầu cử quan trọng.

"Công chúng Nga không còn hứng thú với những 'chiến thắng' trong chính sách đối ngoại thay cho cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội đang nhức nhối ở quê nhà," ông Kortunov nói. "Dù Putin có muốn gì đi chăng nữa, tôi không nghĩ rằng ông ấy có thể đạt được bất cứ điều gì [trong nước] bằng cách leo thang sự căng thẳng."

Điệp khúc không thể tránh

Các văn phòng chính trị và tổ chức chống tham nhũng của Navalny vừa bị tòa án Moscow cấm vì "cực đoan", một phán quyết lẽ ra có thể dễ dàng trì hoãn cho đến sau hội nghị thượng đỉnh.

Thay vào đó, thời điểm của phán quyết này dường như nhằm gửi đi một thông điệp: rằng Vladimir Putin sẽ tiếp tục dẹp tan những bất đồng chính kiến và đó không phải là việc của Mỹ.

"Biden sẽ hát bài hát của ông ấy - khúc dạo đầu của ông về Navalny và nhân quyền; sau đó Putin sẽ hát bài của mình - rằng Hoa Kỳ cũng vậy", Shevtsova dự đoán một cách châm biếm.

"Nhưng thực tế cuộc họp này đang diễn ra có nghĩa là sau 'món khai vị' của nhân quyền, họ sẽ chuyển sang món chính. Và món đó là: chúng ta hãy làm gì đó để giảm bớt căng thẳng."