Tại sao Pháp xin lỗi Rwanda vì cuộc diệt chủng năm 1994?

Chủ Nhật, 06 Tháng Sáu 20215:00 CH(Xem: 1866)
Tại sao Pháp xin lỗi Rwanda vì cuộc diệt chủng năm 1994?

Chỉ trong 100 ngày của năm 1994, ít nhất 800.000 người tại Rwanda bị sát hại, với con số ước tính 5 người bị giết mỗi phút. Pháp luôn phủ nhận vai trò "đồng lõa" trong sự kiện này.

diet chung Rwanda anh 1

Sự chia rẽ và thù hận sắc tộc trong nhiều năm chính là nguyên nhân dẫn đến thời khắc đen tối của Rwanda vào năm 1994. Ngọn lửa của mâu thuẫn đã được nhen nhóm từ khi chủ nghĩa thực dân bắt đầu bám rễ tại đất nước này.

Sau hơn 10 năm chưa có lãnh đạo Pháp nào đến thăm Rwanda, hôm 27/5, Tổng thống Macron đã đến Kigali và mang theo một lời xin lỗi.

"Ngọn lửa" diệt chủng nhen nhóm trong 70 năm

Theo UN, trong Thế chiến I, Bỉ giành quyền kiểm soát lãnh thổ Rwanda, khi ấy có tên là Ruanda-Urundi. Khi Thế chiến I kết thúc, năm 1924, Ruanda-Urundi được Hội Quốc Liên - tiền thân Liên Hợp Quốc - thừa nhận là lãnh thổ bảo hộ của Bỉ.

Trước thời thuộc địa, Ruanda-Urundi là nơi chung sống tương đối hòa bình giữa ba sắc tộc: Tutsi (14% dân số), Hutu (85% dân số), và Twa (1% dân số). Người Tutsi thường có địa vị xã hội cao hơn người Hutu nhưng giữa hai nhóm vẫn có sự cơ động xã hội. Người Hutu có lượng lớn gia súc hoặc tài sản khác có thể gia nhập nhóm Tutsi. Người Tutsi nghèo khổ có thể bị xem là người Hutu.

Mọi chuyện thay đổi từ khi Ruanda-Urundi trở thành thuộc địa Bỉ. Theo chính sách thực dân, mỗi người Ruanda-Urundi bị phân loại thuần túy dựa trên đặc điểm cơ thể và được nhận căn cước ghi rõ sắc tộc. Điều này làm mất tính cơ động xã hội giữa các nhóm người và cũng khiến mâu thuẫn Hutu-Tutsi trở nên xoay quanh vấn đề chủng tộc.

Quan chức chính quyền thực dân trọng dụng người Tutsi vì cho rằng bộ gene của nhóm người này gần hơn với người châu Âu. Sự phân biệt đối xử ngày càng khoét sâu lòng oán giận của người Hutu. Năm 1959, người Hutu nổi dậy chống thực dân Bỉ và nhóm quyền thế Tutsi. 150.000 người Tutsi phải chạy tới Burundi để tránh tình trạng bạo lực.

Cuộc nổi dậy những năm 1959-1961 của người Hutu đặt dấu chấm hết cho sự thống trị của người Tutsi. Năm 1962, Bỉ rút lui, thuộc địa cũ tách đôi và trở thành hai nước độc lập: Rwanda và Burundi. Chính quyền mới ở Rwanda là người Hutu, trong khi người Tutsi vẫn nắm quyền ở Burundi. Những thập niên tiếp theo, bạo lực thường xuyên nổ ra.

Năm 1990, Mặt trận Ái quốc Rwanda (RPF) - nhóm vũ trang cấu thành chủ yếu từ người Tutsi lưu vong - tấn công Rwanda từ Uganda nhằm lật đổ chính quyền người Hutu.

Sau thời gian giao tranh, tháng 8/1993, hiệp ước hòa bình được ký kết giữa Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana và RPF. Nhưng thỏa thuận này không thể dừng tình trạng bạo lực vì thiếu tán thành của nhiều người ở cả 2 phía. Vụ ám sát Tổng thống Habyarimana vào ngày 6/4/1994 là giọt nước làm tràn ly.

Tuy trách nhiệm vụ ám sát chưa từng được làm rõ, những người Hutu cực đoan chớp lấy thời cơ để tiếm quyền và tiến hành thanh lọc sắc tộc trên khắp Rwanda.

diet chung Rwanda anh 2

Hiện trường vụ rơi máy bay giết chết Tổng thống Juvenal Habyarimana vào năm 1994. Ảnh: AP.

Cuộc diệt chủng 100 ngày

Tối 6/4/1994, Lực lượng Vũ trang Rwanda và dân quân Interahamwe - nhóm vũ trang gồm thanh thiếu niên thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Habyarimana - lập chốt chặn đường và đi từng nhà để giết người Tutsi cùng chính khách Hutu ôn hòa.

Những tấm căn cước có ghi sắc tộc của chủ nhân giờ trở thành tấm thẻ tử thần đối với người Tutsi. Dân thường Hutu cũng được kêu gọi tham gia cuộc diệt chủng. Nhóm Interahamwe thậm chí lập đài radio để chỉ điểm hướng bỏ trốn của người Tutsi và khuyến khích người dân ra đường “diệt gián”, ám chỉ người Tutsi.

Các nhóm cực đoan địa phương được trao cho vũ khí cùng danh sách nạn nhân. Một số người chồng thậm chí xuống tay với vợ người Tutsi vì cho rằng mình cũng sẽ bị mất mạng nếu không làm thế, theo BBC.

Trong 100 ngày tiếp theo, ước tính 800.000 tới 1 triệu người Tutsi và Hutu ôn hòa bị sát hại bởi lực lượng Hutu cực đoan. Khoảng 100.000-250.000 phụ nữ bị cưỡng bức. Trước cuộc diệt chủng, dân số Rwanda là hơn 7 triệu người.

diet chung Rwanda anh 3

Thi thể người chết trong cuộc diệt chủng năm 1994 với người Tutsi tại Rwanda. Ảnh: Gilles Peress.

Đầu tháng 7/1994, tình thế đảo ngược. Lực lượng RPF chiếm được thủ đô Kigali, buộc chính quyền người Hutu phải chạy khỏi Rwanda. Tới ngày 18/7/1994, cuộc diệt chủng kết thúc sau khi RPF nắm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, trừ “vùng an toàn” tại tây nam Rwanda nằm trong chiến dịch Ngọc Lam.

Chiến dịch Ngọc Lam được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận nhằm tạo lập khu an toàn cho người tị nạn trước làn sóng diệt chủng. Thực hiện chiến dịch là 2.550 lính Pháp và 500 lính châu Phi.

Pháp có vai trò gì trong cuộc diệt chủng?

Câu hỏi về vai trò của Pháp trong cuộc diệt chủng 100 ngày tại Rwanda đã trở thành nguồn cơn của nhiều cuộc tranh cãi giữa hai quốc gia. Pháp bị chỉ trích là chủ động hỗ trợ chính quyền người Hutu khi ấy hoặc không làm đủ mọi cách để ngăn chặn việc giết chóc.

Để làm rõ câu hỏi về vai trò của Pháp trong cuộc diệt chủng, Rwanda yêu cầu một công ty luật Mỹ điều tra. Năm 2017, báo cáo từ hãng luật này cáo buộc quan chức Pháp đồng lõa trong vụ diệt chủng 1994, căn cứ trên mối quan hệ thân thiết giữa chính phủ Pháp khi ấy với chính phủ của Tổng thống Habyarimana.

Theo báo cáo, quân đội Pháp khi ấy đã đào tạo người đồng cấp Rwanda và cung cấp vũ khí kể cả sau khi có lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việc dẫn đầu chiến dịch Ngọc Lam để tạo vùng an toàn cho người tị nạn cũng bị báo cáo cho là vỏ bọc để Pháp có thể hỗ trợ chính quyền người Hutu sắp thua trận.

Tuy nhiên, Pháp vẫn luôn phủ nhận vai trò “đồng lõa”. Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu một nhóm sử gia điều tra làm rõ câu hỏi về vai trò của Pháp trong cuộc diệt chủng.

Tới tháng 3/2021, báo cáo trên thừa nhận Pháp có trách nhiệm “nghiêm trọng và nặng nề” trong cuộc diệt chủng 1994 tại Rwanda. Theo báo cáo, chính quyền Pháp khi ấy của Tổng thống François Mitterrand sợ mất tầm ảnh hưởng tại châu Phi nên đã thân thiết với “chế độ phân biệt chủng tộc, tham nhũng, và bạo lực” của Tổng thống Habyarimana.

diet chung Rwanda anh 4

Lính Pháp đi tuần qua một nhóm binh lính Hutu vào năm 1994. Ảnh: Getty.

Chính quyền ông Mitterrand xem Tổng thống Habyarimana là đồng minh thiết yếu trong khu vực các quốc gia nói tiếng Pháp ở châu Phi. Ngược lại, RPF và các lãnh đạo người Tutsi khác bị ông Mitterrand xem là đồng minh với Mỹ - nước muốn lan tỏa tầm ảnh hưởng trong vùng.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng Pháp không đồng lõa với tội ác của chính phủ Rwandan đương thời.

“Pháp có đồng lõa với cuộc diệt chủng người Tutsi hay không? Nếu (đồng lõa) nghĩa là có thái độ sẵn sàng tham gia hoạt động diệt chủng, không gì trong các hồ sơ lưu trữ cho thấy điều này”, báo cáo nhận định.

Một tháng sau khi báo cáo của Pháp được công bố, chính phủ Rwanda cũng đưa ra báo cáo với ngôn từ tương tự, theo New York Times.

Theo báo cáo này, Pháp đóng vai trò “đáng kể” trong việc “tạo điều kiện cho cuộc diệt chủng có thể thấy trước” tại Rwanda. Báo cáo này cho rằng Pháp “không làm gì để ngăn cản” chính quyền của người Hutu tàn sát người Tutsi.

Không những vậy, Pháp còn bị cáo buộc che đậy vai trò trong vụ diệt chủng bằng cách bảo vệ những người tham gia giết chóc và giấu giếm “tài liệu và hồ sơ thiết yếu” có thể làm sáng tỏ sự thật.

Nhưng cũng như báo cáo của Pháp, tác giả báo cáo lần này kết luận không tìm thấy “chứng cứ cho thấy giới chức hoặc nhân sự của Pháp trực tiếp tham gia giết hại người Tutsi trong khoảng thời gian ấy”.

Sự đồng điệu của hai bản báo cáo dường như là dấu hiệu cho thấy quan hệ Rwanda - Pháp đã dần tan băng. Trong những năm gần đây, một số vụ án liên quan tới cuộc diệt chủng đã xuất hiện trước tòa án Pháp. Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã tới Pháp 3 lần từ năm 2018.

"Trên hành trình này, chỉ những ai đã trải qua đêm tối đó mới có thể tha thứ. Hãy tha thứ cho chúng tôi như cho một món quà", Tổng thống Macron nói trong bài phát biểu tại đài tưởng niệm tội ác diệt chủng Gisozi ở Kigali, nơi chôn cất hơn 250.000 người Tutsi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn