Ngôi mộ 78.300 năm tuổi cổ xưa nhất châu Phi

Thứ Bảy, 15 Tháng Năm 20215:00 SA(Xem: 2347)
Ngôi mộ 78.300 năm tuổi cổ xưa nhất châu Phi

KenyaNgôi mộ chứa hài cốt của em bé 2,5 - 3 tuổi trong tư thế nằm co chân, đầu kê lên chiếc gối làm bằng chất liệu dễ phân hủy.

Tư thế của em bé trong ngôi mộ 78.300 năm tuổi. Ảnh: Fernando Fueyo.

Tư thế của em bé trong ngôi mộ 78.300 năm tuổi. Ảnh: Fernando Fueyo.

Các nhà khoa học phát hiện ngôi mộ cổ xưa nhất được xây dựng có chủ đích của con người ở châu Phi, IFL Science hôm 5/5 đưa tin. Ngôi mộ có niên đại 78.300 năm, nằm sâu 3 m so với nền hang Panga ya Saidi ngày nay. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature.

"Ngay từ lần đầu tiên ghé thăm hang Panga ya Saidi, chúng tôi đã biết nó rất đặc biệt. Chiếc hang thực sự là độc nhất vô nhị", giáo sư Nicole Boivin, thành viên nhóm dự án khảo cổ, chia sẻ.

Hài cốt được đặt nghiêng bên phải, chân co lên đến ngực. Phân tích răng chỉ ra đây là hài cốt của một em bé 2,5 - 3 tuổi. Các nhà khoa học đặt tên em bé này là Mtoto, nghĩa là "đứa trẻ" trong tiếng Swahili.

"Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu các phần xương sọ và mặt, khớp hàm vẫn còn nguyên vẹn và một số răng ngầm chưa mọc lên. Khớp ở cột sống và xương sườn cũng được bảo quản cực kỳ tốt, thậm chí giữ được độ cong của lồng ngực. Điều này cho thấy ngôi mộ chưa từng bị quấy nhiễu, sự phân hủy của hài cốt diễn ra ngay tại hố chôn", giáo sư María Martinón-Torres, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Sự tiến hóa của Con người (CENIEH) tại Tây Ban Nha, cho biết.

Hài cốt em bé còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Jorge González/Elena Santos.

Hài cốt em bé còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Jorge González/Elena Santos.

Các nhà khoa học lần đầu phát hiện xương trong mộ vào năm 2013 và khai quật xong vào năm 2017. Nhiều khả năng ngôi mộ được đào một cách có chủ đích. Sau khi đặt hài cốt xuống hố, người xưa nhanh chóng lấp lại bằng trầm tích ở nền hang.

Hài cốt từng được bọc trong vải liệm làm bằng chất liệu nhanh phân hủy. Vị trí hộp sọ cho thấy em bé nằm kê đầu lên một chiếc gối với chất liệu tương tự. Dù không có dấu vết của vật cúng tế như trong những ngôi mộ xuất hiện muộn hơn, cách xử lý hài cốt cho thấy tang lễ có sự tham gia của nhiều thành viên trong cộng đồng.

Phân tích xương và răng chỉ ra, em bé khả năng cao là người Homo sapiens. Tuy nhiên, em bé vẫn còn một số đặc điểm ở răng tương tự với những tổ tiên cổ xưa khác của con người.

"Ngôi mộ tại Panga ya Saidi cho thấy lễ chôn cất là tập tục văn hóa mà cả người Homo sapiens và Neanderthals đều sử dụng. Phát hiện này mang lại những nghi vấn về nguồn gốc và sự phát triển của các tập tục mai táng giữa hai loài người có họ gần, về mức độ khác nhau của hành vi và cảm xúc của con người", giáo sư Michael Petraglia tại Viện Max Planck, tác giả nghiên cứu, cho biết.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn