Hành vi đào giếng của lừa hỗ trợ sự sống trên sa mạc

Thứ Ba, 11 Tháng Năm 20215:00 CH(Xem: 2400)
Hành vi đào giếng của lừa hỗ trợ sự sống trên sa mạc

Hành vi đào giếng của lừa hỗ trợ sự sống trên sa mạc

Nghiên cứu mới cho thấy hành vi đào giếng của lừa cung cấp nguồn nước quan trọng cho nhiều loài động vật trong thời gian cao điểm của mùa hè.

Nhà sinh vật học Erick Lundgren từ Đại học Kỹ thuật Sydney của Australia, tác giả chính của bài báo trên tạp chí Science hôm 29/4, cho biết lần đầu tiên để ý đến hành vi đào giếng của lừa hoang dã khi đang làm việc ở miền tây bang Arizona, Mỹ, với tư cách là kỹ thuật viên thực địa nghiên cứu các hệ thống sông.

"Mọi người không nghĩ rằng nó đáng để giới khoa học nghiên cứu vì lừa và ngựa không phải là loài bản địa. Chúng thậm chí còn bị coi như tác nhân gây hại cho đa dạng sinh thái", nhà sinh vật học chia sẻ.

Lundgren đã đọc một số nghiên cứu trước đây về những con voi châu Phi đào giếng, cung cấp nguồn nước duy nhất cho các loài động vật khác trong mùa khô, vì vậy, ông muốn biết liệu lừa và ngựa có thể đóng vai trò tương tự ở châu Mỹ hay không.

Trong ba mùa hè liên tục, Lundgren cùng các cộng sự đã khảo sát nhiều địa điểm trên sa mạc Sonoran, trải dài qua Arizona và California. Họ lắp đặt các bẫy camera và ghi lại được một loạt bằng chứng cho thấy hành vi đào giếng của lừa hỗ trợ sự sống phát triển trên sa mạc như thế nào.

Lừa đào giếng cung cấp nước cho nhiều loài động thực vật hoang dã. Video: Erick Lundgren.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng lừa hoang có thể đào những chiếc giếng sâu tới hai mét. Một số chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, trong khi số khác cung cấp nước quanh năm. Các giếng này đặc biệt quan trọng trong những thời điểm khô hạn và nóng nhất của mùa hè, khi chúng là nguồn nước sẵn có duy nhất cho các loài bản địa tại một số địa điểm.

"Giếng do lừa đào được sử dụng bởi khá nhiều loài động vật như hươu la, linh miêu, bò rừng, lợn lòi, chim giẻ cùi và thậm chí là gấu đen, loài mà chúng tôi không nghĩ là sẽ bắt gặp trên sa mạc", Lundgren cho biết thêm.

Nhóm nghiên cứu còn nhận thấy một số loài cây bụi mọc lên từ các giếng bỏ hoang, cho thấy chúng cũng đóng vai trò như các "vườn ươm thực vật".

Lừa và ngựa được du nhập vào châu Mỹ bởi người châu Âu để hỗ trợ quá trình thực dân hóa lục địa này, nhưng việc sử dụng chúng đã giảm dần khi có sự ra đời của động cơ đốt trong. Kể từ đó, chúng bị coi là "sinh vật ngoại lai xâm lấn". Chính suy nghĩ này đã cản trở các nhà khoa học hiểu đúng vai trò của chúng đối với hệ sinh thái.

Lundgren cùng các đồng nghiệp tin rằng vai trò của lừa và ngựa sẽ ngày càng quan trọng hơn khi hoạt động của con người và biến đổi khí hậu làm giảm số lượng các dòng suối lâu năm trong khu vực.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn