30/4: Liệu có phải đợi thêm 46 năm mới có tự do mở miệng?

Thứ Bảy, 01 Tháng Năm 20214:00 SA(Xem: 3069)
30/4: Liệu có phải đợi thêm 46 năm mới có tự do mở miệng?
voatiengviet.com

30/4: Liệu có phải đợi thêm 46 năm mới có tự do mở miệng?

Nguyễn Hùng

“Thời gian thấm thoắt thoi đưa”; mới thế mà đã 46 năm kể từ khi sự thử nghiệm tự do và dân chủ lần đầu tiên trên một phần Việt Nam trong hàng chục năm đã kết thúc bằng sự lan phủ của cỏ dại cộng sản từ miền bắc vào ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975. Trong 46 năm qua, các báo đài, nhà xuất bản tự do cùng với các hội đoàn độc lập không còn có đất sống. Cả triệu người không chịu nổi cái giá của thống nhất dưới họng súng đã đổ ra biển; hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên con đường rời địa ngục cộng sản. Chẳng mấy chốc nửa thế kỷ sẽ qua đi và câu hỏi đặt ra là thêm 46 năm nữa liệu tự do và dân chủ, dù ở dạng manh nha như ở Việt Nam Cộng hoà năm xưa, sẽ có khả năng trở lại dải đất hình chữ S.

Từ xa nhìn về, cách các quan chức Việt Nam trị dân hiện nay chẳng khác gì những tay chơi cá cảnh. Họ muốn càng có nhiều người dân hài lòng như những con cá nằm trong bể kính càng tốt. Số người có điều kiện đi ra nước ngoài để có trải nghiệm dân chủ tự do thật sự hay tự tu thân để hiểu và thực hành tự do và dân chủ vẫn chỉ là thiểu số. Phần đông hài lòng với cảnh chim lồng, cá chậu; sự tự do chẳng như bể khơi mà chỉ là bể cá, chẳng phải là bầu trời lồng lộng mà chỉ là cái lồng chưa tới mét vuông.

Khi tôi viết những dòng này, người bạn Facebook của tôi, Phạm Đoan Trang, đã bị tống giam gần bảy tháng. Trang không kêu gọi lật đổ chế độ và cũng không lập ra đảng đối lập. Trước khi bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái vài tháng, Trang còn đành rời khỏi Nhà Xuất Bản Tự Do như giải thích của cô với Đài Á châu Tự do: “Có nhiều lý do nhưng có một lý do quan trọng là anh em Nhà Xuất Bản [NXB] Tự do khổ quá. Có người nói với tôi rằng đấu tranh kiểu này là tự sát. Chỉ làm sách nhưng bị chính quyền xem là tội phạm, đối đầu trực diện nên chính quyền sử dụng vũ lực dẫn đến tổn thất nhiều.

“Anh em mỗi lần bị bắt, bị đánh phải chịu tổn thất lâu dài. Trường hợp mới nhất là anh Phùng Thủy bị bắt cóc và bị đánh vào ngày 8 tháng 5 vừa rồi đến nay anh gần như tàn phế, tay chân không co duỗi được, có dấu hiệu suy thận, dạ dày luôn ra máu…

“Trước tình cảnh này, tôi nghĩ rằng với tư cách là người đại diện và tác giả chính của NXB Tự Do, tôi cũng phải chịu trách nhiệm cho việc anh chị em NXB (và cả độc giả - tức là những người không phải thành viên NXB) bị trấn áp, sách nhiễu, và đứng trước rủi ro bị bắt bất cứ lúc nào.”

Vậy đó, trong bể cá cảnh lại có những con cá sát thủ răng đao và trong lồng chim lại sẵn có những con đại bàng.

Sau khi Trang bị bắt, Giáo sư Anh văn và Báo chí từ New York, Thomas Bass đăng lại trích đoạn từ cuốn sách ông viết hồi năm 2017 ‘Kiểm duyệt ở Việt Nam: Thế giới Gan dạ Mới’. Đề cập tới các nhà báo gan dạ và hiếm hoi ở Việt Nam, ông viết: “Họ chẳng làm gì hơn là khám phá thế giới xung quanh họ, mà, thật không may biến họ thành tội phạm ở Việt Nam.”

Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận có tù nhân lương tâm ở đất nước cộng sản độc đảng. Riêng chuyện họ không thừa nhận này đã đủ để cho thấy họ thành thật tới đâu. Không có tù nhân lương tâm ở đất nước cộng sản độc đảng?

Trong trích đoạn sách mà Giáo sư Bass đăng lại, Trang được dẫn lời nói: “Khi tôi được đề nghị đi tị nạn [chính trị tại Hoa Kỳ], tôi nói với quan chức lãnh sự ‘Tôi không muốn là gánh nặng. Quý vị đã có đủ người tị nạn chính trị rồi’.

“Cô không phải là gánh nặng. Cô là tài sản,” ông ấy nói với tôi. Tôi chưa bao giờ nghe thấy những lời như thế ở chính đất nước tôi nơi tôi đã bị bắt và đánh đập nhiều lần.”

Với chính sách bàn tay sắt được ráo riết thực thi trong những năm gần đây, phong trào dân chủ Việt Nam đã mất đi nhiều gương mặt biểu tượng. Nhiều người bị tống giam như Phạm Đoan Trang, nhiều người khác buộc phải rời khỏi Việt Nam để tránh bị ở tù thêm nhiều năm nữa như blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Dân chủ ở Việt Nam thiếu vắng một lãnh tụ tinh thần như Aung San Suu Kyi của Myanmar và không có trải nghiệm dân chủ thực tế như ở Hong Kong hay Thái Lan, cả ba xứ sở đều có những bước đi lùi về tự do dân chủ trong những năm gần đây. Những diễn biến này cho thấy khó có nhiều hy vọng cho sự sớm trỗi dậy của những gốc rễ dân chủ bị chôn vùi suốt 46 năm qua ở một nửa dải đất hình chữ S.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn