Chuẩn tướng Lý Tòng Bá : “Có một căn bệnh”

Thứ Năm, 22 Tháng Tư 20214:00 CH(Xem: 4909)
Chuẩn tướng Lý Tòng Bá : “Có một căn bệnh”
Tôi sinh năm 1931 tại miền Nam Việt Nam. Tốt nghiệp võ bị Đà Lạt, trở thành sĩ quan quân đội kể từ 1952. Với cấp bực thiếu úy, tôi đã phục vụ một năm tại vùng châu thổ sông Hồng.

a1
Chuẩn tướng Lý Tòng Bá : “Có một căn bệnh”
Năm 1975, tôi là chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 25 Quân đội Việt Nam Cộng Hoà tại Củ Chi. Trước, tôi từng là Tư lệnh Thiết giáp. Kể từ cuối năm 1974, tôi được yêu cầu chỉ huy Sư đoàn 25. Tôi đã điều động sư đoàn này trong thời gian năm tháng. Khi xảy cuộc tấn công Ban Mê Thuột, tôi đang hành quân bình định tại vùng Bắc Tây Ninh. Tại đây chúng tôi đã bị lực lượng Cộng sản cố cầm chân.

Khi nghe tin cao nguyên triệt thoái, tôi biết việc này sẽ gây vấn đề lớn. Tôi tưởng sau đó quân đội sẽ củng cố lực lượng quay vòng trở lại, hoặc sẽ thiết lập một chiến tuyến tại một địa điểm nào. Nhưng không có chuyện gì. Không quay trở lại. Cũng chẳng đánh chác. Tôi không rõ việc gì đã xảy ra như vậy.

Lúc ấy chúng tôi đang đương đầu với Sư đoàn 9 của quân đội Bắc Việt gần Củ Chi. Họ đang cố đẩy quân xuống Sàigòn bằng quốc lộ số 1. Binh sĩ tôi đã tận lực chiến đấu. Cuối tháng ba, chúng tôi đụng địch ở Truong Mit. Chúng tôi tổn thất hơn 400 sinh mạng trong một trận ác liệt, nhưng không một ai bỏ chạy.

Tôi nghe nói có vài Tướng lãnh bỏ rơi binh sĩ họ, tôi không ngạc nhiên. Nhưng tôi biết binh sĩ tôi, tôi biết đơn vị tôi. Tôi biết các sĩ quan chỉ huy của tôi. Tôi có lòng tin nơi binh sĩ, họ cũng có lòng tin tôi. Tôi biết địch quân là ai, ở đâu và họ đang làm gì.

Tôi cố liên lạc với các thượng cấp tôi là Nguyễn Văn Thiệu và Cao Văn Viên để báo cáo tình hình. Tôi muốn cho họ biết: Cuối cùng chúng tôi không còn có thể làm gì hơn nữa. Tất cả đã hỏng rồi. Sư đoàn 25 chúng tôi đang phải cầm cự với trọn một sư đoàn địch, nhưng chỉ vài ngày sau, đã cùng một lúc phải thọ địch với ba sư đoàn có cả chiến xa.

Để bảo vệ việc xâm nhập Sàigòn từ mặt phía Đông, Sư đoàn 18 do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy đánh ở Xuân Lộc. Để bảo vệ mặt phía Tây, sư đoàn chúng tôi phải chặn quốc lộ số 1 từ Sàigòn đi Tây Ninh. Sáng ngày 29 tôi dẫn một lực lượng đặc nhiệm vào Bến Tre(?), nhưng binh sĩ không còn nữa. Họ thất tán, lạc lõng khắp nơi. Tôi không còn làm gì được. Tôi cố tập hợp lực lượng còn lại để tiếp tục chiến đấu, tôi đã yêu cầu tướng Toàn cho tôi sắp xếp lại các tiểu đoàn. Bộ đội Cộng sản lúc này tiếp tục tấn công nhưng số binh sĩ Cộng Hoà còn lại vẫn không e ngại, chúng tôi tiếp tục chống trả trong lúc bị đẩy lui về phía Sàigòn.

Tôi bảo binh sĩ: “Đừng lo lắng tình trạng đang xảy ra. Hãy cố chiến đấu. Hãy bắt địch phải trả giá đắt cho mọi trường hợp.” Các binh sĩ của tôi tiếp tục xoay trở, chiến đấu, phản công. Nhưng cuối cùng, họ kiệt lực.

Có nhiều yếu tố khác bên ngoài việc chiến đấu. Lúc đó, binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã mắc một căn bịnh. Một căn bịnh tinh thần. Căn bịnh tinh thần đã ảnh hưởng đến họ. Vào giây phút chung cuộc ấy, căn bịnh phát ra từ việc các binh sĩ tin rằng họ bị lừa gạt, dối trá. Thử nhìn xem, họ đã lâm vào một tình trạng thật tệ hại. Muốn binh sĩ chiến đấu tốt, không thể có những người lãnh đạo như Nguyễn Văn Thiệu. Mỹ thì không còn hỗ trợ. Chính phủ cũng không giúp đỡ. Vậy họ phải chiến đấu và chết cho lý do gì?

Vì thế, cuối cùng một số binh sĩ của tôi bắt đầu bỏ chạy. Họ nhuốm căn bịnh này rồi. Thấy vậy nhưng tôi cũng không thể làm gì khác. Cuối cùng đội quân tan rã. Tôi quyết định đi bộ từ củ Chi về lại Sàigòn. Tôi cũng muốn tìm binh sĩ, tập hợp lại tại Hốc Môn mà tái lập phòng tuyến. Nhưng chưa kịp đã bị Cộng sản bắt. Đường từ Củ Chi về Sàigòn bị chiếm khắp nơi rồi.

Về việc tinh thần quân đội nhiễm độc thì phải thấy xã hội Việt Nam lúc ấy đã nhũng lạm rối ren lắm. Sự nhũng lạm rối ren này lan tràn vào quân đội, ảnh hường đến tác phong binh sĩ. Các cấp chỉ huy thì không có tinh thần chiến đấu. Gặp những trận khốc liệt, người ta không còn muốn đánh. Cái gì cũng lệ thuộc Mỹ. Không nhờ được Mỹ, người ta tháo chạy. Họ cũng đã nhuốm bịnh rồi.

Tôi là người chiến đấu. Còn các lãnh tụ phải lo việc lãnh tụ. Phần tôi đã chiến đấu từ khi là người lính trẻ, và bây giờ đây, tôi hiểu ra rằng các lãnh tụ quân đội đã không làm tròn công việc của họ. Tôi làm nhiệm vụ của tôi, nhưng họ không làm nhiệm vụ của họ. Do đó, tôi có thể nói: Trên cấp bậc cao của quân đội chúng tôi, đã có những người không đúng chỗ nắm giữ chỉ huy.

Bộ đội miền Bắc có mặt khắp nơi. Tôi bị thương ở chân. Họ bao vây tôi và số binh sĩ còn lại. Rất nhiều binh sĩ phải đầu hàng. Tôi bèn nói với người tùy viên ở bên tôi rằng: “Nhìn chừng tôi nhé, tôi làm gì thì anh làm nấy. Tôi làm bất cứ cái gì, anh cũng cứ làm y như vậy.” Khi địch quân bảo hạ võ khí xuống, nhiều binh sĩ của tôi tháo võ khí, bỏ xuống. Nhưng khi họ bảo binh sĩ đứng vào với nhau, thì tôi và người tùy viên lẻn xuống ruộng lúa.

Chúng tôi ngâm mình dưới nước, chỉ hở mũi ngửa lên. Địch tưởng chúng tôi đã chết. Chúng tôi ngâm dưới nước ba giờ đồng hồ như thế, từ 3 giờ trưa đến 6 giờ chiều. Rồi chúng tôi mầy mò trong bóng đêm, tìm đến một con rạch. Con rạch nhỏ này chảy đến cầu Hốc Môn. Chúng tôi lội xuôi con rạch, hy vọng đến được cầu Hốc Môn, từ đó tôi sẽ biết lối về Sàigòn. Nhưng khi đang lội dưới rạch, tôi nghe hai bên bờ có tiếng người. Toàn lính Bắc Việt. Lúc đó tối trời, tôi tuồn ra khỏi lạch, tìm đường đất về Củ Chi. Vì tối quá, tôi quanh quẩn mãi trong một mũi tam giác. Không biết mình ở đâu. Sàigòn hướng nào. Trời lại mưa.

Đến sáng, tôi vẫn còn người tùy viên bên cạnh, nhưng tôi không nhúc nhích được nữa. Cái chân bị thương càng lúc càng tệ. Tôi bảo người tùy viên cố đi kiếm thầy thuốc. Nhưng chưa kiếm được, chúng tôi đã lọt vào một đám năm sáu chục bộ đội miền Bắc. Từ xa cứ tưởng họ là lính miền Nam. Đến khi thấy vậy, tôi đành bảo người tùy viên: “Thôi bị bắt rồi. Không chạy nổi nữa đâu.”

Bấy giờ quân phục tôi bê bết bùn, họ không nhận ra tôi là cấp tướng, không biết tôi là ai. Nhưng có một bà già thấy tôi. Bà già này bước lại, nói: “Chuyện chi vậy chuẩn tướng? Sao quần áo ông dơ dáy quá vầy nè?” Mấy người bộ đội đứng quanh đấy nghe được. Trước đó, họ chỉ tưởng tôi là một trung tá, không biết tôi đã là tỉnh trưởng Bình Dương.

Họ đưa tôi vào nhốt trong một căn phòng chung quanh có rào kẽm gai. Tôi ngồi đấy, nghĩ rằng khi họ khám phá ra tôi, thế nào họ cũng xử tử. Nên khi mấy người lính của tôi hỏi có muốn viết thư nhắn vợ tôi không, tôi bảo: “Không. Tôi không muốn viết thơ cho ai cả.”

Những người bộ đội bắt tôi là lính của ba sư đoàn đã đánh với Sư đoàn 25 của tôi. Họ bảo Sư đoàn Trưởng của họ sẽ đến gặp tôi. Họ nói ông ta muốn đến gặp người đã đương đầu với ông ta.

Tôi nói “Tôi đã mất hết quân rồi, bây giờ các ông muốn làm gì cứ làm.” Khi viên Sư đoàn Trưởng Bắc Việt đến gặp, tôi nói: “Ông đã biết khi tôi bắt được lính của ông thì tôi đã đối xử như thế nào. Bây giờ tôi chỉ yêu cầu ông hãy đối xử với lính của tôi như thế. Tôi đã đối xử tử tế với tù binh các ông hơn là cách ông đối xử với tù binh chúng tôi.”

Vì thế anh ta nói: “Chuẩn tướng, chúng tôi không có gì thù nghịch ông cả. Vì buổi đầu, bộ đội chúng tôi còn quá khích, nên có lẽ họ đã đối xử với ông không được tốt đẹp.”

Tôi bảo ông ta: “Họ bắt chúng tôi ngủ trên sàn đất trong hàng rào kẽm gai. Tôi không thích việc đối xử với các binh sĩ của tôi như vậy.” Tôi không lo lắng gì cho bản thân tôi. Tôi nghĩ họ sẽ xử tử tôi, nên tôi chỉ quan tâm về việc đối xử với các binh sĩ của tôi thôi.

Ngày mùng 3 tháng Ba, nghe tin đồn tôi bị giết ở Củ Chi, vợ con tôi đều rời Sàigòn xuống Hậu Giang, kiếm được một tàu gỗ sang Mã Lai. Tại Mã Lai có vài người Mỹ biết tôi, họ nhận ra vợ tôi nên đã đưa vợ con tôi sang Mỹ, chuyện này một năm sau tôi mới biết. Khi rời Sàigòn, vợ tôi đinh ninh tôi đã chết rồi.

Tôi nghĩ tôi sẽ bị giết, do đó tôi không viết thư cho vợ tôi. Tôi sợ nếu có thư tôi, vợ tôi sẽ ở lại chờ, thôi đằng nào họ cũng giết, nên tôi không thư từ gì cả.

Sau đó các binh sĩ của tôi đều được thả, nhưng họ giữ lại tất cả các sĩ quan. Họ đưa tôi về lại Củ Chi với các sĩ quan tham mưu của tôi. Lại một lần nữa, họ giam chúng tôi sau hàng rào kẽm gai. Lần này suốt một tháng. Sau đó họ đưa tôi về Sàigòn làm kiểm điểm để đi “học tập,” rồi họ gửi tôi đến “trại học tập.” Lúc ấy tôi mới nghĩ rằng tôi thoát chết.

Tôi bị gửi ra Bắc vào tháng Bảy năm 1975, mãi đến tháng Chạp 1987 mới được thả. Tôi đã phải làm lao động trong mười hai năm. Tướng Lê Minh Đảo ở cùng một trại với tôi.

Tôi đã chiến đấu cho xứ sở tôi. Tôi đã làm bổn phận tôi. Tôi đã tận lực phục vụ. Và tôi đã thua, nhưng tôi vẫn hãnh diện. Khi không còn làm được công việc của tôi, tôi vẫn cố gắng chiến đấu. Tôi đã mất quân đội, nhưng tôi không hề bị đánh bại. Tôi đã chỉ làm công việc cho đất nước Việt Nam. Khi viên tướng Bắc Việt mà tôi đã đương cự hỏi tôi rằng: “Bây giờ ông nghĩ thế nào,” thì tôi nói: “Tôi là một người Việt Nam – Tôi mong được nhìn thấy một đất nước Việt Nam phú cường, một dân tộc Việt Nam tự do, hạnh phúc.”

Nhưng tôi đã nghĩ: Việt Nam vẫn còn phải chiến đấu cho tự do. Cuộc chiến chưa tàn. Dân tộc vẫn muốn có tự do. Từ khi hãy còn là một thiếu úy cho đến nay, tôi vẫn nghĩ như vậy. Dân tộc Việt Nam đã cố giải quyết vấn đề bằng chiến tranh, nhưng cuộc chiến đã quyết định được những gì? Bây giờ miền Bắc thắng, và chúng tôi đã hy vọng đất nước Việt Nam được tốt đẹp. Việt Nam đã mất biết bao nhiêu người dân lương thiện, và bây giờ, thử nhìn vào đất nước mà xem. Tôi phải nói là đã không đạt được gì từ cuộc chiến. Cuộc chiến vẫn còn. Tôi vẫn nói với các thủ lãnh của đất nước ngày nay rằng “Tôi đã làm nhiệm vụ của tôi, và tôi đã thua. Quý ông bây giờ có thể làm bất cứ cái gì quý ông muốn. Nếu quý ông làm tốt, dân tộc tự do thịnh vượng thì tôi sẽ chẳng có điều gì để chống lại các ông cả. Nhưng bây giờ thử nhìn xem, đất nước này đã xảy ra những gì. Chiến thắng của quý ông giờ đây có ý nghĩa gì? Quý ông sẽ làm gì đây?”

Xứ sở chúng tôi là một xứ sở nhỏ bé nghèo khó. Chúng tôi cần những trợ giúp bên ngoài. Bây giờ, có lẽ chúng tôi còn cần phải có các lãnh tụ mới. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc chăm chỉ, chịu khó và lương thiện. Dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng cho tự do và thịnh vượng. Dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng để trở lại một thành phần của cộng đồng thế giới. Tiềm lực là ở đấy. Nhưng vẫn lại xảy ra cùng một căn bịnh. Chế độ mới cũng đã mắc phải cùng một căn bịnh của chế độ cũ. Căn bịnh tham nhũng. Một căn bịnh xói mòn cả dân tộc này. Ngày nay nếu không ưa ai, không thích ai nói ra một điều gì, người ta cứ việc bỏ họ vào tù.

Xã hội này là một xã hội thối nát. Người ta trở thành thối nát vì các lãnh tụ đã thối nát.

Các binh sĩ của tôi bỏ chạy bởi vì họ đã nhiễm bịnh từ các thủ lãnh của họ và từ ở xã hội. Họ không còn muốn chết cho cái xã hội không xứng đáng ấy nữa. Cái linh hồn bịnh hoạn của xã hội này đã làm cho họ ghê sợ. Vậy nếu bắn một người lính bỏ chạy thì chỉ giết được một người lính, không giết được căn bịnh. Còn trừng phạt một người về chuyện tham nhũng, cũng chỉ trừng phạt một cá nhân, căn bịnh vẫn tiếp diễn thôi.

Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc tự sát vì thua cuộc cả. Tại sao tôi lại phải tự sát? Chuyện ấy quá vị kỷ tự tôn. Tự sát! Tự sát có ích lợi gì? Nhiệm vụ của tôi là chiến đấu. Chiến đấu cho đến khi tử trận, hoặc đến khi bị cầm tù. Tôi là ai, nào có phải là một ông quan thời phong kiến cứ phải chết cho vua chúa đâu? Tôi đã chiến đấu cùng với các binh sĩ của tôi. Tôi đã không tử trận. Tôi chỉ bại trên chiến trường. Tôi bại trận, nhưng tôi vẫn còn sống sót.

Bây giờ đây, tôi đang ở Sàigòn, tôi không có chuyện gì làm. Tôi đã nạp đơn xin đi Mỹ để đoàn tụ với vợ và con gái tôi hiện ở tiểu bang Nevada. Một trong mấy con trai tôi là sinh viên đại học San Diego. Và con trai út của tôi hiện nay là một ngôi sao sáng về banh bầu dục tại đất nước Hoa Kỳ.

https://phanba.wordpress.com/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn