CÂU CHUYỆN VỀ BỨC TƯỢNG THỦY QUÂN LỤC CHIẾN – Tô Văn Cấp

Thứ Bảy, 17 Tháng Tư 20215:57 CH(Xem: 6338)
CÂU CHUYỆN VỀ BỨC TƯỢNG THỦY QUÂN LỤC CHIẾN – Tô Văn Cấp

Tô Văn Cấp

https://a4.pbase.com/o6/90/668790/1/78210597.6nR4GPwY.scan0060.bmp

Ảnh tượng Thủy Quân Lục Chiến của tom briggs năm 1966,

Năm 1966, Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ giao cho mỗi đơn vị quân đội dựng một biểu tượng cho đơn vị mình tại các công viên hay công trường trong thành phố Saìgon và Chợ Lớn, những kiến trúc ấy như sau:

+ Hải Quân dựng tượng thánh tổ Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng.

+ Không Quân với “Tổ Quốc và Không Gian” trước tòa Đô Chính.

+ Thủy Quân Lục Chiến với bức tượng 2 người lính ở vườn hoa trước Quốc Hội.

+ Pháo Binh có biểu tượng trước hội trường Diên Hồng.

+ Truyền Tin với thánh tổ Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành.

+ Thiết Giáp với thánh tổ Phù Đổng Thiên Vương tại bùng binh ngã sáu Sài Gòn Xưagon.

+ Biệt Đông Quân có tượng 3 người lính tại ngã sáu Lý Thái Tổ.

+ Nhẩy Dù có biểu tượng đặt trước bệnh viện Sùng Chính.

+ Quân Nhu đặt biểu tượng trên đường Hồng Bàng Chợ Lớn.

+ Quân Cụ đặt biểu tượng trên đường Khổng Tử.

+ Cảnh Sát đặt hai nhân viên đứng thao diễn nghỉ trên đường Thành Thái …

Cái lý do thủ tướng cho thiết lập các biểu tượng này là muốn thay đổi nét mặt của thủ đô đẹp hơn và cũng mang một dáng dấp “Nội Các Chiến Tranh”. Nhưng thời gian đó cũng có những cuộc biểu tình phản chiến thường tập trung tại những địa điểm này để phản đối chính phủ, đồng thời nhiều tin đồn là một số tu sĩ của tôn giáo nọ dự định chiếm các nơi này để dựng những “hình ảnh” tôn giáo với mục đích làm khó dễ chính phủ nên chính phủ phải ra tay trước (người viết xin nhắc lại đây chỉ là tin đồn, thực hư tùy người nghe), giao cho các đơn vị quân đội thực hiện biểu tượng của mình thật gấp.

Vị trí cho từng đơn vị thì được bốc thăm (?) và chính phủ cấp cho mỗi đơn vị một ngân khoản rất hạn chế. Ngân khoản hạn chế, thời gian gấp rút nên đa số các biểu tượng không được đúng với tiêu chuẩn nghệ thuật. Đẹp và có ý nghĩa nhất là tượng Phù Đổng Thiên Vương, thánh tổ Thiết Giáp (TTTG), Đức Trần Hưng Đạo, thánh tổ Hải Quân (TTHQ), ĐứcTrần Nguyên Hãn, thánh tổ Truyền Tin (TTTT). Người viết không dám có ý kiến về các biểu tượng khác, nhưng riêng về biểu tượng của Thủy Quân Lục Chiến là hai người lính trước tòa nhà Quốc Hội thì nhiều người cho là có vị trí đẹp nhất. Nhưng với tôi, vị trí lý tưởng nhất là công viên trước tòa Đô Chính với biểu tượng “Tổ Quốc và Không Gian” của binh chủng Không Quân, và tượng Đức Trần Hưng Đạo của binh chủng Hải Quân tại công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng.

https://virtual-saigon.net/Asset/Preview/dbImage_ID-27883_No-1.jpeg

Nói về tượng Thủy Quân Lục Chiến, họa sĩ Lương Trường Thọ (Trung Tâm Huấn Luyện Thủy Quân Lục Chiến) kể lại:

– “Tượng TQLC đặt trước quốc hội là một vị trí đẹp nhất của đô thành Saigon, chính vì vậy mà được nhiều người biết đến. Đầu tiên là Thiếu Tá Huỳnh Huyền Đỏ, thuộc bộ Tổng Tham Mưu làm phác thảo mẫu tượng với ba người lính TQLC. Thiếu Tá Huỳnh Huyền Đỏ là điêu khắc gia xuất thân trường Mỹ Thuật Gia Định, khi đang thực hiện công trình này thì vì một lý do nào đó ông không thể tiếp tục được nữa nên giao công việc đang còn dang dở cho TQLC.

Vì phải hoàn thành đúng thời hạn nên TQLC giao cho Thiếu Úy Đinh Văn Thuộc tiếp tục công việc với sự góp ý và hường dẫn của Họa Sĩ Lê Chánh (Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến) và Họa Sĩ Lương Trường Thọ (Trung Tâm Huấn Luyện Thủy Quân Lục Chiến).

Thiếu úy Đinh Văn Thuộc là đại đội trưởng đại đội Công Vụ TQLC. Tuy không là họa sĩ hay điêu khắc gia mà chỉ là tay ngang vậy mà ông cùng anh em đại đội Công Vụ đã nhận lãnh trách nhiệm do trên giao, họ làm việc liên tục 24/24 và anh em đã hoàn thành nhiệm vụ.

Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã tốn công tốn của và được phủ tồng thống yểm trợ tối đa nên mới hoàn thành được bức tượng “Tiếc Thương”, còn Thiếu Úy Đinh Văn Thuộc và anh em binh sĩ TQLC chỉ là tay ngang mà đắp được bức tượng đồ sộ như thế thì đáng khâm phục, không thể phê bình hay đòi hỏi gì hơn về nghệ thuật chuyên môn như của một điêu khắc gia được.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến chỉ trích bức tượng này thí dụ như lòng cây súng đại liên ngắn quá, còn cái mông của người lính thì quá to. Họa sĩ Lương Trường Thọ (Trung Tâm Huấn Luyện Thủy Quân Lục Chiến) có giải thích :

– Thực ra các với sự góp ý của họa sĩ Lê Chánh (Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến), các anh đắp cũng nghệ thuật lắm, nhưng vì toàn trọng lượng của bức tượng này quá nặng, phải dùng xe cần cẩu để đưa vào đúng vị trí, lại phải xê dịch nhiều lần theo ý của cấp trên sao cho hướng súng không “trực xạ” vào Quốc Hội, vì thế lòng súng bị cong và mông người lính bị nứt! Ngày khánh thành gần kề, không còn thời gian sửa chữa nên Thiếu Úy Đinh Văn Thuộc cho cưa bớt phần cong lòng súng đi. Còn cái mông anh lính? Lại phải độn thêm, đắp thêm nhiều lớp đề che đi chỗ bị nứt và kết dính các bộ phận khác vào với nhau, đó cũng là một nghệ thuật.

Nhưng bức tượng hai người lính TQLC lại là một bức tượng nổi tiếng, nhiều người biết đến do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó có thể là do hướng súng đại liên, và nhất là trong ngày cuối cùng của VNCH, một vị anh hùng đã chọn chân tượng đài TQLC để tự sát.

https://virtual-saigon.net/Asset/Preview/dbImage_ID-27885_No-1.jpeg

Hai người lính TQLC ôm súng xung phong vào tòa nhà Quốc Hội?

Chi tiết này là nguyên do chính được nhiều người biết đến và cũng là lý do khiến bức tượng hai người lính này “vất vả” với các vị dân cử ngồi trong tòa nhà quyền lực cao nhất nước khi các vị dân biểu trong Quốc Hội hỏi “giấy phép” và bắt đi chỗ khác chơi !

Tại sao? Vì vào thời điềm này thì một vị dân biểu bị ám sát chết (dân biểu Văn) nên một số vị dân biểu càng tin “Quốc hội xui xẻo” vì cái họng súng đen ngòm kia! Dị đoan bói toán đã là một “yêu” điểm của các ông tai to mặt lớn ở hậu phương nên các ông này chính thức lập phái đoàn để chất vấn TQLC về lý do tại sao lại cho lính ôm súng “xung phong vào quốc hội?”.

Thiếu Tá Lê Đình Bảo, Trưởng Phòng Chính Huấn Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến kể:

– Một phái đoàn gồm nghị sĩ và dân biểu họp và thảo luận với Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến về bức tượng với mục đích muốn dời tượng đi chỗ khác. Lý do là súng đại liên TQLC chĩa vào Quốc hội? Nhưng một vị thuộc Bộ Tư Lệnh xác định với phái đoàn là: “ TQLC không hướng súng vào Quốc Hội mà là bảo vệ Quốc Hội, súng TQLC nhắm vào bên hông trái QH, nơi có hang ổ của phản chiến và nội tuyến. Quý vị có thể ra tận nơi để xác định hướng súng. Hơn nữa, mỗi ngày có hằng trăm anh em chúng tôi hy sinh tại chiến trường trong khi ở hậu phương chỉ có một dân cử bị nạn mà quý vị đòi dẹp bỏ biểu tượng của TQLC chúng tôi!”.

(Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm về vị trí nhà hàng Givral và khách sạn Continental. Nếu chúng ta đứng dưới chân tượng TQLC nhìn về QH thì bên tay trái chúng ta, góc đường Lê Lợi và Tự Do là nhà hàng Givral, băng qua đường Tự Do là khách sạn Cotinental, cả hai nơi này là tụ điểm của những nhà báo và những tên tình báo thường xuyên lui tới để trao đồi tin tức, luận bàn tình hình chính trị và chiến trường)

Hai người lính TQLC vẫn sừng sững giữ vững tay súng giữa thủ đô, họ chỉ sụp đổ sau khi chế độ đã bị giật sập cùng với một anh hùng tự sát : Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long, Ông là Chánh Sở Tư Pháp vùng 1, mới vừa di tản về Saigòn, người viết lại tiểu sử bức tượng hai người lính TQLC trước tòa nhà Quốc Hội VNCH với sự góp ý khá chính xác của những nhân chứng sống, nhưng vẫn xin được xem như câu chuyện “bên lề” vì thiếu tài liệu chứng minh. Trong tương lai nếu có những góp ý khác xin bổ sung sau

Tô Văn Cấp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn