Chiến lược vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng khiêu khích

Thứ Sáu, 16 Tháng Tư 20217:00 SA(Xem: 3020)
Chiến lược vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng khiêu khích

Chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại CSIS ở Mỹ, nhận định chiến lược vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông đang trở nên khiêu khích hơn.

Trong khi thế giới dõi theo tàu container khổng lồ Ever Given gặp sự cố ở kênh đào Suez gây nên vụ tắc nghẽn đắt đỏ nhất trong lịch sử, ở một điểm nút phía bên kia của châu Á, tuyến hàng hải quan trọng khác cũng đang chứng kiến những diễn biến đáng lo ngại không kém.

Tại Biển Đông, hơn 200 tàu cá Trung Quốc ngang nhiên neo đậu tại bãi đá ngầm ở cụm Sinh Tồn thuộc chủ quyền Việt Nam từ hôm 7/3.

Sự cố của Ever Given với thiệt hại hàng tỷ USD phơi bày sự mong manh của thương mại toàn cầu khi tuyến hàng hải nắm giữ khoảng 12% thương mại thế giới bị tê liệt trong 6 ngày.

Và diễn biến ở Biển Đông cũng cho thấy câu chuyện địa chính trị có thể đe dọa tự do hàng hải và thương mại thế nào trong bối cảnh hành động của Trung Quốc ngày càng ngang ngược. Biển Đông là tuyến đường biển với 30% vận tải hàng hải toàn cầu lưu thông mỗi năm, trị giá ít nhất 3.400 tỷ USD thương mại thường niên.

Chỉ rõ tàu cá là dân quân biển Trung Quốc

Chia sẻ quan điểm với Zing, giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, gọi hành động của hơn 200 tàu nói trên là “sự bủa vây của Trung Quốc” - thuật ngữ quân sự có nghĩa là bao vây một thực thể để giữ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với đá Ba Đầu, nằm trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quoc neo dau tau o da Ba Dau anh 2

Ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies (Mỹ) ghi nhận hôm 23/3 cho thấy khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn. Ảnh: Maxar.

“Sự bủa vây của Trung Quốc với đá Ba Đầu mang tính khiêu khích hơn là nguy hiểm. Nó thể hiện sự leo thang của chiến thuật mà Trung Quốc đã áp dụng tại đảo Thị Tứ”, giáo sư Thayer nói với Zing, nhắc tới đảo Thị Tứ ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát.

“Trong trường hợp này, các tàu Trung Quốc có khả năng là tàu đánh cá của lực lượng dân quân biển, đặc biệt là tàu cá Phàm Trình, không phải tàu chiến của hải quân”, ông chỉ rõ.

Tàu cá Phàm Trình được giáo sư Thayer nhắc tới ở trên vốn thuộc công ty đánh bắt hải sản Taishan Fancheng (Ngư nghiệp Đài Sơn Phàm Trình).

Công ty được đăng ký thành lập vào tháng 10/2016, đặt trụ sở tại thành phố Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Công ty lại thuộc quản lý của thành phố cảng Giang Môn, thuộc tỉnh Quảng Đông.

Theo các chuyên gia Andrew Erickson và Ryan Martinson của Đại học Hải chiến Mỹ, tàu của Ngư nghiệp Đài Sơn Phàm Trình có thể là đơn vị dân quân biển hiện đại nhất từng được Trung Quốc phát triển và triển khai.

Trung Quoc neo dau tau o da Ba Dau anh 3

Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trên Biển Đông ngày 7/3. Ảnh: AP.

Trung Quốc hành động nguy hiểm

“Hành động của Trung Quốc gợi nhớ cho tôi tới việc lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển của Trung Quốc quấy rối những hoạt động thăm dò dầu khí ở bờ biển phía nam của Việt Nam và ngoài khơi các tỉnh Sarawak và Sabah của Malaysia vào năm 2019 và 2020”, ông Murray Hiebert, cố vấn cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định với Zing.

Theo vị chuyên gia, việc hơn 200 “tàu cá” của Trung Quốc neo đậu trái phép cùng những cảnh báo từ phía Trung Quốc với lực lượng tuần tra của Philippines khiến khả năng đối đầu tiềm tàng trở nên nguy hiểm.

Giáo sư Erickson cảnh báo mô hình dân quân biển đang diễn ra tại cụm Sinh Tồn cần được nhận diện và vạch trần bởi giới nghiên cứu lẫn chính phủ các nước, nhằm ngăn chặn những kiểu hành xử còn nguy hiểm hơn trong tương lai. Một trong những kịch bản xấu có khả năng xảy ra là “tàu cá” Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng lâu dài tại các thực thể trên Biển Đông, sau bước tiền đề là “lánh nạn” vì thời tiết xấu.

Cũng theo vị chuyên gia, Trung Quốc sau đó sẽ tìm cách ngăn chặn tàu nước khác tiếp cận và khai tác tài nguyên trong vùng biển, rồi nạo vét, chiếm đóng và quân sự hóa thành tiền đồn mới bất chấp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.

Trung Quoc neo dau tau o da Ba Dau anh 4

Đội hình tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi đá gần Sinh Tồn Đông của Việt Nam. Ảnh: Maxar.

Toan tính của Trung Quốc

Trả lời Zing, các chuyên gia quốc tế vạch rõ rằng Trung Quốc đang dùng chiến thuật vùng xám, khiêu khích dưới ngưỡng sử dụng lực lượng vũ trang - chẳng hạn dùng đội lớn các tàu cá dân quân biển - để gây rối trên Biển Đông.

Theo chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại CSIS ở Mỹ, chiến lược vùng xám của Trung Quốc đang trở nên khiêu khích hơn.

“Chiến lược vùng xám của Trung Quốc đang trở nên khiêu khích và quyết liệt hơn. Họ nhắm tới dần dần đẩy các bên khác ở Đông Nam Á khỏi Biển Đông với sự gia tăng về số lượng của lực lượng thực phi pháp luật và dân quân biển của Trung Quốc”, ông Poling nói. Đồng thời, vị chuyên gia cho rằng cũng có khả năng Bắc Kinh có ý định chiếm đóng bãi đá ngầm ở Ba Đầu này.

Trong khi đó, chuyên gia CSIS Murray Hiebert cho rằng ý đồ của Trung Quốc trong động thái này vẫn chưa rõ, liệu họ muốn chiếm đóng hay đang thử thách sự kiên quyết của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Theo phân tích của giáo sư Thayer, việc Trung Quốc dùng chiến thuật vùng xám có thể nhằm tạo tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Mỹ vì Washington sẽ không có lực lượng hàng hải đối trọng với dân quân biển của Trung Quốc.

“Mỹ chỉ có thể đối phó với dân quân biển của Trung Quốc bằng cách dùng các tàu chiến hải quân. Kịch bản đó sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và Trung Quốc sẽ nương vào đó để đẩy mạnh tuyên truyền. Điều đó có thể dẫn tới đánh lạc hướng sự quan tâm của công luận khỏi những hành động quân sự hóa trái phép, hăm dọa và bắt nạt của Trung Quốc, và dồn sự chú ý vào những hành động quân sự của Mỹ”, ông Thayer phân tích.

Về vấn đề này, tiến sĩ Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và chính trị của các nước châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Lực lượng Tuần duyên Mỹ có thể là một giải pháp, ở khía cạnh lực lượng này không thể khiến Trung Quốc phản ứng thái quá như với tàu chiến hải quân. "Tàu tuần duyên Mỹ cũng sẽ giúp Mỹ tái khẳng định với các nước trong khu vực rằng họ sẵn sàng bảo vệ luật pháp quốc tế", ông Chapman nói với Zing.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn