Bertrand Tavernier : Hành trình làm phim ngưng ở tuổi 79

Thứ Bảy, 27 Tháng Ba 202110:00 SA(Xem: 2433)
Bertrand Tavernier : Hành trình làm phim ngưng ở tuổi 79
rfi.fr

Bertrand Tavernier : Hành trình làm phim ngưng ở tuổi 79

Tuấn Thảo

Làng điện ảnh Pháp vừa đánh mất một tên tuổi lớn. Hôm 25/03 vừa qua, đạo diễn Bertrand Tavernier đã từ trần vì chứng viêm tụy tại nhà riêng ở thị trấn Sainte Maxime, miền nam nước Pháp. Sinh thời, ông là giám đốc của Viện phim ảnh Lumière tại Lyon. Viện này đã loan tin ông mất trước mọi người.

Tại Pháp, ông Bertrand Tavernier (1941-2021) chiếm một vị trí quan trọng trong giới làm phim. Ông không chỉ đơn thuần là một nhà đạo diễn, mà còn có tài soạn kịch bản, viết sách kể cả tiểu luận phê bình và lịch sử điện ảnh. Ngòi bút của ông có uy tín trước hết nhờ vào kinh nghiệm bề dày cũng như vốn kiến thức uyên thâm về nghệ thuật thứ bảy. Sự hiểu biết sâu rộng ấy bắt nguồn từ niềm đam mê "vô biên" của ông từ thời niên thiếu. Trước khi trở thành một đạo diễn tài ba, ông tầm sư học đạo với những bậc thầy điện ảnh, từ Jean Pierre Melville cho tới Stanley Kubrick.

Sinh tại thành phố Lyon (nguyên quán của hai anh em Auguste và Louis Lumière từng khai sinh điện ảnh), ông Bertrand Tavernier xuất thân từ một gia đình trí thức. Thân phụ của ông là nhà thơ René Tavernier (1915-1989), chủ bút tờ nguyệt san văn học Confluences, hợp tác với nhiều ngòi bút nổi tiếng như Paul Éluard, Max Jacob hay Louis Aragon... Từ nhỏ, cậu bé Bertrand đã thấm nhuần ảnh hưởng của giới văn nghệ sĩ từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Đức quốc xã, trong đó có hai nhà văn Elsa Triolet và Louis Aragon, họ sống chung ở tầng phía trên nhà bố mẹ ông. 

Từ đam mê đầu đời đến tầm sư học đạo 

Năm 12 tuổi, Bertrand Tavernier khám phá nghệ thuật thứ bảy sau khi cùng với gia đình dọn lên Paris sinh sống. Ban đầu là thú vui, nhưng phim ảnh lại nhanh chóng trở thành sau đó một niềm đam mê "vô bờ bến" như ông thường nói. Cậu bé bắt đầu sưu tầm và đọc nhiều sách báo về thế giới điện ảnh. Ở trường lớp ông tham gia các câu lạc bộ chiếu phim, sau tú tài ông bắt đầu kiếm sống bằng cách viết bài đăng báo (Télérama, Positif, Les Cahiers du Cinéma...), lấy tiền nhuận bút là "chuyện nhỏ", thỏa mãn đam mê xem xinê mới là "chuyện lớn". 

Năm ông tròn 20 tuổi, Bertrand Tavernier được chọn làm trợ lý cho đạo diễn lừng danh Jean-Pierre Melville trong bộ phim "Léon Morin prêtre" (1961) với nam diễn viên Jean-Paul Belmondo trong vai chính. Ông bắt tay thực hiện những bộ phim ngắn đầu tiên vào năm 1964, nhưng không hài lòng cho lắm về kết quả, ông chuyển sang viết sách và nghiên cứu cách làm phim của nhiều tên tuổi lớn chủ yếu là phim Mỹ như John Ford, Raoul Walsh hay John Houston .... Tất cả những bài phê bình ấy sau đó được tập hợp lại thành bộ sách "50 năm điện ảnh Hoa Kỳ" phát hành vào năm 1991 mà giới sinh viên chuyên ngành thường tìm đọc để trao dồi kiến thức. 

Cũng trong suốt một thập niên, từ 1964 đến 1974, ông làm phụ tá  cho đạo diễn Stanley Kubrick với tư cách "tùy viên báo chí"', tổ chức họp báo, phiên dịch phỏng vấn, viết bài giới thiệu phim cho mỗi lần công chiếu tác phẩm như "2001 : A Space Odyssey" (1968), "A Clockwork Orange" (1971) hay là "Barry Lyndon" (1975). Một lần nữa, công tác phụ trách mảng truyền thông là chuyện phụ, trao đổi học  hỏi kinh nghiệm làm phim với thầy mới là việc chính.

Tavernier không giống mà cũng chẳng bắt chước ai 

Mãi đến năm 1974, Bertrand Tavernier lúc ấy 33 tuổi mới cảm thấy có đủ bản lĩnh để kể chuyện từ đằng sau ống kính thu hình. Cho bộ phim truyện dài đầu tay, ông chuyển thể lên màn ảnh lớn quyển tiểu thuyết tâm lý hình sự của Georges Simenon thành bộ phim "Thợ sửa đồng hồ" (The Clockmaker / L'Horloger de Saint Paul). Thành công của tác phẩm này dẫn tới nhiều bộ phim ăn khách khác và nhất là đánh dấu quan hệ hợp tác dài lâu giữa ông với nam diễn viên Philippe Noiret.

Xuất hiện trong làng điện ảnh cùng thời với Godard và Truffaut, và ông cũng từng làm việc với nhà sản xuất Georges de Beauregard, nhưng Bertrand Tavernier không theo trường phái Làn sóng mới (Nouvelle Vague), khi bắt đầu quay phim từ năm 1974 trở đi, ông cũng đưa ra một nhãn quan khác với hai đạo diễn cùng thời là Chabrol và Sautet chuyên mổ xẻ quan hệ gia đình trung lưu, giai cấp tiểu tư sản. Phong cách làm phim của Tavernier trau chuốt về mặt hình ảnh, chăm chút khâu viết lời thoại, cân nhắc từng chữ.

Tuyến tính và bối cảnh thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng trong phim của Tavernier, điều đó giải thích vì sao ông không thiên về một thể loại mà lại chú trọng đến việc đưa ra một góc nhìn đậm tính nhân văn, phản ánh bức tranh xã hội, chuyện có thể diễn ra ở mọi nơi, nhân vật dễ bắt gặp ở mọi thời. Tác phẩm "L.627" là một phim hình sự nói về thế giới của băng đảng và ma túy, "L'Appât" được quay như phim tài liệu về ba tội phạm cướp của giết người, "Capitaine Conan" và "La vie et rien d'autre" đều là phim nói về thân phận con người trong cơn lốc của Thế chiến thứ nhất, "Princesse de Montpensier" hay là "Que la fête commence" đều là phim cổ trang nhưng lại rất "thời nay" khi soi rọi bản chất tốt hay xấu của con người trước địa vị và danh vọng. Trong cách tiếp cận và đặt vấn đề, Bertrand Tavernier tạo ra được một góc nhìn riêng biệt, không giống mà cũng chẳng bắt chước ai.

Phim tài liệu "Hành trình xuyên điện ảnh Pháp"

Sau một thời kỳ gọi là "giai đoạn Mỹ" trong sự nghiệp của mình, ông quay phim "In the Electric Mist" với Tommy Lee Jones và nhất là "Round Midnight" kể lại cuộc đời của hai nghệ sĩ nhạc jazz Lester Young, Bud Powell và nhờ vậy đoạt giải Oscar và được đề cử Quả cầu vàng. Tính tổng cộng, trong gần nửa thế kỷ sự nghiệp làm phim (1974-2021), đạo diễn đạo diễn người Pháp đã quay và viết kịch bản cho khoảng 50 tác phẩm đủ loại kể cả phim truyện và tài liệu. Ông đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải đạo diễn xuất sắc tại liên hoan Cannes năm 1984 (Un dimanche à la campagne), giải điện ảnh Anh quốc BAFTA dành cho tác phẩm nước ngoài (La vie et rien d'autre), giải Gấu vàng tại liên hoan Berlin năm 1995 (cho bộ phim L' Appât). Còn giải Sư tử vàng tại liên hoan Venise là nhằm để vinh danh cho toàn bộ sự nghiệp của đạo diễn Pháp. 

Khi trở thành giám đốc Viện phim ảnh Lumière, Bertrand Tavernier tuy quay phim ít hơn nhưng lại có nhiều nỗ lực bảo tồn các di sản điện ảnh, tránh cho các thước phim xưa chìm vào quên lãng.

Vào năm 2016, ông quay phim "Hành trình xuyên điện ảnh Pháp" (Voyage à travers le cinéma français) một bộ phim tài liệu dài hơn 3 tiếng nhưng trong đó lại có tới 594 trích đoạn từ gần 100 bộ phim truyện khác nhau. Từ lời chú thích đến cách dẫn chuyện, Bertrand Tavernier qua phim tài liệu này đã thực hiện tác phẩm "để đời", cho thấy niềm đam mê điện ảnh tựa như con vi trùng ăn sâu vào xương tủy để rồi với thời gian không hạ nhiệt mà lại biến thành cơn sốt nung cháy một trái tim đầy tâm huyết.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn