NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỚ HOÀI CỦA CHÂU ĐỐC XƯA - Anh Phương Trân Văn Ngà

Thứ Sáu, 19 Tháng Ba 20218:14 CH(Xem: 4997)
NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỚ HOÀI CỦA CHÂU ĐỐC XƯA - Anh Phương Trân Văn Ngà

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỚ HOÀI CỦA CHÂU ĐỐC XƯA                                     

                                                                                                     Anh Phương Trân Văn Ngà


Nhân năm Con Trâu - Tân Sửu - năm 2021 - trâu cày ná thở và còn mang theo khổ lụy vì đại dịch COVID 19, người viết thuật chuyện không mới mà lại là chuyện đời xưa, cũ mèm của thế hệ - tuổi trên 80, một thời vang bóng ở quê tôi. Châu Đốc, một tỉnh biên thùy có núi non hùng vĩ nhiều nhứt ở miền Nam Việt Nam, thiên nhiên ưu đải, thổ nhưỡng phì nhiêu, tài nguyên vô cùng phong phú, là vùng đất mới khai phá, đất lành chim đậu, còn được gọi là vùng đất thiêng, huyền bí Thất Sơn. Châu Đốc còn gọi là xứ mắm, vựa cá ngọt khổng lồ của cả nước khi đến mùa nước nổi (nước lủ). 

Tỉnh Châu Đốc năm xưa có 5 quận: Châu Phú - An Phú - Tân Châu - Tịnh Biên và Tri Tôn mà có đến 4 quận từ Tịnh Biên - Châu Phú - An Phú đến Tân Châu có biên giới liền với nước Campuchia. Đặc biệt về sắc dân, ngoài gốc Việt Nam chiếm đa số, còn có người Khơ Me (vốn là dân bản địa còn trụ lại), gốc Champa (Hồi Giáo - hệ Sunni theo hệ phái với Mã Lai) -  gốc Hoa (nhiều nhứt là Triều Châu). Bốn dân tộc sống chung hòa bình từ xa xưa tới nay. Tỉnh Châu Đốc còn nhiều cái nhứt: danh lam thắng cảnh như: Tây An Tự - Miếu Bà Chúa Xứ - Lăng Thoại Ngọc Hầu, Thất Sơn huyền bí - Kinh Vĩnh Tế, đào bằng sức người, rộng và sâu có chiều dài gần cả trăm cây số... nối với sông Giang Thành chảy ra vịnh Xiêm La. 

Châu Đốc còn gây một ấn tượng lớn không phai nhòa trong tâm trí tôi - một người ly hương tỵ nan chánh trị, luôn nhớ Châu Đốc là địa linh nhơn kiệt, nơi đây đã khai sáng và phát triển ba tôn giáo dân tộc: Bửu Sơn Kỳ Hương - Phật Giáo Hòa Hảo và Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ngoài ra, Châu Đốc còn là cái nôi nuôi cá bè, làm mắm, làm khô. Nếu so sánh với tỉnh Long Xuyên xưa và An Giang sau này. Thế mạnh về mọi mặt: kinh tế, tôn giáo, đa văn hóa sắc dân, danh lam thắng cảnh - thế mạnh của ngành du lụch. Trong khi đó tỉnh Long Xuyên hay tỉnh An Giang trước  30.4.1975 hoàn toàn không có - thiếu hẳn những cái nhứt của Châu Đốc, chỉ hơn ChâuĐốc, Long Xuyên ở thế đất cao hơn, không bị ngập nước nhiều trong mùa nước lũ (nước lớn) và cách xa biên giới Miên Việt vì có tỉnh Châu Đốc làm trái độn... Đến cả cuộc thi Sắc Đẹp bầu chọn Hoa Hậu của tỉnh An Giang khi cố TT Ngô Đình Diệm sáp nhập Châu Đốc vào Long Xuyên với tên tỉnh mới là An Giang (1955 hay 1956?). Người đẹp của Thất Sơn Châu Đốc là cô giáo Mỹ Hạnh (học cùng Collège de Chaudoc vớí tôi) được bầu chọn Hoa Khôi tỉnh An Giang, cũng là lần thi sắc đẹp đầu tiên lịch sử của miền Tây. 

Thế mà Châu Đốc của chúng tôi cùng chung số phận đau thương như chánh thể Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản Hà Nội triệt tiêu, không còn tư cách pháp nhân như trước, hoàn toàn bị mất tên. Châu Đốc trở thành Thành phố "tép riu" so với các thành phố lớn như thành phố Cần Thơ, Sài Gòn... và cũng thua xa và trực thuộc An Giang.

Thế hệ trẻ luôn hướng về tương lai, còn người cao niên như thế hệ chúng tôi thường "ngoái cổ" nhìn lại một thời quá khứ của Châu Đốc thân thương bất diệt với những chuyện "đời xưa" ghi nhiều dấu ấn kỷ niệm, không bao giờ nhạt nhòa trong tâm tưởng của những người yêu quê hương đất Mẹ. Tên tỉnh Châu Đốc gợi nhớ gợi thương, luôn vấn vương trong tâm hồn tôi dù đang sống xa cách nửa vòng trái đất. Tâm tư tình cảm của kẻ lữ thứ xa quê hương luôn mãi hướng nhìn về quê cũ với tình yêu thương nồng nàn và luôn nguyện cầu Trời cao ngó xuống thương dân miền Nam (từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau) sớm trở về quê hương với căn cước Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và tỉnh Châu Đốc - địa linh nhơn kiệt  của chúng tôi được trở lại với sự danh dự, hãnh diện tên cũ, ngang hàng với tỉnh An Giang và các tỉnh khác như trước ngày mất nước 30.4.1975.

Bao giở trả lại tỉnh Châu Đốc? - Thất Sơn Châu Đốc mãi trong tôi!

Anh Đào 2.jpg

(H: Hoa anh đào nhà tôi - năm 2020)


Cái hương vị nhớ đời của quê hương Châu Đốc với những loại mắm đặc sản mặn mà, thấm về lâu, thơm ngọt như đường thốt lốt, ngon bùi như cá linh kho mía hay cá linh non nấu canh chua bông điên điển bông súng, thịt bò xào lá dang nước cốt dừa. Và những đặc sản nổi tiếng khác: rắn, rùa, lươn, cá hô từ vài chục ký đến vài trăm ký lô... Đặc biệt hơn nữa về con người, những nữ sinh thời xưa, nay là những bà cụ thuộc U90,U80, một thời xinh đẹp nổi tiếng. Châu Đốc từng sản sinh ra Hoa Khôi đầu tiên của tỉnh An Giang cũng là Hoa Khôi bản địa đầu tiên của miền sông nước hữu tình Miền Tây.

Châu Đốc, đã mất tên tỉnh chỉ còn trong ký ức của những người suốt một đời tha thiết  yêu quê hương, nay chỉ còn lắng đọng trong tâm tư trí nhớ, tiếc nuối khôn nguôi khi phiêu bạt ngàn trùng xa cách hơn nửa vòng trái đất với quê Cha đất Tổ Thất Sơn huyền bí, người viết ngoảnh lại nhìn về quê hương Châu Đốc với hai câu chuyên đời xưa nho nhỏ hay hay "nhớ hoài ngàn năm": học là phải giỏi và là đất lành có nhiều cô gái đẹp - từng sản sinh mỹ nhân hoa hậu nổi tiếng một thời của Châu Đốc và của tỉnh An Giang.

Tôi viết tản mạn câu chuyện vui làm món quà tặng tất cả các bạn sanh trưởng hoặc có phối ngẫu ở Châu Đốc hay từng đi qua vùng đất địa linh nhơn kiệt này hoặc các bạn từng phục vụ ở đây thời chiến hay thời bình, từng yêu mến các món ăn đặc sản Châu Đốc hay yêu một cách tự nhiên vô điều kiện nên đọc bài viết này để cho tâm hồn luôn thoáng rộng, an bình hạnh phúc để còn yêu nhớ nhiều Châu Đốc, một tỉnh biên thùy nước Việt.

                                                                                            Anh Phương Trần Văn Ngà cẩn bút



Những năm tháng yên bình trên toàn cõi miền Nam, sau khi nước Việt Nam bị chia cắt làm hai. Từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc đến ải Nam Quan thuộc Việt Minh cộng sản (tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) và từ vĩ tuyến 17 (cầu Hiền Lương - Bến Hải) trở vào Nam đến mũi Cà Mau thuộc chánh thể Việt Nam Cộng Hòa. Cái mốc thời gian chia cắt từ sau Hiệp Định Genève, ký kết ngày 20.7.1954.

Lúc bấy giờ, từ năm 1955 đến năm 1960, cuộc sống của ngươi dân Miền Nam Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng rất thỏai mái an vui, ấm no hạnh phúc. Không còn cảnh bố ráp đêm tối thời Pháp thuộc tại các khu lao động ở phố thị hay các vùng quê bắt thanh niên đi lính. Và sau này, qua chính thể Việt Nam Cộng Hòa bãi bỏ lệnh tổng động viên - sau khi dẹp tan các tổ chức võ trang giáo phái ở nhiều tỉnh và nhóm dân quân giang hồ Bình Xuyên ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Bối cảnh đất nước Việt Nam trước năm 1954 và miền Nam sau năm 1954 đã hoàn toàn thay da đổi thịt, no ấm, hạnh phúc, tự do, không còn các lực võ trang giáo phái hùng cứ ở nhiều địa phương...

Tôi có cơ duyên sống trong thời gian quá độ giữa chế độ phong kiến, Pháp thuộc và thời kỳ xây dựng lại đất nước với chánh thể mới Việt Nam Cộng Hòa, tự do, dân chủ, pháp trị và dân giàu nước mạnh... Vì những yếu tố khách quan đó, tôi nhớ lại chuyện năm xưa nên viết tản mạn những chuyện học hành của thế hệ chúng tôi trước và phần sau nói về người đẹp Hoa Khôi Châu Đốc chiếm giải Hoa Khôi đầu tiên của tỉnh mới An Giang và cả Miền Tây, như cụ Nguyễn Công Trứ từng nói "giai nhân nan tái đắc, trót yêu hoa nên dan díu với tình"...

  

NHỮNG HỌC SINH XUẤT SẮC CHÂU ĐỐC TRƯỚC NĂM 1954

ANH CHẨN 18 TUỔI ĐẬU TÚ TÀI HAI PHÁP TRƯỚC NĂM 1953

Chúng tôi hãnh diện là người sanh trưởng ở Châu Đốc với tiền tam giang hậu thất đỉnh - một vùng địa linh nhơn kiệt - hun đúc tinh thần vị tha bác ái, bất khuất, vươn lên và hiếu học. Châu Đốc còn vang danh là Đất Thánh - cái nôi của ba tôn giáo dân tộc: Bửu Sơn Kỳ Hương - Phật

 Giáo Hòa Hảo và Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Về chùa cổ và lăng miếu, được xếp vào di sản văn hóa quốc gia: chùa Tây An linh thiêng, Miếu Bà Chúa Xứ hiển linh, Bồ Đề Đạo Tràng huyền bí (dù chưa được xếp hạng di tích văn hóa chánh thức), lăng Thọai Ngọc Hầu uy nghi và kinh Vĩnh Tế hùng vĩ lịch sử với gần 200 năm khai thông.  ChauDoc - Ban do 1890.jpg

(H: Bản đồ tỉnh Châu Đốc năm1890).

Đặc sản độc đáo của Châu Đốc với các loại khô, mắm cá nước ngọt, cá linh tràn sông tràn đồng ruộng nước và nghề nuôi cá bè với biểu tượng cạnh bờ sông tượng Cá Ba Sa sừng sững... Người Châu Đốc còn nổi tiếng về môn võ truyền thống Thất Sơn và những thế võ pha trộn với ba môn phái của võ Tàu, Miên và Thái... Đó là những đặc trưng hào hùng, bất khuất của người dân Châu Đốc. Nhưng, một điều nghịch lý, đa số, người dân sanh trưởng ở Châu Đốc dù học giỏi hay có sắc nước hương trời lại ít thành vợ chồng cùng lớp, cùng trường, cùng quê hay bám trụ với đất lành Châu Đốc mà trôi giạt thành công lớn hay nổi đình nổi đám ở Sài Gòn, các tỉnh thành khác.

Về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, thánh địa tôn giáo, ngoại thương với nước láng giềng Cam Bốt, Thái Lan, có núi rừng nhiều nhứt của cả miền Nam, cái gì cũng nhứt hết nếu so với tỉnh Long Xuyên và nhiều tỉnh khác của cả miền Nam, thế mà vẫn mất tên tỉnh mới lạ.! 

Châu Đốc bị mất tên tỉnh hai lần, thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm (năm 1955 hay 1956?). Lần thứ hai, khi cộng sản Bắc Việt chiếm được toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa từ 30.4.1975. Bao nhiêu tài nguyên, kinh tế đa dạng dồi dào, những thế mạnh của ngành du lịch ở Châu Đốc được nhà cầm quyền cộng sản mang hết về tỉnh An Giang, từ sau ngày Châu Đốc bị mất tên - sáp nhập vào tỉnh An Giang và ngày 19.7.2013 - Châu Đốc được cải biên trở thành Thành Phố cấp 2, độc lập hơn một huyện, nhưng cũng trực thuộc tỉnh An Giang. Nhắc lại chuyện cũ, thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Châu Đốc cũng có một thời gian ngắn bị chánh phủ sáp nhập tỉnh Châu Đốc vào tỉnh Long Xuyên thành tỉnh mới An Giang (từ cuối năm 1956 đến năm 1964 - tỉnh Châu Đốc được thành lập chánh thức từ 121 năm trước - ngày 1.1.1900). Qua thời nền Đệ Nhị Cộng Hòa, Châu Đốc được trở về tên cũ - 1964 (hay 1965), với địa chánh trị tỉnh như xưa. Lúc mất tên tỉnh năm 1956, người viết đang dạy tiểu học ở tỉnh lỵ Châu Đốc, nghe nói, chánh phủ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm sợ e tỉnh lỵ Châu Đốc gần sát biên giới Miên, nếu có chiến tranh dễ bị đánh úp... Điều này sợ e không có cơ sở vững chắc, vì tỉnh lỵ Châu Đốc có "vòng đai nước" phòng thủ thiên nhiên kiên cố với con kinh Vĩnh Tế rộng dài 83 cây số dọc biên giới Miên Việt. Hai con sông Hậu, sông Tiền cũng che chắn từ biên giới Miên xâm nhập, rất vững chắc an toàn, quân bộ chiến cũng khó vượt qua tuyến phòng thủ thiên nhiên này... Có thể phòng xa, dời bộ máy hành chánh, quân sự tỉnh Châu Đốc xuống Cái Dầu, một thị trấn sầm uất, tiền thân là nơi đặt Bộ Chỉ Huy đầu não của Lực Lượng Võ Trang Phật Giáo Hòa Hảo (Bộ Đội Lâm Thành Nguyên - Hai Ngoán) - cách tỉnh lỵ Châu Đốc 22 cây số. Cái Dầu có khoảng cách với biên giới vượt xa các tầm bắn các loại đại bác diện địa của địch. Cái Dầu rất an ninh, nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở khắp các xã ấp bao quanh. Tín đồ Hòa Hảo có tinh thần chống cộng tuyệt vời trên cả tuyệt vời "bất cộng đoái thiên" với cộng sản vì Đức Huỳnh Giáo Chủ của tôn giáo này bị Việt minh cộng sản ám hại tại Đốc Vàng - vùng Đồng Tháp Mười - năm 1947. Cái Dầu cũng có ngã ba sông lớn rất thuận tiện cho giao thông đường thủy, lại nằm sát cạnh QL 91 (Châu Đốc -  Long Xuyên)... (H: Tượng đài Cá Ba Sa) Châu Đốc - cá Basa.jpg

Tại Châu Đốc, năm 1949, có trường trung học công lập thuộc loại sanh sau đẻ muộn, sau tỉnh Long Xuyên một năm. Cơ sơ trường trung học ban đầu không có phải vay mượn trường nam tiểu học tỉnh lỵ Châu Đốc - năm sau mượn thêm 2 lớp nữa thành 4 lớp, mỗi lớp trên dưới 50 học sinh. Dù học trường công vẫn phải đóng học phí $50/tháng. Các giáo sư đa số được tuyển chọn quý vị giáo viên đang dạy tiểu học - lớp nhứt, gọi là Cours Supérieur (đã có bằng sư phạm và bằng diplôme hay brevet) dạy chương trình Pháp để học sinh thi lấy bằng Thành Chung - tiếng Pháp gọi là Diplôme d'Étude Primaire Supérieure Indochinoise - viết tắt là DEPSI (Văn bằng Cao Đẳng Tiểu Học Đông Dương), nghe tên dài thòng văn bằng này, phát khiếp rồi.  

Nhưng, sau này gọi là văn bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp, nghe rất xoàng, không có gì ghê gớm?. Văn bằng Diplôme có giá trị trên toàn cõi Đông Dương (Việt Miên Lào) tương đương với văn bằng của Pháp là Brevet Premier Cycle hoặc nhỉnh "hơn một chút" - Brevet Élémentaire - nghĩa là cũng học chương trình trung học đệ nhất cấp 4 năm từ lớp đệ thất tới đệ tứ như sau này. 

Từ những năm xưa thập niên 40 - 50..., người tỉnh Châu Đốc có ai đậu được một trong ba văn bằng trung học đệ nhất cấp (Diplôme - Brevet Élémentaire - Brevet Premier Cycle), gần như cả tỉnh đều biết và khen ngợi, hầu hết đều ở lứa tuổi từ 18 trở lên. Lúc bấy giờ, nhứt là thời chiến tranh loạn lạc khắp nơi nên chuyện học hành của đám trẻ bị ảnh hưởng thiệt thòi, học muộn hay đang học phải lo chạy giặc, gián đoạn một thời gian rồi mới có cơ hội học lại tiếp... 

Trong bối cảnh đó, tôi còn nhớ anh Chẩn ở đường xe lửa, lớn hơn tôi vài tuổi, tôi chưa thi Diplôme thì anh Chẩn đã đậu tú tài 2 Pháp  - Baccalaurérat Deuxième Partie - một tin "chấn động" cả tỉnh biết, nhiều người khen nức nở, khâm phục. Người Việt mình rất ngưỡng mộ những người học giỏi có bằng cấp cao - thời đó với 18 -19 tuổi mà lại ở tỉnh lẻ, đậu tú tài 2 thì được xem như là một hiện tượng quý hiếm, được mọi người trọng vọng, khen ngợi dễ sợ!. Con gái nhà giàu, tiểu thư của các quan chức hay con đại điền chủ bắn tiếng muốn gả con gái rượu với của cải hồi môn ngất ngưởng... Anh Chẩn tốt nghiệp Kỹ sư công chánh và làm Trưởng Ty Công Chánh, hình như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong công tác đi thanh tra các công trường dọc theo quốc lộ Sài Gòn - Vũng Tàu bị VC ám sát giết chết (dù là thời bình - khoảng trước hay sau năm 1958). Anh Chẩn học giỏi, có địa vị trong xã hội, có vợ đẹp con (một) nhà giàu, sống trên nhung lụa, có đủ thứ. Thế mà anh an hưởng được chẳng bao lâu, quá ngắn ngủi!

NGƯỜI BẠN CÙNG LỚP LÂM VĂN TRÂN HỌC GIỎI DỄ SỢ

Trước năm 1954, chúng tôi còn học chương trình Pháp, nghĩa là tất cả các môn dạy bậc trung học đệ nhứt cấp đều giảng dạy bằng tiếng Pháp (như là tiếng mẹ đẻ), mỗi tuần học văn chương Việt Nam được 6 giờ (như là ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 là tiếng Anh) và vài giờ chữ nho (chữ Hán), học ngày 2 buổi, nhiều giờ học hơn sau này.

Chương trình Pháp dạy ở Collège de Chaudoc được 2 năm - Năm 1950 hay 51... không còn nữa, chuyển sang dạy chương trình Việt như miền Bắc (+miền Trung). Đến năm lớp đệ tứ (gọi là quatrième année) lớp đệ tứ chương trình Pháp có vỏn vẹn chưa tới 30 học sinh cho cả tỉnh Châu Đốc, vì chỉ có một trường trung học công lập duy nhứt, 4 quận của tỉnh Châu Đốc ở xa cũng đều về tỉnh lỵ học trung học. Nếu gia đình khá giả có thể cho con đi học xa ở Cần Thơ, Mỹ Tho và nhứt là ở Sài Gòn, không vào được trường công thì học trường tư. Châu Đốc - Chợ mắm1.jpg

(H: Chợ Mắm Châu Đốc)

Lúc bấy giờ, ai được cấp sách đến trường học là một điều may mắn, hạnh phúc không phải ra lăn lộn với đời sớm, và thuộc diện cha mẹ có khả năng cho con tiếp tục học để tiến thân, có sự nghiệp tương lai, cũng ít. Con nhà nghèo tiếp tục lên trung học mà học ở xa ngoài tỉnh Châu Đốc lại rất hiếm hoi...

Người bạn của tôi, Lâm Văn Trân, lớn hơn tôi vài tuổi, con nhà nghèo, mồ côi cha mẹ sớm, quê anh ở xã Long Thuận - Tân Châu, bậc tiểu học thuộc loại học sinh rất xuất sắc nhứt của quận, anh thi đậu vào Collège de Chaudoc. May mắn, có "quới nhơn" (anh Ba Nghệ thầy thuốc bắc, giỏi chữ nho) giúp anh tiền cơm và làm đơn xin miễn đóng học phí vì con gia đình nghèo. Còn chỗ ở, anh Ba bảo trợ, là tín đồ đạo Cao Đài, nên gởi anh Trân vào ở "hậu liêu" của Điện Thờ Phật Mẫu, mà nhà tôi ở sát bên Điện Thờ Phật Mẫu - trong châu vi đạo Cao Đài. Má tôi nhận cho anh Trân ăn cơm với gia đình chúng tôi, mỗi tháng phụ tiền chợ vài chục, hình như năm cuối - lớp đệ tứ, phụ tiền cơm lên $50/tháng. 

Trong lớp, anh Trân học môn gì cũng giỏi, luôn thi chiếm hạng nhứt, chúng tôi học theo muốn chết, may lắm chiếm hạng nhì là mừng rồi. Thật lạ lùng, giáo sư dạy một anh biết mười (hơi quá đáng một chút), còn giáo sư dạy chúng tôi một thì may được biết nửa là may vì giáo sư xin lỗi dở (giáo sư tay ngang mới có Tú Tài 1, Tú Tài 2, không có sư phạm - hoặc giáo sư có sư phạm mà là giáo viên cấp tiểu học) và gặp học trò dốt nữa.

Duy nhứt, trường Collège de Chaudoc, năm 1954, anh Trân đậu luôn hình như 4 bằng trung học đệ nhứt cấp, ba bằng chương trình Pháp: Diplôme - Brevet Élémentaire - Brevet Premier Cycle. Sau ngày 20.7.1954, có phong trào di cư miền Bắc vào Nam, chính phủ có mở kỳ thi trung học đệ nhứt cấp đặc biệt nhằm giúp học sinh miền Bắc vào Nam sớm đi dự thi. Anh Trân đi thi thử  - thi chơi mà đậu thiệt mới đáng nể - cũng đậu luôn bằng cấp này - hình như hạng bình mới dễ sợ! Còn văn bằng Tú Tài 1 và 2 chương trình Pháp và Việt, anh Trân cũng đều đậu hết. Thú thật, tôi cố học mà vẫn rớt lên rớt xuống, thi tới thi lui, trầy trật mới lận lưng được bằng Tú Tài làm cần cầu cơm đi dạy học và có điều kiện còn học tiếp nữa.

Anh Lâm Văn Trân, ngoài chữ Pháp, anh Trân còn giỏi chữ nho cũng đáng bậc thầy của tôi - Ba anh Trân là một cụ đồ dạy chữ nho và là thầy thuốc bắc. Hồi nhỏ khi còn chiến tranh loạn lạc, anh Trân luôn gần gũi với cha nên học chữ nho và cách bắt mạch hốt thuốc khá rành trước khi đi học Việt ngữ ở trường quận Tân Châu.

Thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, đại học sư phạm khóa đầu tiên (năm 1957 hay năm 1956? học 3 năm), anh Lâm Văn Trân đậu Thủ Khoa Việt Hán khi tốt nghiệp. Tôi không nhớ anh Trân ra trường dạy ở trường nào trước tiên. Theo lời giáo sư Nguyễn Văn Sâm, đồng nghiệp trường Nguyễn Đình Chiểu - Mỹ Tho - anh Trân đã làm Giám Học trường này.

Năm 1962, tôi được động viên vào Quân Đội, một thời gian vài năm sau, tôi nghe tin đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo được phép thành lập Viện Đại Học (năm 1965?) và anh Lâm Văn Trân làm Tổng Thư Ký Viện Đại Học Hòa Hảo - ở Long Xuyên.

Theo vận nước nổi trôi, khi ở tù ra - năm 1985, tôi có về quê Châu Đốc thăm bà con, tôi mới hỏi anh Lâm Văn Trân bây giờ ở đâu và đang làm gì?...Tôi cứ tưởng, đinh ninh anh Lâm Văn Trân có cuộc sống khá sau cuộc đổi đời năm 1975?. Vợ anh Trân là chị Thuận, học cở chúng tôi hồi trung học, con thầy giáo Lê Đình Hỷ, dạy trường Nam Tỉnh Lỵ Châu Đốc. Người con trai lớn của Thầy Hỷ là anh Truyền, một tay quần vợt cự phách thời đó ở Châu Đốc mà anh đang học ở Sài Gòn, nghe nói anh Truyền vào bưng và tập kết ra Bắc năm 1955. Anh Truyền được đi học ở Liên Sô có bằng tiến sĩ Sử học (cùng thời với Thủ Tướng Phan Văn Khải). Tôi cứ tưởng, sau 30.4.1975, anh Truyền cũng trở về Nam, với bằng tiến sĩ chắc có job thơm, quyền cao, chức trọng "bao che" dễ dàng cho người em vợ Lâm Văn Trân và anh Trân cũng "không có nợ máu" không có phục vụ trong Quân Đội. Nào ngờ, anh Truyền không biết vì lý do gì, anh không được trọng dụng đúng tài sức và bằng tiến sĩ của anh, (hình như cả tỉnh Châu Đốc có nhiều người tập kết ra Bắc mà chỉ có một anh Truyền có bằng tiến sĩ). Có thể anh hối hận đi lầm đường theo VC? (anh từng làm khổ thầy giáo Hỷ bị công an thời Đệ Nhứt Cộng Hòa mời tới mời lui...). Có lẽ, anh Truyền bất mãn, nghe nói anh mượn rượu tiêu sầu thành nghiện và chết lần mòn trong thiếu thốn nghèo khổ? Còn anh Trân, em rề của anh cũng bị đì xuống tận bùn đen mà VC còn làm làm nhục anh Trân nữa. Tôi không hỏi anh Trân có bị tù cải tạo lâu mau? Anh được cách mạng "khoan hồng" cho đi dạy học (có thể anh vợ vận động giúp anh), được dạy tại quận Tân Châu, nhưng dạy cở lớp đệ thất đệ lục gì đó?. Theo lời giáo sư Nguyễn Văn Sâm, sau khi cải tạo được tha, anh có về dạy Pháp văn ở Viện Đại Học Hòa Hảo cũ. Tôi đoán lúc bấy, còn ông anh rẻ chống lưng, sau anh Truyền bị thật sủng, người em rể Lâm Văn Trân cũng bị không cho dạy Pháp Văn nữa mà phải về quê Tân Châu. Từ giáo sư có bằng đại học sư phạm, học sinh nổi tiếng giỏi nhứt của tỉnh Châu Đốc luôn bốn năm, Tổng Thư Ký Viện Đại Học Hòa Hảo, nay bị trù  dập "hạ tầng công tác" tại quê nhà?. Nghe nói anh Trân sống trong buồn tủi, đau khổ và thiếu thốn, bị tâm bịnh cho đến ngày ra đi sớm về Cõi Hư Vô. 

NGUYỄN HỮU NHẠC CON NHÀ NGHÈO KHÔNG HỌC TIẾP TRUNG HỌC PHẢI ĐI LÀM THỢ RỬA HÌNH, THỢ MAY NHIỀU NĂM - HỌC TRỞ LẠI ĐẬU ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KHÓA ĐẦU TIÊN - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC TỔNG NHA THANH NIÊN 

Bạn Nguyễn Hữu Nhạc, nhỏ hơn tôi một tuổi - sanh năm 1936 - học lớp nhứt cùng năm với tôi và cùng ở trong châu vi đạo Cao Đài. Nhưng, gia đình anh quá nghèo, Ba anh lại lo việc đạo Núi Sam - Chùa Tây An.jfif                                     Núi Sam - Lăng Thoại Hầu .jfif

            (H: Tây An Tự)                                                         (H: Lăng Thoại Ngọc Hầu)

thường đi xa nhà nên mẹ Nhạc không thể cho con tiếp tục học trung học chương trình Pháp như anh Trân và tôi. Nhạc phải lăn xả vào cuộc đời kiếm sống lúc 15,16 tuổi, xin làm việc lặt vặt và chấm sửa hình tại một tiệm chụp hình ở tỉnh lỵ Châu Đốc (hình như tiệm Mỹ Tân Photo).

Khi Nhạc về sống ở Cái Dầu, mưu sinh bằng nghề thợ may. Trong lúc đó, Bộ Đội Lâm Thành  Nguyên (Hòa Hảo) lớn mạnh có mở trường trung học bao ăn ở miễn phí và nội trú. Khi mở đến lớp đệ ngũ, Nhạc xin vào học lớp đệ thất đệ lục, năm sau có mở thêm lớp đệ tứ, Nhạc cũng học nhảy ngũ tứ chỉ học 2 năm mà học hết 4 lớp (thú thật, tôi chỉ nghe, không biết cách nào anh được phép học nhảy như vậy). Nhạc thi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng trên tuổi 20. Năm sau, Nhạc lên Sài Gòn (có thể ai đó giúp Nhạc ban đầu đến Sài Gòn thanh toán tiền học, tiên cơm...). Nhạc cũng học nhảy tam nhị, học lại xuất sắc về môn toán, được giáo sư dạy toán nhờ chấm bài tập giúp thầy vì dạy nhiều trường tư khác cũng lớp tam, nhị và thầy trợ giúp lại Nhạc đủ tiền đóng học phí và ăn ở trọ... Cũng chỉ một năm học tam nhị, Nhạc đậu Tú Tài 1 khá dễ dàng. Năm sau học thi tú tài 2, Nhạc cũng đậu tú tài 2 ban toán (Ban B). Chẳng may, Nhạc lâm trọng bịnh về bịnh đường ruột, tưởng đâu đã chấm dứt con đường học vấn, may lúc đó trong thời gian nghỉ hè sau khi lấy bằng tú tài 2, có thời giờ "xả hơi".

Sau bao nhiêu năm gian khổ, trôi nổi nhiều nơi, nay vừa hết bịnh, đang nghỉ dưỡng chờ mùa tựu trưởng tói tiếp tục học ở bậc đại học. Nhạc về thăm lại Châu Đốc, nhắn người bà con cho tôi biết, mời đến chơi, vì chúng tôi khá thân nhau khi cùng ở trong châu vi đạo Cao Đài. Cả hai gia đình đều là người tản cư, chạy giặc bỏ bưng biền xa Việt minh tìm con đường sống mới. 

(H: Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam linh hiển).Miếu_Bà_Chúa_Xứ_Núi_Sam.jpg

Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm một năm, Nhạc được về dạy tại trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký và sau đó giữ chức vụ Tổng Giám Thị. Về lý thuyết "thập bát ban võ nghệ" của Việt Nam, anh giảng vanh vách và anh cũng thuộc loại võ sư giỏi, không biết đến bực nào?

Từ trường trung học Pétrus Ký, Nhạc được giới thiệu giữ chức Phó Tổng Giám Đốc Thanh Niên (Tổng Nha Thanh Niên và Thể Thao gần ngang bằng với một bộ lớn trong chánh phủ, có ty Thanh Niên Thể Thao ở khắp các tỉnh như các Bộ khác). Và tôi đến thăm Nhạc (1970) khi tôi từ Cần Thơ được thuyên chuyển về Sài Gòn - thời Đại Tá Lâm Quang Phòng làm Tổng Giám Đốc sau khi rời chức Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột - Đại Tá Phòng thời trai trẻ, theo kháng chiến chống Pháp, nổi tiếng một võ sư cự phách...

Khi tôi lên Sài Gòn tiếp tục học lại là nhờ Nhạc có lời khuyến khích khi chúng tôi gặp nhau năm 1957 tại Châu Đốc và Nhạc giúp tôi lúc ban đầu ở Sài Gòn có chỗ dạy kèm tại tư gia mà Nhạc đã dạy trước đó. Tôi ở trọ và ăn cơm tháng cùng với một nhóm học sinh từ Cần Thơ lên Sài Gòn tiếp tục học tại trường Pétrus Ký để thi lấy bằng tú tài 2 mà trong đó có anh Trần Thanh Điền, sau này là Hải Quân Đại Tá, Trưởng Khối Cận Vệ Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và anh Điền ở San Jose mà hiện nay chúng tôi thường thăm viếng nhau...Bà chủ nhà trọ gốc Cần Thơ nên các bạn ở Cần Thơ có người quen giới thiệu, còn tôi, nhờ Nhạc dạy học gần khu này (đường Phát Diệm) cũng từng ăn cơm tháng nữa, giới thiệu tôi vào ở đây. Cũng vui, chính tôi nói ra nói vào khi ăn cơm tại nhà chính - không phải làm mai - cô con gái cưng của bà chủ nhà khá đẹp trắng trẻo cũng thường làm việc phòng cạnh bên (nghe hết). Sau này, Nhạc phải lòng với cô ta đi đến đám cưới, anh em chúng tôi là bên đàng trai vì Nhạc không có người lớn đứng ra chủ hôn, chúng tôi vừa phụ rể, vừa bưng mâm đến nhà gái (cũng là nhà chúng tôi ăn cơm hàng ngày). Sau Lễ gia tiên, có tiệc của nhà gái đãi, rất vui. Đó cũng là kỷ niệm khó quên!

Sau ngày 30.4.1975, Nhạc cũng bị đi tù cải tạo, không rõ bao lâu. Sau khi ra tù, tôi có đến thăm vợ chồng Nhạc (cũng ở gần Chợ Nancy - cạnh ĐL Cộng Hòa) thấy hai ông bà có sự bất hòa đi đến đổ vỡ sau này, dù có con với nhau hình như là bốn cháu. Tôi nghe tin, Nguyễn Hữu Nhạc đang định cư tại Canada (Toronto?), tôi cố tìm điện thoại Nhạc để chúng tôi còn có thể gặp lại.

Học sinh Châu Đốc muốn có bằng Tú Tài phải đi học xa khỏi tỉnh (Châu Đốc có trường Thủ Khoa Nghĩa dạy tới lớp đệ tứ). Sau này, trường Thủ Khoa Nghĩa trở thành trường trung học Đệ Nhị Cấp, chỉ có đến lớp đệ nhị hay có cả lớp đệ nhất?

Châu Đốc thời thập niên 50, tôi đưa ra ba học sinh tiêu biểu xuất sắc nhứt để cho những ai sanh trưởng ở Châu Đốc hãnh diện, cũng như các thế hệ kế thừa trông gương hiếu học của cha ông mà bắt chước noi theo. Dù ở tại Hoa Kỳ, một năm có thể lấy được 2 văn bằng, cũng có thể không có ai một năm lấy đến bốn văn bằng mà ngôn ngữ lại khác như anh Lâm Văn Trân, Trường hợp anh Nhạc, cứ học nhảy lớp liên tục mà là con nhà nghèo thiếu thốn đủ thứ vẫn thành công. Như anh Chẩn 18 tuổi đậu tú tài 2, ngày nay thì quá xoàng, có học sinh tốt nghiệp trung học mới 16, 17 tuổi thuộc loại tối ưu, 5 chấm trở lên được nhiều trường đại học nổi tiếng nhứt Hoa Kỳ (cả thế giới) cho vào học mà còn có học bổng... Còn các học sinh đàn anh của tôi gốc Châu Đốc như anh Trí con thầy giáo Muôn, anh Rộng con ông thầy ba Nga (Công Chánh), anh Dohamide (con thầy giáo ở làng Châu Giang)... lên Sài Gòn học cũng nổi tiếng học giỏi - Anh Trí Kỹ sư Công Chánh - anh Rộng Bác sĩ y khoa - anh Dohamide, bằng Cao Học Mỹ, Giám Đốc Nha Tiếp Vận Trung Ương... 

(Hình minh họa: thôn nữ Châu Đốc hay thôn nữ Miền Tây đẹp dễ sợ! - Wikipedia)... Thế hệ tôi có Trần Thành Minh, cũng học nhảy, đệ ngũ (troisième année) thi đậu Brevet, xin vào lớp đệ tam, bỏ qua lớp đệ tứ, tại trường Pétrus Ký, đậu tú tài 2 toán và đậu vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (khóa cuối cùng), dạy tại Pétrus Ký, Minh giữ chức Giám Học từ chế độ cũ và sang chế độ mới cho đến ngày về hưu. Học cùng cở ở cấp tiểu học tại Châu Đốc có Trần Hữu Danh - Nguyễn Sanh Tiền - Trần Quang Minh - Trần Thành Minh - Nguyễn Thanh Quang (còn có tên Đẹp)... Đa số các bạn tôi, tốt nghiệp đại học sư phạm như Danh, Thành Minh, Quang, ngoại trừ Trần Quang Minh - Bác sĩ Thú Y, từng giữ chức Tổng Cục Trưởng Tiếp Tế và Thứ Trưởng Bộ Canh Nông Đệ Nhị VNCH, hiện ở Texas - Nguyễn Sanh Tiền, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh từng giữ chức Phó Tỉnh Trưởng Vĩnh Long, hiện ở Hòa Lan - Danh và Quang dạy Pháp Văn. Danh giữ chức Phó Giám Đốc Nha Du Học - Bộ Quốc Gia Giáo Dục, là người dân chính, công chức, đầu tiên tự mua sửa ghe, lái vượt biên cùng với gia đình trước ngày 30.4.1975 hơn một tuần (báo chí Sài Gòn và đài VOA - BBC có loan tin đặc biệt này), đến được Úc và xin tỵ nạn định cư tại Pháp. Đặc biệt, Quang có một thời gian giữ chức Hiệu Trưởng trường trung học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc - trường cũ, hiện ở Châu Đốc. Còn sót loại học dở như tôi, nhờ có cố gắng và may mắn, cũng vượt thoát nghề "gõ đầu trẻ" cấp tiểu học, dạy được trung học và sau khi vào Quân Đội lại có nghề mới là làm báo, viết báo, nghề phát thanh và sang Hoa Kỳ có thêm nghề viết sách, chủ nhiệm báo...mà nhiều người xuất thân từ Châu Đốc cũng rất hiếm lao vào nghề truyền thông báo chí này. Đa số người Châu Đốc thích làm thơ hay viết truyện (nổi tiếng có nhiều tác phẩm về tu học, huyền bí của Bạch Liên, tức là thầy Phạm Ngọc Đa - Hiệu Trưởng thứ nhì của Collège de Chaudoc và Thủ Khoa Nghĩa, được 4 năm - Bạch Vân Tịnh Xá ở lưng chừng núi Sam là của thầy Phạm Ngọc Đa - Thầy Phạm Ngọc Đa từng là Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Việt Nam và thỉnh được cây bồ đề của cây mẹ ở Ấn Độ, nơi Đức Phật Thích Ca đắc đạo. Đưa cây bồ đề về Châu Đốc trồng tạo thành khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng như ngày nay ở trung tâm Thành Phố Châu Đốc).

CHÂU ĐỐC ĐẤT LÀNH CÓ NHIỀU GIAI NHÂN VÀ HOA KHÔI ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH AN GIANG VÀ CỦA MIỀN SÔNG NƯỚC HỮU TÌNH CỬU LONG GIANGThôn nữ MT 1.jfif

Nói về các cô gái đẹp - mỹ nhân của miền Tây nhiều vô số kể, đa số những người sống ở vùng nước ngọt quanh năm, thổ sản gạo bắp, khoai đậu và trái cây đủ loại, cá tôm tràn đồng tràn sông. Thức ăn thừa mứa nên bồi bổ sức khỏe tốt và thường xuyên sử dụng nước ngọt quanh năm nên đa số phụ nữ ở Châu Đốc nói riêng và miền Tây nói chung có nước da trắng hồng đẹp bắt mắt.

Nhưng, cũng có những cô gái ở vùng nước phèn chua, nước lợ (nửa mặn nửa ngọt) thường có nước da bánh ít hay có gốc "đầu gà đít vịt" của tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Rạch Giá - Cà Mau... cũng mặn mòi ra phết, chỉ có ít trắng hơn.

Năm 1956, tỉnh Châu Đốc đã mất tên rồi, sát nhập vào tỉnh Long Xuyên có tên mới là tỉnh An Giang. Tôi có người bạn cùng lớp, con của cô giáo Vẹn, tên Mỹ Hạnh, cũng đi dạy tiểu học như  tôi. Mỹ Hạnh lúc bấy giờ qua tuổi bẻ gãy sừng trâu,18 hoặc 19 với vóc dáng thon cao, da trắng hồng và đặc biệt có dáng vẽ quý phái, thường đi học bằng xe lôi, không dám đi xe đạp hay "lội bộ" sợ mõi chân? Dù gia đình là cô giáo, thật cũng không phải thuộc loại đại gia mà "cục điệu" coi bộ cũng nặng nhiều carat lắm. Nhìn chung, Mỹ Hạnh đẹp toàn diện, không biết ai xúi giục Mỹ Hạnh dự Thi Hoa Hậu An Giang. Cuộc thi này, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh lỵ An Giang mà một cô giáo trẻ đẹp dám đi tham dự mới là hết sẩy tuyệt vời, cũng phá tiền lệ, chưa bao giờ có cô giáo đang dạy học bất cứ ở đâu, dự Thi Hoa Hậu.

Từ nhỏ, khi đi học, Mỹ Hạnh đã tự biết làm điệu rồi, lúc bấy giờ ở tỉnh lẻ như Châu Đốc làm gì có thẩm mỹ viện, muốn làm đẹp tự mình làm lấy hay chị em giúp đở... Mỹ Hạnh đăng quang Hoa Hậu đầu tiên, hình như dịp Tết đầu năm 1957 như chào mừng tỉnh Long Xuyên vừa đổi tên tỉnh là An Giang (cuối năm 1956) vì có thêm tỉnh Châu Đốc vừa sáp nhập.

Chúng tôi học chương trình Pháp, không có học giáo sư Nguyễn Thùy (có tú tài bưng biền) ở vùng Liên khu 4 của CSBV, di cư vào Nam, vừa về Châu Đốc dạy. 

Nhiều năm sau khi tôi ở Sài Gòn, nghe tin giáo sư Nguyễn Thùy cưới cô giáo Hoa Khôi của tỉnh tân lập An Giang Mỹ Hạnh. Dù không học với giáo sư Nguyễn Thùy, tôi biết khá rõ về Nguyễn Thùy, anh vốn gốc vùng Việt cộng chiếm đóng ở Liên Khu 4 (?) miền Nghệ An - Hà Tĩnh hay Quảng Bình, giọng nói nặng chình chịch, lại không được cao ráo, nước da sạm hơi bủng nhưng lại giỏi văn chương, có lẽ làm cho chuẩn Hoa Khôi đã chê rậm rề rồi và nay lại đăng quang Hoa Khôi đổi ý yêu Nguyễn Thùy, làm đám cưới, có con cái đề huề. Sau cuộc đổi đời 1975, hai anh chị Nguyễn Thùy - Mỹ Hạnh định cư ở Pháp và Mỹ Hạnh cũng có "trục trặc gia đình" với anh Thùy, chị qua đời cách nay cũng trên dưới 5 năm, trước sự ra đi của chị Huỳnh Thị Ngà cũng ở Pháp. Nhà văn Nguyễn Thùy từng là chỗ quen biết với tôi khi anh đến Sacramento và San Jose ra mắt sách.Hoa Hau VN 2012 - Dang Thu Thao.jpg

Chị Huỳnh Thị Ngà con thầy giáo Rớt, lớn hơn tôi một tuổi - sanh nămm 1934, cũng là học sinh một thời hoa khôi của tỉnh Châu Đốc và chị về Long Xuyên học trường Thoại Ngọc Hầu cũng nổi tiếng là hoa khôi và lên Sài Gòn học trường nữ Gia Long. Nghe tin chị tình nguyện vào Quân Đội gọi là PAF (Personel Auxiliaire Féminin). Sau năm 1955, chị Ngà giải ngũ, có chồng con và định cư và qua đời ở Pháp khá lâu.

Bốn lớp học chương trình Pháp ở Châu Đốc, cũng có nhiều chị cũng đẹp vào loại "chim sa cá lặn" như chị Huệ con gái rượu của ông Tòa Lộc (Chánh Án Tòa Hòa Giải Rộng Quyền Châu Đốc) đầu năm 1952, chị Huệ vừa học hết lớp Đệ Ngũ (troisième année) bị tiếng sét ái tình của Trung Úy Phạm Đăng Tấn giáng xuống, nghe nói làm cưới lúc chị Huệ chưa đến tuổi đôi mươi.

Trái đất tròn thật, từ năm 1964 tôi được thuyên chuyển từ Trung Đoàn 33 Bộ Binh về Phòng 5 - Chiến Tranh Tâm Lý Quân Đoàn 4 với chức Trưởng Ban Phát Thanh Tiếng Nói Vùng 4 Chiến Thuật và sau kiêm luôn chức Trưởng Ban Thông Tin Báo Chí. Sau khi Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu thuyên chuyển về Sài Gòn, Thiếu Tướng Đặng Văn Quang Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh về thay thế (Hình minh hoạ: Giai nhân - Hoa Khôi)

Một ngày kia, tôi tham dự một buổi họp của Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ Vùng 4 Chiến Thuật, tôi lại gặp chị Huệ đi họp. Làm sao tôi quên chị Huệ, chị đẹp quý phái nhứt của trường trung học tân lập lúc bấy giò mà là con gái cưng của ông Chánh Án Lộc. Chị sang giàu từ trong trứng nước, nước da trắng bốc, mũi cao, mắt to vóc dáng tuyệt đẹp là một hoa khôi học sinh (học sinh đực rựa tự chấm điểm tâng bốc) khi mới học đệ lục đệ ngũ. 

Trước buổi họp, Bà Tướng Quang có giới thiệu, đây là bà Trung Tá Phạm Đăng Tấn Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 4. Trong giờ giải lao, tôi có hỏi chị Huệ còn nhớ ai học ở Collège de Chaudoc, chị lắc đầu, tôi nói học dưới chị một lớp.

Khi Trung Tá Tấn lên Đại Tá tại Cần Thơ, có tiệc khao lon, tôi cũng được tham dự, gặp chị Huệ lần nữa. Đối với Đại Tá Phạm Đăng Tấn, tôi có kỷ niệm cũng khá buồn cười. Thời bấy giờ, tài liệu tuyên truyền từ Trung ương gởi xuống gọi Việt cộng là giặc cộng, tôi viết bình luận đọc trên đài phát thanh Ba Xuyên đều phải trình duyệt qua Đại Tá Tấn. Ông thường dùng bút mực đỏ khoanh tròn chữ giặc cộng, gởi trả lại, nghĩa là tôi phải viết lại, tôi sửa đổi chỗ khác không sửa đổi cụm từ giặc cộng, lại bị gạch đỏ, còn có bút phê cự nự nữa. Chỉ có trời mới biết mình bị lỗi gì để mà sửa (nhiều lần), tôi chán nản quá, gọi điện thoại cho Trung úy Chánh Văn Phòng của Tham Mưu Trưởng là Phạm Thanh Tùng, bạn cùng khóa 13 Thủ Đức với tôi, nhờ Tùng trình với sếp cho tôi gặp sếp để hỏi cho rõ, sếp muốn tôi viết bình luận cách nào, kiểu nào... Tôi bực quá xá viết bình luận cứ bị bút phê của sếp chê rầy hoài. Khi trình diện Đại Tá Tấn, tôi trình liền về  bài bình luận sai trật chỗ nào xin Đại Tá chỉ nói rõ tôi mới tránh được. Ông cười nói, cái anh này, anh thử nói lái giặc cộng coi nghĩa ra làm sao? Tôi bật ngữa, mới "ngộ" chỉ có chi tiết đó thôi, báo hại tôi bù đầu cổ suy nghĩ.. Chào sếp và cám ơn sếp, ra cửa, gặp Tùng tôi nói: "moa thoát nạn rồi", bây giờ moa đi câu lạc bộ sĩ quan uống một chai bia xả xui mà cũng lấy hên nữa...

Trái đất cũng tròn thật, một lần tôi dự đại hội Đồng Hương Châu Đốc ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn hay tin Đại Tá Tấn qua đời, tôi có đến nhà quàn phúng viếng và chia buồn với các con của ông và bà vợ sau, khi ở tù ra, Đại Tá Tấn gặp bà này. Còn chị Huệ hoa khôi đã bước thêm một bước nữa với một người gốc Hoa giàu có khi anh Tấn còn ở trong tù.

Lớp học của tôi, năm đệ tứ, có Trần Lệ Quý cũng cở tuổi tôi hay lớn hơn một tuổi, nhà chị là cái villa tổ chảng ở sau chợ gà, cũng gần cầu, kinh ông Cò. Tôi được coi như là trưởng lớp thường tiếp xúc với các bạn "bầu lén" chị Lệ Quý là hoa khôi của lớp và của cả trường Thủ Khoa Nghĩa luôn. Chị Quý vốn con nhà giàu, ăn diện sang lại cao thon đẹp sắc sảo mặn mòi, khỏe mạnh. Thanh niên trai tráng gặp chị Lệ Quý lần đầu chắc chắn bị đốn tim,  ngẩn ngơ, ao ước được làm thân, quen, chưa dám nói muốn tiến xa hơn... Cùng thời về dạy chương trình Việt như anh Thùy, có giáo sư, không nhớ tên gì mà anh có tên do học sinh đặt "cả tề", hình như là tên Tuấn cũng có giọng nói nặng chình chịch như anh Thùy. Cả trường quen gọi là giáo sư Cả Tề, lại mê mệt cô hoa khôi lớp tôi, bạn bè ai cũng biết. Nhưng cả tề ốm mà đen cao hơn anh Thùy, cũng từ bưng biền ra, có bằng tú tài xin đi dạy học trường tỉnh đang thiếu giáo sư như trường Thủ Khoa Nghĩa,  nghe nói cũng mê mệt hoa khôi Lệ Quý. Chúng tôi trêu chọc Lệ Quý sánh chị như hoa hướng dương cao sang mà lấy anh cả tề thuộc loại dây hoa cứt lợn. Lệ Quý thường nói vui, tuyên bố, cả tề xách giép tôi cũng không cho đừng hòng rớ đến tôi...Sau, trường Thủ Khoa Nghĩa cũng có một giáo sư tên Tuấn, trùng tên với cả tề (nên tôi nhầm lẫn trong một bài viết). Giáo sư Tuấn về Thủ Khoa Nghĩa sau, nghe nói, dạy Anh Văn nên mới gặp hoa khôi Thủ Khoa Nghĩa Lệ Quỳ.

Tôi nghĩ, đẹp giai không bằng lỳ vì nhứt lỳ, nhì mới đẹp trai như trường hợp giáo sư Thùy. Khi tôi đi lên Sài Gòn học tiếp, hay tin, giáo sư Tuấn (cũng trường Thủ Khoa Nghĩa) rước nàng hoa khôi Lệ Quý về dinh. Trái đất tròn thiệt, tôi gặp vợ chồng chị Lệ Quý tại nhà ở San Jose, khi đó tôi chủ trương tờ báo Tiếng Vang nên thường xuyên lên xuống San Jose in và lấy báo. Mỗi lần chị Lệ Quý về thăm lại Châu Đốc đều có mua khô mắm làm quà và có biếu tôi. Sau khi lấy chị Lệ Quý, anh  Tuấn thi đậu vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nghe nói, cũng có chức tước  kha khá trong chánh quyền...

Tôi mới kể các giai nhân năm xưa ở Châu Đốc cùng lớp hay trên một lớp như chị Huỳnh Thị Ngà, chị Huệ. Lúc bấy giờ, học chương trình Việt dưới tôi một lớp có cô nữ sinh hoa khôi Phan Thị Nguyệt Cầm. Một thời nổi tiếng làm lác mắt các nam sinh khi Nguyệt Cầm đi xe đạp mà mặc quần sọt trắng, áo pull hấp dẫn dễ sợ! Vì thời đó (1953 - 1954...), con gái ở tuổi cặp kê đôi tám, không ai dám mặc quần sọt đi lông nhông ngoài đường, ngoại trừ Nguyệt Cầm, tên đẹp, người cũng đẹp dù còn tuổi "tin" mà trông thân hình rất sexy, gợi cảm...

Khi tôi ở Cần Thơ phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV, thường ăn sáng bún nem - bún bì chả giò...của bà già thường nhai trầu bõm bẽm sát vách với nhà Nguyệt Cầm (đường Pasteur Cần Thơ), bà già này bán bún nổi tiếng ngon mà rẻ nên thu hút anh em kaki chúng tôi . Một lần, tôi gặp Nguyệt Cầm, đang giặt một thau đồ trẻ con dưới vòi nước, cạnh quán bún, tôi nhận ra ngay Nguyệt Cầm, ăn xong tôi có qua chào hỏi người học cùng trường, biết chồng của Nguyệt Cầm lúc bấy giờ là trung úy đang làm việc ở Bộ Chỉ Huy 4 Tiếp Vận, trực thuộc Quân Đoàn 4, cũng biết tôi.  Tôi cũng có vào nhà thăm Nguyệt Cầm sau bữa ăn sáng vài lần, thấy hoa khôi Thủ Khoa Nghĩa năm xưa có vẽ eo xèo vì đã có 2 hay 3 con rồi lại cực nhọc trong việc nội trợ bếp núc, xuống sắc thấy rõ. Sau cuộc đổi đời 1975, khi  ra tù năm 1985, tôi có ghé thăm Cần Thơ, hỏi tin tức gia đình Nguyệt Cầm, Nguyệt Cầm đã chết khá lâu còn rất trẻ vì bịnh ung thư - thật đúng như cụ Nguyễn Du nói hồng nhan đa truân - hồng nhan bạc mệnh - xuân bất tái lai. Núi Sam Châu Đốc.jfif

Tới nay, ngoài tuổi 86, tôi đã từng "lưu lạc giang hồ" ở Thủ Đô Sài Gòn, Tây Đô Cần Thơ, lê bước khắp 16 tỉnh Miền Tây. Và còn "du học miền Bắc xã hội chủ nghĩa" gần mười  năm, từng sống lê lết sau ngày ra tù buôn bán chợ tời, buôn bán gạo, mua từng chiếc Honda ở biên giới vùng quê tôi Châu Đốc về bán lại ở Sài Gòn kếm lời... Nghĩa là tôi đã đi đây đó nhiều, khắp cả miền Tây, từ miền Nam ra miền Bắc, nay lại được định cư ở Hoa Kỳ được hơn 28 năm với nhiều nghề mới tay chân và nghề cũ viết báo, chủ báo, phát thanh... (H: Núi Sam - xã Vĩnh Tế, cách tỉnh lỵ Châu Đốc 5 km - nơi tôi dạy học đần tiên 1954-1955)                                                                         

Cuộc đời dù lận đận, lưu lạc giang hồ mà quê hương Châu Đốc - xứ Mắm của tôi luôn ấp ủ gợi nhớ gợi thương trong tim trong đầu tôi. Quê hương tỉnh Châu Đốc của tôi không bị mờ khuất. Tôi hy vọng còn sống cho đến ngày trở về Việt Nam với căn cước Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và tên tỉnh Châu Đốc được hồi sinh, mộng ước không lớn, chưa thành hiện thực, mà quỹ thời gian của tôi trên trần thế này quá mỏng, có thể chỉ còn trong trí tưởng tượng nhớ nhung mà thôi!

Bao Giờ trả lại tỉnh Châu Đốc?

Xứ mắm mang theo suốt cuộc đời!

Đất nước, quê hương vang tiếng gọi,

Thất Sơn, Châu Đốc mãi trong tôi.

Sacramento ngày 20.3.2021 

Anh Phương Trần Văn Ngà

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn