931 triệu tấn thức ăn bị vứt bỏ trong năm 2019

Thứ Năm, 11 Tháng Ba 20217:00 SA(Xem: 2751)
931 triệu tấn thức ăn bị vứt bỏ trong năm 2019

Rác thải thực phẩm năm 2019 đựng vừa trong 23 triệu chiếc xe tải 40 tấn, đủ để xếp vòng quanh Trái Đất 7 lần.

Lượng lớn thức ăn bị vứt bỏ trong các hộ gia đình mỗi năm. Ảnh: SciTechDaily.

Lượng lớn thức ăn bị vứt bỏ trong các hộ gia đình mỗi năm. Ảnh: SciTechDaily.

Khoảng 931 triệu tấn thức ăn, chiếm 17% tổng lượng thức ăn mà người tiêu dùng có thể tiếp cận trong năm 2019, bị đổ ra thùng rác của các hộ gia đình, nhà bán lẻ, nhà hàng và các dịch vụ đồ ăn khác, theo Báo cáo Chỉ số Rác thải Thực phẩm 2021 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và tổ chức WRAP. Số thức ăn này có thể đựng vừa trong 23 triệu chiếc xe tải 40 tấn, đủ để xếp vòng quanh Trái Đất 7 lần, SciTechDaily hôm 4/3 đưa tin.

Báo cáo mới thống kê cả đồ ăn được bị bỏ đi lẫn những phần không thể ăn như xương hay vỏ. Nó cũng trình bày những tập hợp dữ liệu, phân tích và mô hình toàn diện nhất về rác thải thực phẩm tính đến nay, đồng thời đề xuất cách đo lường rác thực phẩm cho các quốc gia. Trong báo cáo, có 152 điểm dữ liệu rác thải thực phẩm được xác định ở 54 quốc gia.

Nghiên cứu cho thấy, bất kể mức thu nhập, gần như mọi quốc gia đều thải ra lượng rác thực phẩm rất lớn, đa số bắt nguồn từ các hộ gia đình. Trung bình, một người thải ra 121 kg rác thực phẩm, 74 kg trong số đó bị vứt tại nhà.

Rác thải thực phẩm ảnh hưởng mạnh tới kinh tế, xã hội và môi trường. Vào thời điểm các hành động chống biến đổi khí hậu vẫn còn chậm trễ như hiện nay, 8-10% khí thải nhà kính toàn cầu liên quan đến thức ăn không được tiêu thụ.

"Giảm rác thải thực phẩm sẽ giúp giảm khí nhà kính, giảm tác hại tới tự nhiên do ô nhiễm và chuyển đổi đất, giúp đảm bảo nguồn thức ăn, giảm đói và tiết kiệm tiền trong thời kỳ suy thoái toàn cầu", Inger Andersen, giám đốc điều hành UNEP, cho biết.

"Nếu muốn xử lý tình trạng biến đổi khí hậu, giảm tính đa dạng sinh học, ô nhiễm và rác thải một cách quyết liệt, các doanh nghiệp, chính phủ và người dân khắp thế giới cần làm phần việc của mình để giảm rác thải thực phẩm", Andersen bổ sung.

"Trong một thời gian dài, các chuyên gia cho rằng rác thải thực phẩm ở hộ gia đình chỉ là vấn đề nghiêm trọng ở những quốc gia phát triển. Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số Rác thải Thực phẩm mới, chúng tôi thấy mọi chuyện không hẳn như vậy", Marcus Gover, CEO của WRAP, nói.

Dữ liệu về tỷ lệ giữa phần ăn được và những phần không thể ăn trong rác thải thực phẩm chỉ thống kê được ở một số quốc gia thu nhập cao. Tỷ lệ này trung bình là 50/50 ở cấp hộ gia đình. Tỷ lệ phần không ăn được là chỉ số quan trọng còn thiếu và có thể cao hơn ở những quốc gia có thu nhập thấp hơn.

Thu Thảo (Theo SciTechDaily
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn