Myanmar: Biểu tình rầm rộ thách thức quân đội, làm tê liệt Yangon

Thứ Năm, 18 Tháng Hai 202112:44 SA(Xem: 3372)
Myanmar: Biểu tình rầm rộ thách thức quân đội, làm tê liệt Yangon
bbc.com

Myanmar: Biểu tình rầm rộ thách thức quân đội, làm tê liệt Yangon - BBC News Tiếng Việt


Demonstrators protest against the military coup in Yangon, Myanmar, February 17, 2021

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Những đám đông biểu tình lớn nhất trước giờ ở thành phố lớn nhất, Yangon

Hàng trăm nghìn người đã xuống đường trên khắp Myanmar, trong những cuộc biểu tình chống quân đội lớn nhất kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2.

Những người lái xe ở Yangon đã dựng xe hơi hỏng trên đường để biểu tình, chặn các tuyến đường chủ chốt khi mà chiến dịch bất tuân dân sự được tổ chức một cách lỏng lẻo ngày càng gia tăng.

Tại Mandalay, lực lượng an ninh đã nổ súng gần nhà ga. Ít nhất một người bị thương được ghi nhận.

Những người biểu tình đang yêu cầu thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và những lãnh đạo dân cử khác sau cuộc đảo chính.

Một ngày trước đó, bà Suu Kyi đã bị gán thêm tội hình sự. Quân đội lặp lại lời hứa tổ chức các cuộc bầu cử mới và trao lại quyền lực, dù nhiều người biểu tình vẫn hoài nghi về việc này.

Diễn biến này xảy ra sau khi báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, cảnh báo về khả năng dùng bạo lực của quân đội.

Luật sư của bà Suu Kyi nói với BBC hôm thứ Tư rằng ông không có liên hệ trực tiếp với bà.

Khin Maung Zaw, một luật sư nhân quyền kỳ cựu, nói các đồng nghiệp của ông đứng bên ngoài phiên xử của bà Suu Kyi nhận thấy giọng nói của bà "không có dấu hiệu kiệt sức hay khổ sở hay hao tổn sức khỏe".

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Khoảng 20 phát súng đã được lực lượng an ninh bắn ra để giải tán đám đông ở Mandalay, BBC Miến Điện đưa tin

Không có ghi nhận về sự cố lớn nào hôm thứ Tư, nhưng đoạn ghi hình được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một vài phát súng đã được lực lượng an ninh bắn ra, gần trạm đường sắt Mandalay. Không rõ họ có sử dụng đạn thật hay không.

Có tin người biểu tình đã tìm cách ngăn cản một đoàn tàu tiếp tế của quân đội rời ga. Các công nhân đường sắt nói họ bị chĩa súng vào người để, bị buộc phải lái tàu.

Các cuộc biểu tình đã bùng nổ ở một số thành phố và thị trấn khác. Tại thủ đô Nay Pyi Taw, các kỹ sư, bác sĩ và giáo viên đã hợp lực để bày tỏ sự thách thức chống lại quân đội.

'Ngày chặn đường'

Các cuộc biểu tình hôm thứ Tư gần như làm tê liệt giao thông ở trung tâm Yangon (Rangoon).

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Biểu tình bằng xe ô tô bị hỏng là diễn biến mới nhất trong so gân đang diễn ra giữa người biểu tình và quân đội

Một chiến dịch trên phương tiện truyền thông xã hội kêu gọi người biểu tình cố ý chặn các tuyến đường ở thành phố chính của đất nước đã bắt đầu tạo được sức hút vào đầu ngày thứ Tư. Mục đích của việc này hiển nhiên là để ngăn cản công chức đi làm và gây trở ngại việc di chuyển của lực lượng an ninh.

Trong ngày được gọi là "Ngày chặn đường", nhiều người đã đăng tải hình ảnh xe cộ mở nắp ca pô và cốp đậu trên các tuyến đường trọng điểm, khiến xe cộ không thể lưu thông được. Một phóng viên người Myanmar của BBC đã nhìn thấy một số xe buýt công cộng đậu chắn các ngã tư ở Yangon.

Cuộc biểu tình này là diễn biến mới nhất trong một phong trào bất tuân dân sự ngày càng leo thang, vốn đã gồm những cuộc đình công của các bác sĩ và giáo viên, đi cùng với việc tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ do quân đội sở hữu. Mục đích là làm tê liệt chức năng của chính phủ và làm suy yếu tính chính danh của chế độ mới.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Protesters block a bridge with their cars during a demonstration against the military coup

Nhưng một nhà hoạt động chỉ trích tình trạng ùn tắc giao thông này, nói rằng việc chặn đường làm trì trệ những người biểu tình đang hướng về trung tâm Yangon.

"Hãy dừng chiến dịch 'xe bị hỏng' và giúp người biểu tình đến Sule càng sớm càng tốt", nhà hoạt động Maung Saung Kha nói, theo bản tin của Reuters.

Theo ước tính của các phóng viên BBC Miến Điện, có khoảng 100.000 người đã đổ về phủ đầy khu vực Sule hôm thứ Tư. Một đám đông khổng lồ khác cũng tụ tập tại Hledan gần Đại học Yangon. Có những cuộc biểu tình nhỏ hơn gần Ngân hàng Trung ương, đại sứ quán Hoa Kỳ và văn phòng Liên Hiệp Quốc.

Người biểu tình đã xuống đường hầu như mỗi ngày trong suốt hai tuần qua, và đây là một số cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc đảo chính, phóng viên của chúng tôi cho biết.

"Hãy tập hợp hàng triệu người để hạ bệ bọn độc tài", Khin Sandar, một thành viên cấp cao của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Aung San Suu Kyi, đăng trên Facebook.

"Hãy biểu tình hàng loạt [và] phô bày sức mạnh của chúng ta chống lại chính phủ đảo chính đã phá hủy... tương lai của đất nước chúng ta."

Hôm thứ Ba, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, Tom Andrews, cảnh báo về "khả năng có bạo lực trên quy mô lớn hơn", nói thêm rằng các binh sĩ bổ sung đã được điều động tại các thành phố nơi các cuộc biểu tình được dự trù sẽ xảy ra.

"Tôi vô cùng sợ hãi khi xét đến điểm đụng độ của hai diễn tiến này - các cuộc biểu tình quần chúng đã được lên kế hoạch và quân đội gặp nhau - chúng ta có thể đứng trước nguy cơ quân đội phạm phải tội ác lớn hơn nhằm vào người dân Myanmar."

Phóng viên BBC khu vực Đông Nam Á, Jonathan Head, nói các nhà chức trách quân sự đã hứa sẽ nhẫn nại trong việc đối phó với các cuộc biểu tình - nhưng rất nhiều người hoài nghi lời hứa đó.

Tại sao lại có tình trạng này?

Quân đội Myanmar đã giành quyền kiểm soát chính quyền vào ngày 1/2, sau cuộc tổng tuyển cử mà đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng.

Quân đội Myanmar tuyên bố rằng NLD đã thắng cuộc bầu cử vì gian lận và yêu cầu tổ chức lại cuộc bỏ phiếu - mặc dù ủy ban bầu cử nói rằng không có bằng chứng hỗ trợ những tuyên bố này.

Quyền lực hiện đã được giao cho tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia.

Trước đó, bà đã bị buộc tội sở hữu bộ đàm bất hợp pháp, và hiện bị buộc tội vi phạm Luật Thiên tai, mặc dù chi tiết của cáo buộc thứ hai này không rõ ràng.

Người biểu tình đang yêu cầu thả bà Suu Kyi và các thành viên NLD chủ chốt khác. Đây là những cuộc biểu tình lớn nhất ở Myanmar kể từ cuộc Cách mạng Cà sa năm 2007.

Nhưng các cuộc đụng độ đã xảy ra giữa các nhân viên an ninh và người biểu tình, và cảnh sát đã sử dụng hơi cay lẫn đạn cao su để giải tán đám đông.

Quân đội cũng đã thường xuyên chặn Internet để dẹp im giới bất đồng chính kiến.

Sơ lược về Myanmar

  • Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, từ lâu đã được coi là một quốc gia nghèo khổ dưới sự cai trị của một chính quyền quân sự áp bức từ năm 1962 đến năm 2011
  • Tự do hóa từng bước khởi đầu vào năm 2010, đem đến các cuộc bầu cử tự do vào năm 2015 và thành lập chính phủ do nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào năm sau
  • Năm 2017, một chiến dịch quân đội nhắm vào những kẻ bị cáo buộc là khủng bố ở bang Rakhine đã khiến hơn nửa triệu người Rohingyas theo đạo Hồi phải trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh, điều mà Liên Hợp Quốc gọi là "ví dụ điển hình về thanh trừng sắc tộc"
  • Aung San Suu Kyi và chính phủ của bà bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân đội vào ngày 1 tháng 2, sau chiến thắng vang dội của đảng NLD trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn