Bí kíp giúp người bệnh gout sống khỏe

Chủ Nhật, 11 Tháng Hai 20181:00 CH(Xem: 7873)
Bí kíp giúp người bệnh gout sống khỏe

Bác sĩ Võ Khắc Khôi Nguyên, khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park TP HCM cho biết, bệnh gout thường gặp ở nam giới trung niên. Song hiện nay lứa tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ do thay đổi lối sống như tiêu thụ nhiều chất đạm và rượu bia. Ngoài ra còn có các yếu tố thuận lợi như làm việc gắng sức, căng thẳng, thời tiết bị lạnh đột ngột... khiến bệnh gout có nguy cơ xảy ra nhiều.

Để tránh bệnh, bạn cần thực hiện ba bước sau:

bi kip giup nguoi benh gout song khoe ngay tet

Kiểm soát chế độ ăn uống

Như một quy luật tự nhiên, Tết đến thì tần suất tiệc rượu thịnh soạn mỗi người đều tăng. Đây là một trong những nguyên nhân khởi phát cơn gout cấp hoặc trở nặng khi ở giai đoạn biến chứng. Bệnh gout có tổn thương khớp, gây suy thận, suy gan, bệnh tim mạch, đột quỵ.

Các loại thịt đỏ như bò, trâu, ngựa, dê; hải sản: phủ tạng động vật là nguồn thực phẩm có nhiều tiền chất purin làm tăng acid uric gây nên bệnh gout. Hầu hết rau có hàm lượng purin thấp, song một số loại rau có thể làm tăng acid uric máu như atisô, giá đỗ, bông cải xanh, bắp cải, tỏi tây, nấm, đậu Hà Lan.

Dùng nhiều thực phẩm chứa đường fructose cũng làm tăng acid uric như bánh kẹo, mứt trái cây, trái cây sấy khô, trái cây đóng hộp. Đây cũng là những thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong ngày tết. Ăn nhiều thực phẩm này thì nguy cơ bệnh gout bùng phát, vì vậy bạn cần phải hạn chế.

Uống nhiều nước mỗi ngày để pha loãng nồng độ acid uric trong máu, tăng đào thải qua thận và làm giảm khả năng lắng đọng các tinh thể urat trong cơ thể. Uống nước khoáng có bổ sung bicarconat sẽ giúp trung hòa và tăng đào thải acid uric khỏi cơ thể.

Tránh dùng nhiều bia rượu

Rượu và bia đều làm giảm cơ chế đào thải acid uric khỏi cơ thể. Bia có nguy cơ làm tăng acid uric nhiều hơn vì được làm từ houblon nên chứa nhiều tiền chất acid uric. Trái lại, rượu vang là loại thức uống chứa cồn ít làm tăng acid uric hơn các loại rượu bia khác.

Nồng độ acid uric trong máu sẽ lên đến đỉnh điểm vào khoảng 3 giờ sau khi uống bia rượu, sau đó sẽ giảm dần do cơ chế tự đào thải của cơ thể. Do đó các bữa tiệc rượu kéo dài liên tục nhiều giờ và nhiều ngày liền có thể làm cho nồng độ acid uric cơ thể luôn duy trì ở mức cao và gây ra cơn gout cấp.

Giữ ấm cơ thể

Nhiệt độ lạnh đột ngột có thể làm bùng phát gout và các bệnh xương khớp. Do đó, giai đoạn Tết cũng là khi trời trở lạnh, bạn cần mặc ấm, giữ chân tay luôn ấm, hạn chế tiếp xúc với nước lạnh buốt để kiểm soát gout.

Ngón chân cái là nơi thường xuất hiện cơn đau gout cấp do thân nhiệt lạnh hơn và ở vị trí thấp nhất của cơ thể, tinh thể acid uric dễ xuất hiện hơn.

Bác sĩ Nguyên khuyên, gout là bệnh lý thường gặp trong xã hội hiện đại và đang có khuynh hướng ngày càng tăng. Thay đổi những thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh trong những ngày Tết là góp phần hạn chế cơn gout cấp xuất hiện. Khi các triệu chứng gout cấp xuất hiện như sưng, nóng, đỏ, đau đột ngột nhất là ở ngón chân cái hoặc ở một khớp, gợi ý sau bữa tiệc rượu, bạn nên đến bác sĩ để điều trị hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ đầu. Sau khi khống chế được cơn đau cấp tính, bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị lâu dài, kiểm soát tốt nồng độ acid uric máu nhằm tránh những biến chứng lên các cơ quan khác như tim mạch, gan, thận.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn